Giai đoạn chuyển dạ đẻ thường, mẹ bầu sẽ trải qua rất nhiều hiện tượng. Trong đó, vấn đề cần chú ý nhất là những cơn co tử cung trong quá trình xóa mở cổ tử cung khi chuyển dạ. Chăm sóc chuyển dạ đẻ thường là quá trình rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới thành công của ca sinh cũng như vấn đề sức khỏe của thai phụ và thai nhi.
Bạn đang đọc: Những giai đoạn mẹ cần được chăm sóc chuyển dạ đẻ thường
1. Về giai đoạn chuyển dạ đẻ thường và những dấu hiệu mẹ bầu cần chú ý
Trong quá trình chuyển dạ đẻ thường, thai phụ sẽ lần lượt trải qua các giai đoạn:
– Giai đoạn đầu tiên trong chuyển dạ đẻ thường: Xóa mở cổ tử cung.
Đây là giai đoạn diễn ra trước khi cuộc chuyển dạ bắt đầu. Cổ tử cung lúc này có sự thay đổi rõ rệt, hướng ra phía trước, dần ngắn lại và trở nên mềm hơn. Sự xóa cổ tử cung được đo đạc chính xác, từ đó sẽ cho thấy khi nào cơ thể của người mẹ sẵn sàng cho quá trình “vượt cạn”. Độ xóa 0%, cơ thể của bạn chưa sẵn sàng cho ca sinh bởi cổ tử cung chưa có sự thay đổi. Độ xóa 50%, cổ tử cung lúc này đã giãn mỏng và chỉ còn giữ được độ dày bằng một nửa so với bình thường. Khi độ xóa đạt tới 100%, cổ tử cung lúc này được kéo giãn và mỏng hoàn toàn, hầu như chỉ còn lại phần dưới là cửa tử cung. Quá trình xóa mở cổ tử cung có thể kéo dài trong khoảng 15 tiếng. Trong đó, giai đoạn bắt đầu khoảng 8 tiếng, giai đoạn hoạt động có thể kéo dài 7 tiếng.
Giai đoạn đầu tiên trong chuyển dạ đẻ thường là xóa mở cổ tử cung, có thể kéo dài trong 15 tiếng
– Giai đoạn 2: Thai được sổ ra ngoài theo quá trình rặn của mẹ bầu.
Đây là giai đoạn diễn ra khi tử cung đã mở trọn vẹn. Cùng với mỗi cơn gò tử cung, áp suất trong buồng tử cung cũng tăng dần lên và thai cũng sẽ được đẩy ra từ ngả âm đạo của mẹ. Với những mẹ đẻ con so, thời gian rặn và sổ thai có thể kéo dài trong khoảng 1 tiếng. Những mẹ đẻ con rạ, thời gian diễn ra quá trình này sẽ nhanh hơn, trung bình khoảng 20 phút.
Thai được sổ ra ngoài theo quá trình rặn của mẹ, cùng với mỗi cơn co tử cung
– Giai đoạn 3: Sổ nhau.
Giai đoạn sổ nhau là giai đoạn cuối cùng của quá trình chuyển dạ đẻ thường. Lúc này, thai nhi đã được hỗ trợ đưa ra ngoài qua ngả âm đạo của mẹ. Mẹ sẽ tiếp tục rặn theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa cho đến khi phần phụ, bánh nhau cũng được sổ hết ra ngoài. Khi thai nhi đã ra ngoài, buồng tử cung dần co nhỏ lại theo những cơn co, khiến nhau chùn lại và bắt đầu bong ra, tách rời khỏi tử cung. Bằng sự kích thích của các cơn gò tử cung, bánh nhau được tống dần xuống ngả âm đạo và sổ hoàn toàn ra ngoài.
2. Cần làm gì để chăm sóc thai phụ tốt nhất trong từng giai đoạn chuyển dạ đẻ thường?
Mẹ bầu đẻ thường, giai đoạn chuyển dạ cần được hỗ trợ và chăm sóc bởi ekip Sản khoa theo một trình tự nhất định.
2.1. Chăm sóc chuyển dạ đẻ thường ở giai đoạn xóa mở tử cung
Đây là giai đoạn chuẩn bị cho quá trình vượt cạn của mẹ bầu. Vì vậy nên việc theo dõi, chăm sóc thai phụ ở thời điểm này cần chú ý thực hiện đầy đủ những bước sau:
– Khám tổng quát tình trạng sức khỏe, kiểm tra các chỉ số sinh tồn: Thai phụ sẽ được kiểm tra các chỉ số quan trọng như mạch, huyết áp, nhịp tim, cân nặng, nhịp thở, lưu thông nước tiểu/4 giờ… Với những thai phụ có bệnh lý, bệnh nền, việc theo dõi này càng phải cẩn thận hơn và được kiểm soát rõ ràng về mặt thời gian.
– Làm các xét nghiệm cận lâm sàng: Xét nghiệm nhóm máu, huyết đồ, phân tích mẫu nước tiểu, test nhanh HIV là những xét nghiệm cần thiết để có hướng xử lý kịp thời các vấn đề ở thai phụ trước khi sinh, hạn chế tối đa ảnh hưởng không đáng có tới thai nhi.
– Khám, theo sát quá trình xuất hiện các cơn co tử cung (thời gian diễn ra cơn co, thời gian tử cung nghỉ, cường độ mỗi cơn co, trương lực cơ), độ xóa mở tử cung.
Tìm hiểu thêm: Sâu răng nặng và biến chứng đáng gờm – Viêm tủy!
Chăm sóc chuyển dạ đẻ thường ở giai đoạn xóa mở tử cung, các mẹ sẽ được theo dõi cơn co tử cung cẩn thận
Trong giai đoạn này, bác sĩ Sản khoa sẽ theo dõi một số yếu tố cơ thể của mẹ và đưa ra hướng xử lý, gồm:
– Cơn co tử cung: Cơn co tử cung quá mạnh hoặc quá yếu đều có thể ảnh hưởng tới quá trình sinh nở của mẹ. Vì vậy, với những cơn co dồn dập và quá mạnh, các bác sĩ sẽ thực hiện khám để tìm ra nguyên nhân, từ đó quyết định sự bất thường đó có đến từ những nguyên nhân cơ học hay không, mẹ cần chuyển mổ hay không. Nếu cơn co tử cung quá yếu, thưa, bác sĩ có thể sử dụng oxytocin để cải thiện.
– Tim thai: Tim thai lúc này được theo dõi bằng máy monitor. Thời gian tiến hành đo trong 30 phút. Để nghe được tim thai, bác sĩ sẽ tiến hành xác định vị trí ngôi thai. Nếu tim thai dao động từ 120 đến 160 lần/phút, nhịp tim đều và rõ thì đó là tim thai bình thường.
– Khám, kiểm tra âm đạo: Thai nhi sẽ được đẩy ra ngoài qua ngả âm đạo của mẹ. Vậy nên việc kiểm tra và đánh giá tình trạng môi trường âm đạo lúc này là cần thiết, tránh trường hợp thai phụ bị nhiễm trùng âm đạo.
– Xác định ngôi thai: Ngôi thai lúc này đã được xác định để chuẩn bị cho quá trình “vượt cạn”. Ngôi thai cần được xác định tương xứng với mốc của khung chậu thai phụ.
– Độ lọt: Với những mẹ sinh con so, con đầu lòng, con sẽ lọt vào cuối thai kỳ. Những mẹ sinh con rạ, con thứ 2, thứ 3, con thường lọt khi có dấu hiệu chuyển dạ.
– Tình trạng ối: Sau khi ối vỡ một cách tự nhiên, bác sĩ sẽ kiểm tra xem có xảy ra tình trạng sa dây rốn không.
– Vệ sinh: Tầng sinh môn và âm hộ được vệ sinh và giữ khô ráo trước sinh. Trong thời gian chuyển dạ, thai phụ cũng được khuyến cáo không nên ăn uống gì và phải đi tiểu thường xuyên để bàng quang rỗng.
2.2. Chăm sóc chuyển dạ đẻ thường ở giai đoạn sổ thai
Khi cổ tử cung đã mở hoàn toàn, thai nhi có thể được đẩy ra ngoài một cách dễ dàng qua những cơn gò của mẹ. Cùng mỗi cơn gò, áp suất trong buồng tử cung cũng tăng lên, thúc đẩy quá trình đưa thai nhi ra ngoài. Một số yếu tố tác động tới quá trình đẩy thai nhi ra ngoài qua ngả âm đạo gồm:
– Cường độ mạnh, nhẹ cùng tần số mau, thưa của những cơn co.
– Kích thước, vị trí ngôi thai và độ lọt sàn chậu.
– Khung chậu của thai phụ có đủ rộng không, sức rặn ra sao.
>>>>>Xem thêm: Viêm nấm âm đạo và những điều cần lưu ý
Quá trình sổ thai, sản phụ sẽ được điều dưỡng hỗ trợ rặn sinh đúng cách
Cùng với việc theo dõi những yếu tố trên, trong quá trình sổ thai, điều dưỡng, ekip Sản khoa cũng sẽ theo dõi hoạt động của tim thai 5 phút một lần để đảm bảo an toàn.
2.3. Chăm sóc chuyển dạ đẻ thường ở giai đoạn sổ nhau
Sau khi sổ thai, phần phụ của mẹ cũng tiếp tục được sổ ra ngoài. Trong giai đoạn này, các bước chăm sóc chuyển dạ đẻ thường gồm:
– Kiểm tra tình trạng màng nhau: Màng nhau đủ không, có tồn tại bánh nhau phụ hay không, nhau bám thấp hay không,… đều được xác định qua bước này
– Kiểm tra bánh nhau: Xác định một số vấn đề như nhau có đủ không, có tồn tại máu tụ, bánh nhau vôi hóa ở mức độ bao nhiêu, cân nặng, đường kính bánh nhau.
– Kiểm tra tình trạng dây rốn: Bác sĩ tiến hành kiểm tra vị trí mà dây rốn bám vào bánh nhau. Đường kính, chiều dài dây rốn, dây rốn có gì bất thường không.
3. Các mẹ có thể làm gì để giảm bớt cơn đau chuyển dạ?
Trong quá trình diễn ra cơn chuyển dạ, các mẹ có thể cảm thấy đau và khó chịu. Lúc này, chị em có thể áp dụng thực hiện một số điều sau để giảm bớt cảm giác đau:
– Đi dạo, di chuyển để các cơn chuyển dạ, cơn co thắt tử cung bớt ảnh hưởng tới mẹ hơn.
– Sau khi đã đi dạo nhẹ nhàng, các mẹ nên nghỉ ngơi để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ thật.
– Có thể nhờ cậy sự hỗ trợ của các nữ hộ sinh, giúp mẹ massage để cảm thấy dễ chịu hơn.
Những thông tin trên đây đã cung cấp cho các mẹ chi tiết các vấn đề cần lưu ý, chăm sóc chuyển dạ đẻ thường. Ngoài ra, thai phụ cũng cần chú ý đến một số dấu hiệu chuyển dạ để có thể kịp thời đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa, bệnh viện và được theo dõi, hỗ trợ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.