Rách sụn đầu gối được điều trị như thế nào?

Sụn đầu gối được gọi là sụn chêm. Đây là bộ phận quan trọng tạo nên độ vững chắc cho khớp gối để có thể chịu được trọng tải lớn của cả cơ thể. Hiện nay, điều trị rách sụn đầu gối được thực hiện theo 2 phương pháp chính là điều trị bảo tồn và điều trị phẫu thuật.

Bạn đang đọc: Rách sụn đầu gối được điều trị như thế nào?

1. Phân vùng tổn thương ở sụn chêm đầu gối

Sụn chêm nằm ở khớp gối, ở giữa phần dưới xương đùi và phần trên của xương chày. Sụn chêm có hình bán nguyệt với bề dày khoảng 3-5mm.

Dựa theo mức độ cấp máu, sụn chêm được chia ra thành 3 vùng: Vùng ngoại vi, vùng trung tâm và vùng vô mạch. Nhận biết về 3 vùng trên rất quan trọng. Dựa theo vị trí tổn thương nằm ở vùng nào, bác sĩ sẽ đánh giá về mức độ tự làm lành của vết rách để chỉ định phương pháp điều trị tương ứng.

– Vùng ngoại vi là vùng sụn chêm nằm ở ⅓ ngoài, sát bờ gắn với bao khớp. Đây chính là vùng được cấp máu nhiều nhất nên tổn thương ở vùng này có khả năng liền tốt.

– Vùng trung tâm là vùng sụn chêm nằm ở ⅓ giữa. Đây là vùng có nguồn máu nuôi dưỡng nghèo nàn. Các tổn thương ở vùng này thường có tỷ lệ liền thấp và thường gặp nhiều ở người trẻ.

– Vùng vô mạch là vùng sụn chêm nằm ở 1/3 trong. Đây là vùng hầu như không được cấp máu nuôi dưỡng nên các tổn thương ở vùng này thường phải cắt bỏ.

Rách sụn đầu gối được điều trị như thế nào?

Sụn chêm gồm 3 vùng tổn thương với mức độ cấp máu nuôi dưỡng khác nhau.

2. Các phương pháp chẩn đoán rách sụn đầu gối

Để chẩn đoán chính xác về tình trạng rách sụn chêm, người bệnh cần tiến hành thăm khám với bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp. Sau quá trình thăm khám lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh làm các phương pháp chẩn đoán hình ảnh để xác định vị trí, kích thước của vết rách sụn và những ảnh hưởng tới các cơ quan khác nếu có.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh có giá trị chẩn đoán rách sụn chêm cao gồm có:

– Chụp Xquang: Giúp quan sát tổng quan hình ảnh của khớp gối, đánh giá tình trạng rách sụn chêm và của xương khớp gối.

– Chụp cộng hưởng từ MRI: Đây là loại chẩn đoán hình ảnh cho kết quả hình ảnh chi tiết. Từ đó giúp bác sĩ có được chẩn đoán chính xác về tình trạng khớp gối và phần sụn chêm bị rách.

– Nội soi khớp gối: Giúp quan sát cận vùng khớp gối và nắm bắt mức độ rách của sụn chêm và các bộ phận khác cấu tạo nên khớp gối. Bên cạnh giá trị chẩn đoán tốt, nội soi khớp gối còn có vai trò quan trọng trong việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ.

Mỗi phương pháp mang lại giá trị và lợi thế chẩn đoán riêng. Dựa theo đánh giá trên lâm sàng, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện phương pháp chẩn đoán hình ảnh phù hợp.

Tìm hiểu thêm: Triệu chứng hội chứng ống cổ tay: Nhận biết để điều trị sớm

Rách sụn đầu gối được điều trị như thế nào?

Người bệnh thăm khám chuyên khoa để được bác sĩ chỉ định phương pháp chẩn đoán phù hợp.

3. Rách sụn chêm đầu gối được điều trị như thế nào?

Như đã nói ở trên, tùy vào vị trí vết rách và mức độ tổn thương bác sĩ sẽ chỉ định điều trị rách sụn chêm theo phương pháp điều trị bảo tồn (không phẫu thuật) hoặc điều trị phẫu thuật (khâu sụn hoặc cắt sụn). Hiện nay, đa phần các ca phẫu thuật khớp gối được thực hiện là phẫu thuật nội soi.

3.1. Chỉ định điều trị bảo tồn

Điều trị bảo tồn là điều trị không phẫu thuật dựa trên nguyên tắc cố định vùng chấn thương kết hợp giảm sưng đau, chống viêm. Thực hiện điều trị bảo tồn áp dụng trong các trường hợp:

– Trường hợp rách sụn đơn giản, kích thước vết rách nhỏ, chấn thương lần đầu, vị trí rách nằm ở vùng giàu máu nuôi (vùng ngoại vi).

– Những bệnh nhân lớn tuổi, rách sụn chêm do thoái hóa khớp có sẵn sẽ ưu tiên điều trị bảo tồn. Vì đối với nhóm bệnh nhân này chưa thể xác định chính xác về nguyên nhân gây đau là vì sụn chêm rách hay đến từ các tổn thương viêm do thoái hóa khớp.

Điều trị bảo tồn khi bị rách sụn chêm với ưu điểm là dễ thực hiện, chi phí thấp nhưng thời gian hồi phục lâu. Thông thường, phương pháp điều trị bảo tồn áp dụng phổ biến là chườm đá, băng thun gối, nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế vận động và kết hợp dùng thuốc theo đơn kê của bác sĩ.

Rách sụn đầu gối được điều trị như thế nào?

>>>>>Xem thêm: Hội chứng hẹp ống cổ tay và những điều cần lưu ý

Người bệnh có thể thực hiện điều trị chườm đá với vết rách sụn chêm tại vùng ngoại vi và kích thước nhỏ.

3.2. Chỉ định phẫu thuật khâu phần rách sụn đầu gối

Khâu sụn chêm là kỹ thuật được chỉ định trong các trường hợp:

–  Rách sụn chêm không vững ở vùng ngoại vi hoặc vùng trung tâm với người bệnh trẻ tuổi.

– Vết rách sụn đầu gối mới, thời gian xảy ra dưới 6 tuần.

– Phẫu thuật khâu sụn chêm cho tỷ lệ thành công cao ở người bệnh dưới 45 tuổi, vết rách sụn do chấn thương mới, đường rách đơn giản và không có tổn thương đến dây chằng.

Ngoài ra, các trường hợp không nên thực hiện phẫu thuật khâu sụn chêm gồm có:

– Các trường hợp rách sụn chêm mạn tính, vết rách phức tạp thì tỷ lệ khâu sụn thành công sẽ thấp.

– Không phù hợp để khâu sụn chêm ở các trường hợp rách sụn đầu gối do thoái hóa hoặc rách sụn gây phá hủy nghiêm trọng tổ chức sụn chêm.

– Không nên áp dụng phẫu thuật khâu sụn cho người già, người ít hoạt động và người không hợp tác với chế độ phục hồi chức năng sau phẫu thuật.

3.3. Chỉ định phẫu thuật cắt phần rách sụn đầu gối

Phẫu thuật cắt sụn chêm sẽ thực hiện cắt đi một phần sụn chêm hoặc cắt toàn phần sụn chêm (ít gặp). Được chỉ định trong các trường hợp sau:

– Các trường hợp rách sụn chêm có triệu chứng trên lâm sàng không thể khâu được;

– Các tổn thương ở vùng vô mạch.

– Các trường hợp thực hiện điều trị bảo tồn không đỡ.

Phẫu thuật cắt sụn chêm dựa trên nguyên tắc bảo tồn tối đa vùng sụn chêm an toàn, cắt bỏ vùng sụn chêm càng ít càng tốt. Điều này sẽ giúp giảm triệu chứng đau và giữ được cấu trúc khớp gối và đảm bảo sự vững chắc của khớp gối.

Điều trị rách sụn đầu gối nên được thực hiện càng sớm càng tốt sẽ cho hiệu quả làm lành tốt nhất. Không ít các trường hợp phát hiện bệnh chậm trễ, vết rách ngày càng to ra, dần xơ hóa khớp và gây thoái hóa khớp. Điều này cực kỳ nguy hiểm và ảnh hưởng lớn tới khả năng vận động cũng như sinh hoạt hằng ngày của người bệnh.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *