Rối loạn tiền đình là bệnh lý phổ biến ở mọi lứa tuổi, giới tính, thường gặp nhiều ở người trung tuổi. Nếu không được phát hiện và điều trị từ sớm, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Cùng tham khảo bài viết sau để hiểu rõ rối loạn tiền đình là gì? Biểu hiện đặc trưng và sự nguy hiểm của rối loạn tiền đình.
Bạn đang đọc: Rối loạn tiền đình và dấu hiệu nhận biết
1. Rối loạn tiền đình là gì?
Tiền đình là một hệ thống thuộc hệ thần kinh, nằm phía sau ốc tai ở hai bên. Tiền đình đóng vai trò giúp cân bằng cơ thể, duy trì thăng bằng ở các tư thế, phối hợp cử động các bộ phận như mắt, đầu, tay, chân, thân mình…
Rối loạn tiền đình là bệnh lý khiến quá trình dẫn truyền và tiếp nhận thông tin của tiền đình bị rối loạn, thường là do tổn thương dây thần kinh số 8, tổn thương động mạch nuôi dưỡng não hay các khu vực tai trong và não gây ra. Điều này làm người bệnh rơi vào trạng thái mất thăng bằng, hoa mắt, chóng mặt, cơ thể loạng choạng, ù tai, buồn nôn… Các triệu chứng này có thể lặp đi lặp lại nhiều lần, xuất hiện đột ngột khiến người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng tới công việc và chất lượng cuộc sống của người bệnh.
Rối loạn tiền đình thường được chia thành 2 loại tùy vào nguyên nhân và triệu chứng của bệnh, bao gồm rối loạn tiền đình ngoại biên và rối loạn tiền đình trung ương.
1.1 Rối loạn tiền đình ngoại biên
Xuất phát do tổn thương hệ tiền đình ngay tại vùng tai trong. Triệu chứng của bệnh thường rầm rộ, bệnh nhân có cảm giác chóng mặt, hoa mắt, mất thăng bằng nhưng không gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Đây là tình trạng phổ biến mà nhiều người thường mắc phải.
1.2 Rối loạn tiền đình trung ương
Rối loạn tiền đình có nguồn gốc trung ương thường do các tổn thương nhân tiền đình ở thân não, tiểu não. Đây là nhóm bệnh ít gặp, triệu chứng không rầm rộ nhưng lại là nhóm bệnh nguy hiểm và khó chữa hơn so với rối loạn tiền đình ngoại biên.
Tìm hiểu thêm: Đau đầu khó ngủ cảnh giác bệnh nguy hiểm
2. Biểu hiện của rối loạn tiền đình
Các dấu hiệu triệu chứng của rối loạn tiền đình có thể khác nhau tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh và thể trạng sức khỏe của từng bệnh nhân.
2.1 Triệu chứng rối loạn tiền đình ngoại biên
Chóng mặt có hệ thống là triệu chứng thường gặp nhất ở người bị rối loạn tiền đình ngoại biên. Biểu hiện rõ nhất là lúc người bệnh đứng lên ngồi xuống hay thay đổi tư thế một cách đột ngột hoặc khi vừa ngủ dậy.
– Mất thăng bằng, choáng váng, đầu óc quay cuồng, loạng choạng, đứng không vững
– Rối loạn thị giác: chóng mặt, hoa mắt, mất phương hướng
– Ù tai, suy giảm khả năng nghe, có tiếng ve kêu, dế kêu, đặc biệt tiếng động sẽ to hơn khi về đêm.
– Buồn nôn hoặc nôn mửa
– Hạ huyết áp đột ngột
2.2 Triệu chứng rối loạn tiền đình trung ương
– Chóng mặt nhẹ, không dữ dội mà có cảm giác bồng bềnh như trên sóng
– Suy giảm thính lực, ù tai, mất thính lực tạm thời
– Rung giật nhãn cầu theo nhiều hướng khác nhau
– Khó giữ thăng bằng, người bệnh không thể đi thẳng mà đi theo hình zic zac
– Không thể hoạt động với các động tác chính xác như: lật sấp bàn tay, giơ ngón tay…
– Có thể thay đổi giọng nói khi phát âm với một số âm tiết đặc biệt.
Ngay khi có các dấu hiệu như trên, người bệnh cần đi khám rối loạn tiền đình ngay. Bác sĩ sẽ thực hiện các phương pháp khám như đo điện não đồ, lưu huyết não hoặc các hình ảnh như chụp CT cắt lớp, chụp MRI… Để từ đó đưa ra chính xác nguyên nhân gây bệnh và có những phương án điều trị hiệu quả cho người bệnh.
>>>>>Xem thêm: Dấu hiệu rối loạn tiền đình mà bạn cần biết
3. Rối loạn tiền đình nguy hiểm thế nào?
Rối loạn tiền đình có thể chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, nhưng cũng có thể kéo dài hơn, tái phát nhiều lần không chỉ gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc và cuộc sống của người bệnh mà còn có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm.
Trong khi bị bệnh, nếu người bệnh cố gắng đi lại thì có thể bị ngã, gây chấn thương trầy xước da hoặc gãy tay, chân… Nguy hiểm hơn là gây chấn thương sọ não do đập đầu vào nền cứng. Biến chứng nguy hiểm nhất của bệnh chính là đột quỵ do máu lên não kém. Nếu người bệnh có thể qua khỏi cơn đột quỵ thì cũng để lại nhiều di chứng như: Méo mồm, liệt nửa người…
Rối loạn tiền đình mặc dù gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng vẫn có thể chữa khỏi nếu được phát hiện và điều trị sớm. Người bệnh nên thăm khám tại các chuyên khoa thần kinh uy tín ngay từ khi phát hiện các dấu hiệu ban đầu để được chẩn đoán, xác định nguyên nhân gây bệnh và có hướng điều trị phù hợp.