Phẫu thuật cắt gan giúp loại bỏ phần gan có vấn đề. Đây là việc làm cần thiết đối với các bệnh nhân mắc các bệnh về gan như xuất hiện khối u, ung thư,… Quy trình thực hiện và những lưu ý cần biết khi thực hiện phẫu thuật sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Phẫu thuật cắt gan và những lưu ý
1. Tìm hiểu về gan và phẫu thuật cắt gan
Phẫu thuật cắt gan được thực hiện để loại bỏ một phần nào đó của gan ra khỏi cơ thể. Các bướu gan thứ phát (lan từ nơi khác vào gan), bướu gan nguyên phát (hình thành trong gan) là các đối tượng cần cắt bỏ hoàn toàn.
Gan là phần nội tạng đặc lớn nhất của cơ thể. Chúng có nhiệm vụ cung cấp protein, xử lý phần lớn thức ăn chúng ta tiêu thụ. Có thể ví gan như bộ lọc giúp đào thải thuốc và chất độc, ngăn ngừa nhiễm trùng.
Cấu tạo của gan có thùy trái và thùy phải. Trong mỗi thùy lại chia thành các phân thùy. Phạm vi cắt gan sẽ phụ thuộc và kích thước, vị trí và số lượng của khối bướu. Gan là bộ phận có khả năng tự tái tạo và sửa chữa. Vì vậy gan có thể cắt bỏ tối đa lên tới 65%. Phần gan còn lại sẽ phát triển và trở lại kích thước ban đầu sau 3 tháng.
Phẫu thuật cắt gan là kỹ thuật nhằm loại bỏ phần gan bị tổn thương
2. Xác định đối tượng cắt gan
Phần lớn các bệnh nhân cần cắt gan là do ung thư di căn. Ung thư gan nguyên phát cần cắt bỏ là trường hợp thường gặp nhất. Ung thư bắt nguồn từ tế bào gan và thường liên quan đến bệnh nền mạn tính. Việc thực hiện phẫu thuật sẽ phụ thuộc vào:
– Kích thước của các khối bướu
– Vị trí của khối bướu
– Mức độ gan bị ảnh hưởng
– Khối bướu có ở bên ngoài gan không
– Bệnh nhân mắc bệnh ung thư ruột không
– Bệnh nhân có các bệnh lý nền như: Xơ gan, rối loạn chức năng gan, viêm gan mạn tính
– Tình trạng của bệnh nhân thời điểm hiện tại
Trường hợp khác cần cắt gan là khi bị sỏi gan. Bác sĩ sẽ cắt bỏ các phần gan bị ảnh hưởng để lấy sỏi giúp loại bỏ tắc nghẽn và ứ đọng mật do sỏi gây ra.
Trước khi phẫu thuật cần xác định vị trí và tình trạng tổn thương ở gan
3. Giải đáp các vấn đề xung quanh phẫu thuật gan
Bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân với thời gian dài khoảng 3 – 6 tiếng hoặc lâu hơn. Hầu hết các phẫu thuật cắt gan là phẫu thuật mở thông qua đường rạch ở bụng. Một số trường hợp có thể áp dụng phương pháp mổ nội soi. Đây là kỹ thuật ít xâm lấn và giảm thiểu đau đớn cho người bệnh.
3.1 Điều gì sẽ xảy ra sau phẫu thuật cắt gan
Sau khi thực hiện cắt gan bệnh nhân được đưa tới phòng hồi tỉnh. Sau khi tỉnh lại bệnh nhân sẽ được chuyển tới Khoa Săn Sóc Tích Cực để nằm theo dõi trong 1 đến 2 ngày cho tới khi đủ sức khỏe để về phòng bệnh. Bệnh nhân được gắn máy theo dõi huyết áp, nhịp tim và lượng dịch. Bệnh nhân có thể cảm thấy buồn ngủ hoặc mệt là điều bình thường.
3.2 Sau phẫu thuật bệnh nhân có đau không?
Sau khi phẫu thuật bệnh nhân sẽ có cảm giác đau và được dùng thuốc giảm đau để cảm thấy dễ chịu hơn. Điều này rất quan trọng vì bệnh nhân có thể hít thở sâu và đi lại dễ dàng hơn giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu.
Thuốc giảm đau được dùng qua đường ngoài màng cứng trong khoảng 3 ngày sau phẫu thuật. Bệnh nhân cũng có thể được gắn với máy bơm giúp bệnh nhân tự kiểm soát cơn đau. Một phương pháp khác là người bệnh được đặt các ống nhỏ trong bụng gọi là ống thông vết sẹo để gây tê quanh vùng sẹo. Sau 3 ngày đầu bệnh nhân sẽ chuyển sang uống thuốc giảm đau dạng viêm.
3.3 Bệnh nhân sẽ nằm bao lâu trên giường bệnh
Trong vài ngày đầu sau phẫu thuật bệnh nhân được gắn máy theo dõi và truyền dịch. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn hít thở sâu và tập chân. Bệnh nhân được khuyến khích vận động nhẹ trên giường. Sau đó bệnh nhân cần xuống giường, ngồi ghế, đi bộ ngắn. Việc vận động sớm sẽ giúp tăng cường tuần hoàn, ngăn nhiễm trùng phổi, kích thích ruột hoạt động trở lại.
3.4 Thời gian nằm viện
Thông thường sau khoảng 8 ngày bệnh nhân sẽ được xuất viện. Tuy nhiên thời gian sẽ phụ thuộc nhiều vào tốc độ phục hồi của bệnh nhân. Sau khi có thể tự ăn uống và đi lại bác sĩ sẽ kiểm tra để bệnh nhân đủ điều kiện xuất viện.
3.5 Khi nào bệnh nhân có thể trở lại bình thường?
Bệnh nhân cần vài tuần hoặc vài tháng để sức khỏe phục hồi trở lại. Người bệnh nên nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt và tăng dần mức độ hoạt động. Các bài tập thể dục nhẹ nhàng cần được duy trì để giúp cải thiện sức khỏe.
Bệnh nhân nên tránh lái xe hoặc nâng vật nặng trong 6 tuần sau khi phẫu thuật. Trong vòng 3 tháng sau khi phẫu thuật gan, người bệnh tuyệt đối không uống bia rượu vì đây là thời gian gan đang tái tạo.
Tìm hiểu thêm: Chế độ ăn uống để kiểm soát gan nhiễm mỡ
Sau phẫu thuật bệnh nhân cần nghỉ ngơi và vận động nhẹ nhàng
4. Những rủi ro có thể xảy ra
Các cuộc phẫu thuật đều tiềm ẩn nguy cơ xảy ra biến chứng. Có khoảng 20% số ca phẫu thuật xảy ra vấn đề nhẹ và dễ giải quyết. Một số biến chứng cụ thể khi phẫu thuật gan là:
4.1 Nhiễm trùng phổi sau phẫu thuật cắt gan
Đường rạch nằm trên bụng khiến bệnh nhân khó hít thở sâu hoặc ho dẫn tới nhiễm trùng phổi. Điều dưỡng sẽ hướng dẫn bệnh nhân tập thể để ngăn ngừa biến chứng này. Người bệnh cũng được khuyến khích đi lại nhẹ nhàng sớm sau phẫu thuật. Những người thừa cân hoặc hút thuốc sẽ có nguy cơ gặp biến chứng cao hơn.
4.2 Nhiễm trùng vết mổ
Trong quá trình phẫu thuật sẽ được sử dụng kháng sinh dự phòng nhưng vết mổ vẫn có khả năng bị nhiễm trùng. Y tá sẽ chăm sóc để giữ vết thương sạch và khô đồng thời phát hiện nguy cơ nhiễm trùng sớm. Nếu bệnh nhân bị nhiễm trùng sẽ cần sử dụng thêm thuốc kháng sinh và thời gian lành bệnh sẽ lâu hơn.
4.3 Cục máu đông ở chân (huyết khối tĩnh mạch sâu)
Bệnh nhân được dùng loại vớ phẫu thuật đặc biệt để mang khi nằm viện và tiêm thuốc làm loãng máu. Chuyên viên vật lý trị liệu sẽ hướng dẫn bệnh nhân một số bài tập chân giúp ngăn cục máu đông.
4.4 Rò rỉ mật
Trường hợp này chỉ chiếm tỉ lệ từ 5-10% số ca. Các bác sĩ sẽ thực hiện nội soi để giải áp đường mật hoặc dẫn lưu ra ngoài.
4.5 Chảy máu trong và sau khi phẫu thuật
Trường hợp này cần xử lý bằng cách truyền máu hoặc phẫu thuật lại. Phần lớn các trường hợp sẽ được giải quyết nhanh chóng mà không cần can thiệp thêm.
4.6 Suy gan
Suy gan có thể xảy ra khi phần gan còn lại không đủ sức để hoạt động bình thường. Biến chứng có thể dẫn tới vàng da, lơ mơ, phù chân. Bệnh nhân cần dùng thuốc hỗ trợ gan cho tới khi chúng hoạt động bình thường trở lại
4.7 Tử vong
Tỷ lệ bệnh nhân tử vong trong 30 ngày sau phẫu thuật chỉ chiếm dưới 1% do xảy ra biến chứng nghiêm trọng hoặc các vấn đề y khoa khác. Bệnh nhân và bác sĩ cần thảo luận về các nguy cơ khi gây mê và phẫu thuật. Do phẫu thuật cắt gan thường thực hiện sau chẩn đoán ung thư vì vậy cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ sẽ gặp phải.
>>>>>Xem thêm: Phương pháp điều trị sỏi túi mật và cách chăm sóc
Sau phẫu thuật bệnh nhân có thể gặp phải một số rủi ro
Mong rằng qua bài viết bạn đã hiểu hơn về phẫu thuật cắt gan. Đây là kỹ thuật điều trị có cần có chuyên môn cao vì vậy bạn cần lựa chọn các bệnh viện lớn và uy tín để thực hiện.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.