Rối loạn gan nhiễm mỡ: Những đối tượng dễ mắc

Tình trạng rối loạn gan nhiễm mỡ ngày càng phổ biến, đặc biệt là bệnh gan nhiễm mỡ liên quan đến chuyển hóa. Cùng tìm hiểu về bệnh gan nhiễm mỡ, những đối tượng dễ mắc và cách kiểm soát qua bài viết sau đây.

Bạn đang đọc: Rối loạn gan nhiễm mỡ: Những đối tượng dễ mắc

1. Rối loạn gan nhiễm mỡ là gì?

Gan nhiễm mỡ là tình trạng tích tụ mỡ, chất béo trong gan, vượt quá 5% trọng lượng lá gan. Bệnh gan nhiễm mỡ có thể xảy ra do nguyên nhân là bia rượu (gan nhiễm mỡ do rượu) và nguyên nhân không phải do bia rượu (gan nhiễm mỡ không do rượu – NAFLD). Các nghiên cứu cho thấy khoảng 30% số người gan nhiễm mỡ không do rượu sẽ bị viêm gan mạn và xơ gan.

Ở giai đoạn đầu, tình trạng dư thừa mỡ chưa ảnh hưởng nhiều đến chức năng gan nên thường chưa gây ra các triệu chứng đáng kể, người bệnh thường chỉ phát hiện ra bệnh khi thăm khám các bệnh lý khác.

Tuy nhiên khi có viêm gan hoặc xơ gan thì người bệnh các triệu chứng có thể biểu hiện như sau:

– Đau bụng vùng hạ sườn phải

– Chán ăn, buồn nôn

– Vàng da và vàng mắt, nước tiểu đổi màu, vàng hoặc sậm màu

– Cổ trướng bụng

– Phù nề chân

– Giãn nở mạch máu, xuất hiện các nốt sao mạch dưới da

– Đỏ lòng bàn tay

– Lá lách to

– Xuất huyết tiêu hóa

– Sẩn ngứa trên da

Rối loạn gan nhiễm mỡ: Những đối tượng dễ mắc

Gan nhiễm mỡ là bệnh lý xảy ra do sự rối loạn chuyển hóa và tích tụ mỡ trong gan, gây ra các triệu chứng vàng da, chán ăn, phù nề, ngứa, đau tức hạ sườn phải…

2. Những đối tượng chính nào mắc bệnh gan nhiễm mỡ?

Theo quan niệm cũ trước đây, bệnh gan nhiễm mỡ được chia làm 2 loại chính là gan nhiễm mỡ do rượu và gan nhiễm mỡ không do rượu. Tuy nhiên các nghiên cứu cho thấy bệnh lý không chỉ liên quan rượu hay virus viêm gan B, viêm gan C mà có thể do cả chứng béo phì, các rối loạn chuyển hóa như tiểu đường… Tại Việt Nam, tỷ lệ bệnh nhân béo phì, tỷ lệ bệnh nhân rối loạn mỡ máu, tiểu đường tăng lên đang có xu hướng gia tăng cũng là tác nhân gây tăng bệnh gan nhiễm mỡ.

2.1 Người béo phì dễ bị rối loạn gan nhiễm mỡ

Gan nhiễm mỡ là bệnh xảy ra liên quan đến sự dư thừa mỡ và chất béo. Bởi vậy những người béo phì thường rất dễ mắc bệnh này. Mức độ nhiễm mỡ cũng thường liên quan đến mức độ béo phì, đặc biệt là béo bụng.

Các nghiên cứu cho thấy 80% – 90% người béo phì bị gan nhiễm mỡ. Nếu tình trạng béo phì ở mức độ nặng thì mức độ gan nhiễm mỡ cũng nặng hơn. Tình trạng này kéo dài có khả năng dẫn đến viêm gan thoái hóa mỡ, thậm chí tiến triển thành xơ gan.

2.2 Rối loạn gan nhiễm mỡ ở những người mắc bệnh đái tháo đường

Tình trạng gan nhiễm mỡ thường ít gặp ở bệnh nhân tiểu đường type I, nhưng rất phổ biến ở bệnh nhân tiểu đường type II. Ước tính 50% bệnh nhân tiểu đường type II bị gan nhiễm mỡ. Nguyên nhân là do có sự bất thường trong quá trình chuyển hóa chất béo.

Bệnh tiểu đường thường xảy ra do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không phản ứng tốt với insulin. Đây là một hormone do tuyến tụy sản xuất, có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh quá trình chuyển hóa carbohydrate, biến đổi chất béo thành năng lượng để cung cấp cho các hoạt động của cơ thể.

Cụ thể, khi chúng ta tiêu thụ một lượng lớn tinh bột, tế bào beta trong tuyến tụy sẽ sản xuất insulin, điều khiển quá trình lưu trữ và dự trữ glucose trong cơ thể, đặc biệt là ở gan và mô mỡ.

Khi nồng độ glucose trong máu tăng, glucose sẽ được chuyển hóa và lưu trữ dưới dạng glycogen trong gan. Khi cơ thể cần năng lượng, glycogen sẽ được chuyển hóa trở lại thành glucose và được đưa vào máu để duy trì mức đường huyết ổn định.

Khi lượng đường trong máu thường xuyên tăng cao, quá trình chuyển hóa chất béo bị rối loạn, gan dự trữ nhiều chất béo hơn làm tăng nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ.

Tìm hiểu thêm: 5 triệu chứng xơ gan giai đoạn đầu không thể bỏ qua

Rối loạn gan nhiễm mỡ: Những đối tượng dễ mắc

Rối loạn chuyển hóa đường là một trong những nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ.

2.3 Người bị rối loạn mỡ máu

Rối loạn mỡ máu hay rối loạn lipid máu (bao gồm triglyceride, cholesterol hoặc cả hai) cũng thường liên quan đến tình trạng gan nhiễm mỡ. Khi các chỉ số mỡ máu như cholesterol, triglyceride cao hơn bình thường, nguy cơ gan nhiễm mỡ cũng sẽ cao hơn.

2.4 Người nghiện rượu dễ bị gan nhiễm mỡ

Uống rượu nhiều là một trong những nguyên nhân gây bệnh gan nhiễm mỡ. Tình trạng nghiện rượu mạn tính có thể làm tăng tổng hợp và giảm phân giải chất béo trong gan, từ đó khiến mỡ bị ứ lại trong gan. Gan nhiễm mỡ ở người nghiện rượu thường có thể phục hồi nếu người bệnh cai rượu nhưng nếu tiếp tục uống rượu có thể dẫn tới viêm gan do rượu và xơ gan.

3. Cách kiểm soát rối loạn gan nhiễm mỡ

Hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh gan nhiễm mỡ. Với những người bệnh bị gan nhiễm mỡ liên quan đến các bệnh lý chuyển hóa, kết hợp giữa việc tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, xây dựng chế độ ăn uống và tập luyện hợp lý, khoa học là mấu chốt.

Các chuyên gia khuyên người bị gan nhiễm mỡ:

– Tập thể dục thường xuyên: Các chuyên gia khuyến cáo bạn nên tập khoảng 120 – 150 phút/tuần, cường độ tập luyện từ trung bình đến cao.

– Quan tâm đến chế độ dinh dưỡng: Hạn chế ăn dầu mỡ, đồ chiên, xào, ăn ít tinh bột, chất mỡ.

– Hạn chế sử dụng bia, rượu: Việc uống rượu có thể làm giảm hiệu quả điều trị, khiến bệnh tăng nặng.

– Giảm cân: Các nghiên cứu cho thấy, ở những người thừa cân béo phì, nếu giảm được 5 – 10% trọng lượng cơ thể thì sẽ giúp cải thiện tình trạng viêm gan, phục hồi mô bệnh học của gan.

Trong trường hợp cần thiết, các bác sĩ có thể cho bệnh nhân sử dụng thuốc điều trị men gan, vitamin E, thuốc điều trị tiểu đường, điều trị rối loạn mỡ máu, điều trị huyết áp… phù hợp với các yếu tố nguy cơ.

Rối loạn gan nhiễm mỡ: Những đối tượng dễ mắc

>>>>>Xem thêm: Viêm gan B có nguy hiểm không? Có biến chứng gì?

Thăm khám sớm chuyên khoa gan mật để phát hiện bệnh gan nhiễm mỡ sẽ giúp tăng hiệu quả điều trị.

Có thể thấy, gan nhiễm mỡ là một căn bệnh phức tạp, có thể liên quan đến các rối loạn chuyển hóa hoặc không. Các đối tượng dễ mắc bệnh gan nhiễm mỡ như bệnh nhân đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, béo phì… cần thăm khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *