Quy định mới nhất về khám sức khỏe tại công ty

Việc tiến hành khám sức khỏe định kỳ tại công ty mang lại lợi ích vô cùng lớn cho cả bản thân người lao động và doanh nghiệp. Thông qua hoạt động này, cán bộ nhân viên có thể phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe để điều trị kịp thời và an tâm làm việc. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng nắm rõ được tình hình sức khỏe người lao động để sắp xếp vào vị trí phù hợp nhất.

1. Tham khảo quy định mới nhất về khám sức khỏe định kỳ cho người lao động

Việc khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp người lao động phát hiện sớm dấu hiệu bất thường trước khi chuyển thành bệnh hoặc khi bệnh đang ở giai đoạn đầu. Từ đó, cán bộ nhân viên sẽ được tư vấn điều trị sớm, đạt hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí. Đồng thời phòng tránh các biến chứng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bản thân.

Theo đó, các doanh nghiệp phải có trách nhiệm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, đồng thời liên tục cập nhật những quy định mới đã được Nhà nước quy định trong nhiều văn bản pháp luật. Cụ thể như sau:

Điều 152 của Luật lao động 2012

  • Người sử dụng lao động hàng năm phải tiến hành thăm khám sức khỏe định kỳ cho người lao động, kể cả người học nghề hay tập nghề. Riêng với lao động nữ, cần phải được khám chuyên khoa phụ sản. Còn đối với người làm công việc nặng nhọc, trong môi trường độc hại, người lao động là người chưa thành niên, người cao tuổi, người khuyết tật cần phải được tổ chức khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.
  • Người lao động làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp cần phải được thăm khám bệnh nghề nghiệp. Người lao động sau khi bị tai nạn trong lao động, hay mắc bệnh nghề nghiệp nếu còn tiếp tục làm việc thì phải được sắp xếp công việc phù hợp với tình trạng sức khỏe.

Điều 21 của Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015 liên quan đến việc khám sức khỏe định kỳ tại công ty

Theo quy định này, tối thiểu một lần trong năm, người sử dụng lao động phải tiến hành khám sức khỏe cho người lao động. Việc khám sức khỏe ít nhất phải được tổ chức 6 tháng một lần đối với người lao động là người khuyết tật, người chưa thành niên, người làm các nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, độc hại, người cao tuổi,…

Quy định mới nhất về khám sức khỏe tại công ty

Khám sức khỏe cho người lao động là việc làm được quy định cụ thể trong nhiều văn bản pháp luật

Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh và xã hội

Trong danh mục các công việc nặng nhọc, nguy hiểm,… của Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ lao động thương binh và xã hội cũng quy định:

  • Lao động nữ cần phải được thăm khám chuyên khoa phụ sản. Người làm việc trong môi trường có tiếp xúc với các nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được tiến hành thăm khám định kỳ để phát hiện bệnh.
  • Trước khi bố trí làm việc và chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm hơn thì các công ty phải tổ chức thăm khám sức khỏe cho người lao động. Sau khi bị tai nạn lao động, hay mắc bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, người lao động cũng cần được khám để đảm bảo đủ sức khỏe trước khi trở lại làm việc.

Thông tư 19/2016/TT-BYT của Bộ Y tế liên quan đến việc khám sức khỏe định kỳ tại công ty

Theo thông tư 19/2016/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn việc quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe cho người lao động cũng quy định các nội dung về quản lý vệ sinh lao động tại các cơ sở lao động. Bao gồm: khám sức khỏe trước khi bố trí việc làm, thăm khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và thăm khám định kỳ bệnh nghề nghiệp. Việc tiến hành chăm sóc sức khỏe, phòng tránh bệnh nghề nghiệp cho người lao động phải được thực hiện kể từ thời điểm họ được tuyển dụng và trong suốt quá trình công tác, làm việc.

Quy định mới nhất về khám sức khỏe tại công ty

Người lao động cần nắm vững những quy định về khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo quyền lợi của mình

2. Quy trình khám sức khỏe định kỳ tại công ty cho người lao động

Các doanh nghiệp, công ty cần phải tiến hành thăm khám sức khỏe cho người lao động tại các cơ sở y tế uy tín nhằm đảm bảo yêu cầu về điều kiện chuyên môn kỹ thuật. Dựa theo thông tư 14/2013/TT-BYT hướng dẫn về thăm khám sức khỏe, quy trình thăm khám sức khỏe định kỳ tại công ty (doanh nghiệp) sẽ bao gồm:

Khai thác tiền sử bệnh tật của người được thăm khám

Người lao động sẽ được bác sĩ tiến hành tìm hiểu về tiền sử bệnh tật của bản thân và gia đình.

Tiến hành khám thể lực

Người lao động sẽ được nhân viên y tế thực hiện đo chiều cao, cân nặng, tính chỉ số BMI, đo mạch và đo huyết áp. Dựa vào các chỉ số thể lực này, nhân viên y tế sẽ sắp xếp phân loại thể lực cho người lao động.

Tiến hành khám lâm sàng

Việc thăm khám lâm sàng sẽ bao gồm:

  • Khám nội tổng quát: khám tuần hoàn, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần,hô hấp, tiêu hóa, nội tiết, …
  • Khám mắt: kiểm tra thị lực mắt trái, mắt phải. Khám tầm soát các bệnh về mắt.
  • Khám tai mũi họng: kiểm tra thính lực tai phải và tai trái. Khám sàng lọc các bệnh lý tai mũi họng.
  • Khám răng hàm mặt: phát hiện các bệnh về răng miệng như cao răng, hôi miệng, viêm nướu,… và các bệnh ở vùng hàm mặt.
  • Khám da liễu: phát hiện các bệnh về da như dị ứng da, nhiễm trùng da do vi-rút, vi khuẩn, nấm,…

Tiến hành khám cận lâm sàng

Ở bước khám này, người lao động thường được thực hiện xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, chụp X-quang tim phổi,…

Ngoài ra, tùy theo đặc điểm, lĩnh vực hoạt động của mình mà doanh nghiệp có thể bổ sung thêm các danh mục khám khác cho nhân viên trong đợt khám sức khỏe doanh nghiệp hàng năm.

Sau khi tổ chức khám sức khỏe cho nhân viên, các doanh nghiệp phải tiến hành lập và lưu giữ hồ sơ sức khỏe của người lao động. Đặc biệt phải quản lý chặt chẽ hồ sơ sức khỏe của người mắc các bệnh nghề nghiệp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp phải báo cáo hàng năm về việc quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Quy định mới nhất về khám sức khỏe tại công ty

Chụp Xquang là một trong những danh mục cần thiết khi tiến hành khám sức khỏe cho nhân viên

3. Cần chuẩn bị gì khi đi khám sức khỏe định kỳ tại công ty?

Thông thường, hồ sơ đi khám sức khỏe định kỳ của người lao động cần chuẩn bị những giấy tờ sau:

  • Sổ thăm khám sức khỏe định kỳ (theo mẫu tại phụ lục 03 của thông tư 14/2013/TT-BYT)
  • Nếu người lao động tiến hành khám sức khỏe riêng lẻ thì cần phải có giấy giới thiệu của cơ quan, tổ chức đang làm việc. Nếu người lao động khám sức khỏe định kỳ theo đợt tập trung thì cần có tên trong danh sách lao động thăm khám sức khỏe do doanh nghiệp lập ra để gửi cơ sở khám chữa bệnh.

Sau khi khám sức khỏe cho cán bộ công nhân viên, cơ sở y tế đó sẽ có kết luận về tình trạng sức khỏe và điền thông tin vào sổ khám sức khỏe định kỳ. Tiếp theo, sổ khám sức khỏe sẽ được trả cho người lao động hoặc chuyển cho doanh nghiệp, tùy theo thỏa thuận trong hợp đồng thăm khám sức khỏe.

Quy định mới nhất về khám sức khỏe tại công ty

Doanh nghiệp đừng bỏ qua việc khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên của mình

Khám sức khỏe định kỳ mang lại nhiều lợi ích cho nhân viên và doanh nghiệp. Đối với nhân viên, khám sức khỏe định kỳ sẽ giúp phát hiện sớm mầm bệnh và kịp thời điều trị. Còn đối với doanh nghiệp, hoạt động này giúp ban lãnh đạo sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe nhân viên, đảm bảo năng suất công việc. Do đó, cả doanh nghiệp cần nắm vững quy định của pháp luật để việc tiến hành khám sức khỏe định kỳ được diễn ra theo đúng yêu cầu và đảm bảo quyền lợi người lao động!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *