Sỏi thận là một trong những loại sỏi tiết niệu phổ biến nhất, đồng thời cũng có nhiều phương pháp y khoa được áp dụng để điều trị sỏi thận tùy vào từng vị trí, kích thước, số lượng, biến chứng của sỏi. Trong đó tán sỏi ngoài cơ thể là một trong những phương pháp tán sỏi công nghệ cao hoàn toàn không xâm lấn được áp dụng để loại bỏ sỏi thận. Vậy bạn đã biết gì về quy trình tán sỏi thận ngoài cơ thể, hãy cùng tìm hiểu chi tiết qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Quy trình tán sỏi thận ngoài cơ thể tiến hành như thế nào?
1. Tán sỏi thận ngoài cơ thể là phương pháp điều trị thế nào?
Tán sỏi ngoài cơ thể là một phương pháp điều trị ngoại khoa sỏi tiết niệu nhẹ nhàng nhất hiện nay, hoàn toàn không xâm lấn, không rạch mổ, không chảy máu, không để lại sẹo cho người bệnh. Với khả năng loại bỏ sỏi gián tiếp từ bên ngoài cơ thể nên phương pháp này được xem là bước đột phá của công nghệ mới hiện nay.
Thông qua một năng lượng sóng từ bên ngoài cơ thể tác động xuyên qua da đến sỏi, công phá sỏi thành những mảnh vụn nhỏ đủ để tự di chuyển ra ngoài theo dòng nước tiểu.
Và sỏi thận là một trong các loại sỏi tiết niệu nằm trong chỉ định của kỹ thuật tán sỏi ngoài cơ thể. Cụ thể là đối với bệnh nhân mắc sỏi thận kích thước nhỏ hơn 1,5 centimet. Bệnh nhân cần đáp ứng những điều kiện khác như: Không mang thai, không có tình trạng hẹp, tắc nghẽn các đoạn phía dưới sỏi, thận đảm bảo chức năng hoạt động bài tiết đào thải sỏi. Bệnh nhân nếu có tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu cần được điều trị triệt để trước tán sỏi, bệnh nhân có tình trạng rối loạn đông máu chưa được điều trị ổn định…
Bệnh nhân mắc sỏi thận có tình trạng đau nhiều vùng hông lưng theo từng cơn
2. Quy trình thực hiện toàn bộ kỹ thuật tán sỏi thận ngoài cơ thể
2.1 Trước khi tiến hành quy trình tán sỏi thận ngoài cơ thể
Để xác định chính xác phương pháp điều trị, khả năng đáp ứng, mức độ hiệu quả cho người bệnh, việc đầu tiên là cần thực hiện đầy đủ những xét nghiệm cần thiết để xác định vị trí, kích thước, hình dáng, số lượng sỏi, và các bệnh lý kèm theo. Việc tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán này còn giúp quá trình tán sỏi diễn ra an toàn và thuận lợi nhất.
Các xét nghiệm có thể bao gồm: Xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng, chụp X-Quang, chụp CT hệ tiết niệu, chụp X-Quang phổi, điện tim…
Khi đã hoàn thiện các xét nghiệm chẩn đoán tiền phẫu thuật, bệnh nhân đáp ứng đủ các yếu tố thực hiện tán sỏi ngoài cơ thể, sẽ được nhập viện, yêu cầu nhịn ăn uống, lấy đường truyền tĩnh mạch, sử dụng kháng sinh dự phòng trước khi can thiệp thủ thuật.
2.2 Các bước tiến hành quy trình tán sỏi thận ngoài cơ thể
Khi các công tác chuẩn bị đã đảm bảo, quá trình tán sỏi ngoài cơ thể sẽ diễn ra thông qua những bước cơ bản sau đây.
Bước 1: Bệnh nhân được xác định, kiểm tra lại các thông tin cá nhân, tình trạng bệnh lý, phương pháp điều trị…
Bước 2: Di chuyển đến phòng tán sỏi, bác sĩ hoặc y tá sẽ hướng dẫn người bệnh nằm trên máy tán sỏi sao cho phần lưng đặt vào nguồn phát sóng điện từ.
– Phần lưng này có khoảng cách đến vị trí của sỏi thận là gần nhất để quá trình tán sỏi đạt hiệu quả cao.
– Phần lưng đặt vào nguồn phát sóng điện từ sẽ được bôi một lớp gel chuyên dụng.
Bước 3: Dưới hình ảnh thu được trên máy X-Quang từ máy tán sỏi, bác sĩ ngồi tại phòng điều khiển sẽ bắt đầu tiến hành điều chỉnh máy và dặn dò bệnh nhân.
– Nếu đau trong quá trình tán sỏi thì dơ tay báo hiệu bác sĩ
– Bệnh nhân nằm thoải mái, thở đều, không di chuyển để quá trình sóng tác động vào sỏi là chính xác nhất bởi sỏi sẽ di động theo nhịp thở.
Bước 4: Bác sĩ tiến hành tán sỏi. Năng lượng sóng điện từ được chiếu thành từng nhịp thông qua thao tác tay và quan sát của bác sĩ trên màn hình X-Quang.
– Sỏi đảm bảo vỡ vụn thành những mảnh nhỏ có thể di chuyển được toàn bộ ra ngoài.
– Bác sĩ sẽ chỉ sử dụng nhỏ hơn 3000 nhịp sóng trở xuống cho mỗi một liệu trình tương đương với 1 lần tán sỏi để đảm bảo an toàn cho nhu thận và sỏi vẫn có thể vỡ vụn.
Bước 5: Quan sát sỏi đã được vỡ vụn toàn bộ, bác sĩ sẽ kết thúc quá trình tán sỏi.
– Bệnh nhân có thể tự ngồi dậy mà không cảm thấy đau đớn.
– Theo dõi thêm khoảng 30 phút tại viện, sau đó bác sĩ sẽ kê đơn thuốc, và hẹn lịch tái khám.
Nhìn chung toàn bộ quá trình tán sỏi diễn ra rất nhanh chóng, chỉ kéo dài khoảng 30-45 phút và thường chỉ mất khoảng nửa buổi là bệnh nhân đã hoàn thành cả tán sỏi và cả được ra viện. Không chỉ có vậy thời gian vụn sỏi đào thải ra bên ngoài cũng chỉ mất khoảng 7-10 ngày là thận sạch sỏi toàn diện.
2.3 Quy trình nên thực hiện sau tán sỏi thận ngoài cơ thể
Sau khi được xuất viện trở về nhà người bệnh cần lưu ý hai vấn đề sau đây:
Theo dõi triệu chứng sau tán sỏi
Nếu bệnh nhân gặp các triệu chứng như tiểu lẫn máu trong khoảng 72h, đau nhẹ phần hông lưng bên sau tán sỏi thì người bệnh có thể yên tâm bởi đây là các biểu hiện bình thường và sẽ hết nhanh chóng. Lý giải cho điều này là bởi vụn sỏi đang trong quá trình di chuyển ra bên ngoài nên người bệnh có thể gặp những biểu hiện kể trên. Bên cạnh đó người bệnh có thể thấy xuất hiện vết bầm tím ở khu vực tán sỏi, vết bầm này cũng sẽ tự hết.
Trong trường hợp nếu xuất hiện các triệu chứng như sốt cao do vi khuẩn từ viên sỏi được giải phóng, đau nhiều đau quặn thì bệnh nhân cần thăm khám lại với bác sĩ chuyên khoa.
Tìm hiểu thêm: Bị sỏi mật có nguy hiểm không?
Người bệnh nên theo dõi màu sắc của nước tiểu, nghỉ ngơi ngay khi nước tiểu có lẫn máu và đến bệnh viện nếu tình trạng không thuyên giảm
Tuân thủ và duy trì những thói quen tốt sau tán sỏi
Để quá trình đào thải sỏi diễn ra thuận lợi, nhanh chóng phục hồi sức khỏe thì người bệnh nên duy trì một số thói quen:
– Uống nhiều nước khoảng 40ml/ 1kg cân nặng để quá trình bài tiết diễn ra trơn tru, vụn và cặn sỏi được đẩy toàn bộ ra bên ngoài.
– Bổ sung các loại nước ép, trái cây họ bưởi, cam để tránh khả năng tích tụ sỏi. Đồng thời ăn nhiều rau xanh, củ quả tươi, hạn chế thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ.
– Hạn chế ăn quá mặn, nhiều đường, ăn quá nhiều đạm động vật.
– Uống thuốc theo đúng liệu trình của bác sĩ đúng giờ, đúng liều, đúng cách.
– Không nhịn tiểu, đi lại vận động nhiều, luyện tập thể thao thường xuyên.
– Tái khám sức khỏe hệ tiết niệu theo chỉ định của bác sĩ 3 đến 6 tháng một lần.
Đặc biệt sau khi người bệnh đã kết thúc điều trị, thận sạch sỏi thì cũng không nên chủ quan mà vẫn nên duy trì lối sống và những thói quen hàng ngày như đã liệt kê phía trên. Việc duy trì và thực hiện nghiêm túc những điều này sẽ hạn chế khả năng tái phát sỏi về lâu dài.
>>>>>Xem thêm: Nội soi tán sỏi qua da – Phương pháp trị sỏi hiệu quả
Bệnh nhân đến tái khám sau tán sỏi theo chỉ định của bác sĩ
3. Kết luận
Tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ là phương pháp điều trị ngoại sỏi tân tiến hiện nay giúp người bệnh trị sỏi nhẹ nhàng, an toàn, không tổn hại sức khỏe của thận cũng như sức khỏe tổng quát. Để quá trình tán sỏi diễn ra thuận lợi nhất người bệnh nên lựa chọn bệnh viện được đánh giá cao, nhiều khách hàng tin tưởng đặt niềm tin, có lộ trình điều trị rõ ràng. Quy trình thực hiện tán sỏi thận ngoài cơ thể có thể là khác nhau ở một số bước ở mỗi bệnh viện và còn tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân. Vậy nên bài viết trên đây hy vọng sẽ cung cấp được cho bạn đọc những thông tin cơ bản nhất về quy trình tán sỏi ngoài cơ thể bằng sóng điện từ áp dụng cho sỏi thận.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.