Thủy đậu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất lành tính và ít gây ra biến chứng nguy hiểm nếu trẻ em được chăm sóc và điều trị đúng cách. Vậy phác đồ điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ em là gì?
Bạn đang đọc: Phác đồ điều trị bệnh thủy đậu ở trẻ, cha mẹ nên biết
1. Khái niệm bệnh thủy đậu ở trẻ
Thủy đậu ở trẻ em là một tình trạng nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra, thường xuất hiện trong thời tiết nóng ẩm hoặc khi chuyển mùa và có khả năng lây lan nhanh chóng, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư. Bệnh thường phát triển ở trẻ dưới 15 tuổi và có thể gây ra hậu quả nặng nề ở trẻ dưới 12 tháng, tăng nguy cơ mắc bệnh zona sau này lên 4,5 lần so với những trẻ khác.
Các triệu chứng ban đầu của thủy đậu thường bao gồm mệt mỏi, sốt, chán ăn và sưng hạch. Sau khoảng 1-2 ngày, trẻ sẽ phát ban, xuất hiện nhiều mụn nước nhỏ, gây ngứa, lan tỏa trên vùng ngực, lưng, bụng và mặt, và sau đó lan rộng khắp cơ thể. Cuối cùng, mụn nước sẽ vỡ ra, tạo thành vảy và thường kéo dài trong khoảng 1 tuần, đồng thời mất thêm vài tuần để vảy rụng đi.
Nốt thủy đậu có thể lan khắp cơ thể của trẻ
Thống kê cho thấy mỗi năm có hơn 4 triệu trường hợp mắc bệnh thủy đậu, với khoảng 10.000 trường hợp cần nhập viện để chăm sóc y tế. Trong 2 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã ghi nhận gần 3.200 trường hợp bệnh thủy đậu, con số này tăng cao so với cùng kỳ năm 2022, và đa số bệnh nhân thuộc nhóm tuổi mầm non và tiểu học.
2. Lý do trẻ mắc căn bệnh thủy đậu
Virus herpes zoster (Varicella Zoster – VZV) là nguyên nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em. Đây là một chủng virus thuộc họ herpesviruses, có kích thước từ 150-200 nm, chứa phân tử ADN chuỗi đôi và có trọng lượng phân tử là 80×106 dalton.
Bệnh thủy đậu ở trẻ em chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp, thông qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn chứa virus gây bệnh trong không khí, được phát tán ra ngoài khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện. Ngoài ra, virus Varicella Zoster có thể tồn tại trong vảy thủy đậu trong không khí đến vài ngày. Trẻ có thể mắc bệnh thủy đậu khi tiếp xúc với những đồ vật này hoặc sống chung ở các môi trường có nguy cơ lây truyền bệnh cao như trường học, nhà trẻ,…
Trẻ em là những đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, đặc biệt là trẻ chưa được tiêm chủng vaccine đầy đủ. Hơn nữa, trẻ còn quá nhỏ và chưa thể tự bảo vệ bản thân trước sự tấn công của các tác nhân gây bệnh hoặc thực hiện hiệu quả các phương pháp phòng ngừa thủy đậu. Do đó, trẻ thường sinh hoạt thoải mái và vô tư với bạn bè đồng trang lứa, làm cho bệnh thủy đậu lây lan nhanh chóng.
Tìm hiểu thêm: Viêm phổi ở trẻ: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
Virus là nguyên nhân chính gây ra bệnh thủy đậu
3. Cách điều trị
3.1. Những cách thức dùng để chấn đoán bệnh thủy đậu
Phần lớn các trường hợp mắc bệnh thủy đậu ở trẻ em thường được chẩn đoán dựa trên thăm khám lâm sàng, các triệu chứng của bệnh và tình trạng ban ở trẻ. Trong một vài trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu làm thêm một số xét nghiệm khác để kiểm tra tình trạng bệnh và xác định các tổn thương do virus thủy đậu gây ra, bao gồm:
– Xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction): Xét nghiệm này được sử dụng để xác định và phát hiện sự hiện diện của virus Varicella Zoster trong mẫu bệnh phẩm, giúp xác định chẩn đoán bệnh thủy đậu.
– Xét nghiệm huyết thanh học: Xét nghiệm máu để xác định có tồn tại các kháng thể IgM chống lại virus Varicella Zoster hay không, từ đó đánh giá mức độ nhiễm trùng và xác định bệnh thủy đậu.
– Chụp X-quang, CT, MRI: Các kỹ thuật hình ảnh này được sử dụng để kiểm tra tình trạng phổi hoặc xác định các biến chứng có thể xảy ra do bệnh thủy đậu, đặc biệt khi bệnh có diễn biến nặng.
3.2. Phác đồ điều trị bệnh thủy đậu
Đa phần trẻ khi mắc thủy đậu sẽ được cha mẹ chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, để đảm bảo sức khỏe và điều trị đúng cách, an toàn cho trẻ, phụ huynh cần đưa trẻ đến bệnh viện để được khám và hướng dẫn điều trị theo phác đồ phù hợp. Các phương pháp điều trị thủy đậu hiện có nhằm giảm triệu chứng, giúp trẻ cảm thấy thoải mái và hạn chế biến chứng, đặc biệt là tình trạng nhiễm trùng thứ cấp.
Điều trị bằng thuốc: Sử dụng các loại thuốc kháng virus, hạ sốt, giảm đau và một số thực phẩm bổ sung vitamin có thể được áp dụng trong điều trị thủy đậu ở trẻ. Trong trường hợp trẻ có biểu hiện bội nhiễm, bác sĩ sẽ kê thêm thuốc kháng sinh phù hợp. Lưu ý, việc sử dụng thuốc và liều lượng cho trẻ cần tuân theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Đối với các trường hợp bệnh thủy đậu ở mức độ nhẹ, trẻ có thể được chăm sóc tại nhà theo phác đồ thuốc và tái khám đúng hẹn. Các biện pháp chăm sóc trẻ bị thủy đậu tại nhà bao gồm:
– Chấm methylen hoặc thuốc tím lên những nốt thủy đậu bị vỡ để ngăn ngừa nhiễm trùng.
– Thoa kem dưỡng da calamine hoặc cho trẻ uống thuốc kháng histamine, như clorpheniramin, để giảm tình trạng ngứa ngáy cho trẻ.
– Mặc quần áo mềm, rộng rãi, thoáng mát, thấm hút tốt để hạn chế chà xát lên các nốt thủy đậu.
– Không để móng tay dài cho trẻ phòng trừ trường hợp trẻ gãi ngứa khi ngủ.
– Có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt nếu cần thiết nhưng vẫn phải theo chỉ định của bác sĩ.
– Đảm bảo vệ sinh cơ thể cho trẻ, giúp da trẻ luôn sạch sẽ, thông thoáng, giảm nguy cơ nhiễm khuẩn.
– Cho trẻ uống nhiều nước để làm dịu cơn đau và bù lại lượng nước bị mất do thủy đậu.
>>>>>Xem thêm: Trẻ 7 tháng bị táo bón nên ăn gì để mau khỏi và không bị tái lại?
Đưa trẻ đi khám để được bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị chuẩn nhất
4. Phòng bệnh
Tiêm vắc xin là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất để phòng ngừa bệnh thủy đậu. Vắc xin đã được chứng minh có hiệu quả bảo vệ cao (trên 95 – 97%) và kéo dài suốt đời. Tiêm vắc xin gồm hai mũi:
– Tiêm mũi 1 cho trẻ khi trẻ được từ 12 tháng tuổi trở lên.
– Tiêm mũi 2 nhắc lại đảm bảo cách mũi 1 6 tuần trở lên
Khi đã mắc bệnh thì cần tuân thủ các biện pháp sau:
– Cách ly tương đối trong khoảng 7 đến 10 ngày từ khi bắt đầu phát hiện bệnh.
– Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng biệt như khăn mặt, bát, cốc,…
– Dùng nước muối vệ sinh mũi và họng
– Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc, hãy đeo khẩu trang. Nếu phải tiếp xúc với người bệnh cần rửa tay với xà phòng ngay
– Vệ sinh không gian sống của người bệnh: Lau nhà, bàn ghế, các loại đồ chơi của trẻ hàng ngày bằng dung dịch sát khuẩn, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đối với những đồ vật nhỏ, có thể phơi nắng để diệt virus. Trong lớp học nếu có trẻ mắc bệnh, cần lau rửa đồ chơi, cửa, sàn nhà hàng ngày bằng các dung dịch sát trùng nhẹ.
Cha mẹ cần lưu ý nếu thấy con có các triệu chứng như sốt cao không hạ được nhiệt độ, tinh thần lơ mơ, mệt mỏi, co giật, hôn mê,… nhanh chóng đưa đến ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được theo dõi và điều trị.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.