Nuốt vướng ở thực quản là một triệu chứng phổ biến và có thể gây ra nhiều khó chịu cũng như lo lắng cho người bệnh. Tình trạng này có thể xuất hiện ở bất kỳ lứa tuổi nào và có thể là dấu hiệu của nhiều bệnh lý khác nhau, từ nhẹ đến nghiêm trọng. Việc hiểu rõ nguyên nhân, phương pháp chẩn đoán và cách điều trị là rất quan trọng để quản lý và giải quyết triệu chứng này một cách hiệu quả.
Bạn đang đọc: Nuốt vướng ở thực quản: Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị
1. Nguyên nhân gây nuốt vướng
Nuốt vướng ở thực quản có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm các nguyên nhân cơ học và chức năng.
1.1 Nguyên nhân cơ học
– Hẹp thực quản: Đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nuốt vướng. Hẹp thực quản có thể do sẹo từ viêm hoặc chấn thương hoặc do khối u.
– Khối u thực quản: Các khối u, dù là lành tính hay ác tính, đều có thể gây hẹp lòng thực quản, làm cản trở quá trình nuốt.
– Dị vật: Dị vật bị mắc kẹt trong thực quản, chẳng hạn như xương cá, viên thuốc, có thể gây cảm giác nuốt vướng và đau.
– Bất thường cấu trúc: Những bất thường bẩm sinh như vòng thực quản, túi thừa Zenker có thể gây nuốt vướng.
1.2 Nguyên nhân chức năng
– Rối loạn vận động thực quản: Bao gồm các bệnh lý như co thắt tâm vị (achalasia), co thắt thực quản lan tỏa, có thể làm gián đoạn quá trình nuốt.
– Bệnh trào ngược dạ dày – thực quản (GERD): Axit từ dạ dày trào ngược lên thực quản có thể gây viêm, dẫn đến hẹp thực quản và nuốt vướng.
– Bệnh lý thần kinh – cơ: Các bệnh như Parkinson, xơ cứng cột bên teo cơ (ALS) có thể ảnh hưởng đến sự phối hợp cơ bắp cần thiết cho quá trình nuốt.
Cảm giác nuốt vướng, khó chịu ở thực quản có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra.
2. Phương pháp chẩn đoán nuốt vướng ở thực quản
Việc chẩn đoán nuốt vướng ở thực quản đòi hỏi sự kết hợp của nhiều phương pháp khác nhau. Đầu tiên các bác sĩ sẽ tiến hành hỏi về triệu chứng, khai thác tiền sử bệnh, thăm khám lâm sàng để đánh giá sơ bộ tình trạng của bệnh nhân. Sau đó bệnh nhân sẽ được chỉ định làm một hoặc một số phương pháp sau:
2.1 Xét nghiệm máu
Xét nghiệm máu được dùng loại trừ trong các trường hợp nghi ngờ các nguyên nhân gây nuốt vướng là do thiếu máu hoặc nhiễm trùng.
2.2 Nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng (EGD)
Đây là phương pháp chẩn đoán quan trọng, cho phép bác sĩ nhìn trực tiếp vào thực quản, dạ dày và tá tràng để phát hiện các bất thường như viêm, loét, khối u hoặc chít hẹp.
2.3 Chụp X-quang thực quản với chất cản quang (Barium Swallow)
Bệnh nhân sẽ uống một loại chất lỏng chứa barium, sau đó chụp X-quang để theo dõi cách barium di chuyển qua thực quản. Phương pháp này giúp phát hiện các bất thường về hình dạng hoặc chức năng của thực quản. Ngoài ra, chụp cắt lớp vi tính (CT scan) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) có thể được sử dụng để đánh giá chi tiết hơn các cấu trúc của thực quản và các cơ quan lân cận.
2.3 Đo áp lực thực quản chẩn đoán nuốt vướng ở thực quản
Đo áp lực thực quản là một phương pháp chẩn đoán được sử dụng để đánh giá chức năng của thực quản, đặc biệt là khi bệnh nhân có triệu chứng nuốt vướng hoặc khó nuốt (dysphagia). Phương pháp này đo lường áp lực và các mẫu co bóp của các cơ trong thực quản khi bệnh nhân nuốt, giúp xác định xem các cơ và các cơ thắt thực quản có hoạt động bình thường hay không.
Theo đó, một ống mềm, mỏng (catheter) được đưa qua mũi hoặc miệng vào thực quản và dạ dày. Catheter này có các cảm biến áp lực dọc theo chiều dài để đo áp lực tại các điểm khác nhau trong thực quản. Các cảm biến trên catheter sẽ ghi lại áp lực trong thực quản khi bệnh nhân nuốt. Các dữ liệu thu thập được từ các cảm biến sẽ được phân tích để đánh giá chức năng co bóp của thực quản và các cơ thắt thực quản.
Phương pháp đo áp lực thực quản độ phân giải cao (HRM) là phương pháp kiểm tra chức năng thực quản đang được ứng dụng tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc với độ chính xác và an toàn cao do được thực hiện bởi hệ thống máy móc hiện đại từ Mỹ và sự phối hợp của các bác sĩ, kỹ thuật viên giàu kinh nghiệm của Khoa Thăm dò chức năng – Nội soi tiêu hóa.
2.4 Đo pH thực quản 24 giờ tìm kiếm nguyên nhân gây nuốt vướng ở thực quản
Đây là phương pháp đo lường độ axit trong thực quản trong vòng 24 giờ để phát hiện và đánh giá mức độ, tần suất trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Do đó là một công cụ quan trọng trong chẩn đoán bệnh GERD) và các vấn đề liên quan đến nuốt vướng hoặc khó nuốt.
Với phương pháp này, một ống thông nhỏ và mỏng có chứa cảm biến đo pH sẽ được đưa qua mũi hoặc miệng vào thực quản và được đặt khoảng 5 cm trên cơ thắt thực quản dưới (LES). Ống thông này được kết nối với một thiết bị ghi lại, đeo bên ngoài cơ thể, giúp ghi nhận mức độ axit trong thực quản suốt 24 giờ, cả khi bệnh nhân ăn uống, nằm, đứng, ngồi.
Phương pháp này đang được triển khai tại Bệnh viện ĐKQT Thu Cúc, hỗ trợ đắc lực trong các trường hợp chẩn đoán GERD và các bệnh lý gây các triệu chứng tương tự như nuốt vướng, buồn nôn, ợ chua, ợ nóng…
2.5 Siêu âm nội soi
Kết hợp giữa nội soi và siêu âm để tạo hình ảnh chi tiết của lớp thành thực quản và các cấu trúc xung quanh, giúp phát hiện khối u hoặc các bất thường khác.
Quá trình chẩn đoán thường bắt đầu từ những phương pháp đơn giản và ít xâm lấn hơn, sau đó nếu cần thiết sẽ tiến hành các kỹ thuật phức tạp và chuyên sâu hơn. Việc lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào triệu chứng cụ thể, tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và kết quả từ các bước chẩn đoán ban đầu.
3. Điều trị nuốt vướng ở thực quản
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây nuốt vướng các phương pháp điều trị khác nhau sẽ được . Dưới đây là một số phương pháp điều trị phổ biến:
3.1 Điều trị bằng thuốc để điều trị nuốt vướng ở thực quản
Các thuốc được sử dụng có thể bao gồm thuốc ức chế bơm proton (PPI) và thuốc kháng histamine H2 (trong trường hợp nuốt vướng do GERD); thuốc giãn cơ (trong các rối loạn vận động thực quản).
3.2 Can thiệp, phẫu thuật
Có thể sử dụng bóng hoặc ống thông để giãn nở trong các trường hợp hẹp thực quản hoặc loại bỏ dị vật bằng nội soi khi có dị vật bị mắc kẹt trong thực quản.
Các phẫu thuật hở được thực hiện khi có khối u lớn hoặc các dị tật cần chỉnh sửa. Phẫu thuật nội soi ít xâm lấn hơn, được sử dụng trong các trường hợp như co thắt tâm vị.
3.3 Các biện pháp hỗ trợ
Các biện pháp hỗ trợ bao gồm thay đổi chế độ ăn uống (ăn mềm, chia nhỏ bữa ăn), tập nuốt với sự hướng dẫn của chuyên gia trị liệu ngôn ngữ và nuốt.
Tìm hiểu thêm: Cắt ruột thừa: chỉ định, quy trình và cách chăm sóc sau mổ
>>>>>Xem thêm: Trị rối loạn tiêu hóa bằng thuốc nam
Ăn các loại thực phẩm mềm, hạn chế đồ ăn cay nóng, bia rượu sẽ giúp cải thiện triệu chứng nuốt vướng.
Nuốt vướng ở thực quản là một triệu chứng có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, từ nhẹ như GERD đến nghiêm trọng như ung thư thực quản. Việc chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời là rất quan trọng để giảm thiểu biến chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh. Nếu bạn hoặc người thân gặp phải triệu chứng nuốt vướng, hãy đến gặp bác sĩ để được tư vấn và điều trị thích hợp.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.