Phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4: Độ nguy hiểm và cách điều trị

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính là một bệnh lý hô hấp nghiêm trọng, gây tổn thương phổi và phế quản. Bệnh thường tiến triển qua 4 giai đoạn, với mỗi giai đoạn có biểu hiện và phác đồ điều trị khác nhau. Trong đó, phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4 là giai đoạn nặng nhất và nguy hiểm nhất, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người bệnh.

1. Tổng quan về bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các giai đoạn bệnh

1.1 Phổi tắc nghẽn mạn tính là gì?

Phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là tình trạng viêm niêm mạc đường thở kéo dài, làm giảm chức năng hô hấp. Người bệnh thường gặp khó khăn trong việc thở do đường dẫn khí bị hẹp lại, gây nguy cơ suy hô hấp. Bệnh gồm hai dạng chính: viêm phế quản mạn tính và khí phế thủng. Viêm phế quản mạn tính xảy ra khi lớp niêm mạc phế quản bị viêm, dẫn đến sưng đỏ và tiết nhiều chất nhầy, làm hẹp đường thở và khó thở.

Phổi tắc nghẽn mạn tính là bệnh lý phổ biến, chiếm phần lớn các ca bệnh hô hấp. Bệnh thường được phát hiện khi đã nặng, do các triệu chứng ban đầu dễ nhầm lẫn với các bệnh đường hô hấp khác.

1.2 Các giai đoạn của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Phổi tắc nghẽn mạn tính tiến triển qua 4 giai đoạn, mỗi giai đoạn có biểu hiện và mức độ tổn thương phổi khác nhau:

Giai đoạn 1: Triệu chứng nhẹ, thường là ho kéo dài và có đờm. Người bệnh ít nhận biết do nhầm lẫn với cảm cúm hoặc viêm họng. Chức năng hô hấp giảm nhẹ.

Giai đoạn 2: Các triệu chứng trở nên rõ ràng hơn như ho có đờm, khó thở, thở khò khè, mệt mỏi. Chức năng hô hấp giảm còn 50-70%.

Giai đoạn 3: Chức năng hô hấp giảm chỉ còn 30-50%. Người bệnh có thể gặp các biến chứng như viêm phổi, thiếu oxy, nhức đầu buổi sáng, thở nhanh.

Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất, chức năng phổi suy giảm xuống 30% hoặc ít hơn, dẫn đến khó thở nghiêm trọng, mệt mỏi, nguy cơ gây tử vong cao.

biến chứng bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính ở giai đoạn 4

COPD khi chuyển sang giai đoạn 4 thường gây khó thở, thậm chí đe dọa tính mạng

2. Tìm hiểu về phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4

2.1 Mức độ nguy hiểm của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4

Giai đoạn 4 cũng là giai đoạn cuối của căn bệnh này, khi chức năng phổi suy giảm đáng kể, chỉ còn hoạt động bằng hoặc ít hơn 30% so với bình thường. Trong giai đoạn này, những tổn thương ở phổi khó có thể phục hồi. Người bệnh cảm thấy sức khỏe ảnh hưởng nghiêm trọng, khó thở nặng, thiếu oxy dẫn đến suy tim, tăng huyết áp, tổn thương não hoặc nhiễm trùng nặng. Lúc này thường xảy ra tình trạng sụt cân, thường xuyên nhức đầu, sinh hoạt hàng ngày càng thêm khó khăn,… Các đợt khó thở cấp có thể nặng hơn, nguy cơ tử vong rất cao, đặc biệt với người già.

Người bệnh cần được can thiệp y tế chuyên sâu, bao gồm theo dõi chức năng phổi, kiểm tra nồng độ oxy trong máu, có thể phải nhập viện điều trị tại các đơn vị chăm sóc tích cực.

2.2 Phương pháp điều trị phổi tắc nghẽn mạn tính giai đoạn 4

Hướng điều trị với bệnh nhân giai đoạn này cơ bản vẫn giống như ở các giai đoạn trước. Tuy nhiên, điều quan trọng là bệnh nhân cần tiếp tục duy trì hoạt động đúng cách, tránh xa thuốc lá, duy trì chế độ ăn kiêng, tham gia các chương trình phục hồi chức năng phổi.

Nếu mức độ hoạt động của phổi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, các bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc giãn phế quản, thuốc hít, liệu pháp oxy bổ sung hoặc điều trị phẫu thuật như: phẫu thuật giảm thể tích phổi hoặc ghép phổi.

Mục tiêu điều trị trong giai đoạn này là hỗ trợ nhằm cải thiện chức năng hô hấp và kéo dài tuổi thọ người bệnh. Các phương pháp điều trị cụ thể gồm có:

Thuốc giãn phế quản: Giúp mở rộng đường thở, thường sử dụng dưới dạng hít để người bệnh có thể dùng dễ dàng hàng ngày.

Thuốc chống viêm: Giúp giảm viêm và giãn phế quản, hỗ trợ quá trình hô hấp.

Thuốc làm loãng dịch nhầy: Giúp người bệnh dễ dàng khạc đờm ra ngoài, thường được chỉ định trong các đợt viêm cấp tính.

Phẫu thuật: Trong một số trường hợp nặng, phẫu thuật ghép phổi hoặc giảm thể tích phổi có thể được xem xét.

Theo dõi thường xuyên: Người bệnh cần được theo dõi bởi các bác sĩ chuyên khoa hô hấp để điều chỉnh phương pháp điều trị kịp thời.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *