Polyp túi mật 4mm là gì, có tự hết được không và điều trị thế nào là vấn đề được nhiều người bệnh quan tâm. Mặc dù đa số polyp túi mật có bản chất lành tính nhưng tiềm ẩn nguy cơ tiến triển thành ác tính gây ung thư. Vì vậy, người bệnh cần tham khảo ý kiến của bác sĩ để kiểm soát được bệnh và có phương án điều trị phù hợp nhất.
Bạn đang đọc: Polyp túi mật 4mm là gì, có cần phẫu thuật không?
1. Polyp túi mật 4mm là gì?
Polyp túi mật là một tổn thương dạng u hoặc giả u phát triển trên bề mặt niêm mạc túi mật. Polyp túi mật có thể gặp ở mọi lứa tuổi và không có sự chênh lệch quá lớn về tỷ lệ mắc bệnh theo giới tính hay chủng tộc. Polyp túi mật có hình thái bản chất khác nhau (polyp cholesterol, polyp tuyến, polyp cơ tuyến, polyp viêm) nên có thể là lành tính hoặc ác tính. Điều may mắn là có đến hơn 90% các trường hợp polyp túi mật là lành tính. Tuy nhiên, các trường hợp còn lại sẽ có nguy cơ chuyển thành ác tính rất khó điều trị nên người bệnh không được chủ quan.
Polyp túi mật có thể tồn tại đơn độc hoặc thành chùm với nhiều kích thước khác nhau. Polyp túi mật 4mm thuộc nhóm polyp có kích thước nhỏ nên thường chưa gây triệu chứng hoặc nếu có chỉ là các biểu hiện nhẹ như rối loạn tiêu hóa (như đầy bụng, khó tiêu, buồn nôn, nôn…) mà chưa gây nguy hiểm gì cho sức khỏe. Tuy nhiên, kích thước của polyp túi mật có xu hướng phát triển theo thời gian. Do đó, polyp túi mật 4mm vẫn cần thăm khám định kỳ để theo dõi tiến triển của nó tránh phát sinh các biến chứng nguy hiểm sau này.
2. Polyp túi mật 4mm có tự hết không?
Polyp túi mật 4mm có tự hết được không? Theo ý kiến của các chuyên gia, polyp túi mật không thể tự hết hay tự biến mất dù có kích thước nhỏ đi chăng nữa. Để điều trị triệt để polyp, phẫu thuật cắt túi mật đang là phải pháp nhanh chóng nhất. Bởi cho đến thời điểm hiện tại, chưa có thuốc nào có tác dụng làm tiêu được polyp.
3. Polyp túi mật 4mm có cần phẫu thuật không?
Vậy giải pháp điều trị đối với polyp túi mật 4mm là gì? Theo chuyên gia, vì đa số polyp túi mật ở kích thước 4mm là lành tính nên người bệnh hoàn toàn có thể chung sống hòa bình với nó mà chưa cần can thiệp phẫu thuật. Trong trường này, người bệnh chỉ cần điều chỉnh lại chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học kết hợp với thăm khám định kỳ để theo dõi và kiểm soát tình trạng polyp.
Với các polyp túi mật 4mm nhưng có các nguy cơ tiến triển thành ác tính thì bác sĩ sẽ căn cứ vào các đặc điểm của polyp để xác định đã cần phẫu thuật hay chưa.
Các yếu tố làm tăng nguy cơ phát triển ác tính của polyp túi mật 4mm:
– Người bệnh có đơn polyp 4mm nhưng chân rộng.
– Người bệnh có polyp túi mật 4mm mọc thành cụm lớn (đa polyp).
– Polyp 4mm phát triển nhanh bất thường về số lượng, kích thước và diện tích trong thời gian ngắn.
– Người bệnh có polyp túi mật 4mm mắc kèm với sỏi mật.
– Polyp túi mật 4mm phát triển người bệnh trên 50 tuổi hoặc người bị viêm xơ đường mật.
Vì vậy, để phòng ngừa polyp phát triển ác tính gây ung thư túi mật, người bệnh cần theo dõi sát sự tiến triển của polyp, các triệu chứng bệnh để sớm có hướng điều trị thích hợp.
Tìm hiểu thêm: Ung thư dạ dày kiêng ăn gì?
4. Cách “sống chung” với polyp túi mật 4mm
Mặc dù, hiện nay chưa có thuốc làm tiêu polyp túi mật và nó cũng không tự biến mất. Tuy nhiên, với polyp túi mật 4mm người bệnh hoàn toàn có thể “sống chung hòa bình” với nó bằng việc điều chỉnh lại chế độ ăn uống và sinh hoạt.
4.1 Dinh dưỡng khoa học
Về chế độ dinh dưỡng, người bị polyp túi mật cần lưu ý một số điểm sau:
– Chất đạm (protein): Người bệnh nên tăng cường bổ sung các loại thực phẩm giàu protein có nguồn gốc từ thực vật như các loại đậu (đậu nành, đậu đỏ, đậu lăng,..) và các loại hạt ( hạnh nhân, lac, óc chó,…) hoặc từ động vật như thịt lợn, thịt gà bỏ da, các loại cá biển…
– Tinh bột: Người bệnh nên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên cám như gạo lứt, yến mạch, vừng đen, hạt kê,…để cung cấp chất xơ hòa tan, chất chống oxy hóa và vitamin nhóm B cho cơ thể, đồng thời hạn chế sự hấp thu của cholesterol trong mỗi bữa ăn.
– Chất béo: Thay vì sử dụng các loại chất béo no từ mỡ động vật (mỡ lợn), bơ, sáp.. người bệnh có thể sử dụng các loại chất béo có nguồn gốc thực vật ( như dầu đậu nành, dầu oliu, dầu hướng dương, dầu hạnh nhân, hạt óc chó, hồ đào…) hoặc từ các loại hải sản (cá hồi, cá trích, cá mòi…).
– Rau xanh và hoa quả tươi: Đây là nguồn cung cấp các vitamin và khoáng chất cần thiết giúp người bệnh tăng cường sức khỏe gan mật, ngăn ngừa tiến triển của polyp. Đồng thời đây cũng là nguồn chất xơ quan trọng giúp hạn chế sự hấp thu chất béo ở ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn. Từ đó giúp cải thiện các triệu chứng đầy hơi, chướng bụng, khó tiêu…
4.2 Tập luyện hợp lý
– Duy trì tập luyện thể dục thể thao khoảng 30 phút mỗi ngày giúp tăng cường vận động đường mật, hạn chế sự ứ đọng dịch mật.
– Sắp xếp thời gian làm việc, nghỉ ngơi hợp lý, ngủ đúng giờ và đủ giấc.
– Luôn giữ tinh thần thoải mái, lạc quan.
>>>>>Xem thêm: Nội soi đại tràng là như thế nào?
4.3 Thăm khám định kỳ
Theo hướng dẫn mới nhất về vấn đề điều trị polyp túi mật của Hiệp hội Châu Âu, người bệnh có polyp túi mật 4mm nên tiến hành siêu âm theo dõi trong các trường hợp cụ thể sau:
– Đối với polyp túi mật 4mm không kèm theo các yếu tố nguy cơ ác tính: Siêu âm định kỳ 12 tháng/lần.
– Đối với polyp túi mật 4mm xuất hiện kèm theo các yếu tố nguy cơ ác tính: Siêu âm định kỳ từ 6-12 tháng/lần
Hiểu được polyp túi mật 4mm là gì sẽ giúp người bệnh chủ động hơn trong việc dõi, thăm khám sức khỏe và điều trị. Mặc dù polyp túi mật ở kích thước này chưa cần phải phẫu thuật nhưng theo thời gian, nó sẽ có xu hướng phát triển lớn hơn. Do đó, người bệnh cần chú ý thời gian tái khám và chế độ ăn uống, sinh hoạt để kiểm soát bệnh hiệu quả.