Bên cạnh những phương pháp tán sỏi hiện đại, phẫu thuật nội soi lấy sỏi cũng được áp dụng trong những trường hợp sỏi rất lớn, điều trị bằng nhiều phương pháp khác không hiệu quả. Phương pháp này có ưu điểm là loại bỏ sỏi nhanh, ít để lại sẹo, đảm bảo tính thẩm mỹ và an toàn.
Bạn đang đọc: Phẫu thuật nội soi lấy sỏi có đau không và khi nào được chỉ định?
1. Phẫu thuật nội soi lấy sỏi là gì?
Phẫu thuật nội soi lấy sỏi là hình thức can thiệp với mức độ xâm lấn tối thiểu trong ngoại khoa. Quá trình này được thực hiện thông qua các vết rạch da rất nhỏ tại ổ bụng và mọi thao tác diễn ra bên trong cơ thể sẽ đều được điều khiển thông qua máy móc và màn hình bên ngoài cơ thể.
Với những ưu điểm mà phẫu thuật nội soi đem đến trong lĩnh vực ngoại khoa tổng quát nói chung và ngoại tiết niệu nói riêng, những người bệnh bị sỏi có thêm một lựa chọn điều trị mang lại hiệu quả cùng tính an toàn cao.
Phẫu thuật nội soi là chỉ định bắt buộc trong một số trường hợp điều trị sỏi đặc biệt
2. Khi nào có chỉ định phẫu thuật nội soi?
Việc can thiệp nội soi lấy sỏi chỉ được thực hiện khi người bệnh có chỉ định phù hợp trong các trường hợp sau đây:
– Sỏi thận có triệu chứng nặng: Người bệnh đi khám vì những cơn đau hông lưng âm ỉ kéo dài hoặc cơn đau quặn thận, tiểu máu, tiểu rắt, tiểu buốt, người sốt lạnh run trong các đợt viêm nhiễm tiểu kéo dài hoặc tái đi tái lại.
– Sỏi thận không triệu chứng với kích thước lớn từ 10 đến 20mm.
– Các loại sỏi lớn có kích thước từ 20mm trở lên.
Tất cả những chỉ định trên được xác định trước thông qua bệnh sử, quá trình thăm khám lâm sàng cùng các xét nghiệm liên quan như tổng phân tích nước tiểu, siêu âm bụng, chụp cắt lớp vi tính, chụp X-quang,.. nhằm đánh giá chính xác kích thước, vị trí và tính chất của sỏi trước khi can thiệp ngoại khoa.
Đối với các trường hợp đang diễn ra biến chứng cấp tính của sỏi như thận ứ mủ, áp xe thận, viêm nhiễm đường tiết niệu, suy thận,.. thì mổ lấy sỏi qua nội soi không phải là biện pháp phù hợp lúc này. Thay vào đó, người bệnh cần được điều trị biến chứng trước hoặc thực hiện mổ cấp cứu hoặc mổ mở lấy sỏi.
Tìm hiểu thêm: Bệnh viện chữa sỏi thận ở Hà Nội
Sau khi tiến hành thăm khám chi tiết, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định có nên phẫu thuật hay không
3. Những thắc mắc về phẫu thuật nội soi lấy sỏi
3.1. Các bước chuẩn bị trước khi phẫu thuật nội soi lấy sỏi
Sau khi đã xác định người bệnh được chỉ định mổ nội soi lấy sỏi sẽ bắt đầu lên kế hoạch tiền phẫu. Bác sĩ gây mê sẽ tiến hành thăm khám tổng quát, đảm bảo các cơ quan đáp ứng được cuộc gây mê cũng như phẫu thuật.
Trong trường hợp người bệnh có các bệnh lý nền hay tình trạng đặc biệt như sử dụng van tim nhân tạo, thay khớp nhân tạo, đã từng tiến hành cấy ghép bất kỳ cơ quan nào,… cần thông báo trực tiếp với bác sĩ để có phương án xử lý theo kèm.
Vào trước ngày nhập viện, người bệnh sẽ được yêu cầu không được ăn hoặc uống trong 6 giờ trước khi phẫu thuật. Sau đó, điều dưỡng sẽ hướng dẫn vệ sinh cơ thể bằng dung dịch sát khuẩn, thay trang phục và điều chỉnh tư thế phù hợp trên bàn mổ,..
3.2. Điều gì xảy ra trong quá trình mổ nội soi?
Khi quá trình gây mê hoàn tất, bác sĩ phẫu thuật sẽ tiến hành rạch da để đưa thiết bị nội soi vào cơ thể và tiến hành thực hiện lấy sỏi. Thông qua màn hình hiển thị lên những hình ảnh bên trong ổ bụng, bác sĩ có thể điều chỉnh các thiết bị tiếp cận nhu mô thận và tiến hành bóc tách lấy sỏi.
Trong quá trình mổ, một số rủi ro hoặc biến chứng vẫn có thể xảy ra, đây là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có thể được kiểm soát và xử lý gọn gàng nên người bệnh hoàn toàn có thể yên tâm.
Cuối cùng khi đã lấy hết sỏi, nhu mô thận sẽ được đóng lại, các dụng cụ nội soi lần lượt được rút ra. Các vết mổ trên thành bụng được khâu lại và băng dán vết thương cẩn thận. Bác sĩ rút ống thở và chuyển người sang phòng chờ hồi tỉnh, kết thúc ca phẫu thuật lấy sỏi.
3.3. Phẫu thuật nội soi lấy sỏi bao lâu thì lành?
Thời gian nằm viện dự kiến sau mổ nội soi là 3 ngày. Một số người bệnh có thể về nhà sớm hơn nếu quá trình hồi phục nhanh hơn Trước khi ra viện, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể và dặn dò cách chăm sóc vết thương cùng thời điểm tái khám để đánh giá lại sau đó.
Về vết thương mổ sỏi thận sẽ cần từ 10 đến 14 ngày để phục hồi hoàn toàn và hầu hết mọi người đều có thể trở lại sinh hoạt bình thường sau 2 đến 4 tuần.
>>>>>Xem thêm: Nội soi sau phúc mạc lấy sỏi niệu quản chỉ định cho trường hợp nào?
Thời gian hồi phục sau phẫu thuật thường từ 3 – 4 ngày và sau 10 – 14 ngày người bệnh có thể sinh hoạt trở lại
3.4. Cần chăm sóc và theo dõi gì sau mổ nội soi lấy sỏi?
Khi đã hoàn toàn tỉnh táo, người bệnh có thể tự thở êm, sinh hiệu ổn định và ống dẫn lưu ra nước tiểu tốt, người bệnh sẽ được ra khỏi phòng hậu phẫu và chuyển về phòng riêng.
Lúc này, người bệnh nên ăn, uống ngay khi cảm thấy thèm ăn hoặc có thể ăn sau phẫu thuật. Người bệnh cũng được khuyến khích vận động nhẹ nhàng trở lại càng sớm càng tốt. Điều này sẽ giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông ở chân di chuyển vào phổi cũng như giúp cải thiện nhanh chức năng đường ruột sau tác dụng phụ của thuốc gây mê.
Ống thông tiểu thường sẽ được rút ra vào buổi sáng sau phẫu thuật 1 ngày và người bệnh cần tập luyện lại thói quen đi tiểu như bình thường. Lưu ý, người bệnh cần uống nhiều nước để tăng hoạt động đào thải trên đường niệu, ổn định lại chức năng tiết niệu.
Phẫu thuật nội soi lấy sỏi với những ưu điểm kỹ thuật nội soi đem lại, điều trị lấy sỏi sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn, ít đau đớn, thời gian hồi phục nhanh hơn và có tính thẩm mỹ cao. Người bệnh cần cân nhắc lựa chọn cơ sở y tế uy tín để tiến hành phẫu thuật nội soi tin cậy, chuyên nghiệp để có được hiệu quả điều trị cao và đảm bảo tính an toàn tuyệt đối.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.