Khi bị đỏ mắt, nhiều người thường nghĩ ngay đến bệnh đau mắt đỏ. Tuy nhiên, có ít nhất 5 bệnh lý về mắt đều cùng chung triệu chứng này. Bạn có biết đó là những bệnh gì, cách phân biệt ra sao không? Cùng tìm hiểu nội dung chi tiết và cách phòng ngừa, qua bài viết sau.
Bạn đang đọc: Phân biệt 5 bệnh lý có biểu hiện bị đỏ mắt tương tự đau mắt đỏ
1. Bị đỏ mắt có phải đau mắt đỏ?
Triệu chứng cơ bản của đau mắt đỏ là mắt bị đỏ. Tuy nhiên, có một số bệnh lý ở mắt cũng khiến bạn bị đỏ mắt. Hoặc trong một vài trường hợp, mắt bị kích thích, dị ứng cũng đỏ lên. Vì vậy, không thể khẳng định mọi trường hợp bị đỏ mắt đều là đau mắt đỏ.
Đỏ mắt do đau mắt đỏ thường kèm theo các biểu hiện sau đây:
– Trên bề mặt nhãn cầu có nhiều vệt hồng nhạt hoặc sợi đỏ.
– Mắt chảy nước.
– Mí mắt cộm, sưng.
– Khả năng quan sát kém đi.
– Người tiếp xúc với người bệnh hoặc môi trường có mầm bệnh dễ bị lây nhiễm.
Đây là bệnh lý do virus gây ra nên đặc trưng của nó là dễ lây lan qua tiếp xúc với nơi có mầm bệnh, tạo thành ổ dịch nhanh chóng.
Bị đỏ mắt có phải đau mắt đỏ?
2. Phân biệt với 5 bệnh lý có cùng biểu hiện bị đỏ mắt
Ngoài bệnh đau mắt đỏ, không ít vấn đề ở mắt khác cũng làm mắt bị đỏ. Đó là viêm bờ mi mắt, viêm giác mạc, tăng nhãn áp, viêm nội nhãn, viêm củng mạc,… Phần đa trong số này đều là những bệnh không lây lan nhưng diễn tiến tính chất nghiêm trọng hơn đau mắt đỏ. Bạn cần nhận biết rõ các biểu hiện để khám, chữa kịp thời, không lơ là, chủ quan.
2.1 Viêm bờ mi mắt
Viêm bờ mi mắt là tình trạng viêm ở phần bờ mi (hay còn gọi là mí mắt) trước hoặc sau, xảy ra ở bất cứ đối tượng thuộc độ tuổi nào.
Giống với bệnh đau mắt đỏ, khi viêm bờ mi mắt, bạn cũng cảm thấy bị suy giảm thị lực, vướng trong mắt gây khó chịu, đỏ mắt. Khác với đau mắt đỏ, người bị viêm bờ mi mắt còn gặp phải tình trạng:
– Khô mắt.
– Mí mắt ngứa, bỏng rát.
– Chức năng tuyến nhờn bị bất thường.
– Bị viêm da tiết bã.
– Dễ dị ứng với hóa chất từ mỹ phẩm, thuốc hoặc dung dịch kính áp tròng.
Bệnh viêm bờ mi không lây nhiễm, không làm mất thị lực nhưng lại khó điều trị khỏi hẳn.
2.2 Bị đỏ mắt do viêm giác mạc
Giác mạc là lớp mô mỏng trên nhãn cầu, cho phép ánh sáng đi qua đầu tiên. Nó bị viêm khi mắt nhiễm zona virus, Andenvirus, nhiễm nấm, microsporidia hoặc bị rối loạn chế tiết nước mắt, nhiễm độc. Giác mạc viêm cũng làm bạn bị đỏ mắt, tương tự như đau mắt đỏ. Tuy nhiên, ngoài các biểu hiện đỏ mắt, giảm thị lực… thì điểm khác biệt của viêm giác mạc với đau mắt đỏ là:
– Mắt có nhiều ghèn, dử mắt màu trắng hoặc vàng.
– Vùng trung tâm giác mạc thường có đốm trắng xuất hiện.
– Cảm giác trong mắt đau nhức âm ỉ kèm theo nóng rát.
– Người bệnh khó mở mắt, hình ảnh nhìn thấy bị mờ.
Bệnh viêm giác mạc cũng có thể làm giảm thị lực của bạn nếu không điều trị sớm. Vì vậy, hãy thận trọng đi khám ngay khi phát hiện những biểu hiện bệnh.
2.3 Tăng nhãn áp bị đỏ mắt
Một bệnh lý nữa ở mắt cũng khiến mắt bạn bị đỏ, đó là tăng nhãn áp. Tăng nhãn áp (IOP) xảy ra khi áp lực thủy dịch trong mắt tăng cao do tắc góc thoát thủy dịch. Biểu hiện đầu tiên của nó chính là mắt bị đỏ. Ngoài ra, bệnh này còn có những triệu chứng đặc trưng:
– Giảm thị lực dần.
– Đau mắt, đau lan lên vùng đầu một cách dữ dội.
– Nhìn thấy những vòng tròn trong ánh sáng
Tình trạng tăng nhãn áp không đơn thuần khiến bạn bị đỏ mắt. Ở diễn tiến nặng của bệnh, nó có thể gây mất thị lực. Vì vậy, đây là một bệnh lý không thể xem nhẹ. Bạn nên đi kiểm tra ngay khi thấy mắt có biểu hiện đỏ kèm theo đau đầu.
2.4 Viêm nội nhãn
Viêm nội nhãn là tình trạng mô trong mắt viêm thường do nhiễm khuẩn gram âm, khuẩn Streptococcus hoặc nấm Candida, Aspergillus… Bệnh dễ xuất hiện ở những người có hệ miễn dịch kém, hoặc cơ thể bị viêm nhiễm tại một vị trí gần mắt.
Tìm hiểu thêm: Bệnh lý viêm kết giác mạc mùa xuân có nguy hiểm không?
Viêm nội nhãn có nguy cơ tiến triển thành Glaucoma
Ở người bình thường, mạch máu trong mô mắt là một “hàng rào tự nhiên” có vai trò chống lại tác nhân gây hại cho mắt. Tuy nhiên, nếu bạn bị viêm xoang, viêm mũi, viêm da… thì hệ thống mạch máu này lại giúp khuẩn hại dễ di chuyển và hình thành ổ nhiễm trùng hơn. Đó là cơ chế gây viêm nội nhãn. Viêm nội nhãn cũng bị giảm thị lực và đỏ mắt, sưng mắt như tình trạng đau mắt đỏ.
– Kèm theo đó, người bị viêm nội nhãn còn gặp phải tình trạng đau đầu từng cơn kéo dài, đau hơn về đêm và rạng sáng.
– Quan sát bên trong mắt sẽ thấy những khối mủ trắng trên võng mạc. Giác mạc và bờ mi sưng tấy kèm theo dịch viêm.
– Bị viêm nội nhãn khiến người bệnh mệt mỏi, mất ngủ và không thiết ăn uống.
Bệnh viêm nội nhãn có nguy cơ tiến triển thành Glaucoma (thiên đầu thống). Khi đó, dây thần kinh thị giác bị tổn thương, nếu không điều trị ngay và đúng cách, bạn phải đối mặt với nguy cơ mất thị lực.
2.5 Bị đỏ mắt do viêm củng mạc
Đây là một vấn đề nghiêm trọng ở mắt, phổ biến ở phụ nữ từ 30 – 50 tuổi. Bệnh liên quan đến củng mạc sâu và thượng củng mạc. Nó có thể phá hoại thị giác của bạn.
Dấu hiệu sớm của viêm củng mạc cũng tương tự như đau mắt đỏ, bệnh nhân bị đỏ mắt, chảy nước mắt và sợ ánh sáng.
Cùng với đó, đau củng mạc còn kèm theo các biểu hiện đặc trưng là:
– Đau trầm trọng do tổn thương ở 1/4 nhãn cầu hoặc toàn bộ nhãn cầu.
– Sung huyết, phù nề tạo ra nốt sần nổi gồ lên trên nhãn cầu.
– Trường hợp nặng, viêm củng mạc hoại tử sẽ dẫn đến thủng củng mạc, thậm chí mất nhãn cầu.
Đây là một bệnh lý ở mắt có tính chất nguy hiểm. Người bệnh cần được chẩn đoán lâm sàng và cận lâm sàng bằng những phương pháp chuyên biệt như khám bằng đèn khe, siêu âm, chụp CT…
>>>>>Xem thêm: Chắp mắt bên trong và những kiến thức mọi người cần biết
Hình ảnh khám mắt tại Thu Cúc TCI
Tóm lại, tình trạng bị đỏ mắt có thể là do bệnh đau mắt đỏ hoặc những bệnh lý khác. Bạn nên kiểm tra tại cơ sở y tế để xác định cho đúng vấn đề đang xảy ra. Tại Thu Cúc TCI, phòng khám Mắt với những trang thiết bị hiện đại có thể giúp bạn chẩn đoán chính xác các bệnh về mắt, trong đó có những bệnh lý gây đỏ mắt nêu trên. Bạn nên tìm hiểu chi tiết về đội ngũ bác sĩ cũng như gói khám, chương trình ưu đãi trước khi đặt lịch.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.