Những lưu ý khi dùng thuốc cho bệnh nhân xơ gan

Gan là cơ quan vô cùng quan trọng, được xem như “nhà máy” thải độc tố và cung cấp nguồn năng lượng cho cơ thể. Khi gan bị xơ hóa đồng nghĩa với chức năng gan kém, bệnh nhân cần tiếp nhận điều trị phù hợp. Dưới đây là những lưu ý khi dùng thuốc cho bệnh nhân xơ gan.

1. Hiểu về bệnh xơ gan để dùng thuốc đúng cách

1.1  Thế nào là bệnh xơ gan?

Xơ gan là căn bệnh mạn tính ở gan, được xem là giai đoạn muộn của quá trình xơ hóa do nhiều tác nhân gây ra. Khi gan bị tổn thương có thể tự phục hồi nhưng quá trình này có thể để lại sẹo. Tổn thương càng nhiều thì càng gây tác hại lớn.

Mô sẹo sẽ ngăn chặn dòng máu chảy qua gan khiến chức năng gan kém đi, quá trình xử lý chất độc tại gan qua đó cũng kém, đồng thời giảm lượng protein gan tạo ra. Bệnh xơ gan trong giai đoạn cuối có thể ảnh hưởng lớn tới sức khỏe thậm chí là tính mạng của người bệnh.

Những lưu ý khi dùng thuốc cho bệnh nhân xơ gan

Bệnh xơ gan có thể dẫn tới nhiều biến chứng đe dọa tính mạng của người bệnh

Bên cạnh khả năng hoạt hóa vitamin và cân bằng hormone, gan còn có chức năng xử lý chất đường, mỡ và đạm để các cơ quan trong cơ thể dễ hấp thụ hơn. Khi một người bị xơ gan, chức năng này có thể hoạt động kém, tạo ra những nốt tăng sinh. Theo thời gian, gan sẽ mất đi chức năng vốn có và không thể hoạt động bình thường, thậm chí có thể khiến người bệnh tử vong.

1.2 Những tác hại nghiêm trọng do xơ gan

Ở bệnh nhân xơ gan, sức khỏe giảm sút nhanh và nghiêm trọng. Bệnh sẽ ngày càng nặng hơn nếu không được điều trị đúng hướng, phù hợp. Đặc biệt khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 4, tiên lượng của bệnh nhân tương đối thấp.

Bệnh nhân xơ gan trong giai đoạn sớm thường không có nhiều biểu hiện, thậm chí không nhận thấy triệu chứng rõ ràng.

Cũng có một số bệnh nhân nhận thấy các biểu hiện nhẹ như: mệt mỏi, ăn uống kém, đau hạ sườn phải… Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển đến giai đoạn 4, những triệu chứng nặng có thể xảy ra: đau bụng kéo dài, cổ trướng, bụng to, da bụng căng, mạch máu nổi trên da bụng, lách to ở sườn tới vài cm, chảy máu chân răng…

Nếu không được điều trị sớm có thể dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng như: nôn ra máu, giãn mạch máu tiêu hóa, suy gan, thậm chí hôn mê gan, ung thư gan.

Những lưu ý khi dùng thuốc cho bệnh nhân xơ gan

Bệnh nhân cần thăm khám đầy đủ và tuân theo chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên khoa khi mắc xơ gan

1.3 Phân loại bệnh xơ gan

Xơ gan được chia thành hai dạng như sau:

– Xơ gan còn bù: giai đoạn đầu của bệnh và thường kéo dài nhiều năm mà không có biểu hiện cụ thể hay dễ bị nhầm lẫn với các bệnh lý khác, trong giai đoạn này gan vẫn có thể thực hiện chức năng của mình. Tuy nhiên sau nhiều năm nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng và nhiều biến chứng thì người bệnh cần điều trị. Phát hiện sớm bệnh giai đoạn này có khả năng cao điều trị tốt bởi thuốc.

– Xơ gan mất bù: giai đoạn muộn của bệnh xơ gan khi gan không thực hiện những chức năng của nó và có những biểu hiện gan kém rõ ràng hơn. Khi phát hiện trong giai đoạn này thì bệnh đã có những biến chứng nguy hiểm, trong đó có thể là ung thư gan.

Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ có thể đưa ra phác đồ chữa trị phù hợp với từng bệnh nhân.

1.4 Những nguyên nhân dẫn tới bệnh xơ gan

Có nhiều nguyên nhân gây xơ gan, trong đó 2 nguyên nhân chính bao gồm:

– Viêm gan do virus: Viêm gan B mạn tính và viêm gan C mạn tính là những loại viêm gan virus chủ yếu gây xơ gan

– Lạm dụng rượu bia: Gây viêm gan do rượu, khi viêm gan kéo dài sẽ dẫn đến xơ gan. Đặc biệt, uống nhiều rượu bia cũng có thể gây tăng cường sản xuất các hóa chất độc hại tích tụ trong gan, gây tổn thương các tế bào gan và tăng sinh mô sẹo, khiến tình trạng xơ gan ngày càng nghiêm trọng.

Ngoài 2 nguyên nhân chính như trên, xơ gan còn có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân khác như:

Thừa cân, béo phì, hoặc tiểu đường tuýp 2, hoặc mắc hội chứng chuyển hóa dẫn đến nguy cơ diễn tiến bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu.

Người mắc bệnh viêm gan tự miễn: Là một bệnh gan mạn tính do nguyên nhân tự miễn. Lúc này, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công tế bào gan, gây viêm và tổn thương gan, lâu dài dẫn đến xơ gan.

Các bệnh về đường mật như: tắc ống mật, viêm đường mật xơ cứng nguyên phát, ung thư đường mật, …

Do tiếp xúc lâu dài với một số chất độc môi trường hoặc sử dụng một số loại thuốc có thể gây tổn thương gan, trong đó có thuốc giảm đau không kê đơn. Điều này gây bệnh viêm gan nhiễm độc, có thể dẫn tới xơ gan.

Rối loạn di truyền: Một số tình trạng bệnh dị truyền có khả năng tích tụ độc tố trong gan, hình thành tổn thương dẫn đến xơ gan.

Những lưu ý khi dùng thuốc cho bệnh nhân xơ gan

Viêm gan do virus B và C là một trong những nguyên nhân gây xơ gan

2. Lưu ý khi dùng thuốc cho bệnh nhân xơ gan

2.1 Nguyên tắc dùng thuốc cho bệnh nhân xơ gan

Nếu có thể, các bác sỹ sẽ ưu tiên những thuốc an toàn cho gan khi điều trị cho một ngưởi mắc bệnh về gan, trong đó có bệnh nhân xơ gan. Những người mắc các loại bệnh gan nặng hơn như xơ gan phải cẩn thận hơn về các loại thuốc và liều lượng khi dùng. Có một số loại thuốc không nên sử dụng hoặc nên dùng với liều giảm khi dùng cho bệnh nhân xơ gan tiến triển.

Loại thuốc được biết đến nhiều nhất có thể gây hại cho gan là thuốc giảm đau, hạ sốt: Acetaminophen (Paracetamol). Một phần do thuốc được bán sẵn rộng rãi mà không cần kê đơn, trong khi người bệnh nhận thức chưa đầy đủ về cách sử dụng và hậu quả của thuốc. Loại thuốc này nếu sử dụng theo đúng chỉ dẫn sẽ an toàn ngay cả đối với những người mắc bệnh gan. Tuy nhiên, khi uống quá nhiều acetaminophen cùng một lúc, hoặc dùng liều cao liên tục trong vài ngày có thể gây tổn thương cho gan. Vì vậy, bệnh nhân mắc bệnh gan nên hạn chế lượng thuốc acetaminophen hàng ngày xuống 2.000mg mỗi ngày hoặc ít hơn nếu có bệnh gan nặng. Liều lượng và cách dùng thuốc tốt nhất nên hỏi ý kiến bác sĩ.

Với các thuốc chống viêm không steroid như aspirin, diclofenac, profenic…: Tuy số người bị tổn thương gan do nhóm thuốc này rất thấp nhưng do được sử dụng quá rộng rãi để trị đau nhức khớp nên được xếp vào một trong những thuốc gây tổn thương gan.

Thuốc kháng lao cũng được đánh giá là nhóm thuốc thường gây tổn thương gan.

Thuốc tẩy giun và một số loại kháng sinh, thuốc trị nấm như ketoconazole, thuốc mỡ máu, thuốc đái tháo đường; thuốc gây mê… cũng có thể làm hại gan.

Các loại thuốc Nam, thuốc Bắc: Do nhận thức của không ít người còn hạn chế, với quan niệm thuốc bắc, thuốc nam lành tính nên chưa biết hết tác dụng phụ của các loại thuốc này. Trên thực tế, thuốc đông y Trung Quốc nếu sử dụng lâu dài và quá liều dễ gây tổn thương gan nặng thậm chí suy gan cấp, có thể dẫn đến tử vong.

2.2 Phòng tránh tác hại khi dùng thuốc ở bệnh nhân xơ gan

Nếu ngưởi bệnh bị bệnh gan tiến triển như xơ gan nặng, cần tham khảo ý kiến ​​bác sĩ chuyên khoa gan trước khi bắt đầu dùng thuốc mới.

Cần hiểu biết và lưu giữ các loại thuốc, thảo dược, thực phẩm chức năng đang dùng. Đồng thời thông báo cho bác sĩ khi thăm khám và trong quá trình điều trị.

Nếu sử dụng thuốc không kê đơn cũng cần hỏi ý kiến bác sĩ, chú ý đọc kĩ hướng dẫn sử dụng và không bao giờ lạm dụng thuốc. Tránh dùng liều tối đa trong thời gian dài mà không hỏi ý kiến ​​bác sĩ. Chỉ sử dụng thuốc theo đơn khi đã được bác sĩ hướng dẫn.

Nếu người bệnh đang dùng một số loại thuốc, hãy chắc chắn rằng các thành phần không giống nhau; tránh việc dùng quá liều.

Tuân thủ khuyến cáo của bác sĩ về chế độ sinh hoạt, ăn uống để hỗ trợ việc dùng thuốc điều trị. Cụ thể, cần thực hiện lối sống lành mạnh như tránh rượu, bia; giảm thiểu các món ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh. Hạn chế tiếp xúc khói bụi, thuốc trừ sâu, phân bón…Uống nhiều nước, bổ sung vitamin và các chất vi lượng cần thiết cho cơ thể như vitamin A,E, K, C… để giúp gan khỏe mạnh hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *