Sâu răng là vấn đề muôn thuở mà bất cứ ai cũng từng trải qua hoặc phải chịu ảnh hưởng của nó ít nhất 1 lần trong đời. Dù đã chăm sóc kĩ càng, vệ sinh răng miệng đều đặn nhưng vẫn có thể bị sâu răng. Cùng TCI đi tìm lý do sâu răng và những biện pháp giúp ngăn ngừa tình trạng này nhé!
Bạn đang đọc: Những lý do sâu răng và biện pháp phòng ngừa
1. Nguyên nhân và cơ chế hình thành sâu răng
Vi khuẩn Streptococcus Mutans là đối tượng gây nên sâu răng
Vi khuẩn có sẵn trong miệng chính là nguyên nhân tạo nên tình trạng sâu răng. Trong miệng chúng ta luôn có sẵn cả vi khuẩn có lợi và có hại, ở môi trường thích hợp, vi khuẩn có hại, chủ yếu là vi khuẩn loại Streptococcus Mutans, sẽ sinh sôi nhanh chóng và tấn công vào các lớp cấu trúc của răng, gây nên sâu răng.
Khi có thức ăn dính lên mặt răng đặc biệt là chất đường và tinh bột, các vi khuẩn này sẽ phân hủy thức ăn và tiết ra acid. Vi khuẩn, acid và mùn thức ăn có trên mặt răng sẽ kết hợp, tạo thành một màng dính chặt vào răng mà chúng ta vẫn hay gọi là mảng bám. Mảng bám có đặc tính là rất dính và tồn tại ở tất cả các mặt răng đặc biệt là răng hàm, hoặc những kẽ răng khó làm sạch. Mảng bám này sẽ dần dần khoáng hóa bởi chất khoáng tồn tại trong nước bọt và thức ăn tạo thành một thể cứng hơn – cao răng.
Cao răng trở thành nơi trú ngụ và là lá chắn cho vi khuẩn sinh sôi, càng nhiều vi khuẩn, càng nhiều acid được tạo ra, răng càng dễ bị ăn mòn. Sau khi men răng bị ăn mòn dần dần thành lỗ lại trở thành điều kiện thuận lợi để vi khuẩn và thức ăn bám vào, tổ chức cứng từ men đến ngà răng càng bị phá hủy, lỗ sâu răng càng được mở rộng và tiến về phía tủy răng. Từ đó gây nên sâu tủy răng và các biến chứng khác như viêm tủy, viêm chóp răng, viêm nướu,…
2. Lý do sâu răng dễ phát triển là gì?
Nguy cơ sâu răng tồn tại ở tất cả mọi người, tuy nhiên với một số tác nhân có vẻ rất đơn giản nhưng lại là những lý do sâu răng vẫn mãi không khỏi, khiến sâu răng tiến triển nặng sẽ cao hơn.
2.1 Lý do sâu răng do thói quen xấu
– Vệ sinh răng không kỹ và đầy đủ: Đây là lý do sâu răng phổ biến hàng đầu. Nếu không làm sạch răng sau khi ăn uống bằng cách đánh răng dùng chỉ nha khoa, nước súc miệng mảng bám sẽ hình thành nhanh chóng và có thể bắt đầu giai đoạn đầu gây sâu răng
– Ăn những loại thực phẩm dễ dính vào răng và khó làm sạch: Những loại thực phẩm dễ bám vào răng trong thời gian dài như mật ong, chocolate, soda, sữa, kem, trái cây khô, các loại bánh kẹo,… có khả năng gây sâu răng cao hơn các loại thực phẩm dễ bị nước bọt rửa trôi.
– Ăn vặt thường xuyên: Khi ăn vặt và uống những đồ nhiều đường sẽ tạo môi trường thuận lợi để vi khuẩn trong khoang miệng tạo ra acid tấn công răng.
– Trẻ nhỏ uống sữa đêm trước khi ngủ khiến chúng vẫn còn trên răng trong nhiều giờ trong khi ngủ và gây ra sâu răng.
– Không bổ sung đủ Fluoride – một khoáng chất giúp ngừa sâu răng, thậm chí có khả năng đảo ngược tổn thương răng ở giai đoạn sớm. Có thể bổ sung Fluoride qua cá sản phẩm kem đánh răng và nước súc miệng.
2.2 Lý do sâu răng do ảnh hưởng bệnh lý và cơ thể
– Tuổi tác: Qua thời gian, răng sẽ dần bị mòn,nướu bị thoái hóa, khiến răng dễ bị sâu hơn.
– Chứng khô miệng: Nước bọt có tác dụng giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách cuốn đi thức ăn và mảng bám trên răng của bạn. Một số chất được tìm thấy có trong nước bọt còn có tác dụng chống lại axit do vi khuẩn tạo ra. Chính vì vậy khi mắc chứng giảm tiết nước bọt sẽ làm tăng nguy cơ sâu răng. Một số loại thuốc, bệnh tật, xạ trị ở vùng đầu hoặc cổ, hoặc thuốc hóa trị có thể gây nên tình trạng này.
Tìm hiểu thêm: PSA người bình thường là bao nhiêu?
Ợ nóng cũng góp phần gây nên sâu răng
– Trào ngược dạ dày thực quản (GERD) hoặc chứng ợ nóng có thể khiến axit dạ dày trào ngược lên miệng và làm mòn men răng, gây tổn thương răng đáng kể. Từ đó làm lộ ra ngà răng và đây là cấu trúc dễ dàng bị tấn công bởi vi khuẩn, gây nên sâu răng. Để xác định được đây có phải là nguyên nhân gây nên sâu răng không, người bệnh cần đi kiểm tra hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa.
– Rối loạn ăn uống: Rối loạn ăn uống gây chán ăn hoặc cuồng ăn, nôn ngay sau ăn cũng có thể tăng nguy cơ sâu răng. Acid dạ dày do nôn nhiều lần sẽ đọng lại trên răng và bắt đầu hòa tan men răng, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công. Chứng rối loạn ăn uống cũng có thể gây giảm tiết nước bọt.
– Vị trí răng: Sâu răng hay xảy ra ở răng hàm hơn vì chúng có nhiều rãnh, khó làm sạch.
3. Các biện pháp phòng ngừa bệnh sâu răng đơn giản
– Đánh răng và súc miệng bằng các sản phẩm chứa fluoride sau khi ăn hoặc uống: Bên cạnh việc đánh răng đúng cách, đầy đủ và kỹ lưỡng 2 lần/ngày hoặc sau ăn 30 phút với kem đánh răng có chứa fluoride, bạn nên sử dụng chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng một cách nhẹ nhàng. Nếu nha sĩ cảm thấy bạn có nguy cơ bị sâu răng cao, họ có thể tư vấn sử dụng thêm nước súc miệng chứa fluoride.
>>>>>Xem thêm: Bệnh nhân ung thư bạch cầu không nên ăn gì?
Khám răng định kỳ giúp phát hiện sâu răng sớm để điều trị kịp thời
– Khám răng định kỳ: Khám răng định kì với quy trình làm sạch răng chuyên nghiệp và kiểm tra sức khỏe răng miệng toàn diện sẽ giúp ngăn ngừa, kiểm soát và phát hiện sâu răng từ giai đoạn sớm.
– Tránh ăn vặt liên tục: Mọi đồ ăn và uống không phải nước đều sẽ giúp vi khuẩn tạo ra acid và phá hủy men răng. Nếu duy trì ăn nhẹ hoặc uống nước ngọt có gas trong thời gian dài thì răng sẽ bị tấn công liên tục.
– Ăn thực phẩm tốt cho răng miệng: Một số loại trái cây và rau quả tươi có khả năng làm tăng lưu lượng nước bọt, hỗ trợ làm sạch răng liên tục. Ngoài ra, cà phê không đường, trà không đường và kẹo cao su không đường cũng giúp rửa trôi thức ăn.
Hy vọng những lý do sâu răng và các biện pháp phòng sâu răng cơ bản trên đây đã giúp bạn tìm được phương pháp bảo vệ răng và ngăn ngừa sâu răng phù hợp với bản thân. Đừng quên đi khám răng định kì để sức khỏe răng miệng được kiểm soát đầy đủ nhất nhé!
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.