Tiêm chủng là việc làm cần thiết mà bậc phụ huynh nào cũng cần để ý và cho con em mình đi tiêm. Việc tiêm phòng một cách đầy đủ sẽ giúp cho cơ thể trẻ có khả năng chống lại được bệnh tật, được gây ra bởi các loại virus, vi khuẩn nguy hiểm. Tuy nhiên, vẫn nhiều người chưa biết trẻ em cần tiêm những loại vacxin nào, cùng tìm hiểu nhé!
Bạn đang đọc: Những loại vắc xin trẻ em cần tiêm mà cha mẹ cần lưu ý
1. Lợi ích của việc tiêm vắc xin đối với đối tượng trẻ em
Vắc xin là một sản phẩm chế phẩm trong lĩnh vực y tế dự phòng. Thành phần của vắc xin gồm các kháng nguyên (virus, vi khuẩn) được làm yếu đi, giảm độc lực. Từng loại vắc xin khác nhau tương ứng với những loại tác nhân gây bệnh khác nhau. Những tác nhân mới khi được chủ động đưa vào bên trong cơ thể thông qua hình thức tiêm chủng sẽ khiến cho cơ thể nhận diện chủng loại và đưa ra những cơ chế miễn dịch để loại bỏ, không cho cơ thể bị bệnh.
Khi các kháng nguyên được đưa vào cơ thể lần đầu tiên, chúng sẽ giúp kích thích hệ miễn dịch để sản sinh ra kháng thể. Những kháng thể này tồn tại bên trong cơ thể của trẻ trong một thời gian nhằm giúp trẻ không bị bệnh nếu như trong tương lai trẻ bị những tác nhân gây bệnh này tấn công.
Trẻ em đã được tiêm vắc xin đầy đủ sẽ giảm nguy cơ mắc các loại bệnh.
Tiêm phòng mang đến rất nhiều lợi ích, nhất là với những đối tượng có sức để kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người sức khỏe không tốt. Vắc xin giúp bảo vệ người tiêm không bị nhiễm bệnh hoặc nếu nhiễm cũng bị nhẹ, nhanh khỏi, không biến chứng. Nếu so sánh giữa chi phí tiêm chủng và chi phí điều trị cho bệnh đó thì việc tiêm chủng mang đến những lợi ích ưu việt hơn hẳn. Chính vì vậy, để giúp trẻ luôn mạnh khỏe, không mắc bệnh, cha mẹ cần lưu ý đưa con đi tiêm chủng đầy đủ.
2. Cha mẹ có biết trẻ em cần tiêm những loại vacxin nào?
2.1 Trẻ em cần tiêm những loại vacxin nào trong chương trình tiêm chủng mở rộng?
Chương trình tiêm chủng mở rộng là một chương trình của Bộ Y tế tổ chức cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của UNICEF (Quỹ nhi đồng liên hợp quốc) và WHO.
Tiêm chủng mở rộng được áp dụng lần đầu tiên năm 1981 và kéo dài cho đến ngày nay. Ban đầu đối tượng được áp dụng tiêm chủng mở rộng là trẻ em ở lứa tuổi dưới 12 tháng, lứa tuổi được đánh giá là có nguy cơ cao mắc bệnh và cần được tiêm để phòng bệnh. Về sau, chương trình đã mở rộng hơn đối với lứa tuổi trẻ em đến 10 tuổi, thậm chí có một số mũi có thể tiêm cho người lớn, như mũi uốn ván cho người mang thai. Tiêm chủng mở rộng không chỉ mở rộng về lứa tuổi mà còn mở rộng về phạm vi lãnh thổ. Hiện nay, trên toàn bộ Việt Nam, trẻ em đều có quyền được tiêm theo chương trình này.
Những mũi tiêm chủng mở rộng hiện đang nằm trong chương trình tiêm chủng mở rộng của nhà nước, trẻ được tiêm hoàn toàn miễn phí đó là:
– Vắc xin lao BCG
– Vắc xin viêm gan B sơ sinh
– Vắc xin 5 trong 1 phòng các bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm màng não mủ/viêm phổi do vi khuẩn HiB và viêm gan B.
– Vắc xin Sởi – Rubella
– Vắc xin Viêm não Nhật Bản
– Vắc xin tả (đường uống)
– Vắc xin thương hàn
Bên cạnh những mũi vắc xin dành cho trẻ em, chương trình tiêm chủng mở rộng còn có vắc xin uốn ván dành cho phụ nữ mang thai tiêm trước sinh ít nhất 1 tháng.
Cha mẹ có thể cho trẻ đến trạm y tế xã, phường để được tiêm theo lịch đã được xây dựng theo từng độ tuổi cụ thể. Đặc biệt là được tiêm hoàn toàn không mất phí.
2.2 Trẻ em cần tiêm những loại vacxin nào khi tiêm dịch vụ
Nhìn vào những mũi tiêm chủng mở rộng đã liệt kê bên trên, chúng ta đều thấy có nhiều loại bệnh không nằm trong danh mục tiêm chủng miễn phí. Để bảo vệ con không bị những bệnh đó, phụ huynh cần phải đưa trẻ đi tiêm phòng ở các cơ sở tiêm dịch vụ bên ngoài. Cụ thể, các phòng tiêm bên ngoài có những mũi tiêm sau:
Tìm hiểu thêm: Bảo vệ sức khỏe với tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung
Các phòng tiêm chủng dịch vụ thường có đầy đủ các mũi tiêm cho trẻ.
– Vắc xin thủy đậu
– Vắc xin Sởi- Quai bị- Rubella
– Vắc xin viêm gan A
– Vắc xin viên gan AB
– Vắc xin phế cầu phòng các bệnh như viêm phổi, viêm màng não, viêm tai giữa do phế cầu khuẩn tuyp B
– Vắc xin Rota phòng ngừa bệnh nhiễm khuẩn ruột, dạ dày
– Vắc xin viêm màng não mô cầu tuýp BC và ACYW
– Vắc xin cúm tiêm hàng năm cho mọi đối tượng
– Vắc xin ung thư cổ tử cung
– Vắc xin dại
Nếu có điều kiện, các bậc cha mẹ nên đưa con đi tiêm phòng đầy đủ các mũi tiêm kể cả mũi trong chương trình tiêm miễn phí của nhà nước và cả những mũi dịch vụ bên ngoài. Tiêm đầy đủ các mũi có thể giúp trẻ được bảo vệ một cách toàn diện hơn. Nếu tỉ lệ trẻ đã được tiêm chủng cao sẽ giúp cho cộng đồng giảm nguy cơ mắc bệnh.
3. Tiêm vắc xin cho trẻ em và những điều phụ huynh cần lưu ý
Việc tiêm vắc xin cho trẻ em là một phần quan trọng trong chương trình tiêm chủng để bảo vệ sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn và hiệu quả, cần phải chú ý đến một số điều quan trọng trước, trong và sau khi tiêm chủng.
Trước khi tiêm chủng, việc quan trọng nhất là thảo luận với bác sĩ hoặc nhân viên y tế về lịch trình tiêm chủng cho trẻ. Bác sĩ sẽ đưa ra thông tin về loại vắc xin cần tiêm, lịch trình tiêm chủng và tình trạng sức khỏe của trẻ. Trong quá trình này, cha mẹ cần thông báo cho bác sĩ về bất kỳ vấn đề sức khỏe đặc biệt nào của trẻ, cũng như mọi tình trạng dị ứng hoặc phản ứng tiêm chủng trước đó của trẻ.
>>>>>Xem thêm: Tầm quan trọng của tiêm vắc xin viêm gan B cho người lớn
Cho trẻ ở lại phòng tiêm để được theo dõi các phản ứng.
Khi đến tiêm chủng, cha mẹ cần chắc chắn rằng trẻ đã ăn uống và nghỉ ngơi đầy đủ. Việc này giúp trẻ cảm thấy thoải mái hơn và giảm nguy cơ xảy ra cảm giác khó chịu sau khi tiêm. Nếu trẻ đang bị bệnh hoặc có triệu chứng sốt, cha mẹ cần thông báo cho bác sĩ trước khi tiêm chủng để quyết định liệu có nên tiêm vắc xin trong tình trạng đó hay không.
Trong quá trình tiêm chủng, cha mẹ cần giữ cho trẻ yên tĩnh và thoải mái. Họ có thể cầm tay và nói chuyện với trẻ để làm dịu cảm giác căng thẳng. Việc này giúp trẻ cảm thấy an toàn và tin tưởng hơn trong quá trình tiêm chủng.
Sau khi tiêm chủng, cha mẹ cần chú ý đến bất kỳ dấu hiệu phản ứng tiêm chủng nào ở trẻ. Các dấu hiệu này có thể bao gồm đỏ, sưng, đau và nóng tại vị trí tiêm, sốt, hoặc phát ban. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào xuất hiện, cha mẹ cần theo dõi và thông báo cho bác sĩ nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng hoặc kéo dài.
Trên đây là những thông tin về vấn đề trẻ em cần tiêm những loại vacxin nào để cha mẹ tham khảo. Nếu cần giải đáp các thắc mắc, vui lòng liên hệ trực tiếp đến Phòng tiêm chủng Thu Cúc TCI.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.