Polyp đại tràng có tỷ lệ mắc bệnh ngày một phổ biến, tập trung chủ yếu ở đối tượng từ 45 tuổi trở lên. Polyp đa phần là lành tính nhưng các trường hợp polyp đại tràng chảy máu có thể là dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ biến chứng khó lường không thể chủ quan.
Bạn đang đọc: Polyp đại tràng chảy máu cảnh báo về dấu hiệu nguy hiểm
1. Polyp đại tràng: Triệu chứng và chẩn đoán
1.1. Polyp đại tràng là gì?
Polyp đại tràng là một khối lồi phát triển bất thường ở lớp niêm mạc lòng đại trực tràng. Polyp có loại có cuống có loại không, kích thước đa dạng, một người có thể có 1 polyp hoặc có cùng lúc nhiều polyp.
Polyp đại tràng đa phần đều là lành tính, tỷ lệ polyp ác tính là rất thấp (chỉ khoảng 1%). Tuy nhiên, theo thời gian polyp vẫn có thể biến đổi tế bào, tăng sinh kích thước và tăng nguy cơ phát triển thành ác tính. Vì vậy, chủ động thăm khám tầm soát bệnh lý đường tiêu hóa bao gồm cả polyp dạ dày đại tràng và ung thư là yêu cầu quan trọng mỗi người cần quan tâm và thực hiện tốt.
Polyp đại tràng phát triển lồi bất thường ở niêm mạc lòng đại trực tràng.
1.2. Triệu chứng polyp đại tràng
Polyp đại tràng hầu như không gây triệu chứng cụ thể nhất là những polyp lành tính kích thước nhỏ. Vì vậy, việc nhận biết rất khó khăn và phần lớn các trường hợp người bệnh được tình cờ phát hiện có polyp khi thăm khám sức khỏe hoặc nội soi đường tiêu hóa kiểm tra các vấn đề ở dạ dày và đại tràng.
Một số biểu hiện thường gặp ở người bệnh có polyp đại tràng cần lưu ý như sau:
– Rối loạn đại tiện
– Đi ngoài ra máu
– Chán ăn, ăn uống kém
– Sụt cân nhanh bất thường không chủ đích
Khi gặp những triệu chứng kể trên, bạn nên chủ động thăm khám chuyên khoa tiêu hóa để được hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, yêu cầu thăm khám cũng được khuyến cáo với những người từ 45 tuổi kể cả khi không có triệu chứng.
1.3. Chẩn đoán polyp đại tràng
Kiểm tra phát hiện polyp ở đại tràng có thể được thực hiện bằng các phương pháp xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh như:
– Xét nghiệm phân
– Chụp Xquang có uống trước thuốc cản quang
– Chụp CT cắt lớp
– Nội soi đại tràng
Trong đó, nội soi đại tràng là phương pháp chẩn đoán tiên tiến và được ưu tiên chỉ định hơn cả. Ống nội soi cho phép quan sát toàn bộ bên trong ống đại trực tràng nên dễ dàng phát hiện polyp nếu có. Không chỉ vậy, khi phát hiện polyp, bác sĩ có thể thực hiện đánh giá và tiên lượng tính chất của polyp để đưa ra chỉ định cắt bỏ trực tiếp ngay qua nội soi mà không cần phải trì hoãn hay thực hiện mổ mở. Theo các chuyên gia đánh giá, nội soi đại tràng công nghệ hiện đại là giải pháp an toàn, tối ưu trong chẩn đoán và tầm soát các bệnh lý ống tiêu hóa bao gồm cả ung thư.
2. Cảnh báo về polyp đại tràng chảy máu
Polyp chảy máu là hiện tượng bề mặt polyp phát triển bất thường, tăng sinh nhanh gây chèn ép vào các mạch máu lân cận và tạo sung huyết trên bề mặt. Điều này cảnh báo về mức độ nguy cơ ác tính của polyp. Không chỉ vậy, với những trường hợp chảy máu nhiều và liên tục kéo dài có thể gây ra thiếu máu rất nguy hiểm đến người bệnh. Thiếu máu làm người bệnh thường xuyên mệt mỏi, thiếu tập trung, sắc mặt kém, ảnh hưởng tới cả sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Một trong những biểu hiện nghi ngờ về polyp chảy máu đó là việc người bệnh đi ngoài có lẫn máu tươi hoặc cục máu đông. Lý giải cho tình trạng này là khi phân đi qua đại tràng, cọ sát với polyp sung huyết sẽ có máu kèm theo. Tuy nhiên, trường hợp có máu lẫn trong phân cũng dễ nhầm lẫn với dấu hiệu bệnh trĩ nên nhiều người bệnh còn khá chủ quan.
Tìm hiểu thêm: Chế độ ăn uống “đại kỵ” với người đau dạ dày
Hình ảnh khối polyp đại tràng kích thước lớn với bề mặt sung huyết, chia múi.
3. Xử lý trường hợp polyp chảy máu
Polyp đại tràng nói chung và polyp chảy máu nói riêng sẽ được đánh giá để chỉ định cắt bỏ qua nội soi nhằm loại bỏ khối polyp, chặn đứng nguy cơ phát triển ác tính về sau.
3.1. Đánh giá can thiệp cắt polyp đại tràng chảy máu
Khi phát hiện polyp, bác sĩ sẽ áp dụng các kỹ thuật công nghệ nội soi hiện đại nhằm hỗ trợ đánh giá tình trạng của polyp để đưa ra chỉ định cắt polyp qua nội soi. Thông thường, với những polyp kích thước từ 0,2-2cm là có thể cắt. Đặc biệt, với những polyp có ngoại hình bất thường như bề mặt sung huyết chia múi hoặc nhiều rãnh, có cấu trúc răng cưa,.. đều được đánh giá là có nguy cơ cao nên sẽ được can thiệp cắt bỏ ngay.
Cắt polyp qua nội soi là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, có tính an toàn cao và hạn chế tối đa biến chứng. Vì vậy, khi có chỉ định cắt polyp người bệnh nên tuân thủ thực hiện để phòng chống tốt nguy cơ ung thư đường tiêu hóa.
>>>>>Xem thêm: Siêu âm đại tràng vạch trần nhiều bệnh lý nguy hiểm
Bác sĩ tiến hành can thiệp cắt polyp ngay qua nội soi.
3.2. Sinh thiết polyp đại tràng chảy máu
Hầu hết các polyp có nguy cơ đều được mang đi làm sinh thiết mô bệnh học nhằm xác định polyp là lành tính hay ác tính hoặc nguy cơ ác tính. Bác sĩ sẽ lấy một mẫu mô bệnh phẩm qua quá trình nội soi để mang đi sinh thiết dưới kính hiển vi. Thông thường, kết quả sinh thiết có sau 5-7 ngày hoặc sinh thiết tức thì có kết quả sau 24h.
Với khối polyp đại tràng là lành tính, người bệnh có thể chưa cần can thiệp cắt bỏ mà chỉ cần tái khám định kỳ theo đúng chỉ định của bác sĩ. Với kết quả sinh thiết polyp đại tràng là ác tính hoặc có nguy cơ ác tính, người bệnh sẽ cần thực hiện nội soi cắt polyp hoặc thậm chí là cắt đại tràng tùy vào tình trạng bệnh.
Tuy nhiên, để giảm thiểu số lần nội soi và tối ưu quá trình điều trị, bạn nên lựa chọn đơn vị y tế với đội ngũ bác sĩ giỏi thực hiện nội soi đại tràng bằng các công nghệ hiện đại. Từ đó, bác sĩ có thể đánh giá tốt nhất và tiên lượng đúng tính chất polyp. Nhờ đó có thể ra chỉ định cắt polyp ngay qua nội soi mà không cần phụ thuộc vào kết quả sinh thiết.
Polyp đại tràng chảy máu là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm không thể bỏ qua. Người bệnh cần thăm khám ngay, tiến hành nội soi đại tràng để được can thiệp điều trị đúng cách kịp thời.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.