Rất nhiều người nhầm lẫn triệu chứng rối loạn tiền đình và thiếu máu não, bởi hai bệnh lý này có biểu hiện tương tự nhau gồm: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai,… Nếu không có đầy đủ kiến thức sẽ rất khó phân biệt, thậm chí nhiều người còn lầm tưởng hai bệnh lý này là một bệnh. Ngoài có biểu hiện tương tự nhau, rối loạn tiền đình, thiếu máu não còn tác động lẫn nhau, cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để biết thêm thông tin chi tiết.
Bạn đang đọc: Phân biệt rối loạn tiền đình và thiếu máu não
1. Rối loạn tiền đình, thiếu máu não là hai bệnh khác nhau
Rối loạn tiền đình, thiếu máu não là hai bệnh hoàn toàn khác nhau.
1.1 Rối loạn tiền đình
Tiền đình là cơ quan nằm ở phía sau ốc tai (hai bên). Vai trò: giữ thăng bằng, duy trì tư thế, dáng bộ phối hợp cử động mắt, đầu và thân mình khi chúng ta di chuyển, cúi, xoay người,…
Đây là một hệ thống thuộc hệ thần kinh, được điều khiến bởi các nhóm thần kinh cao cấp nằm trong não bộ.
Khi hệ thống tiền đình bị rối loạn do một số nguyên nhân dẫn đến mất thăng bằng. Các nguyên nhân gây rối loạn hệ thống tiền đình như: do virus gây viêm thần kinh sọ não số 8, thoái hóa cơ quan tiền đình, viêm tai giữa, tắc nghẽn động mạch tiền đình, chấn thương mê lộ, co thắt động mạch cột sống,…
1.2 Thiếu máu não
Não bộ là cơ quan quan trọng cần có đủ máu, oxy và chất dinh dưỡng để có thể hoạt động. Máu từ tim và các cơ quan khác sẽ được cũng cấp lên não liên tục.
Nếu quá trình cung cấp máu lên não bị giảm hoặc thiếu hụt toàn bộ trong một thời gian ngắn được gọi là thiếu máu não (hay thiểu năng tuần hoàn não). Điều này có thể dẫn đến chết các tế bào thần kinh dẫn tới đột quỵ (tai biến mạch máu não).
Thiếu máu não xảy ra do nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là do: xơ vữa động mạch mang máu đến nuôi dưỡng não, xuất hiện cục máu đông (huyết khối) gây chèn ép mạch máu lên não, áp lực bơm máu lên não bị thay đổi (suy giảm).
Nhiều bệnh lý có thể dẫn đến thiếu máu não như mỡ máu, dị dạng mạch máu não, huyết áp thấp, bệnh tim mạch (suy tim, …), bệnh tiểu đường, u não, thoái hóa – thoát vị đĩa đệm cột sống cổ,… Ngoài ra, thiếu máu não có thể xảy ra do một số nguyên nhân khác như: căng thẳng (lo âu, căng thẳng, stress), hoạt động sai tư thế, chế độ ăn thiếu dinh dưỡng,…
Tìm hiểu thêm: Những điều cần lưu ý khi khám đau đầu
2. Rối loạn tiền đình và thiếu máu não có biểu hiện tương tự nhau
Sở dĩ rất nhiều người nhầm lẫn rối loạn tiền đình – thiếu máu não, bởi chúng có biểu hiện tương đối giống nhau gồm: đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai,…
Tuy nhiên, nếu trên lâm sàng nếu quan sát kỹ thì các triệu chứng của rối loạn tiền đình, thiếu máu não có sự khác nhau ở mức độ và vị trí cơn đau. Cụ thể như:
2.1 Rối loạn tiền đình
Cơn đau đầu thường không tập trung ở một điểm, khó xác định được vị trí đau. Người bị rối loạn tiền đình thường hoa mắt, chóng mặt, khó giữ được thăng bằng nên đi đứng hay bị té ngã, sợ đi lại vì mọi thứ xung quanh như quay cuồng kể cả khi người bệnh nằm nghỉ ngơi. Ù tai xuất hiện rõ rệt và người bệnh dễ thay đổi tâm lý (dễ cáu gắt, nổi nóng, chán nản).
2.2 Thiếu máu não
Cơn đau đầu thường tập trung vào vùng chẩm, vùng gáy và đau tăng lên theo cơn. Người bị thiếu máu não có dấu hiệu hoa mắt nhưng chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn và có thể giữ được thăng bằng, triệu chứng này sẽ giảm đi khi người bệnh được nghỉ ngơi. Ù tai do thiếu máu não thường là ù tai nhẹ và thoáng qua. Người bị thiếu máu não cũng ít khi thay đổi tâm lý.
>>>>>Xem thêm: Nhận biết dấu hiệu đột quỵ và cách phòng ngừa
3. Rối loạn tiền đình, thiếu máu não tác động hai chiều
Có thể bạn chưa biết: rối loạn tiền đình, thiếu máu não được xem như “đôi bạn cùng tiến”.
– Thiếu máu não khiến nhiều cơ quan, trong đó có hệ thống thần kinh não bộ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều này tác động đến hệ thống tiền đình khiến rối loạn tiền đình trở nên trầm trọng hơn.
– Người bị rối loạn tiền đình thường thay đổi tâm lý, dễ có tâm lý chán nản, bực bội, cáu gắt, mệt mỏi, chán ăn, không muốn vận động. Điều này khiến máu lưu thông lên não bị ảnh hưởng, lâu ngày dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu lên não.
Khi có biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai,… bạn tuyệt đối không nên chủ quan. Bạn cũng không được tự chẩn đoán bệnh rồi tự ý sử dụng thuốc. Hãy tìm đến cơ sở y tế uy tín, để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra, chẩn đoán đúng và có phương pháp điều trị hiệu quả.
Thiếu máu não là căn bệnh nguy hiểm vì có thể dẫn đến đột quỵ (tai biến mạch máu não). Rối loạn tiền đình tuy không đe dọa trực tiếp đến tính mạng người bệnh, nhưng rối loạn tiền đình sẽ dẫn đến các nguy cơ như: dễ té ngã (nguy hiểm khi đang tham gia giao thông, làm các công việc nguy hiểm…), trầm cảm, suy nhược cơ thể, tạo gánh nặng cho gia đình và xã hội.