Nội soi dạ dày giúp phát hiện và xử trí các tổn thương, bệnh lý ở ống tiêu hóa trên. Trong khi đó, nội soi đại tràng là phương pháp chẩn đoán các bất thường tại ống tiêu hóa dưới. Người bệnh có thể thực hiện nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc. Điều này mang lại nhiều lợi ích vượt trội, giúp người bệnh tiết kiệm thời gian và chi phí.
Bạn đang đọc: Nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc mang lại nhiều lợi ích
1. Sơ lược về nội soi dạ dày và nội soi đại tràng
Nội soi tiêu hóa là phương pháp hữu hiệu giúp phát hiện các bất thường, bệnh lý tại ống tiêu hóa (thực quản, dạ dày, tá tràng, đại trực tràng). Nội soi tiêu hóa bao gồm nội soi đường tiêu hóa trên (hay nội soi dạ dày) và nội soi đường tiêu hóa dưới (nội soi đại tràng). Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp nội soi tùy vào các triệu chứng mà bạn gặp phải.
1.1. Nội soi dạ dày
Thủ thuật này sử dụng ống nội soi mềm (đường kính khoảng 1cm) có gắn camera và đèn để quan sát bên trong thực quản, dạ dày, tá tràng. Hình ảnh thu được sẽ hiển thị trực tiếp trên màn hình. Ống nội soi có thể đưa qua miệng hoặc mũi xuống thực quản vào dạ dày, tá tràng. Người bệnh có thể lựa chọn nội soi không đau (có gây mê) hoặc nội soi không gây mê.
Nội soi dạ dày giúp phát hiện các bất thường tại niêm mạc ống tiêu hóa trên, chẩn đoán các bệnh lý, phát hiện ung thư dạ dày. Thông qua nội soi, bác sĩ sẽ chẩn đoán và xử trí các bất thường như dị vật, viêm loét, polyp, chảy máu,…
1.2. Nội soi đại tràng
Với nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ đưa ống nội soi đi từ hậu môn qua trực tràng vào đại tràng. Đây là giải pháp giúp phát hiện các bất thường ở niêm mạc ống tiêu hóa dưới (trực tràng, đại tràng, manh tràng và phần cuối của ruột non). Từ đó bác sĩ chẩn đoán chính xác các tổn thương, bệnh lý bao gồm dị vật, loét, polyp, khối u, xuất huyết, ung thư,…
Giống với nội soi dạ dày, bạn có thể lựa chọn thực hiện nội soi đại tràng không đau (có gây mê) hoặc nội soi đại tràng không gây mê.
2. Có thể nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc không?
Từ định nghĩa về nội soi dạ dày và nội soi đại tràng, hai phương pháp này hoàn toàn có thể thực hiện đồng thời. Các chuyên gia tiêu hóa cho biết, điều này không làm tăng nguy cơ hay rủi ro của thủ thuật.
Thông thường, người bệnh sẽ thực hiện nội soi dạ dày trước. Sau khi kết thúc nội soi dạ dày, bác sĩ sẽ đổi dây soi và tiến hành nội soi đại tràng.
Tìm hiểu thêm: Ung thư trực tràng là gì?
3. Lợi ích khi nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc
Thực hiện đồng thời nội soi dạ dày và đại tràng mang đến cho người bệnh một số lợi ích như sau:
3.1. Tiết kiệm thời gian
Trước khi thực hiện nội soi tiêu hóa, người bệnh cần thăm khám lâm sàng với bác sĩ chuyên khoa, thực hiện các xét nghiệm cần thiết và hoàn thiện hồ sơ nội soi.
Khi thực hiện nội soi dạ dày – đại tràng cùng lúc, người bệnh chỉ cần thực hiện một lần các thủ tục kể trên. Do đó, tổng thời gian thăm khám sẽ giảm đi đáng kể so với nội soi riêng lẻ.
3.2. Tối ưu chi phí
Người bệnh chỉ cần thăm khám, xét nghiệm và gây mê (với nội soi không đau) một lần cho cả hai thủ thuật nội soi. Điều này giúp tiết kiệm chi phí hơn so với thực hiện độc lập từng thủ thuật.
3.3. Kiểm tra tổng thể ống tiêu hóa trong 1 lần thăm khám
Chỉ với một lần đến bệnh viện kiểm tra, người bệnh đã được thăm khám toàn bộ ống tiêu hóa trên và ống tiêu hóa dưới. Đặc biệt nếu lựa chọn nội soi không đau, chỉ sau một giấc ngủ ngắn 15 phút êm ái là quá trình thực hiện đã hoàn tất. Điều này cũng giúp người bệnh giảm thiểu công sức di chuyển từ nhà đến bệnh viện.
4. Lưu ý khi nội soi dạ dày và đại tràng đồng thời
4.1. Chuẩn bị trước khi nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc
Trước khi tiến hành nội soi, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề như sau:
– Điều chỉnh chế độ ăn uống: Sử dụng các loại thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu hóa; tránh các loại thực phẩm dai cứng, khó tiêu hóa, có màu đỏ, các loại rau nhiều chất xơ,…
– Tham khảo ý kiến bác sĩ về các loại thuốc đang sử dụng để có sự điều chỉnh hợp lý.
– Nhịn ăn tối thiểu 6 giờ và nhịn uống 4 giờ trước khi thực hiện nội soi dạ dày và đại tràng.
– Sử dụng thuốc làm tan bọt dạ dày (làm sạch dạ dày) và thuốc nhuận tràng mạnh (làm sạch đại tràng) theo hướng dẫn của bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Xung huyết dạ dày có nguy hiểm không?
3.2. Sau khi thực hiện nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc
Khi kết thúc nội soi, những vấn đề người bệnh cần lưu ý bao gồm:
– Nếu thực hiện nội soi gây mê, người bệnh nên nghỉ ngơi tại viện trong thời gian ngắn đến khi tỉnh táo hoàn toàn.
– Người bệnh nên ăn thức ăn mềm, chế biến lòng như cháo loãng, súp,… Tránh các thực phẩm cay, sữa nóng,… để không làm tổn thương niêm mạc ống tiêu hóa.
– Người bệnh có thể cảm thấy đau cổ họng, đầy hơi,… sau khi nội soi. Các triệu chứng này sẽ nhanh chóng biến mất và không cần lo lắng. Nếu có các dấu hiệu bất thường như buồn nôn kéo dài, chóng mặt, xuất huyết tiêu hóa, người bệnh cần liên hệ ngay với bác sĩ để được hỗ trợ.
Tóm lại, nội soi dạ dày và đại tràng cùng lúc có thể mang đến cho người bệnh nhiều lợi ích, tối ưu thời gian và chi phí. Người bệnh cần thăm khám với bác sĩ để được chỉ định phương pháp nội soi cụ thể, đảm bảo an toàn, hiệu quả và chẩn đoán chính xác.