Sỏi bàng quang tuy không phổ biến như sỏi thận nhưng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm không kém như tắc cổ bàng quang, viêm nhiễm ngược dòng, suy thận thậm chí hỏng cả thận. Một phác đồ điều trị sỏi bàng quang hiệu quả sẽ loại bỏ triệt để sỏi, đồng thời ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra. Sau đây là phác đồ điều trị hiệu quả mà người bệnh nào cũng cần biết.
Bạn đang đọc: Phác đồ điều trị sỏi bàng quang hiệu quả nhất
1. Chẩn đoán sỏi bàng quang
Sau khi có một số dấu hiệu đau buốt đặc trưng của sỏi bàng quang, người bệnh cần đăng ký thăm khám với bác sĩ chuyên khoa tại khoa Tiết niệu tại cơ sở y tế.
1.1. Chẩn đoán lâm sàng
Một số dấu hiệu lâm sàng của sỏi bàng quang sẽ được bác sĩ kiểm tra, đánh giá như: Bệnh nhân bị đau buốt vùng hạ vị; Tiểu rắt, tiểu buốt, đi tiểu nhiều lần; các triệu chứng nhiễm khuẩn như tiểu khó, có thể bị tắc tiểu, nước tiểu có máu cuối bãi; khi sờ tay vào khu vực trực tràng, âm đạo có thể thấy sỏi (nếu sỏi to).
1.2. Cận lâm sàng
Để có chẩn đoán chính xác về sỏi bàng quang, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện một số các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh hệ tiết niệu như: xét nghiệm máu, tổng phân tích nước tiểu, siêu âm ổ bụng – tiết niệu, chụp X – quang vùng tiết niệu, chụp CT – Scanner nếu cần thiết, có thể nội soi bàng quang để xác định sỏi.
Sau quá trình thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng, bác sĩ sẽ có chẩn đoán xác định bệnh nhân có sỏi bàng quang hay không, sỏi ở vị trí nào, kích thước ra sao. Từ đó bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp nhất với từng người bệnh.
Hình ảnh sỏi bàng quang hiển thị qua phương pháp chẩn đoán chụp X – quang
2. Phác đồ điều trị sỏi bàng quang sau chẩn đoán
2.1. Phác đồ điều trị sỏi bàng quang hiệu quả: Mục đích và nguyên tắc
Mục đích điều trị:
– Lấy sạch sỏi của bệnh nhân ra ngoài
– Làm thông thoáng đường tiểu, giải quyết các vấn đề tắc tiểu, các biến chứng khác nếu có
– Có phương pháp phòng ngừa nhằm hạn chế tái phát sỏi.
Về nguyên tắc điều trị, có 2 điều cần thực hiện là:
– Ưu tiên các giải pháp ít xâm lấn
– Giải quyết được nguyên nhân gây ra bệnh (nếu có), phòng tránh tái phát
2.2. Phác đồ điều trị sỏi bàng quang hiệu quả
Điều trị sỏi bàng quang cần căn cứ vào kích thước và tình trạng sỏi để có phương án hiệu quả nhất.
2.2.1. Sỏi bàng quang kích thước nhỏ dưới 5mm
Đối với những viên sỏi hình thành chưa lâu, có kích thước bé từ 5mm trở xuống, niệu đạo không bị hẹp, bệnh nhân thường được chỉ định điều trị nội khoa kết hợp chế độ dinh dưỡng, ăn uống.
Điều trị bằng thuốc là sự kết hợp giữa các loại kháng sinh, lợi tiểu, giãn cơ… nhằm mục đích đẩy được sỏi nhỏ ra ngoài mà không cần can thiệp dao kéo. Theo đó, ngoài việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ thì việc uống nhiều nước, ăn đúng chế độ dành cho người có sỏi sẽ giúp sỏi bàng quang nhanh chóng ra ngoài theo đường tiểu. Ngược lại, nếu uống thuốc nhưng không chịu uống đủ nước thì sỏi rất khó để đào thải tự nhiên ra ngoài được, lâu dần còn tăng kích thước và cần có can thiệp ngoại khoa mới có thể loại bỏ sỏi.
Tìm hiểu thêm: U xơ tuyến tiền liệt có nguy hiểm không
Phác đồ điều trị sỏi bàng quang bằng thuốc cần kết hợp chế độ ăn uống và tập luyện
2.2.2. Sỏi bàng quang kích thước lớn, sỏi rắn, sỏi san hô
Những trường hợp sỏi xác định qua chẩn đoán không thể đẩy ra ngoài theo đường tiểu, thường có chỉ định ngoại khoa để lấy sỏi ra ngoài. Trước đây, chỉ định phẫu thuật mổ nội soi được ưu tiên để lấy sỏi ra ngoài và hạn chế vết mổ, chóng lành hơn so với mổ hở truyền thống. Tuy nhiên, ngày nay giải pháp được ưu tiên lựa chọn là tán sỏi công nghệ cao, cụ thể là tán sỏi nội soi ngược dòng, rất hiệu quả đối với sỏi bàng quang – kể cả sỏi to, sỏi rắn lâu năm.
Tán sỏi nội soi ngược dòng bằng laser đưa dụng cụ nội soi qua niệu đạo tiến vào bàng quang, sau đó dùng năng lượng laser bắn vỡ sỏi và bơm hút ra ngoài. Phương pháp này có nhiều ưu điểm nổi bật như tiếp cận với sỏi hoàn toàn bằng đường tự nhiên, bệnh nhân không có vết mổ, không có sẹo, chức năng thận cũng được an toàn hơn so với phẫu thuật. Đa số các bệnh nhân đều có thể xuất viện sau 1 – 2 ngày tán sỏi ngược dòng.
Trong một số trường hợp dị ứng hoặc mắc các bệnh lý không thể thực hiện tán sỏi, bệnh nhân có thể mổ nội soi hoặc mổ mở để lấy sỏi to ra ngoài.
Ngoài ra, muốn điều trị dứt điểm sỏi cũng cần chú ý và điều trị dứt điểm căn nguyên gây bệnh. Nếu người bệnh có các bệnh lý nền là nguyên nhân gây sỏi như hẹp cổ bàng quang, viêm bàng quang, hẹp niệu đạo… thì bác sĩ cần xử lý triệt để các vấn đề này kết hợp với lấy sỏi ra ngoài.
2.3. Theo dõi tái khám
Phác đồ hiệu quả không thể thiếu bước theo dõi tái khám theo chỉ định. Bệnh nhân cần theo dõi tình trạng sau tán sỏi, tình trạng đi tiểu của mình… Tái khám theo lịch để được quan sát lại, sau khi xác định đã hết sạch thì hằng năm cần khám hệ tiết niệu định kỳ phòng ngừa tái phát sỏi.
>>>>>Xem thêm: Phương pháp điều trị suy thận cấp độ 3
Cần tái khám định kỳ để phòng ngừa tái phát sỏi bàng quang
3. Hướng dẫn phòng ngừa tái phát
Đừng chủ quan trước bước phòng ngừa tái phát vì việc điều trị khỏi bệnh chỉ mang tính thời điểm. Nếu không xây dựng và đáp ứng một chế độ lành mạnh, dựa trên cơ địa có sỏi, cơ thể sẽ sớm kết tụ tinh chất và tạo thành sỏi trong hệ tiết niệu. Do đó, bệnh nhân cần:
– Uống đủ ít nhất là 2 lít nước mỗi ngày, ăn nhiều rau củ quả xanh, đặc biệt là cam chanh
– Hạn chế một số loại thực phẩm làm tăng kết tinh tạo sỏi (tốt nhất nên được tư vấn bởi bác sĩ)
– Không nhịn tiểu
– Tập luyện nhẹ nhàng để quá trình trao đổi chất diễn ra thuận lợi
Phác đồ điều trị sỏi bàng quang không thể thiếu bước phòng ngừa tái phát. Bệnh nhân cần lựa chọn đơn vị y tế có tiếng trong lĩnh vực Ngoại tiết niệu để được đồng hành, theo dõi và điều trị dứt điểm sỏi lâu dài.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.