Sán lá gan là bệnh do kí sinh trùng gây ra, có thể gây nhiều ảnh hưởng đến hoạt động và chức năng của gan. Vậy sán lá gan kí sinh ở đâu, gây bệnh cho người như thế nào và cách phòng ngừa căn bệnh này là gì, cùng tìm hiểu qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Sán lá gan kí sinh ở đâu và cách phòng ngừa
1. Đặc điểm của sán lá gan
Sán lá gan là một loại kí sinh trùng phổ biến thuộc họ sán lá, gây bệnh ở người và động vật.
Sán lá gan nói chung có hình dạng giống hình chiếc lá, thân dẹp, phân thành từng đoạn, kích thước từ vài mm đến vài cm. Trên thân sán có đĩa hút bụng giúp sán bám vào cơ quan vật chủ một cách dễ dàng. Đĩa hút miệng, cùng với hầu, thực quản và manh tràng giúp tiêu hóa thuận tiện.
Sán lá gan có cả cơ quan sinh dục đực và cơ quan sinh dục cái giúp thực hiện khả năng sinh sản.
Dựa vào kích thước, sán lá gan được chia thành 2 loại là sán lá gan nhỏ (Clonorchis sinensis) và sán lá gan lớn (Fasciola hepatica hoặc Fasciola gigantica).
– Sán lá gan nhỏ: Đặc điểm của loại này là trứng rất nhỏ màu nâu sẫm, có nắp lồi dễ thấy, đối diện nắp có gai nhỏ, bên trong chứa phôi. Kích thước trứng khoảng 27x16mcm (1mcm = 0,001mm). Sán trưởng thành có màu đỏ nhạt, dài khoảng 1 – 2 cm, chiều ngang 0,2 – 0,4 cm. Sán lá gan nhỏ có đĩa hút miệng lớn hơn đĩa hút bụng. Thực quản chiếm 1/4 chiều dài thân sán. Manh tràng của sán lá nhỏ dài đến tận cuối đuôi. Lỗ sinh dục ở ngay trước đĩa hút bụng. Tinh hoàn của kí sinh trùng này nằm sau buồng trứng và phân nhánh.
– Sán lá gan lớn: Trứng sán có hình bầu dục, kích thước 140x80mcm, vỏ dày màu vàng nâu, có nắp, bên trong chứa phôi bào. Khi trưởng thành, sán thường có màu xám hồng, hình như chiếc lá và dài từ 3 – 4cm. Phần đầu nhỏ của sán chứa đĩa hút miệng. Thực quản ngắn, ruột dài, phân thành nhiều nhánh nhỏ và chạy đến cuối thân. Tinh hoàn phân nhánh ở phía sau thân. Lỗ sinh dục nằm ở trước đĩa hút bụng.
Bệnh sán lá gan là bênh do ký sinh trùng sán lá gan gây ra.
2. Sán lá gan kí sinh ở đâu và phát triển theo chu trình nào?
Sán lá gan dù loại nhỏ hay loại lớn cũng đều phải kí sinh vào cơ thể người và động vật mới có thể phát triển và hoàn thiện chu kỳ của mình.
2.1 Sán lá gan kí sinh ở đâu đối với sán lá gan nhỏ?
Sán lá nhỏ kí sinh chủ yếu ở người và một số động vật như chó, mèo, hổ, chồn, báo, cáo, rái cá, chuột… Quá trình kí sinh của sán lá gan nhỏ như sau:
– Trứng sán được bài tiết ra ngoài theo phân của người hoặc động vật. Khi gặp môi trường nước ngọt (sông suối, ao hồ…), trứng lơ lửng trong nước và bị loài ốc nước ngọt (giống Bithynia, giống Melania) nuốt.
– Trong cơ thể ốc, các ấu trùng lông tơ sẽ chui ra khỏi trứng, phát triển từ bào tử nang qua các giai đoạn thành ấu trùng đuôi.
– Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc chui qua da các loại cá nước ngọt thuộc họ Cyprinidae (đại diện là cá diếc, cá rô, cá lia thia,…).
– Khi xâm nhập vào cơ thể cá, ấu trùng rụng đuôi và thành hậu ấu trùng ở da hoặc thịt cá.
Một người sẽ nhiễm sán lá gan nhỏ khi uống nước lã, ăn cá sống hay đồ nấu chưa chín (các món gỏi cá, tôm sống chấm mù tạt…), gan động vật nhiễm bệnh chưa nấu chín, ăn sống các loại rau mọc dưới nước (rau muống nước, cải xoong, ngò om…) có chứa trứng hoặc ấu trùng nang chưa được nấu chín.
Khi đi vào cơ thể, ấu trùng này vào dạ dày, xuống tá tràng rồi ngược theo đường mật lên gan. Sán non kí sinh và phát triển trong mô gan thành sán trưởng thành, sau đó đẻ trứng trong ống dẫn mật, thường trong vòng một tháng sau khi xâm nhập.
2.2 Sán lá gan kí sinh ở đâu đối với sán lá gan lớn?
– Sán lá gan lớn trưởng thành sống trong ống mật của các động vật ăn cỏ (tiểu biểu là trâu, bò) rồi đẻ trứng.
– Trứng sán theo đường mật rồi theo phân ra ngoài. Phôi bào bên trong trứng phát triển thành ấu trùng lông sau 9 – 15 ngày.
– Khi gặp môi trường nước, ấu trùng lông rời khỏi trứng, bơi trong nước, sau đó chui vào ốc Lymnaea và sống ở dưới nước. Trong cơ thể ốc, ấu trùng lần lượt phát triển qua các giai đoạn bào tử nang cho tới ấu trùng đuôi.
– Ấu trùng đuôi rời khỏi ốc, bám vào cây thủy sinh, sau đó rụng đuôi biến thành hậu ấu trùng.
Khi người hay các loài động vật ăn cỏ ăn phải những loại rau này, sán sẽ có cơ hội xâm nhập vào cơ thể. Khi tới ruột non, vỏ của hậu ấu trùng tiêu biến, trở thành sán non. Sán non chui qua vách ruột, xuyên qua phúc mạc, qua gan để sống trong các ống mật. Sán có thể kí sinh ở đây tới khoảng 1 năm. Nhiều trường hợp, sán non có thể lọt vào mạch máu, đi đến phổi, mắt, các mô dưới da.
Tìm hiểu thêm: Gan nhiễm mỡ không nên ăn gì?
Sán lá gan kí sinh và gây bệnh trên cơ thể người hoặc động vật.
3. Triệu chứng thường gặp của bệnh sán lá gan
Bệnh sán lá gan nhỏ thường không có triệu chứng rõ rệt nếu số lượng sán ít. Người bệnh thường chỉ tình cờ phát hiện bệnh khi đi xét nghiệm phân. Khi số lượng sán lá gan nhỏ nhiều lên (trên 100 con) thì các triệu chứng của bệnh sẽ rõ rệt hơn, biểu hiện khác nhau qua các giai đoạn.
3.1 Triệu chứng bệnh sán lá gan ở giai đoạn khởi phát
– Rối loạn tiêu hóa
– Nôn, tiêu chảy xen kẽ táo bón, chán ăn
– Nổi mẩn ngứa kèm bạch cầu ái toan tăng cao
3.2 Triệu chứng ở giai đoạn toàn phát
Triệu chứng thường thấy ở bệnh sán lá gan nhỏ giai đoạn nhẹ là sụt cân, đau bụng. Khi bệnh nặng hơn, người bệnh có thể gặp tình trạng:
– Gan to, cứng, đau
– Sưng, tắc ống dẫn mật gây ứ mật
– Vàng da
Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh có thể thiếu máu, xơ gan, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa sau đó suy kiệt dần rồi chết. Nếu sán lạc chỗ đến ống tụy sẽ gây viêm ống tụy.
Với sán lá gan lớn, giai đoạn khởi phát thường kéo dài 2-3 tháng, gây ra các triệu chứng nhiễm độc như:
– Đau nhức đầu
– Sốt nhẹ
– Tiêu chảy
– Mệt mỏi
– Đau vùng hạ sườn phải
Khám lâm sàng sẽ thấy gan to, sờ đau. Xét nghiệm cho thấy bạch cầu ái toan trong máu tăng lên đến 70% – 80%.
>>>>>Xem thêm: 99% người bệnh không biết hết về bệnh xơ gan
Sán lá gan nhỏ số lượng ít thường rất ít triệu chứng, thường được phát hiện khi thăm khám có xét nghiệm phân.
4. Phòng ngừa sán lá gan
Hiện nay nhiều người cho rằng chỉ cần uống thuốc tẩy giun là ngừa được các loại giun sán. Tuy nhiên mỗi loại thuốc chỉ điều trị được một vài loại giun sán nhất định.
Cách phòng ngừa sán lá gan chủ yếu vẫn là:
– Đảm bảo ăn chín uống sôi
– Sử dụng nguồn nước sạch
– Không ăn gỏi cá sống, gỏi ốc sống, rau sống
– Không ăn thực vật tươi sống, đặc biệt trồng ở các vùng nước gần khu chăn nuôi
– Rửa sạch trái cây, rau trước khi ăn
– Vệ sinh môi trường, không phóng uế bừa bãi
– Quản lý tốt chất thải của động vật và thú cưng
– Nhanh chóng khoanh vùng dịch và kiểm soát nếu có dịch
Trong trường hợp, nếu nghi ngờ nhiễm bệnh sán lá gan thì cần nên đến cơ sở y tế để khám và điều trị sớm.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.