Phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi là phương pháp điều trị sỏi thận – niệu quản có tỷ lệ thành công cao, thời gian hậu phẫu ngắn, ít xảy ra biến chứng,.. Mặc dù hiện nay, các phương pháp tán sỏi tiết niệu ngày càng được ưa chuộng, nhưng nội soi hông lưng lấy sỏi vẫn là lựa chọn ưu tiên của bác sĩ với các trường hợp sỏi có kích thước lớn, phức tạp và các phương pháp tán sỏi khác không mang lại hiệu quả.
Bạn đang đọc: Quy trình phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi thận – niệu quản
1. Phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi là gì?
Sỏi thận là bệnh lý sỏi phổ biến nhất, chiếm tới 2/3 trường hợp sỏi đường niệu. Sỏi thận nếu không được điều trị sớm sẽ gây tắc nghẽn, ảnh hưởng đến chức năng thận, suy thận. Hiện nay, có nhiều phương pháp được ứng dụng để điều trị bệnh: điều trị nội khoa, mổ hở lấy sỏi, mổ nội soi và tán sỏi. Trong đó, phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi là phương pháp điều trị ít xâm lấn, phù hợp với những trường hợp sỏi niệu quản đọan 1/3 trên, sỏi bể thận đơn thuần mà các phương pháp tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng bằng ống mềm, tán sỏi qua da thất bại.
2. Chỉ định
Mổ nội soi hông lưng lấy sỏi thường được áp dụng trong các trường hợp dưới đây:
– Sỏi niệu quản đoạn 1/3 trên, sỏi bể thận có kích thước lớn > 2cm, ít có khả năng điều trị nội khoa thành công.
– Sỏi có kích thước lớn, không có chỉ định tán sỏi ngoài cơ thể, tán sỏi nội soi ngược dòng hay tán sỏi qua da.
– Sỏi niệu quản – bể thận đơn thuần điều trị bằng các phương pháp tán sỏi thất bại trước đó.
Phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi được chỉ định trong các trường hợp sỏi có kích thước lớn mà các phương pháp tán sỏi không thực hiện được hoặc đã thực hiện thất bại.
3. Chống chỉ định
Phương pháp phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi không được chỉ định trong các trường hợp:
– Người bệnh có tiền sử phẫu thuật vùng thắt lưng (phẫu thuật hở, phẫu thuật nội soi lấy sỏi) bên có sỏi thận hay sỏi niệu quản.
– Người bệnh có bệnh lý chống chỉ định với gây mê – hồi sức: suy tim, bệnh mạch vành, suy hô hấp..
– Người bệnh đang có bệnh lý rối loạn đông máu đang điều trị bằng thuốc.
– Người bệnh có ứ mủ thận chưa được điều trị ổn định.
4. Quy trình phẫu thuật
4.1 Chuẩn bị bệnh nhân cho phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi
– Bệnh nhân được chụp phim và siêu âm xác định sỏi bể thận, làm các xét nghiệm thường quy đánh giá chức năng thận.
– Bệnh nhân cần nhịn ăn, vệ sinh và thụt tháo trước mổ.
– Tiêm kháng sinh dự phòng trước mổ
Tìm hiểu thêm: Sỏi thận dạng san hô thường gặp ở những đối tượng nào?
Người bệnh cần làm xét nghiệm đánh giá chức năng thận trước khi tiến hành nội soi lấy sỏi.
4.2 Quy trình phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi
Người bệnh được gây mê nội khí quản, nằm nghiêng 90 độ về phía đối diện bên có sỏi và được kê thêm gối dưới phần hông bên đối diện để đẩy phần thắt lưng bên mổ cao hơn.
Bước 1: Đặt trocar (được xem như cổng dẫn để đưa các dụng cụ nội soi vào bên trong cơ thể của người bệnh)
– Rạch da 1 cm dưới bờ sườn XII đường nách sau, dùng pince tách cân cơ lưng vào khoang sau phúc mạc.
– Bơm bóng tạo khoang sau phúc mạc 300-400 ml khí. Đặt trocar 10 mm đầu tiên. Sau đó, dựa theo camera làm rộng khoang sau phúc mạc.
– Đặt trocar thứ hai 5mm trên đường nách sau, cách trocar đầu tiên về phía dưới. Trocar thứ ba 10mm trên đường nách trước, 3 trocar tạo thành tam giác đều.
Bước 2: Phẫu tích lấy sỏi
– Phẫu tích tìm niệu quản và phẫu tích bộc lộ bể thận. Dùng dao điện nội soi rạch bể thận
– Gắp sỏi bằng pince nội soi, lấy sỏi ra ngoài bằng lỗ trocar.
Bước 3: Kết thúc
– Đặt nòng bể thận – bàng quang.
– Khâu lại chỗ mở bể thận.
– Hút rửa khoang sau phúc mạc. Đặt dẫn lưu bể thận sau phúc mạc.
– Rút các trocar, đóng lại các lỗ trocar.
4.3 Chăm sóc sau mổ
– Dùng kháng sinh dự phòng hoặc kháng sinh điều trị tùy từng trường hợp cụ thể
– Kiểm tra vết mổ và thay băng hàng ngày
– Theo dõi sát nước tiểu qua sonde và dịch qua dẫn lưu hố mổ
– Rút sonde tiểu sau 3-5 ngày nếu nước tiểu trong. Rút dẫn lưu hố mổ nếu dẫn lưu không ra dịch
– Bệnh nhân sẽ được ra viện sau 5-7 ngày điều trị nội trú
– Hẹn sau 1 tháng đến khám lại và rút JJ
>>>>>Xem thêm: Chỉ 45 phút điều trị dứt điểm chứng són tiểu
Nội soi hông lưng lấy sỏi là phương pháp điều trị có hiệu quả cao, hết sỏi sau một lần mổ
5. Biến chứng sau phẫu thuật
Phẫu thuật nội soi sau hông lưng lấy sỏi tiết niệu được đánh giá là khá an toàn nhưng vẫn có thể xảy ra một số biến chứng không mong muốn như sau:
– Chảy máu nhiều do tổn thương niệu quản – bể thận. Cầm máu bằng cách rửa nhiều lần bằng huyết thanh ấm. Trường hợp chảy máu sau phẫu thuật đoạn chân trocar hay qua sonde dẫn lưu hố thận… thì thường cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi và cầm máu là ổn.
– Đi tiểu ra máu trong một vài ngày đầu. Nếu bị nhiễm khuẩn cần tiếp tục điều trị bằng kháng sinh.
– Rò nước tiểu: thường ít xảy ra. Nguyên nhân có thể do quá trình khâu phục hồi niệu quản khó khăn, đặt sonde niệu quản chưa đúng vị trí, sonde niệu quản bị tắc do sỏi hay máu cục,.. Cần xác định chính xác nguyên nhân và xử trí theo từng trường hợp.
6. Lưu ý sau khi phẫu thuật nội soi lấy sỏi
Để sức khỏe nhanh phục hồi và tránh sỏi tái phát, sau khi mổ nội soi lấy sỏi, người bệnh cần lưu ý một số điều dưới đây:
– Nên uống nhiều nước và không được nhịn tiểu. Điều này giúp hệ tiết niệu hoạt động tốt hơn, tránh tồn đọng nước tiểu gây sỏi.
– Chế độ ăn dễ tiêu hóa: giúp người bệnh hấp thu tốt, nhanh phục hồi và giảm gánh nặng cho hệ tiêu hóa. Qua đó, sẽ giảm áp lực ổ bụng, tránh tác động vào niệu quản, bàng quang và ống thông khi đi vệ sinh nên sẽ hạn chế đau và đi tiểu ra máu.
– Bổ sung các thực phẩm lợi niệu: giúp bài xuất các mảnh sỏi vụn, dịch máu, các thành phần hữu hình khác trên thận-niệu quản theo ống thông đào thải ra ngoài. Các thực phẩm lợi niệu bao gồm: nước ngô, nước đậu đen, rau cần tây,..
– Chế độ ăn hạn chế chất tạo sỏi: bao gồm giảm ăn các đồ hải sản (tôm, cua,..) và tránh các đồ uống như cà phê, chè.
– Bổ sung các thực phẩm có tính kháng khuẩn: giúp làm giảm nguy cơ nhiễm khuẩn do người bệnh còn đặt ống thông niệu quản. Người bệnh nên thêm nhiều hành, hẹ, tỏi, nghệ,.. vào các bữa ăn.
Phẫu thuật nội soi hông lưng lấy sỏi được đánh giá là an toàn, ít xâm lấn và hiệu quả sạch sỏi cao. Phương pháp này đang dần thay thế phẫu thuật mở truyền thống trong các trường hợp sỏi niệu quản, sỏi bể thận khi các phương pháp tán sỏi không thực hiện được hoặc đã thực hiện thất bại.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.