Parkinson hay nói nôm na là bệnh run tay chân ở người già. Bệnh rất phổ biến, thường gặp ở độ tuổi từ 50-60 tuổi trở lên. Bệnh parkinson có tiến triển chậm, làm suy giảm chất lượng cuộc sống và rút ngắn tuổi thọ của người bệnh. Mời bạn cùng tìm hiểu cách chẩn đoán và điều trị bệnh parkinson trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Phương pháp chẩn đoán và điều trị bệnh parkinson
1. Hiểu đúng về bệnh parkinson
Nhiều người cao tuổi thấy tay, chân người bệnh bị rung (run) nhầm tưởng đây là bệnh lý cơ xương khớp nhưng thực chất parkinson là bệnh lý thoái hóa hệ thần kinh tiến triển và mạn tính. Bệnh parkinson được đặc trưng bằng ít nhất hai trong nhiều triệu chứng như: run khi nghỉ, giảm cử động/vận động, cứng cơ.
Triệu chứng mất thăng bằng tư thế ở người bệnh parkinson thường xuất hiện trong giai đoạn muộn. Ngoài ra, trong bệnh lý parkinson thì người bệnh có thể gặp phải rối loạn ý thức và sa sút trí tuệ lên đến 41%.
Parkinson hay nói nôm na là bệnh run tay chân ở người già, rất phổ biến, thường gặp ở độ tuổi từ 50-60 tuổi trở lên.
2. Chẩn đoán và điều trị bệnh parkinson
2.1 Chẩn đoán phân biệt
Hiện nay chưa có một phương pháp hay công cụ nào có thể chẩn đoán chính xác rằng một người bị parkinson hay không. Các bác sĩ sẽ dựa trên kinh nghiệm thực tế, thử nghiệm chẩn đoán và chẩn đoán phân biệt.
Chẩn đoán phân biệt để loại trừ các bệnh lý liên quan như:
– Run vô căn
– Sa sút trí tuệ Lewy (ảo giác thị giác, ý thức dao động, nhạy cảm với thuốc an thần).
– Bệnh Alzheimer
– Sa sút trí tuệ thái dương (thay đổi nhân cách)
– Thoái hóa vỏ não hạch nền
– Bệnh Huntington
– Do thuốc (như thuốc an thần, các thuốc đồng vận dopamine)
– Bệnh chuyển hóa (bệnh Wilson, thoái hóa thần kinh do ứ sắt)
– Nhiễm độc (carbon monoxide, manganese)
2.2 Thử nghiệm chẩn đoán
Bác sĩ có thể cân nhắc điều trị thử bằng levodopa để xem người bệnh có đáp ứng hay không, điều này sẽ giúp chẩn đoán bệnh. Nếu người bệnh đáp ứng với việc sử dụng thuốc levodopa thì tức là người đó có khả năng cao bị parkinson và ngược lại.
Ngoài ra, chụp cộng hưởng từ não (MRI não) để loại trừ những bất thường về cấu trúc não bộ. Đây cũng được xem là một trong những phương pháp chẩn đoán phân biệt, loại trừ các tổn thương/bệnh lý ở não bộ, góp ích cho quá trình chẩn đoán bệnh parkinson.
Tìm hiểu thêm: Mối liên hệ giữa mất ngủ và đột quỵ cần biết
Để chẩn đoán bệnh parkinson chủ yếu dựa trên thăm khám lâm sàng và chẩn đoán loại trừ.
3. Điều trị bệnh parkinson
Hiện nay chưa có một phác đồ điều trị nào có thể chữa khỏi bệnh parkinson. Nguyên tắc điều trị đối với căn bệnh này đó là điều trị bằng thuốc chuyên dùng kết hợp với điều trị không dùng thuốc.
3.1 Chẩn đoán và điều trị bệnh parkinson bằng thuốc
Một số loại thuốc thường được sử dụng khi điều trị bệnh parkinson đó là điều trị bằng thuốc bảo vệ thần kinh và các thuốc điều trị triệu chứng.
Một số thuốc bảo vệ thần kinh thường dùng như selegiline, levodopa. Trong đó, levodopa là thuốc được các chuyên gia ưu tiên sử dụng cho người bệnh parkinson. Levodopa kết hợp với carbidopa làm giảm sự chuyển đổi levodopa ở ngoại biên và các tác dụng phụ đi kèm.
Các thuốc đồng vận như pramipexole, ropinirole có thể dùng đơn trị liệu hoặc kết hợp với các thuốc parkinson khác. Thuốc có tác dụng làm chậm khởi phát sự loạn động và những thay đổi bất thường về vận động do thuốc levodopa gây ra, nhưng chúng thường ít có hiệu quả và sẽ làm tăng các tác dụng phụ.
Đối với những người bị bệnh parkinson, các bác sĩ thường không cho sử dụng thuốc an thần và bất kỳ thuốc ức chế dopamin nào vì có thể làm bệnh nặng thêm và kéo dài thêm triệu chứng của bệnh. Trong trường hợp đặc biệt nếu người bệnh cần phải dùng đến thuốc an thần thì các bác sĩ sẽ cân nhắc hai loại thuốc đó là quetiapine và clozapine, đây là hai thuốc gây ít các triệu chứng của bệnh parkinson nhất.
Các thuốc kháng cholinergic chỉ được khuyến khích dùng ở những bệnh nhân trẻ với triệu chứng nổi bật nhất là triệu chứng run.
Việc điều trị triệu chứng cho bệnh nhân parkinson sẽ căn cứ vào mức độ giảm chức năng. Liều lượng sử dụng thuốc sẽ do bác sĩ quyết định. Bạn tuyệt đối không tự ý sử dụng hay tùy chỉnh liều lượng thuốc khi chưa được sự cho phép của bác sĩ.
>>>>>Xem thêm: Khi nào đột quỵ dễ xảy ra và cách phòng tránh
Điều trị nội khoa (sử dụng thuốc) là phương pháp chính, được chuyên gia ưu tiên sử dụng trong điều trị bệnh lý parkinson.
3.2 Điều trị không dùng thuốc
Kết hợp giáo dục, các nhóm trợ giúp cho người bệnh và vật lý trị liệu, cùng vấn đề dinh dưỡng, sẽ giúp hỗ trợ quá trình điều trị và cải thiện triệu chứng cho bệnh nhân parkinson.
3.3 Chẩn đoán và điều trị bệnh parkinson bằng phẫu thuật
Phẫu thuật kích thích não sâu là một phương pháp được biết đến và sử dụng, giúp cải thiện triệu chứng của người bệnh parkinson.
Đây là phương pháp ngoại khoa, ít xâm lấn, giúp giảm rối loạn vận động, cải thiện các triệu chứng đặc trưng nhất parkinson, đồng thời giảm được các tác dụng của thuốc.
Phương pháp phẫu thuật kích thích não sâu sẽ không giúp khỏi hoàn toàn bệnh nhưng có thể giúp người bệnh cải thiện triệu chứng. Phương pháp này chỉ được sử dụng khi người bệnh đã được chẩn đoán đúng bệnh parkinson và có hiệu quả với thuốc uống, có các biến chứng hoặc có các tác dụng phụ do thuốc gây ra.
Khuyến cáo áp dụng với trường hợp người bệnh dưới 75 tuổi và đã có tiền sử mắc bệnh từ 5 năm. Không áp dụng phương pháp này với người bệnh bị sa sút trí tuệ nặng, loạn thần nặng.
4. Chăm sóc người bệnh parkinson giai đoạn cuối
Đây là giai đoạn mà người bệnh rất cần sự quan tâm và chăm sóc của người nhà, cũng như những người thân xung quanh. Bởi lúc này việc sử dụng thuốc đối với người bệnh gần như không còn tác dụng (họ bị nhờn thuốc).
Sự quan tâm, trợ giúp của người thân như trò chuyện, động viên, an ủi, đồng cảm, giúp đỡ, chăm sóc sẽ giúp người bệnh không thấy họ bị vô dụng, cô đơn, có thêm niềm vui để tiếp tục sống tiếp.
Bên cạnh đó, các biện pháp vật lý trị liệu vẫn nên tiếp tục áp dụng để các triệu chứng vận động được cải thiện phần nào. Hằng ngày người bệnh nên cho người bệnh ăn những đồ ăn mềm, lỏng, dễ nuốt , điều này sẽ tốt cho hệ tiêu hóa của người bệnh, bởi ở giai đoạn cuối các bệnh nhân parkinson thường khó nhai khó nuốt, dễ bị táo bón. Bạn hãy chọn những thực phẩm có chứa nhiều chất xơ và vitamin và đừng quên nhắc người bệnh uống thuốc đúng giờ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.