Xử trí tai biến mạch máu não (đột quỵ) sai cách gây hậu quả nặng nề cho người bệnh, thậm chí tử vong. Cùng đọc bài viết sau để biết các sai lầm khi xử trí người bị tai biến mạch máu não tuyệt đối cần tránh và đâu là cách xử trí đúng? Bài viết sẽ giúp bạn giải đáp vấn đề này.
Bạn đang đọc: Những sai lầm khi xử trí tai biến mạch máu não
1. Những sai lầm hay mắc phải khi xử trí tai biến mạch máu não
1.1 Không di chuyển người bị tai biến mạch máu não
Nhiều người lầm tưởng rằng không được di chuyển người bệnh nhân đột quỵ vì việc di chuyển người bệnh sẽ làm vỡ các mạch máu trong não. Tuy nhiên đó là suy nghĩ sai. Bởi khi bệnh nhân bị đột quỵ thì việc chúng ta cần làm là nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có khả năng chữa được và gần bệnh nhân nhất hoặc xe cứu thương từ nơi gần nhất phải nhanh chóng đến đưa bệnh nhân đi cấp cứu.
Nếu không liên lạc được với đơn vị y tế bạn phải nhanh chóng di chuyển (đúng cách) để đưa người bệnh đến viện vì cứ 1 phút chúng ta trì hoãn có thể chết đến 2 triệu tế bào não của người bệnh và các tế bào não khi đã chết không thể phục hồi được.
Việc chúng ta quyết định để bệnh nhân ở nhà và không đưa đến viện đã vô tình làm mất thời gian vàng có thể cứu chữa được cho bệnh nhân.
Trong cấp cứu người bệnh đột quỵ “thời gian là tế bào não”, khi bệnh nhân càng đến viện sớm thì khả năng chữa được càng cao. Ngược lại, nếu đưa bệnh nhân đến trễ thì khả năng thành công thấp và nguy cơ tử vong cao, để lại nhiều di chứng nặng nề.
1.2 Xử trí tai biến mạch máu não bằng cách chích nặn máu ở 10 đầu ngón tay: đúng hay sai?
Nhiều người cho rằng việc nặn máu ở 10 đầu ngón tay sẽ giúp giảm huyết áp và giảm áp lực lên não. Tuy nhiên phương pháp này chỉ làm tổn thương người bệnh, trì hoãn thời gian đưa người bệnh đến cơ sở y tế bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị và không có tác dụng gì đối với trường hợp người bệnh bị đột quỵ.
1.3 Xử trí tai biến mạch máu não bằng cách lấy máu ở dái tai: đúng hay sai?
Tương tự như việc chích nặn máu ở 10 đầu ngón tay thì việc lấy máu ở dái tai là các biện pháp phản khoa học khi sơ cấp cứu người bệnh đột quỵ mà bạn không nên áp dụng. Việc làm này chỉ làm kéo dài thêm thời gian chờ và rút ngắn “thời gian vàng” của người bệnh. Tuyệt đối bạn không nên áp dụng.
Tìm hiểu thêm: Rối loạn giấc ngủ ở trẻ: Nguyên nhân, cách khắc phục
1.4 Uống các loại thuốc được quảng cáo là chữa đột quỵ
Hiện nay trên thị trường có quảng cáo nhiều loại thuốc có thể chữa đột quỵ hoặc hỗ trợ kéo dài thời gian vàng cho người bệnh nhưng điều này là sai.
Bởi vì, bệnh nhân bị đột quỵ thì chức năng nuốt sẽ bị ảnh hưởng và nếu chúng ta cho bệnh nhân uống các thuốc sẽ vô tình làm tăng nguy cơ viêm phổi do hít sặc, do thức ăn, do thuốc rơi vào phổi.
2. Các bước sơ cứu bệnh nhân đột quỵ chuẩn khoa học
– Đặt bệnh nhân ở tư thế nằm, kê đầu với độ cao khoảng 30-40 độ.
– Nới rộng quần áo thông thoáng cho bệnh nhân.
– Xoay người bệnh nhân sang một bên để không bị sặc (vì trong cổ họng bệnh nhân lúc này có thể có nhiều đờm rãi, xoay nghiêng sẽ giúp đờm rãi chảy ra ngoài không chảy ngược gây bít tắc đường thở).
– Chờ nhân viên y tế đến hoặc nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế có khả năng cấp cứu và gần nhất.
3. Dự phòng tai biến mạch máu não tái phát
3.1 Tỷ lệ tái phát tai biến mạch máu não
Người từng bị tai biến mạch máu não có thể bị tái phát và hậu quả những lần đột quỵ sau vô cùng nặng nề.
Theo thống kê, cứ 4 người từng bị đột quỵ thì có 1 người bị tái phát trong vòng 5 năm. Thực tế cho thấy, những lần tái phát sau để lại hậu quả nặng nề hơn lần trước và khả năng hồi phục cũng ít hơn, chi phí điều trị cũng vì thế mà tăng lên nhiều lần.
3.2 Nguyên nhân khiến tai biến mạch máu não tái phát
Sau tai biến mạch máu não lần đầu, người bệnh vẫn có thể bị tái phát do các yếu tố sau vẫn chưa được kiểm soát tốt như:
– Tăng huyết áp
– Mỡ máu cao
– Uống nhiều bia, rượu
– Hút thuốc lá
– Chế độ ăn uống không khoa học
– Lười vận động
– Dư cân, béo phì
– Ngưng thở khi ngủ
– Bệnh lý tim mạch, tiểu đường, bệnh mạch máu não (thiếu máu não), … không được kiểm soát tốt.
>>>>>Xem thêm: Rối loạn tiền đình uống nước gì để kiểm soát bệnh?
3.3 Dự phòng tai biến mạch máu não tái phát
Việc kiểm soát tốt các yếu tố nguyên nhân gây tai biến mạch máu não kể trên, cũng là biện pháp dự phòng tai biến mach máu não tái phát.
Theo đó bạn nên thực hiện các biện pháp dự phòng sau đâu:
– Kiểm soát tốt huyết áp bằng cách thường xuyên kiểm tra chỉ số huyết áp tại nhà và khi đi khám sức khỏe định kỳ.
– Tập thể dục đều đặn, kiểm soát căng thẳng, duy trì cân nặng hợp lý tránh dư cân béo phì.
– Chế độ ăn uống khoa học, đời sống tinh thần lành mạnh, tránh xa các đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ và bia rượu. Nên ăn đủ chất dinh dưỡng và uống nhiều nước. Tăng cường ăn nhiều rau xanh và trái cây.
– Bỏ hút thuốc lá
– Kiểm soát tốt chỉ số đường huyết.
– Nếu bị ngưng thở khi ngủ hay ngủ ngáy cần điều trị ngưng thở khi ngủ và cải thiện chứng ngủ ngáy.
– Dùng thuốc dự phòng tái phát tai biến mạch máu não theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa: nếu bệnh nhân bị nhồi máu não tùy theo mức độ tổn thương, các bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc chống ngưng tập kết tiểu cầu, thuốc chống đông để giúp giảm nguy cơ tái phát tai biến mạch máu não. Các loại thuốc này bạn cần sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý uống hoặc dừng uống, mọi thay đổi cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.