Chảy máu âm đạo sau khi phá thai là hiện tượng bình thường và có thể giống như là hành kinh hàng tháng nhưng hai hiện tượng này là khác nhau.
Phân Biệt Ra Máu Sau Phá Thai Và Kinh Nguyệt Có Thể Bạn Chưa Biết
Nội dung chính của bài viết:
- Chảy máu âm đạo sau khi phá thai là hiện tượng bình thường và có thể giống như là hành kinh hàng tháng nhưng hai hiện tượng này là khác nhau.
- Ra máu sau phá thai là do mô thai bị đào thải ra khỏi tử cung còn hành kinh là hiện tượng lớp mô niêm mạc tử cung bong ra và chảy ra ngoài cùng với máu vào mỗi tháng.
- Có thể dựa vào thời gian ra máu, lượng máu, đặc điểm của máu, hay một số biểu hiện sức khỏe để phân biệt máu sau khi phá thai với hành kinh.
- Sau khi phá thai, chu kỳ kinh nguyệt sẽ bắt đầu lại. Kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường trong vòng một tháng hoặc lâu hơn sau khi phá thai.
- Bạn có thể tiếp tục sử dụng hầu hết các biện pháp tránh thai ngay sau khi phá thai hoặc vài ngày sau đó. Và bạn hoàn toàn có thể mang thai lần nữa, ngay cả khi chưa có kinh nguyệt trở lại.
- Sau khi phá thai, nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào về sức khỏe, cần phải đi khám bác sĩ ngay. Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu không có kinh nguyệt trong vòng 8 tuần sau khi phá thai.
Phá thai và chu kỳ kinh nguyệt
Mặc dù phá thai bằng thuốc (hay phá thai nội khoa) và phẫu thuật phá thai (hay nạo hút thai, phá thai ngoại khoa) là những phương pháp phổ biến để chấm dứt thai kỳ nhưng những hiện tượng mà mỗi người trải qua sau phá thai, ví dụ như chu kỳ kinh nguyệt là khác nhau. Sự ảnh hưởng của việc phá thai đến chu kỳ kinh nguyệt sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ loại phá thai và chu kỳ kinh nguyệt trước đây.
Ra máu sau phá thai khác gì với kinh nguyệt?
Chảy máu âm đạo sau khi phá thai là hiện tượng bình thường và có thể giống như là hành kinh hàng tháng nhưng hai hiện tượng này là khác nhau. Ra máu sau phá thai là do mô thai bị đào thải ra khỏi tử cung còn hành kinh là hiện tượng lớp mô niêm mạc tử cung bong ra và chảy ra ngoài cùng với máu vào mỗi tháng.
Một số phụ nữ không hề bị chảy máu sau khi phá thai mà đến tận kỳ kinh tiếp theo mới bị ra máu. Vậy ra máu sau phá thai khác gì với kinh nguyệt?
Thời gian
Thời điểm ra máu sau phá thai phụ thuộc vào phương pháp phá thai (bằng thuốc hay phẫu thuật).
Khi phá thai bằng thuốc, thai phụ sẽ nhận được hai viên thuốc. Viên đầu tiên sẽ được uống tại bệnh viện hay phòng khám dưới sự giám sát của bác sĩ. Thuốc này có tác dụng làm thai bong ra khỏi niêm mạc tử cung để thai không thể phát triển được nữa. Một số người bắt đầu ra máu ngay sau khi uống viên thuốc đầu tiên này.
Viên thuốc thứ hai sẽ được uống sau khi về nhà. Viên thuốc này làm cho tử cung co bóp và đẩy bào thai ra ngoài. Hiện tượng ra máu có thể bắt đầu trong vòng 30 phút đến 4 tiếng sau khi uống thuốc.
Mức độ ra máu sẽ ngày càng nhiều hơn cho đến khi đào thải hết mô thai ra ngoài. Điều này thường diễn ra trong vòng 4 đến 5 tiếng sau khi uống viên thuốc thứ hai nhưng ở một số người thì quá trình này cũng có thể kéo dài lâu hơn. Hiện tượng ra máu thường nặng nhất và có đi kèm cục máu đông trong khoảng 1 – 2 tiếng. Lượng máu sẽ giảm sau vài tiếng và sau đó giống như kinh nguyệt bình thường.
Khi làm thủ thuật nạo hút thai thì thường bị ra máu ngay sau đó hoặc cũng có thể phải 3 – 5 ngày sau mới ra máu. Nói chung, mức độ ra máu thường nhẹ hơn so với kinh nguyệt thông thường.
Hiện tượng ra máu có thể ngừng hoặc tiếp tục cho đến kỳ kinh tiếp theo. Nếu như tiếp tục thì lượng máu sẽ giảm dần theo thời gian.
Thời lượng
Hiện tượng ra máu sau khi phá thai, dù là bằng thuốc hay phẫu thuật, thường kéo dài từ 1 đến 2 tuần. Ở nhiều phụ nữ, hiện tượng này dừng sau một thời gian và lại tiếp tục.
Lượng máu sẽ giảm dần sau một hoặc hai tuần và có thể sẽ chỉ ra rất ít máu hay nhỏ giọt trong vài tuần tiếp theo hoặc cho đến có kinh nguyệt trở lại.
Đặc điểm
Máu sau phá thai thường giống như máu kinh nhưng màu máu thường ngả nâu nhiều hơn là đỏ. Lượng máu sau khi phá thai bằng thuốc thường nhiều hơn so với phẫu thuật nạo hút thai.
Một số hoạt động có thể làm tăng hoặc giảm lượng máu. Ví dụ, mức độ ra máu sẽ nhiều hơn khi tập thể dục và ít hơn khi nghỉ ngơi.
Máu thường đi kèm với cục máu đông. Đây là điều bình thường và không có gì phải lo lắng cả. Các cục máu đông có nhiều kích thước khác nhau, từ nhỏ đến lớn. Một số có thể tương đương với kích thước của quả chanh. Nhưng nếu bị ra nhiều máu, đi kèm cục máu đông và kéo dài quá hai tiếng thì nên đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra.
Ngoài ra có thể còn xảy ra hiện tượng dịch tiết âm đạo có lẫn máu. Chất dịch tiết ra có thể đặc nhưng không có mùi hôi. Nếu có mùi bất thường và có màu vàng hoặc màu xanh lá thì đây là những dấu hiệu của nhiễm trùng.
Các biểu hiện khác
Các biểu hiện khác sẽ phụ thuộc vào phương pháp phá thai cụ thể.
Những hiện tượng có thể xảy ra sau khi phá thai bằng thuốc gồm có:
- Đau bụng
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Tiêu chảy
- Sốt
- Ớn lạnh
- Đau đầu
- Mệt mỏi
Vì sốt cũng có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng nên cần đến gặp bác sĩ ngay nếu bị sốt, đau nhức cơ thể, ra máu nhiều trong thời gian dài hoặc đau ở vùng chậu.
Những vấn đề có thể xảy ra sau khi nạo hút thai gồm có:
- Buồn nôn
- Nôn ói
- Đau bụng
- Mệt mỏi
- Đổ mồ hôi
Lưu ý về sản phẩm vệ sinh
Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên tránh dùng tampon hoặc cốc nguyệt san trong ít nhất hai tuần sau khi phá thai bằng bất cứ phương pháp nào. Thay vào đó thì nên sử dụng băng vệ sinh hoặc quần nguyệt san cho đến khi bác sĩ xác nhận có thể dùng tampon và cốc nguyệt san.
Kỳ kinh đầu tiên sau khi phá thai
Sau khi phá thai, chu kỳ kinh nguyệt sẽ bắt đầu lại. Kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường trong vòng một tháng hoặc lâu hơn sau khi phá thai.
Thời gian
Kinh nguyệt sẽ xuất hiện lại sau khoảng từ 4 đến 6 tuần kể từ khi phá thai. Khoảng thời gian từ lúc phá thai đến lúc có kinh nguyệt trở lại sẽ phụ thuộc vào thời điểm phá thai trong thai kỳ. Kể cả khi thai không còn thì các hormone được sản sinh ra khi mang thai có thể vẫn còn tồn tại trong một vài tuần sau đó, khiến cho kinh nguyệt không đến.
Nếu đã qua 8 tuần mà vẫn chưa có kinh thì nên thử thai tại nhà hoặc đến bệnh viện làm xét nghiệm để kiểm tra xem có phải phá thai chưa thành công hay không.
Thời lượng
Lần có kinh nguyệt đầu tiên sau khi phá thai có thể ngắn hơn so với trước đây nếu phẫu thuật nạo hút thai hoặc dài hơn nếu phá thai bằng thuốc. Nguyên nhân dẫn đến sự thay đổi này là do nồng độ hormone và chu kỳ kinh nguyệt đang trong quá trình trở lại bình thường.
Đặc điểm
Kỳ kinh đầu tiên có thể ra nhiều máu hơn bình thường và đi kèm với các cục máu đông nhỏ nếu phá thai bằng thuốc vì cơ thể phải đào thải toàn bộ lượng mô thai ra khỏi tử cung.
Kinh nguyệt sau thủ thuật nạo hút thai thường ra ít máu hơn so với trước và trở lại bình thường trong vòng một vài tháng.
Máu hoặc dịch tiết âm đạo sau khi phá thai đều không có mùi hôi còn nếu có thì đó là dấu hiệu bất thường, ví dụ như triệu chứng nhiễm trùng.
Các triệu chứng khác
Trong vài kỳ kinh đầu sau phá thai thì có thể sẽ bị đau bụng nặng hơn bình thường.
Các triệu chứng khác thường sẽ vẫn giống như các kỳ kinh nguyệt trước đây, gồm có:
- Chướng bụng, đầy hơi
- Đau đầu
- Vú căng đau, nhạy cảm
- Đau cơ
- Ủ rũ, chán nản
- Mệt mỏi
Lưu ý về sản phẩm vệ sinh
Sau hai tuần kể từ khi phá thai thì có thể dùng các sản phẩm vệ sinh bình thường như tampon, cốc nguyệt san hay băng vệ sinh.
Từ kỳ kinh thứ hai trở đi
Một khi có kinh nguyệt lần đầu sau phá thai thì chu kỳ kinh nguyệt lúc này đã gần như trở lại bình thường. Chu kỳ có thể không đều trong vài tháng đầu nhưng đây là điều phổ biến.
Thời gian hành kinh có thể ngắn hơn hoặc dài hơn trước đây trong một vài tháng. Kinh nguyệt cũng có thể sẽ ra nhiều hơn trước, đặc biệt là khi phá thai bằng thuốc.
Khi sang kỳ kinh thứ hai thì có thể thoải mái dùng bất cứ sản phẩm vệ sinh nào vẫn thường dùng, kể cả tampon hay cốc nguyệt san.
Biện pháp tránh thai ảnh hưởng thế nào đến kinh nguyệt?
Có thể tiếp tục sử dụng hầu hết các biện pháp tránh thai, bao gồm thuốc đường uống, miếng dán, bao cao su, que cấy và vòng tránh thai ngay sau khi phá thai hoặc vài ngày sau đó.
Nếu phá thai vào ba tháng thứ hai của thai kỳ thì nên chờ khoảng 4 tuần mới bắt đầu sử dụng các biện pháp tránh thai cần đưa vào bên trong như màng ngăn âm đạo, mũ chụp cổ tử cung hoặc vòng tránh thai.
Các biện pháp tránh thai nội tiết như thuốc đường uống có thể làm giảm mức độ ra máu và số ngày có kinh nguyệt sau khi phá thai. Ngoài ra, những loại thuốc này còn có thể làm cho chu kỳ kinh nguyệt trở lại bình thường nhanh hơn.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo nên đợi cho đến khi ngừng ra máu hoàn toàn sau phá thai – thường là khoảng hai tuần – mới quan hệ tình dục đường âm đạo trở lại.
Khi nào có thể mang thai lần nữa?
Phụ nữ thường bắt đầu rụng trứng sau khoảng ba tuần kể từ khi phá thai bằng thuốc nhưng cũng có người rụng trứng chỉ sau khoảng 8 ngày. Điều này có nghĩa là có thể mang thai lần nữa, ngay cả khi chưa có kinh nguyệt trở lại. Nếu chưa muốn mang thai thì nên sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục trong thời gian này.
Trong hầu hết các trường hợp thì phá thai sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, việc nạo hút thai nhiều lần có thể gây hình thành sẹo trong tử cung do các dụng cụ được sử dụng để loại bỏ thai sẽ gây tổn thương bên trong. Tình trạng hình thành sẹo này, được gọi là dính buồng tử cung, sẽ dẫn đến vô sinh trong một số trường hợp.
Khi nào cần đi khám?
Cần đến bệnh viện ngay lập tức nếu:
- Ra nhiều máu đến mức phải thay từ 2 băng vệ sinh trở lên mỗi giờ và tiếp diễn trong thời gian trên 2 giờ liên tục.
- Có cục máu đông lớn hơn kích cỡ của quả chanh.
- Bị đau dữ dội ở bụng dưới hoặc thắt lưng.
- Các loại thuốc bác sĩ kê đơn không làm dịu được cơn đau.
- Bị sốt trên 38 độ C
- Có cảm giác ớn lạnh.
- Dịch tiết âm đạo có mùi hôi
- Dích tiết âm đạo có màu vàng hoặc màu xanh
Nếu đã phá thai bằng thuốc và không bắt đầu ra máu trong vòng 48 tiếng thì cần đến gặp bác sĩ. Có thể bạn vẫn đang mang thai hay phá thai không thành công và cần được can thiệp.
Bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu không có kinh nguyệt trong vòng 8 tuần sau khi phá thai.
Xem thêm: Phá thai bằng thuốc, sao 2 tuần vẫn ra huyết?