Bệnh đau đầu không rõ nguyên nhân là tình trạng thường gặp ở nhiều người. Cơn đau có thể xuất hiện đột ngột hoặc âm ỉ kéo dài. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của nhiều bệnh lý nguy hiểm. Vậy phải làm gì khi bị bệnh đau đầu không rõ nguyên nhân? Những tác nhân nào có thể khiến cơn đau đầu khởi phát? Biện pháp phòng ngừa là gì? Hãy cùng theo dõi bài viết sau.
Bạn đang đọc: Phải làm gì khi bị bệnh đau đầu không rõ nguyên nhân?
1. Đau đầu và cơ chế gây đau đầu
Đau đầu là một triệu chứng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Cơn đau đầu có thể xuất hiện đột ngột, đặc biệt là khi bạn đang trong trạng thái căng thẳng thần kinh, khi làm việc nhiều trên máy vi tính, sử dụng rượu bia, chất kích thích… Nhưng cơn đau cũng có thể xuất hiện ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi.
Có đến 80% các cơn đau đầu là lành tính và không ảnh hưởng đến tính mạng, nhưng có những cơn đau đầu lại là dấu hiệu cảnh báo sớm nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Đau đầu khiến cơ thể bạn: mệt mỏi, dễ cáu gắt, khó tập trung, chất lượng công việc bị giảm sút. Nếu đau đầu kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lý như: rối loạn tâm thần, rối loạn nội tiết, tăng huyết áp, giảm tiết các men tiêu hóa khiến việc ăn uống không ngon miệng cơ thể gầy sút, bệnh tim mạch, đái tháo đường, béo phì,…
Cơ chế gây đau đầu thực chất là phản ứng của hệ thần kinh do bị kích thích từ các yếu tố như: thiếu máu lên não, viêm nhiễm, khối u, bệnh lý thần kinh – não bộ, xoắn mạch máu não, các bệnh lý khác hoặc do tác động của ngoại cảnh như: môi trường ồn, ánh sáng quá mạnh,… cũng dễ gây đau đầu.
Đặc biệt, nếu đau đầu đi kèm với các triệu chứng bất thường như: chóng mặt, nôn, buồn nôn,… hoặc đau dai dẳng kéo dài thì có thể là dấu hiệu của những bệnh nguy hiểm.
2. Những yếu tố gây đau đầu
2.1. Yếu tố bệnh lý gây bệnh đau đầu không rõ nguyên nhân
Viêm xoang: Tỷ lệ các bệnh nhân mắc chứng đau đầu khi bị viêm xoang là rất cao, lên tới 90%, triệu chứng là đau đầu hoặc đau nửa đầu. Trường hợp này cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh đặc trị, từ đó các cơn đau đầu sẽ dần được loại bỏ.
Tăng nhãn áp: Các bác sĩ cho rằng hệ thần kinh mắt cũng góp phần liên quan đến đau đầu. Rối loạn điều tiết hoặc tăng nhãn áp có thể gây ra đau đầu 1 bên, suy giảm thị lực.
Thiếu máu: Nếu bạn gặp phải trường hợp đau đầu kèm theo chóng mặt, mệt mỏi,… Thì nguyên nhân rất có thể là do bạn đang bị thiếu máu.
Các bệnh mạn tính khác: Bệnh đau đầu không rõ nguyên nhân đôi khi xuất phát từ các bênh lý mạn tính liên quan như huyết áp cao, tiểu đường, đau xơ cơ,… Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên, bạn cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán và lên phác đồ điều trị.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây đau nửa đầu liên tục
Tai biến mạch máu não: Đau đầu dữ dội có thể là biểu hiện của tai biến mạch máu não. Đặc biệt nếu đau đầu kèm theo mất thăng bằng, thay đổi thị lực hay nôn mửa bạn cần đến ngay cơ sở y tế uy tín thăm khám với bác sĩ nội thần kinh để chẩn đoán và phòng ngừa nguy cơ tai biến mạch máu não (đột quỵ).
Nhiễm trùng não – màng não: Đau đầu liên tục hay bị sốt kèm theo cứng vùng gáy, sợ ánh sáng và tiếng động có thể là biểu hiện của bệnh nhiễm trùng não – màng não. Cần phải chọc dò dịch não tủy để làm xét nghiệm, kết hợp xét nghiệm máu và chụp MRI để xác định có phải nhiễm trùng não – màng não hay không. Do đó người bệnh cần đến cơ sở y tế uy tín để thực hiện dịch vụ.
Khối u não: Theo thống kê có đến hơn 50% bệnh nhân có khối u não thường xuất hiện các cơn đau đầu không rõ nguyên nhân, cơn đau kéo dài từ đêm đến sáng và với mức độ tăng dần, thậm chí vượt quá sức chịu đựng. Nếu người bệnh rơi vào trường hợp này, cần đến các cơ sở y tế để chụp cắt lớp vi tính MSCT hoặc chụp cộng hưởng từ MRI để xác định có phải khối u hay không.
Các di chứng chấn thương vùng đầu: Các chấn thương do va đập tại vùng đầu từ nặng cho tới nhẹ, cũng dễ gây tổn thương và tụ máu, đây là một trong những nguyên nhân gây đau đầu thường xuyên. Để khắc phục được tình trạng này, người bệnh cần được thăm khám, làm phẫu thuật để giải phóng chèn ép thần kinh, dẫn lưu huyết tụ.
2.2. Bệnh đau đầu không rõ nguyên nhân không xuất phát từ bệnh lý
Ngoài những nguyên nhân do bệnh lý gây ra thì đau đầu có thể do một số yếu tố khác như:
Căng thẳng thần kinh, Stress kéo dài ( tình trạng phổ biến và có xu hướng gia tăng)
Thường xuyên lo âu, suy nghĩ nhiều do áp lực cuộc sống
Thiếu máu và oxy lên não do cơ thể mất nước
Thay đổi hormone ở chu kỳ kinh nguyệt, thời kỳ tiền mãn kinh của phụ nữ sau sinh
Thói quen sinh hoạt xấu, thường xuyên thức khuya hoặc làm việc ở nhiều khung giờ khác nhau gây rối loạn giờ giấc.
Uống quá nhiều cafe và thường xuyên.
Những cơn đau đầu này xuất phát từ môi trường, mang tính lặp đi lặp lại, tính chất ko quá nghiêm trọng. Người bệnh chỉ cần chú ý và thay đổi lại giờ giấc cũng như thói quen sinh hoạt của bản thân để khắc phục tình trạng này.
3. Nên làm gì khi bị bệnh đau đầu không rõ nguyên nhân
Trong trường hợp đau đầu do tác động từ môi trường bên ngoài, không do nguyên nhân bệnh lý, bạn có thể tham khảo một số phương pháp hỗ trợ giảm đau hiệu quả:
Uống đủ nước mỗi ngày
Tập thể dục đều đặn
Ăn thêm nhiều rau xanh, bổ sung lượng vitamin cần thiết
Thư giãn tinh thần, hạn chế căng thẳng
Hạn chế sử dụng đồ uống chứa chất kích thích như rượu, bia, cà phê
Đi ngủ đúng giờ
Phòng ngủ yên tĩnh, tránh tiếng ồn, ánh sáng phù hợp
Không thức khuya
Trường hợp bệnh đau đầu không do yếu tố ngoại cảnh, người bệnh cần tuyệt đối không được lạm dụng thuốc giảm đau nếu tình trạng đau đầu kéo dài lặp lại thường xuyên. Các loại thuốc giảm đau chỉ có tác dụng giúp giảm cơn đau nhất thời, không có tác dụng loại bỏ nguyên nhân gây đau đầu, vì vậy mà cơn đau có thể tái phát bất cứ lúc nào.
Không những vậy, việc lạm dụng thuốc giảm đau thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến chức năng của các cơ quan như gan, thận, kéo dài thời gian khiến bệnh dễ tiến triển nặng thêm. Do vậy, để biết nguyên nhân đau đầu xuất phát từ đâu, người bệnh nên chủ động thăm khám với bác sĩ nội thần kinh tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán chính xác và điều trị hiệu quả.
>>>>>Xem thêm: Bị thiếu máu não: Cơ chế, biểu hiện và cách xử trí
4. Phòng ngừa và điều trị bệnh đau đầu không rõ nguyên nhân
Đau đầu đôi khi chỉ là triệu chứng, thường sẽ tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số chứng đau đầu lại thuộc trường hợp nguy hiểm cần cấp cứu y khoa. Nếu bạn xuất hiện tình trạng đau đầu đột ngột hoặc cấp tính, cơn đau kéo dài trong nhiều giờ, kèm thêm các triệu chứng khác như buồn nôn, sốt, mệt mỏi thì cần phải được cấp cứu ngay.
Đối với bệnh nhân bị đau đầu không rõ nguyên nhân, kéo dài trong nhiều tuần, nhiều tháng, cần đi thăm khám với bác sĩ chuyên khoa thần kinh để tìm đúng nguyên nhân và điều trị hiệu quả.
Thời gian điều trị của các chứng đau đầu tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia và các chất kích thích khác, tránh stress, ăn uống đầy đủ và ngủ đủ giấc.