Oflovid là thuốc nhỏ mắt thường được chỉ định điều trị các bệnh về mắt do nhiễm vi khuẩn như viêm túi lệ, viêm bờ mi, chắp (lẹo), viêm sụn mi, viêm kết mạc, viêm giác mạc hoặc dùng làm kháng sinh dự phòng dùng trước và sau phẫu thuật mắt. Cùng tìm hiểu về thuốc Oflovid và những lưu ý khi sử dụng thuốc này trong điều trị các bệnh về mắt.
Bạn đang đọc: Oflovid và vai trò trong điều trị các bệnh về mắt
1. Các bệnh nhiễm khuẩn mắt – Cần lưu ý từ nguyên nhân
Các bệnh nhiễm khuẩn mắt thường gặp bao gồm:
1.1 Viêm bờ mi
Đây là tình trạng bờ mi mắt bị viêm, sưng, kèm theo cảm giác ngứa, bỏng rát, đỏ và phù. Bệnh này thường xảy ra do tình trạng tắc nghẽn các tuyến tiết dầu ở gốc lông mi, gây kích ứng và ửng đỏ. Tuy là không gây nguy hiểm đến thị lực và không lây nhiễm nhưng tình trạng viêm bờ mi khiến người bệnh khó chịu, mất tập trung, giảm tầm nhìn. Viêm bờ mi có thể gây ảnh hưởng lên cả hai mắt.
1.2 Viêm túi lệ
Viêm túi lệ là tình trạng nhiễm trùng xảy ra tại túi lệ, ống lệ ở khóe mắt gần mũi. Viêm túi lệ có thể do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng thường gặp nhất là do tắc nghẽn lệ đạo. Lệ đạo bị tắc khiến nước mắt không được dẫn lưu xuống mũi và trào ra ngoài, ứ đọng tại túi lệ gây viêm. Viêm túi lệ có thể dẫn tới nhiễm trùng mắt và làm mờ mắt. Đồng thời khiến người bệnh cảm thấy rất khó chịu, ảnh hưởng đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống.
1.3 Viêm kết mạc
Kết mạc mắt gồm kết mạc nhãn cầu (lớp màng mỏng trong suốt ở bề mặt lòng trắng) và kết mạc mi (lớp niêm mạc lót phía trong mi trên và mi dưới). Viêm kết mạc là tình trạng lớp niêm mạc này bị viêm do nhiều tác nhân khác nhau. Bệnh viêm kết mạc còn được gọi là bệnh đau mắt đỏ, thường xảy ra vào mùa xuân hè và có thể lây lan thành dịch.
Ngoài ra, chắp (lẹo), viêm giác mạc cũng là các bệnh nhiễm khuẩn mắt phổ biến. Hầu hết nguyên nhân gây ra các bệnh lý này là vi khuẩn, virus, nấm,… Để điều trị các bệnh này, bác sĩ thường chỉ dịnh bệnh nhân dùng thuốc Oflovid kết hợp với một số loại kháng sinh khác và vệ sinh mắt.
Các bệnh nhiễm khuẩn mắt như viêm bờ mi, viêm túi lệ, chắp lẹo gây rất nhiều khó chịu cho người bệnh.
2. Oflovid thuốc nhỏ mắt được chỉ định trong những trường hợp nào?
Oflovid là thuốc nhỏ mắt chứa kháng sinh, thường chứa trong lọ 5ml và có thành phần chính là 0,3% Ofloxacin. Hoạt chất này có tác dụng ức chế tổng hợp ADN của vi khuẩn. Với hiệu lực kháng khuẩn mạnh, phổ rộng, Ofloxacin giúp chống lại các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn mắt bao gồm:
– Các vi khuẩn gram dương: Điển hình là Streptococcus sp. (kể cả S. pneumoniae), Micrococcus sp., Corynebacterium sp., Staphylococcus sp.,…
– Các vi khuẩn gram âm: Haemophilus influenzae, Haemophilus aegyptius (trực khuẩn Koch – Weeks), Klebsiella sp., Serratia sp., Proteus sp., Acinetobacter Sp., Pseudomonas sp. (kể cả P. aeruginosa), Moraxella sp.,…
– Các vi khuẩn kỵ khí: Phổ biến nhất là Propionibacterium acnes,…
Thuốc được chỉ định trong các trường hợp điều trị các bệnh về mắt do các vi khuẩn nhạy cảm kể trên gây ra, cụ thể gồm các bệnh:
Viêm túi lệ
Viêm bờ mi
Chắp (lẹo)
Viêm sụn mi
Viêm kết mạc
Viêm giác mạc (bao gồm cả loét giác mạc)
Ngoài ra, thuốc còn được sử dụng làm kháng sinh dự phòng dùng trước và sau phẫu thuật mắt.
Tìm hiểu thêm: Probio – Bổ sung đúng cách để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh
Oflovid được dùng để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn mắt
3. Những lưu ý khi sử dụng Oflovid
3.1 Liều dùng
Thuốc Oflovid được dùng bằng cách nhỏ trực tiếp vào mắt. Thông thường, liều dùng thuốc Oflovid áp dụng cho cả trẻ em và người lớn được nhà sản xuất khuyến cáo đều là mỗi lần nhỏ vào mắt 1 giọt, ngày nhỏ 3 lần. Liều lượng này có thể được điều chỉnh theo triệu chứng và cơ địa của người bệnh. Thời gian điều trị tùy vào loại nhiễm khuẩn và khả năng đáp ứng của bệnh nhân. Tốt nhất người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa mắt để được tư vấn chuyên môn phù hợp.
Hiện không có dữ liệu về tình trạng quá liều thuốc nhỏ mắt Oflovid tuy nhiên người dùng vẫn cần thận trọng và cần báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng nghi ngờ dùng thuốc quá liều.
Nếu quên 1 liều, hãy bổ sung ngay khi nhớ ra. Nếu quá gần với liều kế tiếp, người bệnh có thể bỏ qua liều đã quên để dùng liều tiếp theo.
3.2 Tác dụng phụ của thuốc nhỏ mắt Oflovid
Khi sử dụng thuốc nhỏ mắt Oflovid, bệnh nhân có thể gặp phải một số tác dụng phụ như:
– Ngứa mí mắt
– Kích ứng mắt
– Xung huyết kết mạc
– Sưng mí mắt
– Đau nhức mắt
– Sốc phản vệ, nổi ban, mề đay
– Phù kết mạc
Nếu gặp các tác dụng phụ này, bệnh nhân cần dừng thuốc và thông báo cho các bác sĩ ngay hoặc đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ xử lý. Đặc biệt cần tới bệnh viện ngay nếu có các triệu chứng như nổi ban, hạ huyết áp, khó thở, phù mí mắt,…
4. Những lưu ý khi sử dụng thuốc Oflovid
– Chỉ sử dụng thuốc nhỏ mắt Oflovid theo đơn của bác sĩ
– Khi sử dụng thuốc, không nên để đầu lọ thuốc chạm vào mắt một cách trực tiếp hoặc tiếp xúc với các bề mặt khác, tránh làm nhiễm bẩn thuốc.
– Nếu dùng thuốc Oflovid với 1 loại thuốc nhỏ mắt khác thì nên nhỏ 2 loại cách nhau tối thiểu 5 phút
– Việc điều trị với thuốc Oflovid nên giới hạn trong thời gian tối thiểu cần tiêu diệt vi khuẩn để tránh sự xuất hiện của các loại vi khuẩn kháng thuốc
– Tránh sử dụng thuốc nhỏ mắt Oflovid kéo dài hơn so với thời gian chỉ định
– Chỉ dùng thuốc nhỏ mắt đỏ Oflovid cho phụ nữ có thai và cho con bú nếu lợi ích điều trị được dự tính hơn hẳn nguy cơ có thể xảy ra.
Chuyên khoa Mắt – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI quy tụ đội ngũ bác sĩ hàng đầu thuộc lĩnh vực này cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại sẽ giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý về mắt và chỉ định đơn thuốc phù hợp cho bệnh nhân. Khi thấy các triệu chứng khó chịu ở mắt, hãy chủ động thăm khám để được chẩn đoán và điều trị chính xác, tư vấn dùng thuốc hiệu quả.
>>>>>Xem thêm: Loperamid: Liều dùng và những lưu ý khi sử dụng
Cần thăm khám và sử dụng Oflovid theo đúng chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt.
Trên đây là những thông tin về Oflovid và những lưu ý khi sử dụng. Đối với các bệnh về mắt, bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định thì việc vệ sinh mắt là vô cùng quan trọng. Hãy tham khảo ý kiến chuyên gia để được hướng dẫn chi tiết.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.