Gan nhiễm mỡ kéo dài có thể gây ra nhiều tác hại “ghê gớm” như viêm gan, xơ gan, ung thư gan. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh, cũng như làm tăng tỷ lệ bệnh nhân phải ghép gan hiện nay. Cùng tìm hiểu kỹ hơn về những tác hại của bệnh gan nhiễm mỡ và mối nguy hiểm khi căn bệnh này đang ngày càng trẻ hóa.
Bạn đang đọc: Những tác hại của bệnh gan nhiễm mỡ mà bạn không ngờ tới
1. Thế nào là gan bị nhiễm mỡ?
Ở người bình thường gan luôn chứa một lượng mỡ nhất định, thường là rất thấp (chỉ chiếm từ 2-4% trong lượng của gan).
Gan nhiễm mỡ hay còn gọi là thoái hóa mỡ gan là tình trạng mỡ tích tụ trong gan vượt quá 5% trọng lượng gan (mỡ ở đây chủ yếu là Triglycerid).
Gan nhiễm mỡ là khi lượng mỡ tích tụ trong gan vượt quá 5% trọng lượng gan.
2. Các cấp độ và biểu hiện của bệnh gan nhiễm mỡ
Gan nhiễm mỡ có thể phân ra thành 3 giai đoạn tương ứng với các mức độ tổn thương gan là:
2.1 Gan nhiễm mỡ giai đoạn nhẹ
Ở giai đoạn này người bệnh thường không có biểu hiện cụ thể. Cũng chính vì điều này, mà nhiều người bị gan nhiễm mỡ nhẹ đã không biết mình mắc bệnh hoặc lơ là, chủ quan, bỏ qua khi nghe bác sĩ kết luận gan nhiễm mỡ nhẹ. Việc bỏ lỡ “giai đoạn vàng” có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh gan nhiễm mỡ này sẽ gây ra những tác hại của bệnh gan nhiễm mỡ.
2.2 Gan nhiễm mỡ giai đoạn nặng hơn
Lúc này người bệnh bắt đầu có các biểu hiện như chán ăn, ăn không ngon, khó tiêu, đầy bụng, buồn nôn, mệt mỏi thường xuyên. Các biểu hiện này dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý ở đường tiêu hóa, nhưng đây lại là giai đoạn tích tụ, nuôi bệnh và chưa có phương pháp để điều trị triệt để, nếu lơ là chủ quan dễ chuyển biến sang giai đoạn nặng, kéo theo những tác hại của bệnh gan nhiễm mỡ nặng nề hơn.
2.3 Giai đoạn nặng nhất
Khi này các biểu hiện của bệnh diễn biến rầm rồ và dễ nhận thấy như đau tức hạ sườn phải, vàng da, vàng mắt, u mạch nổi lên trên da, chán ăn, mệt mỏi, sút cân nhanh chóng. Đây là giai đoạn nặng của gan nhiễm mỡ nếu không được điều trị và kiểm soát hiệu quả sẽ dẫn tới biến chứng viêm gan nhiễm mỡ (viêm gan mỡ), xơ gan, ung thư gan. Đây là những tác hại của bệnh gan nhiễm mỡ mà không bác sĩ hay bệnh nhân nào mong muốn gặp phải.
Tìm hiểu thêm: Viêm tụy cấp thể phù nề: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Bệnh gan nhiễm mỡ tiến triển nặng dần qua từng giai đoạn, các tác hại của bệnh cũng sẽ tăng dần lên.
3. Những tác hại của bệnh gan nhiễm mỡ
3.1 Viêm gan mỡ/Viêm gan nhiễm mỡ – tác hại của bệnh gan nhiễm mỡ
Thường xảy ra sau giai đoạn nhiễm mỡ gan, đây cũng là tiền thân của quá trình xơ gan. Khi lượng mỡ tích tụ quá nhiều và lâu ngày khiến chức năng chống và thải độc của gan bị suy giảm. Chính điều này tạo điều kiện cho các virus, vi khuẩn, ký sinh trùng, độc tố, từ ruột và bên ngoài xâm nhập vào và gây bệnh viêm gan. Đặc biệt, ở những người bị nhiễm virus viêm gan B, nếu mỡ gan nhiều dễ làm tình trạng viêm gan trở nên nặng nề và dễ biến chứng hơn.
3.2 Xơ gan – tác hại của bệnh gan nhiễm mỡ
Sự suy giảm chức năng của các tế bào gan bị mỡ bao phủ lâu ngày sẽ khiến các tế bào gan hoạt động quá mức, tạo ra các sợi xơ gan. Sự phát triển các sợi xơ gan ngày càng nhiều sẽ gây tổn thương, hoại tử tế bào gan, cấu trúc của gan khi này cũng bị thay đổi, dễ hình thành các mô sẹo khiến gan bị chai cứng, không còn khả năng phục hồi và dẫn tới xơ hóa gan.
3.3 Ung thư gan – tác hại của bệnh gan nhiễm mỡ
Các tế bào gan bị phá hủy bởi các mô sẹo, khi tình trạng xơ gan nặng dễ gây suy gan (suy giảm chức năng gan) không thể phục hồi và dẫn tới các tế bào gan bị chết hàng loạt. Thay thế cho các tế bào gan lành bị chết đi là sự tăng trưởng và phát triển không kiểm soát được của các tế bào ung thư gan. Quá trình từ gan nhiễm mỡ dẫn tới xơ gan, ung thư gan thường tiến triển một cách âm thầm và kéo dài trong nhiều năm, khoảng 20 năm.
Gan nhiễm mỡ phá hủy dần các tế bào gan và khiến chức năng gan bị suy giảm, do đó bệnh gan nhiễm mỡ rất cần được tầm soát sớm để ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm như xơ gan, ung thư gan. Theo thống kê, gan nhiễm mỡ là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ ghép gan ở bệnh nhân tăng lên.
Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng hiệu quả bệnh nhân gan nhiễm mỡ nhẹ có thể khỏi hoàn toàn, gan nhiễm mỡ giai đoạn nặng hơn có thể kiểm soát, ngăn chặn biến chứng xơ gan, ung thư gan.
>>>>>Xem thêm: Khám và điều trị bệnh nóng gan
Gan nhiễm mỡ nếu không được điều trị có thể dẫn tới biến chứng nguy hiểm nhất là ung thư gan.
4. Gan nhiễm mỡ ngày càng trẻ hóa và nguyên nhân
4.1 Gan nhiễm mỡ ngày càng trẻ hóa
Rất đáng lo ngại là bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng phổ biến và trẻ hóa. Tại Mỹ, có tới 10-20% dân số bị mắc gan nhiễm mỡ. Còn tại Việt Nam, ước tính có khoảng 20-30% dân số bị gan nhiễm mỡ.
Nếu như trước đây, lứa tuổi bị gan nhiễm mỡ đa số là từ 40-60 tuổi thì hiện nay bệnh gan nhiễm mỡ ngày càng trẻ hóa, có những người mới chỉ ngoài 20 hoặc 30 tuổi đã bị gan nhiễm mỡ. Gan nhiễm mỡ có thể xảy ra ở cả trẻ em, nhưng tỷ lệ ghi nhận thường ít.
4.2 Nguyên nhân khiến bệnh gan nhiễm mỡ trẻ hóa
Theo các chuyên gia về gan mật, có một cách phân loại khác của bệnh gan nhiễm mỡ đó là gan nhiễm mỡ không do rượu và gan nhiễm mỡ do rượu. Cách phân loại này cũng phần nào thể hiện rõ nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ, nhấn mạnh vào yếu tố bia, rượu.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ chủ yếu đến từ chế độ dinh dưỡng và ít vận động của người bệnh. Khi cơ thể bạn nạp quá nhiều chất béo và ít vận đọng dễ gây dư cân, béo phì điều này khiến mỡ trong cơ thể chuyển hóa không kịp sẽ tích tụ trong gan dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ.
Ngoài bia rượu, chế độ ăn dư thừa chất béo thì gan nhiễm mỡ có thể do một số nguyên nhân khác gây ra như sau:
– Bệnh mỡ máu
– Bệnh tiểu đường type 2
– Bệnh béo phì
– Gene di truyền
– Sút cân quá nhanh
– Tác dụng phụ của thuốc
Cần lưu ý rằng, các thuốc bạn sử dụng có thể có những tác dụng phụ nhất định, do đó bạn cần tham khảo ý kiến của bác sĩ và tuyệt đối không được lạm dụng thuốc vì chúng có thể gây gan nhiễm mỡ, suy giảm chức năng thận,…. kéo dài nguy hiểm đến tính mạng.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.