Siêu âm là gì? Cần lưu ý gì khi thực hiện siêu âm?

Hiện nay, siêu âm đang là một phương pháp được sử dụng rộng rãi trong y học. Nó có thể khảo sát gần hết các bộ phận trong cơ thể người. Mặt khác lại rất tiện lợi và nhanh chóng. Do đó, càng ngày, ứng dụng siêu âm vào việc chẩn đoán và điều trị càng có nhiều tiến bộ và được sử dụng một cách sáng tạo. Vậy siêu âm là gì? Nó có gây nguy hiểm gì không?

Bạn đang đọc: Siêu âm là gì? Cần lưu ý gì khi thực hiện siêu âm?

1. Siêu âm là gì?

Siêu âm là phương pháp sử dụng sóng âm tần số rất cao để tạo ra hình ảnh của cơ quan bên trong cơ thể. Siêu âm có thể được sử dụng để theo dõi thai nhi, chẩn đoán tình trạng bệnh hoặc hướng dẫn bác sĩ phẫu thuật trong một số quy trình nhất định.

Hầu hết các lần siêu âm kéo dài từ 10 đến 30 phút. Chúng thường diễn ra tại khoa chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện hoặc phòng khám. Kỹ thuật này được thực hiện bởi bác sĩ siêu âm. Ngoài ra, siêu âm cũng có thể được thực hiện tại một số khoa chuyên khoa của bệnh viện. Ví dụ: siêu âm tại giường thường được làm tại khoa cấp cứu hoặc khoa hồi sức tích cực – chống độc. Siêu âm tim thường được thực hiện tại khoa hoặc trung tâm tim mạch.

2. Cơ chế hoạt động của máy siêu âm là gì?

Hệ thống máy có một thiết bị nhỏ mà các bác sĩ hay cầm ở tay. Nó được gọi là đầu dò siêu âm được sử dụng để phát ra sóng âm tần số cao.

Bạn không thể nghe thấy những sóng âm này, nhưng khi khảo sát các cơ quan, sẽ có sự dội lại từ các bộ phận khác nhau của cơ thể. Chúng sẽ tạo ra “âm vang” được đầu dò thu nhận và chuyển thành hình ảnh chuyển động. Các hình ảnh này hiện trên màn hình và giúp bác sĩ nhận diện tổn thương nếu có.

Siêu âm là gì? Cần lưu ý gì khi thực hiện siêu âm?

Siêu âm là một phương pháp giúp chẩn đoán bệnh được sử dụng rộng rãi.

3. Phân loại siêu âm

3.1. Dựa trên công nghệ siêu âm

Gần đây, các khái niệm siêu âm 2D, siêu âm 3D, siêu âm 4D ngày càng trở nên quen thuộc. Vậy các loại siêu âm là gì? Có gì khác biệt giữa các loại siêu âm này?

Thực chất, “D” là viết tắt của dimension – chiều:

  • Siêu âm 2D là tạo hình ảnh mặt cắt chùm tia lên cơ quan được kiểm tra. 2D tức là đây là hình ảnh không gian 2 chiều. Hình ảnh trên màn hình máy tính là một mặt cắt.
  • Siêu âm 3D là hình ảnh của nhiều góc độ (chiều) hơn. Do đó, tạo hình ảnh trên màn hình gần giống hình ảnh thực tế.
  • Siêu âm 4D là sự cải tiến của siêu âm 3D, có thêm sự chuyển động của hình ảnh tạo trên màn hình.

Cụ thể như với trường hợp siêu âm thai.

  • Siêu âm 2D: cho hình ảnh mặt phẳng, có thai nhi trong bụng.
  • Siêu âm 3D: có thể nhìn rõ khuôn mặt, tay, chân của thai nhi trong bụng.
  • Siêu âm 4D: có thể nhìn rõ khuôn mặt và sự cử động chân tay của thai nhi trong bụng.

3.2. Dựa trên vị trí siêu âm

Có nhiều loại siêu âm khác nhau, tùy thuộc vào cơ quan nào của cơ thể cần được siêu âm. Có 2 loại chính là:

  • Thứ nhất: Siêu âm bên ngoài – đầu dò được di chuyển trên da
  • Thứ hai: Siêu âm bên trong – đầu dò được đưa vào cơ thể

Các kỹ thuật này được mô tả khái quát như dưới đây.

Siêu âm bên ngoài

Siêu âm bên ngoài thường được sử dụng nhất. Kỹ thuật này có thể kiểm tra tim hoặc thai nhi trong bụng mẹ. Nó cũng có thể được sử dụng để kiểm tra gan, thận và các cơ quan khác trong bụng và xương chậu. Ngoài ra, siêu âm cũng khảo sát được các cơ quan hoặc mô khác có thể được đánh giá qua da (chẳng hạn như cơ và khớp).

Để thực hiện siêu âm bên ngoài, bác sĩ sẽ sử dụng một đầu dò cầm tay nhỏ đặt trên da của bạn và di chuyển qua phần cơ thể được kiểm tra. Một ít gel bôi trơn được bôi lên da cho phép đầu dò di chuyển dễ dàng. Điều này cũng đảm bảo có sự tiếp xúc liên tục giữa đầu dò và da. Qua đó tăng sự tiếp nhận hình ảnh, giúp nhìn rõ cơ quan. Bạn sẽ không cảm thấy đau mà chỉ cảm nhận gel trên da (thường lạnh). Trường hợp bạn được siêu âm tử cung hoặc vùng chậu, bạn có thể được yêu cầu nhịn tiểu.

Siêu âm trong hoặc qua âm đạo

Tìm hiểu thêm: Siêu âm mắt tại sao lại quan trọng trong chẩn đoán y khoa?

Siêu âm là gì? Cần lưu ý gì khi thực hiện siêu âm?

Hình ảnh minh họa siêu âm đầu dò âm đạo – siêu âm bên trong cơ thể.

Khám bên trong cho phép bác sĩ quan sát kỹ hơn bên trong cơ thể tại các cơ quan như tuyến tiền liệt, buồng trứng hoặc tử cung.

Siêu âm “qua âm đạo” có nghĩa là đầu dò được đưa vào đường âm đạo. Trong quá trình này, bạn sẽ được yêu cầu nằm tư thế đặc biệt để hỗ trợ kỹ thuật siêu âm.

Một đầu dò siêu âm nhỏ có nắp đậy vô trùng, khá nhỏ được nhẹ nhàng đưa vào âm đạo hoặc trực tràng. Hình ảnh vùng tử cung và phần phụ sẽ được truyền đến màn hình.

Siêu âm qua âm đạo có thể gây ra một chút khó chịu, nhưng thường không gây đau và không mất nhiều thời gian.

Loại khác

Siêu âm tim qua thực quản là một phương pháp thường chỉ được thực hiện tại các bệnh viện lớn. Phương pháp này cho phép khảo sát tim chính xác hơn so với siêu âm tim thông thường.

4. Cần chuẩn bị gì trước khi siêu âm?

Bạn có thể được yêu cầu làm theo một số hướng dẫn nhất định để giúp cải thiện chất lượng hình ảnh được tạo ra. Điều này tùy thuộc vào vị trí cơ quan cần siêu âm đánh giá. Ví dụ, bạn có thể được khuyên:

  • Uống nước và không đi vệ sinh cho đến sau khi chụp. Điều này có thể cần thiết trước khi siêu âm thai nhi hoặc siêu âm các cơ quan vùng chậu.
  • Tránh ăn hoặc uống trong vài giờ trước khi siêu âm (bạn thường được dặn dò là nhịn ăn uống). Điều này có thể cần thiết trước khi siêu âm hệ tiêu hóa của bạn. Ví dụ: gan và túi mật.
  • Tùy thuộc vào vị trí cơ thể bạn cần khám, các bác sĩ siêu âm có thể yêu cầu bạn cởi bớt quần áo và mặc quần áo bệnh viện.
  • Trong một số trường hợp, bạn cũng có thể được tiêm một chất gọi là chất cản quang trước khi siêu âm. Vì chất này có thể làm cho hình ảnh rõ ràng hơn. Chất cản quang gần như vô hại cho cơ thể bạn trừ trường hợp có phản ứng dị ứng.

Siêu âm là gì? Cần lưu ý gì khi thực hiện siêu âm?

>>>>>Xem thêm: Khi nào cần chụp X quang đầu gối?

Bạn sẽ được nhân viên y tế dặn dò chuẩn bị trước siêu âm tùy vị trí cơ quan cần kiểm tra.

5. Chú ý sau khi siêu âm là gì?

Trong hầu hết các trường hợp, không có hậu quả nào được ghi nhận và bạn có thể về nhà ngay sau khi quá trình siêu âm kết thúc. Bạn có thể lái xe, ăn, uống và trở lại các hoạt động bình thường khác.

Bạn có thể được thông báo kết quả siêu âm của mình ngay sau khi tiến hành. Nhưng trong hầu hết các trường hợp, hình ảnh sẽ được phân tích và kết quả sẽ được gửi đến bác sĩ đã điều trị bạn. Sau đó, bác sĩ điều trị sẽ thông báo kết quả và tư vấn cho bạn.

6. Tác dụng phụ của siêu âm là gì?

Cho tới hiện tại, trên thế giới không ghi nhận rủi ro nào được biết đến từ sóng siêu âm được sử dụng trong siêu âm. Không giống như một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh khác (CT Scanner, cộng hưởng tử, X quang …) siêu âm không liên quan đến việc tiếp xúc với bức xạ. Do đó, bạn có thể tránh được các nguy cơ do tia bức xạ gây ra.

Siêu âm bên ngoài và bên trong gần như không có bất kỳ tác dụng phụ nào. Ngoài ra, siêu âm nói chung không gây đau đớn. Mặc dù bạn có thể cảm thấy khó chịu khi bị đầu dò đè lên da hoặc đưa vào cơ thể.

Kết luận

Như vậy, có thể thấy, siêu âm là một biện pháp tương đối an toàn với cơ thể người. Nó có thể được thực hiện nhanh chóng, chính xác và gần như không gây tác dụng phụ nào. Vì vậy bạn không cần phải lo lắng khi được chỉ định siêu âm. Tuy nhiên, bạn vẫn nên khám siêu âm theo sự chỉ định của bác sĩ tại các cơ sở y tế uy tín để đảm bảo kết quả chính xác nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *