Nội soi gắp xương cá là hình thức điều trị phổ biến với tình trạng hóc dị vật xương cá trong đời sống thường nhật. Vậy, khi nào cần thực hiện thủ thuật này và liệu khi hóc xương cá có những cách điều trị nào khác? Hãy cùng tìm hiểu những điều này cùng TCI trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Nội soi gắp xương cá cho người bị hóc
1. Tình trạng hóc xương cá và phương pháp nội soi gắp xương
1.1.Tai nạn hóc xương cá
Hóc xương cá là một trong những tai nạn thường xảy ra trong đời sống, là tình trạng xương cá trong quá trình ăn uống bị rơi xuống và giữ lại ở khu vực đường ăn uống hoặc đường thở, gây trạng thái khó chịu, nuốt vướng, đau nhức. Hầu hết các tình huống hóc xương cá có thể giải quyết đơn giản và không để lại biến chứng. Tuy nhiên, tùy từng tình huống hóc xương mà người bị hóc có thể đối mặt với những bất lợi hoặc nguy hiểm với sức khỏe do xương cá gây nên.
Hóc xương cá là một trong những vấn đề thường gặp phải trong đời sống
Một số vấn đề cần cảnh giác khi hóc xương cá như:
– Xương cá đâm vào niêm mạc họng gây trầy xước, nhiễm trùng,
– Làm thủng thực quản, đâm vào động mạch chủ nguy hiểm
– Gây nhiễm trùng máu.
– Đâm và gây viêm nhiễm, áp xe, tắc nghẽn khu vực đường thở
– Rơi xuống khu vực đường tiêu hóa, gây thủng ruột, viêm phúc mạc nguy hiểm với nhiều biến chứng nặng nề.
Các bác sĩ tai mũi họng cũng cho biết, xương cá có thể được xử lý nhanh và đơn giản. Trong một số trường hợp không được xử lý đúng cách, những hệ lụy từ hóc xương có thể rất lâu dài. Chính vì thế, cần xử lý sớm tránh biến chứng khi gặp tình trạng này.
1.2. Nội soi gắp xương cá
Nội soi gắp xương cá là hình thức xử lý hóc khá quen thuộc tại khoa tai mũi họng. Khi đó, với thiết bị nội soi, các bác sĩ có thể dễ dàng xác định vị trí, hình dạng của xương cá cùng tình trạng ảnh hưởng của xương cá với bệnh nhân. Thông qua đó, việc gắp xương cá được tiến hành dễ dàng, chính xác, không ảnh hưởng đến các bộ phận khác. Đồng thời, các bác sĩ có các phương án điều trị cần thiết đi kèm nếu bệnh nhân có vấn đề viêm nhiễm.
Hầu hết các trường hợp nội soi nhằm gắp xương cá hiện nay không cần gây mê/gây tê. Thủ thuật này cũng được thực hiện rất nhanh chóng, người bệnh có thể đi về ngay trong ngày và không phải ở lại nằm viện.
2. Cách thực hiện nội soi lấy xương cá cho người bị hóc
2.1. Khi nào cần nội soi lấy xương cá
Trong tình trạng bệnh nhân có triệu chứng hóc, trước tiên, bác sĩ sẽ sử dụng đèn clar để soi họng, kiểm tra xem xương cá có bị mắc ở khu vực cửa họng dễ nhìn không. Nếu xương cá có thể được nhìn thấy dễ dàng và trực tiếp khi chiếu đèn clar, bác sĩ sẽ dùng kẹp y tế để gắp xương cá ra nhẹ nhàng.
Nếu kiểm tra ban đầu không xác định được vị trí xương cá, bác sĩ sẽ dùng ống nội soi để kiểm tra các khu vực góc của họng và vùng dưới họng. Sau khi xác định được vị trí của xương cá, bác sĩ sẽ kết hợp ống nội soi và kẹp nhằm lấy xương cá gây hóc ra khỏi vị trí xương đang gây hóc. Lưu ý xem xét chống chỉ định dùng phương pháp với tình trạng người bị hóc có vấn đề bệnh lý cột sống cổ hoặc miệng hạn chế.
Tìm hiểu thêm: Dấu hiệu viêm amidan nhiều người không phát hiện sớm bệnh
Nội soi là hình thức quen thuộc trong điều trị hóc xương cá
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định chụp chiếu để thấy vị trí của xương cá nếu nội soi không tìm ra hoặc xương cá ở vị trí quá sâu. Với tình trạng xương cá đâm xuyên thực quản hay hạ họng để lại biến chứng, việc phẫu thuật có thể là phương án cần được ưu tiên.
2.2. Kỹ thuật gắp xương cá qua ống nội soi
Hầu hết các trường hợp nội soi lấy xương cá không cần thực hiện gây mê hoặc gây tê. Tuy nhiên, một số tình huống có thể được chỉ định việc này. Với các trường hợp này, trước nội soi, cần có các xét nghiệm cơ bản cho phẫu thuật.
Dụng cụ cần thiết cho kỹ thuật này là bộ dụng cụ khám tai mũi họng, bao gồm: gương soi thanh quản, thiết bị khám nội soi có que dẫn sáng, bộ soi thanh quản, ống hút, kìm hoặc kẹp phẫu tích gắp dị vật.
Cách thực hiện:
Người bệnh ngồi hoặc nằm ngửa để thực hiện thủ thuật. Với các trường hợp gây tê, tiền mê hoặc gây mê, các bác sĩ sẽ thực hiện thao tác này trước khi soi tìm xương cá bằng ống nội soi. Sau khi xác định vị trí xương cá, bác sĩ sẽ dùng kìm gắp xương cá ra nhẹ nhàng cho người bệnh.
Sau khi gắp xương cá, tùy theo sự tổn thương của người bệnh, bác sĩ có thể chỉ định dùng kháng sinh, giảm viêm với thời lượng phù hợp. Việc dặn dò chăm sóc hậu phẫu, theo dõi sức khỏe cũng là điều cần thiết mà bác sĩ lưu ý với người mới được gắp xương cá.
3. Một số điều cần lưu ý khi bị hóc xương cá
Hóc xương cá thường có thể xử lý đơn giản tại các bệnh viện tai mũi họng, nhưng do một số sai lầm trong xử lý ban đầu mà nhiều người bị hóc có thể chịu hậu quả không mong muốn. Các bác sĩ khuyến cáo bệnh nhân cần tránh những hành động như:
– Đưa tay vào miệng để móc lấy xương cá, nhất là khi không biết xương cá ở đâu. Hành động này có thể khiến tình trạng hóc xương nhẹ nhàng trở nên nặng nề do xương cá bị đẩy sâu vào thực quản, đến các vị trí khó lấy hơn hoặc đâm vào các vùng niêm mạc lành.
– Dùng các mẹo chữa hóc như: nuốt cục cơm, cục khoai hoặc miếng rau lớn, uống chanh, giấm,… Việc cố nuốt xương có thể gây tình trạng dị vật đường tiêu hóa với nhiều nguy hiểm.
– Không chữa hóc luôn mà để xương cá lâu ngày đau âm ỉ trong cổ họng, dễ dẫn đến hoại tử mô hoặc áp xe, viêm nhiễm lan rộng.
>>>>>Xem thêm: Học phương pháp sơ cứu hóc dị vật Heimlich
Thăm khám sớm để gắp xương cá kịp thời, tránh biến chứng từ bệnh
Nhìn chung, khi bị hóc xương cá, cần sớm đến các cơ sở tai mũi họng để giải quyết đúng cách và tránh biến chứng. Việc nội soi gắp xương cá không phải là phương án duy nhất được sử dụng với người bị hóc, mà tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp phù hợp. Bên cạnh đó, hóc xương cá có thể để lại những biến chứng không ngờ đến. Vì thế, cần nâng cao cảnh giác hằng ngày, thực hiện cẩn trọng trong ăn uống để tránh những vấn đề mà tình trạng hóc dị vật này gây nên.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.