Cách chữa viêm xoang mũi mãn tính được quy về hai phương pháp cơ bản: điều trị nội khoa hoặc phẫu thuật xoang. Tùy theo từng trường hợp mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp thích hợp cho người bệnh.Tuy nhiên, nhiều người thường tự ý điều trị viêm xoang mũi và mắc phải những sai lầm nghiêm trọng.
Bạn đang đọc: Sai lầm trong cách chữa viêm xoang mũi mãn tính
1. Viêm xoang mũi mạn tính – Bệnh lý nhiều biến chứng
Viêm xoang mũi mạn tính là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc xoang với thời gian qua giai đoạn cấp tính. Bệnh được biểu hiện với những triệu chứng như: đau nhức vùng mặt, giảm khứu giác, tắc mũi, ho, đờm, mệt mỏi,… Các triệu chứng này thường kéo dài trên 8 tuần, dù đã được điều trị bằng thuốc.
1.1. Những nguyên nhân hình thành bệnh viêm xoang mũi mạn tính
Viêm xoang mũi mạn tính do một số nguyên nhân gây ra như:
– Bệnh đường hô hấp, viêm xoang mũi cấp tính không được điều trị hiệu quả. Các bệnh về đường hô hấp rất dễ hình thành, đặc biệt là trong những giai đoạn thay đổi thời tiết. Tình trạng nhiễm trùng này có thể lan rộng và ảnh hưởng đến xoang. Khi không được điều trị kịp thời, bệnh sẽ phát triển thành viêm xoang mũi mạn tính.
– Tình trạng viêm mũi xoang dị ứng hình thành và kéo dài. Bên cạnh đó, những người có cơ địa dị ứng cũng dễ bị viêm xoang hơn so với các đối tượng khác.
– Mũi có cấu trúc bất thường như dị hình, lệch vách ngăn, phì đại cuốn mũi, VA quá phát,… Tình trạng này gây ra việc hạn chế lối đi của xoang. Đó cũng là điều kiện để vi khuẩn có nguy cơ trú ẩn và gây nhiễm trùng cao hơn. Ngoài ra, những chấn thương mặt cũng có thể ảnh hưởng đến cấu trúc xoang và gây viêm nhiễm tương tự.
Cấu trúc mũi ảnh hưởng đến nguy cơ bị viêm xoang mũi mạn tính
– Hội chứng trào ngược dạ dày lâu ngày và ảnh hưởng đến mũi xoang. Khi bị trào ngược dạ dày, axit có trong dịch vị tiếp xúc với mũi xoang, khiến tổ chức này cũng bị ảnh hưởng, dẫn đến viêm nhiễm, phù nề, tắc nghẽn các lỗ xoang. Từ đó, viêm mũi xoang mạn tính được hình thành.
– Các bệnh lý liên quan đến hệ miễn dịch. Theo đó, hệ miễn dịch càng yếu thì khả năng mắc các bệnh tai mũi họng càng cao hơn. Viêm xoang mũi mạn tính cũng là một trong những vấn đề đó.
1.2. Viêm xoang mũi mạn tính tiềm tàng nhiều nguy hiểm
Với các bệnh lý nói chung, giai đoạn bệnh mạn tính bao giờ cũng tạo nên những nguy hiểm cho người bệnh. Viêm xoang mũi mãn tính cũng thế. Người bệnh khi không điều trị hiệu quả bệnh lý này phải đối diện với nhiều nguy cơ.
Viêm xoang mũi mạn tính gây nguy cơ các bệnh viêm nhiễm hệ hô hấp. Do tai mũi họng là hệ thống có liên kết chặt chẽ với nhau, nên những vấn đề viêm nhiễm mũi xoang dễ dàng lây lan và ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thống. Viêm xoang mũi mạn tính có thể gây các bệnh như viêm họng, viêm tai giữa, viêm phế quản, u thanh quản, viêm phổi,…
Do gần vị trí mắt, nên viêm xoang mũi mạn tính cũng gây các biến chứng về mắt. Bệnh có thể khiến suy giảm thị lực, hình thành các ổ áp xe quanh mắt, viêm túi lệ,…
Bên cạnh đó, viêm xoang mũi mạn tính còn có thể gây các biến chứng xa về thần kinh và não bộ. Nguyên nhân là do tình trạng phù nề xoang khiến các dây thần kinh và màng não tại các khu vực liên quan cũng bị ảnh hưởng. Cần cẩn trọng các biến chứng từ bệnh như: viêm màng não, áp xe não,…
Các ổ viêm của viêm xoang mũi mạn tính cũng có thể ảnh hưởng đến xương thái dương và xương đỉnh. Đây là nguyên nhân khiến người bệnh thường có cảm giác đau nhức ở các vị trí này.
Ngoài ra, với trẻ em, viêm xoang mũi mạn tính có thể gây biến chứng tiêu hóa, khiến trẻ bị các bệnh như viêm ruột, viêm dạ dày.
Tìm hiểu thêm: Phương pháp điều trị viêm thanh quản hiệu quả nhất
Vị trí của các xoang
2. Những sai lầm trong khi thực hiện cách chữa bệnh viêm xoang mũi mãn tính
2.1. Hiện trạng việc thực hiện điều trị xoang mũi mạn tính
Khi bị viêm xoang mũi mạn tính, người bệnh thường phải chịu đựng bệnh lý trong một thời gian rất dài. Một số người thường coi đây là bệnh lý không thể khỏi, nên chỉ tìm cách giảm bớt triệu chứng mà không đi thăm khám. Điều này rất ảnh hưởng đến việc phát triển của bệnh và vấn đề điều trị sau này.
Khi viêm xoang mũi mạn tính không được thăm khám và chữa đúng cách, người bệnh phải chịu những biến chứng của bệnh kéo dài hơn, thậm chí là không thể dứt bệnh. Ngoài ra, nguy cơ các biến chứng do bệnh gây nên cũng cận kề. Trong khi đó, việc điều trị với các biến chứng của bệnh sẽ khiến quá trình điều trị khó khăn và đắt đỏ hơn.
>>>>>Xem thêm: Điều trị viêm amidan cấp kịp thời, triệt để nhanh chóng
Nhiều người không thăm khám y tế khi điều trị viêm mũi xoang
2.2. Một số sai lầm khi chữa bệnh của người viêm xoang mũi mạn tính
Một số sai lầm khác của người bệnh khi chữa xoang mũi mạn tính là:
– Điều trị không thăm khám. Người bệnh sử dụng các đơn thuốc cũ hoặc đơn thuốc của người khác. Cần nhớ rằng, ngay cả việc sử dụng thuốc chữa xoang mũi mạn tính cũng cần phải dựa trên nguyên nhân, tình trạng và thể chất người bệnh. Do đó, không phải thuốc kê đơn cho viêm xoang mũi mạn tính sẽ giống nhau. Việc lạm dụng thuốc sẽ khiến chúng ta đối diện nguy cơ nhờn thuốc, nhờn kháng sinh, ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và không tốt cho việc điều trị các vấn đề sức khỏe sau này.
– Lạm dụng thuốc. Việc lạm dụng thuốc có thể là việc tự dùng thuốc hoặc dùng thuốc sai cách. Ví dụ: Nhiều người sử dụng thuốc xịt xoang có chữa corticoid hay thuốc co mạch mà không biết chỉ nên giới hạn dùng thuốc trong khoảng thời gian nhất định và theo dõi. Các đơn thuốc của bác sĩ cũng sẽ khuyến cáo bệnh nhân vấn đề theo dõi thể trạng. Đặc biệt, cần tái khám để điều chỉnh phương pháp khi thuốc không đáp ứng kết quả điều trị.
– Không thực hiện các biện pháp bảo vệ mũi xoang. Việc bảo vệ mũi xoang khi điều trị là điều cần thiết để điều trị có kết quả tốt. Đây cũng là cách để tránh tình trạng viêm xoang mũi mạn tính tái phát. Vì thế, hãy chú ý đeo khẩu trang, rửa mũi phù hợp, bảo vệ tai mũi họng, tránh tiếp xúc dị nguyên và nâng cao sức đề kháng.
3. Điều trị viêm xoang mũi mạn tính an toàn, đúng cách
Phát hiện bệnh nhanh, thăm khám sớm là cách để kiểm soát và điều trị viêm xoang mũi mạn tính cần thiết cho mọi người. Việc điều trị bệnh cần được xem xét dựa trên nguyên nhân gây bệnh, tình trạng bệnh lý và thể trạng của mỗi người. Chính vì thế, bạn nên đến các cơ sở y khoa uy tín để được bác sĩ hỗ trợ.
3.1. Tuân thủ nguyên tắc khi chữa bệnh viêm xoang mũi mạn
Nguyên tắc khi điều trị viêm xoang mũi mạn tính được các bác sĩ khuyến cáo bao gồm:
– Nghỉ ngơi phù hợp và phòng tránh những nguyên nhân, tác nhân gây dị ứng, viêm xoang
– Cần đảm bảo việc dẫn lưu mũi xoang được thực hiện tốt, kiểm soát vấn đề phù nề niêm mạc.
– Phải kết hợp việc điều trị tại chỗ và điều trị toàn thân.
3.2. Điều trị viêm xoang mũi mạn tính theo thực thể và tình trạng bệnh
3.2.1. Sử dụng thuốc chữa viêm xoang mũi mạn tính
Việc điều trị nội khoa được thực hiện trên 2 hình thức kết hợp: điều trị toàn thân và chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh. Khi đó, các bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh cho bệnh nhân trong khoảng 2-3 tuần, kết hợp với thuốc giảm viêm đường uống. Ngoài ra, cần kết hợp điều trị tại chỗ bằng các thuốc co mạch, thuốc rửa mũi xoang (theo dõi biến chuyển trong quá trình điều trị) và các thuốc chống viêm dạng xịt. Tùy theo triệu chứng thực thể mà các thuốc được sử dụng sẽ khác nhau với mỗi bệnh nhân.
3.2.2. Phẫu thuật nội soi chấm dứt viêm xoang
Phẫu thuật điều trị viêm xoang mạn tính được chỉ định cho các trường hợp điều trị nội khoa không đáp ứng kết quả, tình trạng mũi có dị hình giải phẫu, hoặc viêm xoang mũi mạn tính có thoái hóa polyp mũi xoang. Hiện nay, việc phẫu thuật mũi xoang đã áp dụng phương pháp nội soi tiên tiến, có thể giải quyết nhanh và hiệu quả tình trạng xoang mạn tính cho người bệnh mà với độ chính xác cao, loại bỏ các ổ viêm nhiễm triệt để. Tuy vậy, mọi phẫu thuật mũi xoang cần được điều trị hậu phẫu trong viện và cần kết hợp với phương pháp nội khoa trong quá trình phục hồi của bệnh nhân.
Điều quan trọng nhất là, dù thực hiện theo cách chữa viêm xoang mũi mãn tính nào thì bạn cũng cần tuân thủ việc kết hợp với các hình thức bảo vệ sức khỏe mũi xoang, tăng đề kháng và phòng tránh việc tiếp xúc các nguy cơ gây bệnh. Đồng thời, hãy giữ những thói quen này để có thể hạn chế việc bệnh tái phát và ngăn ngừa tối đa nguy hại từ viêm xoang mũi mạn tính.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.