Phân biệt ho viêm phế quản với ho hen phế quản, cách xử lý

Ho viêm phế quản là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ em. Tuy nhiên triệu chứng bệnh rất dễ nhầm lẫn với hen phế quản và ngược lại. Vì vậy, nhiều cha mẹ khó phân biệt, nhận biết trẻ bị ho do viêm phế quản hay ho hen, hay bị cả hai. Bài viết sau sẽ làm rõ đặc điểm của cơn ho ở từng bệnh cũng như dấu hiệu nhận biết và cách xử lý chúng.

1. So sánh ho phế quản với viêm phế quản

1.1. Ho viêm phế quản là gì? Dấu hiệu nhận biết

Ho viêm phế quản là tình trạng ho cấp tính hoặc mãn tính, xảy ra khi ống phế quản dẫn khí vào phổi bị vi khuẩn, virus tấn công, gây viêm, tắc nghẽn. Một số trường hợp trẻ nhỏ sống trong môi trường độc hại, nhiều hóa chất hoặc bụi mịn cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh.

Phân biệt ho viêm phế quản với ho hen phế quản, cách xử lý

Tình trạng ho viêm phế quản thường kéo dài trên 2 tuần

Ho viêm phế quản thường có đặc điểm:

– Cơn ho kéo dài trên 2 tuần, là kiểu ho khan, chuyển sang ho có đờm

– Trẻ đau tức ngực

– Tiếng thở khò khè

– Khó thở, sốt nhẹ, cơ thể uể oải, trẻ quấy khóc và ít vận động hơn.

– Đối với trường hợp viêm phế quản mãn tính, tình trạng ho có thể kéo dài từ trên 3 tháng trong năm và xuất hiện ít nhất 2 năm liên tiếp.

1.2. Hen phế quản và triệu chứng

Hen phế quản (hen suyễn) chủ yếu xuất hiện ở trẻ có cơ địa dị ứng hoặc do yếu tố di truyền từ gia đình. Thống kê cho thấy có 30 – 50% trẻ sinh ra trong gia đình có bố hoặc mẹ bị hen suyễn cũng có nguy cơ mắc bệnh. Còn ở trẻ có cơ địa dễ dị ứng, nếu gặp các tác nhân kích ứng như lông thú cưng, khói thuốc lá, phấn hoa, ăn hải sản cũng dễ phát bệnh.

Hen phế quản là bệnh mãn tính thường xuất hiện ở trẻ nhỏ và có thể kéo dài suốt đời nếu không được điều trị đúng cách. Bệnh nhân hen phế quản bị viêm và co thắt đường thở.

Khi bị hen phế quản, bố mẹ quan sát thấy trẻ có biểu hiện:

– Ho nhiều về đêm và sáng sớm

– Tức ngực, khó thở

– Thở khò khè.

1.3. Phân biệt ho viêm phế quản với ho hen phế quản

Viêm phế quản và hen phế quản có các triệu chứng khá giống nhau. Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ đặc điểm của từng biểu hiện, đặc biệt là đặc điểm cơn ho, chúng ta có thể phân biệt rõ hai bệnh này.

Thời gian ho

Ho viêm phế quản: Thường xuất hiện sau khi trẻ bị cảm lạnh hoặc nhiễm trùng đường hô hấp. Con ho dai dẳng kéo dài vài tuần hoặc vài tháng.

– Hen phế quản: Cơn ho hình thành trong và sau các lần bé bị bệnh đường hô hấp từ khi còn nhỏ và kéo dài suốt đời. Ho hen xuất hiện theo đợt, xen kẽ với thời kỳ ổn định về sức khỏe.

Tính chất cơn ho

– Viêm phế quản: Trẻ ho liên tục, không chia theo cơn rõ ràng.

– Hen phế quản: Là cơn hen cấp tính, xuất hiện đột ngột và có tính chất nghiêm trọng.

Phân biệt ho viêm phế quản với ho hen phế quản, cách xử lý

Trẻ nhỏ thường xuyên bị ho

Yếu tố kích phát

Ho viêm phế quản: Kích phát khi nhiễm trùng hoặc bị kích ứng đường hô hấp

– Hen phế quản: Do nhiều yếu tố kích phát như thay đổi thời tiết, dị ứng…

Đáp ứng thuốc

– Viêm phế quản: Đáp ứng tốt với kháng sinh (nếu trẻ viêm do nhiễm vi khuẩn) và các thuốc giảm ho, long đờm. Trường hợp viêm phế quản do virus, có thể làm giãn phế quản bằng khí dung.

– Hen phế quản: Đáp ứng nhanh với thuốc giãn phế quản dạng hít

Xét nghiệm chẩn đoán

– Ho viêm phế quản: Được xác định dựa trên triệu chứng lâm sàng và xét nghiệm đờm, X-Quang

– Hen phế quản: Chẩn đoán bằng cách test chức năng hô hấp, test dị ứng và đánh giá mức độ đáp ứng thuốc giãn phế quản.

2. Cách điều trị cho trẻ

2.1. Điều trị ho viêm phế quản thế nào?

Khi trẻ bị ho do viêm phế quản, bác sĩ cần kiểm tra chính xác nguyên nhân là do nhiễm vi khuẩn hay virus. Sau đó kê đơn điều trị tương ứng với tình trạng bệnh.

– Trẻ được chỉ định dùng kháng sinh khi viêm phế quản do nhiễm vi khuẩn.

– Trường hợp nhiễm virus sẽ không điều trị bằng kháng sinh.

– Bên cạnh đó bác sĩ còn kê thêm một số thuốc như thuốc giãn phế quản dạng hít (khí dung) nếu trẻ có cơn co thắt phế quản.

– Thuốc giảm ho dạng siro và thuốc làm loãng dịch, long đờm.

Khi điều trị viêm phế quản tại nhà, bố mẹ cần cho trẻ nghỉ ngơi đầy đủ, kết hợp uống nhiều nước để làm loãng đờm. Đồng thời sử dụng máy tạo độ ẩm để giảm kích ứng đường hô hấp, máy lọc không khí để bảo vệ môi trường. Nếu trẻ có biểu hiện ho viêm nặng, khó thở, da nhợt nhạt, nồng độ oxy thấp, sốt cao, cần đưa trẻ đi viện ngay.

2.2. Điều trị hen phế quản

Trẻ bị hen phế quản được kiểm soát cơn hen dài hạn bằng thuốc chứa corticosteroid dạng hít và thuốc đối kháng thụ thể leukotriene. Bên cạnh đó, bác sĩ còn kê thuốc cắt cơn hen nhanh, thuốc điều trị miễn dịch đặc hiệu (nếu trẻ bị hen do dị ứng).

– Khi chăm sóc trẻ bị hen suyễn tại nhà, bố mẹ cần theo dõi và ghi lại những triệu chứng hen ở trẻ.

– Đồng thời dùng máy đo lưu lượng đỉnh để đánh giá chức năng phổi

– Giúp trẻ tránh các yếu tố kích ứng gây hen.

Nếu cơn hen xuất hiện thường xuyên, thuốc cắt cơn hen không cho hiệu quả, trẻ có biểu hiện khó thở ngay cả khi không vận động thì cần đưa trẻ đi gặp bác sĩ để xử lý ngay.

Phân biệt ho viêm phế quản với ho hen phế quản, cách xử lý

Điều trị hen phế quản bằng corticosteroid dạng hít

3. Cách phòng ngừa bệnh

Để hạn chế tình trạng ho viêm phế quản, ho hen ở trẻ nhỏ, bố mẹ cần lưu ý:

– Hướng dẫn trẻ ăn uống đủ chất, vận động đúng cách, ngủ nghỉ đúng giờ.

– Tập cho trẻ hình thành thói quen rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, hắt hơi, ho và đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người bị bệnh đường hô hấp.

– Giữ nơi ở sạch sẽ, loại bỏ khói bụi, khói thuốc lá, phấn hoa, các tác nhân gây kích ứng.

– Giúp trẻ học cách kiểm soát cảm xúc, tránh căng thẳng, tự kỷ.

– Cho trẻ tiêm phòng cúm và viêm phổi theo lịch tiêm chủng.

Phòng tiêm chủng TCI, các bác sĩ khuyên bạn nên tiêm 02 mũi cúm cách nhau 01 tháng (nếu trẻ chưa được tiêm ngừa bệnh này lần nào). Sau đó, mỗi năm bố mẹ cho trẻ tiêm nhắc lại 01 lần. Đối với bệnh viêm phổi, hiện TCI có các mũi phế cầu, 6 trong 1 giúp phòng ngừa hiệu quả. Bố mẹ có thể tham khảo thêm thông tin để lựa chọn mũi vắc xin phù hợp với bé.

Ho viêm phế quản và hen phế quản có nhiều đặc điểm giống và khác nhau. Trong đó viêm phế quản là bệnh cấp tính có thể điều trị khỏi còn hen phế quản là bệnh mãn tính, chỉ kiểm soát triệu chứng lâu dài. Bố mẹ cần nhận biết, phân biệt sớm, từ đó phòng và điều trị bệnh cho con kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *