Phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống thắt lưng được các chuyên gia khuyến nghị can thiệp trong trường hợp tổn thương nghiêm trọng, mạn tính do bệnh lý thoát vị đĩa đệm gây ra. Vậy cùng tìm hiểu kĩ hơn về phương pháp phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống thắt lưng trong bài viết dưới đây nhé.
Bạn đang đọc: Phương pháp phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống thắt lưng
1. Phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống thắt lưng là gì?
Thay đĩa đệm cột sống thắt lưng là phẫu thuật được áp dụng để điều trị đĩa đệm cột sống đã tổn thương nặng gây ra tình trạng đau nhức mạn tính, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Phương pháp này thường được bác sĩ chỉ định sau 6 tháng điều trị bằng các biện pháp bảo tồn nhưng thất bại. Đây được xem là phương pháp mới hơn so với phương pháp hợp nhất đĩa đệm cột sống thắt lưng.
Chất liệu của các loại đĩa đệm nhân tạo thường là kim loại hoặc kết hợp giữa kim loại và một loại nhựa đặc biệt. Đây là một cuộc đại phẫu, nên trong suốt quá trình phẫu thuật người bệnh sẽ được gây mê toàn thân. Đồng thời phải lưu lại viện một vài ngày để bác sĩ theo dõi, hướng dẫn các bài tập vật lý trị liệu.
Khi tổn thương cột sống hoặc đĩa đệm nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống thắt lưng.
2. Có nên phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo cột sống thắt lưng không?
Theo các chuyên gia, đĩa đệm có vai trò rất quan trọng với cơ thể con người, bao gồm chức năng tạo ra khoảng cách, giảm sốc và tạo điều kiện cho các đốt sống chuyển động linh hoạt, nhịp nhàng. Khi đĩa đệm bị thoái hóa, chấn thương hay cấu tạo bất thường và không thể thực hiện được vai trò của mình, dẫn đến tình trạng đau nhức dữ dội, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện phẫu thuật này.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần phải thay đĩa đệm. Phẫu thuật thay thế đĩa đệm lưng được chỉ định khi:
– Tình trạng đau lưng xuất phát từ 1 hoặc 2 đĩa đệm nằm ở vị trí cột sống lưng dưới
– Người bệnh không có các bệnh lý liên quan đến khớp hoặc chèn ép lên các dây thần kinh cột sống
– Người bệnh không trong tình trạng thừa cân
– Người chưa từng phẫu thuật cột sống trước đây
– Không bị cong vẹo cột sống hoặc xuất hiện các dị tật cột sống khác
Theo dữ liệu từ các nghiên cứu của Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), việc thay đĩa đệm nhân tạo giúp duy trì chuyển động cho cột sống, giảm nguy cơ mắc bệnh đối với các đốt sống liền kề. Bên cạnh đó, dữ liệu nghiên cứu cho biết thay đĩa đệm nhân tạo cần thời gian phục hồi tương đối ngắn, nên cho phép người bệnh trở lại với sinh hoạt hàng ngày sớm hơn.
3. Lợi ích khi thay đĩa đệm cột sống thắt lưng
Theo các chuyên gia, việc thay đĩa đệm cột sống thắt lưng này mang đến nhiều lợi ích cho người bệnh, cụ thể như sau:
– Duy trì độ ổn định và chuyển động linh hoạt của cột sống;
– Giảm thiểu khả năng thoái hóa đốt sống liền kề;
– Thời gian phục hồi ngắn, người bệnh hoạt động lại bình thường sau vài tuần;
– Người bệnh hoàn toàn có thể chạy bộ sau 3 tháng hoặc chơi một số bộ môn thể thao vừa sức khác.
Tuy nhiên, để chẩn đoán chính xác hơn thì các chuyên gia sẽ chỉ định chụp X-quang, chụp cộng hưởng từ, xét nghiệm máu, chụp cắt lớp CT. Qua đó, bác sĩ sẽ xác định được chính xác mức độ của cơn đau lưng và quyết định xem phương pháp nào phù hợp với tình trạng của bạn.
Tìm hiểu thêm: 3 Điều cần biết về hội chứng ống cổ tay
Việc thay đĩa đệm cột sống thắt lưng giúp người bệnh duy trì độ ổn định và chuyển động linh hoạt của cột sống.
4. Quy trình phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống thắt lưng
Sau khi hoàn tất quá trình xét nghiệm, chẩn đoán trước mổ, dưới đây là quy trình phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống thắt lưng:
– Người bệnh được gây mê toàn thân và nằm ở tư thế ngửa. Phẫu thuật viên sẽ thông qua vết rạch ở hông dài từ 5-8cm để tiếp cận cột sống.
– Đĩa đệm tự nhiên sẽ được lấy ra khỏi cột sống. Sử dụng một số thiết bị chuyên dụng để đo và đánh giá kích thước của các thân đốt sống, độ cong của cột sống tại vùng bị tổn thương. Điều này nhằm đảm bảo cho đĩa đệm nhân tạo được lắp đúng kích thước và vị trí.
– Khi không gian đĩa đệm đã được dọn sạch, đĩa đệm nhân tạo sẽ được cấy vào. Các mô và mạch máu sẽ được đặt trở lại vị trí bình thường. Cuối cùng, bác sĩ tiến hành đóng vết thương bằng cách chỉ khâu.
– Đĩa đệm nhân tạo được thiết kế để gắn vào cột sống và phù hợp với không gian đĩa đệm. Tùy theo loại đĩa đệm mà các bước quy trình chi tiết và công cụ dùng để cấy ghép có thể khác nhau. Vì vậy, phương pháp phẫu thuật cột sống thắt lưng đòi hỏi tay nghề của bác sĩ cao và hệ thống trang thiết bị hiện đại của các cơ sở y tế.
5. Những điều cần lưu ý sau phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thay đĩa đệm cột sống thắt lưng là một cuộc đại phẫu, do vậy bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm sau khi điều trị.
5.1. Hạn chế ngồi nhiều
Trong 4 ngày đầu, người bệnh nên tránh đứng hay ngồi quá lâu.
5.2. Không tự ý lái xe
Khi di chuyển người bệnh cần có người hỗ trợ, có người nhà chăm sóc.
5.3. Tránh gây căng thẳng cho cột sống
Khoảng từ 2-4 tuần sau phẫu thuật đĩa đệm cột sống thắt lưng, người bệnh không uốn cong, không vặn người hay mang vác vật nặng và tránh nằm nghiêng…
5.4. Chú ý chế độ dinh dưỡng
Chế độ ăn uống cân bằng, giàu vitamin và khoáng chất, uống đủ nước.
5.5. Tái khám theo lịch hẹn
Người bệnh nên tuân thủ tái khám theo đúng lịch hẹn của bác sĩ để được chăm sóc một cách chu đáo.
5.6. Chú ý đến các dấu hiệu bất thường
Sau phẫu thuật, nếu nhận thấy cơ thể có những cơn đau kéo dài, vết thương chảy máu, chảy dịch liên tục, ớn lạnh, sốt cao, tê chân, đau chân, đau tức ngực… thì hãy nhanh chóng đến bệnh viện để được bác sĩ kiểm tra và hỗ trợ.
>>>>>Xem thêm: Bị thoái hóa khớp gối có nên đạp xe hay không?
Thay đĩa đệm cột sống thắt lưng là một cuộc đại phẫu, do vậy bạn cần lựa chọn cơ sở y tế uy tín để thực hiện.
Phẫu thuật thay đĩa đệm cột sống thắt lưng là một phương pháp khá phức tạp. Tuy nhiên, với sự phát triển của y học, tay nghề bác sĩ kết hợp cùng với hỗ trợ đắc lực của các trang thiết bị hiện đại, người bệnh sẽ nhanh chóng giải phóng khỏi các cơn đau lưng và quay lại với cuộc sống bình thường. .
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.