Siêu âm tim là một trong những phương pháp chẩn đoán hình ảnh hiện đại và chính xác, được áp dụng rộng rãi trong ngành y tế. Siêu âm tim mang lại rất nhiều tác dụng trong việc kiểm tra các bất thường và chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến tim mạch. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết hơn về phương pháp này trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Siêu âm tim có tác dụng gì? Thực hiện như thế nào?
1. Tổng quan về siêu âm tim
1.1. Siêu âm tim là gì?
Siêu âm tim là phương pháp chẩn đoán thăm dò bằng cách sử dụng sóng siêu âm tần số cao để quan sát chuyển động và ghi lại hình ảnh của tim.
Đây là một kỹ thuật không xâm lấn, không sử dụng bức xạ, không gây đau hay gây hại cho sức khỏe.
Siêu âm tim sử dụng sóng siêu âm tần số cao để quan sát chuyển động và ghi lại hình ảnh của tim
1.2. Các kỹ thuật siêu âm tim
– Qua thành bụng
– Qua thực quản
– Siêu âm Doppler
– Siêu âm tim ba chiều
– Siêu âm gắng sức
– Siêu âm tim thai
Tìm hiểu thêm: Siêu âm ổ bụng tổng quát trong khám sức khỏe có vai trò gì?
Siêu âm tim thai được dùng để chẩn đoán các dị tật bẩm sinh giai đoạn tiền sản
2. Tác dụng của siêu âm tim
Các hình ảnh thu được khi siêu âm sẽ giúp bác sĩ đánh giá được cấu trúc và hoạt động của tim, phát hiện ra các điểm bất thường và từ đó chẩn đoán được các bệnh lý về tim.
2.1. Đánh giá cấu trúc và hoạt động của tim
– Theo dõi nhịp tim
– Cách tim co bóp
– Kích thước, hình dạng tim và độ dày mỏng của tim
– Kích thước và chuyển động bơm của các thành tim
– Khả năng bơm máu của tim
– Tình trạng hoạt động của các van tim
– Van tim có bị hẹp hay không
– Cọ bị hở van tim hay không (có máu trào ngược qua van tim)
– Có khối u, khối viêm nhiễm quanh van tim, cơ tim, mạch máu hay không
2.2. Phát hiện, chẩn đoán các bệnh lý liên quan đến tim mạch
Sau khi phân tích các thông tin chi tiết về tim, các bác sĩ sẽ phát hiện và chẩn đoán được một số vấn đề có thể gặp phải ở hệ tim mạch như:
– Phát hiện cục máu đông hoặc khối u trong buồng tim
– Các bệnh lý về van tim như hẹp van tim, hở van tim,… Những bệnh lý này thường xảy ra khi cấu trúc của các lá van bị biến dạng, van tim không đóng kín, máu lưu thông ngược trở lại buồng tim.
– Kích thước tim thay đổi bất thường: Đây có thể là hậu quả của bệnh huyết áp cao, áp lực tạo ra khiến kích thước các buồng tim và cơ tim tăng lên đột ngột.
– Tổn thương cơ tim: Siêu âm tim giúp bác sĩ phát hiện vấn đề về cơ tim, các mạch máu lớn đi vào và ra khỏi tim. Nhờ đó có thể chẩn đoán và ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm khi hoại tử cơ tim kéo dài như nhồi máu cơ tim cấp.
– Dị tật tim: Xác định được những bất thường tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
– Tràn dịch màng tim: Đây là biểu hiện thường gặp của bệnh màng ngoài tim nguyên phát hoặc thứ phát do quá trình bệnh lý trên cơ thể. Nếu không được chữa trị kịp thời, tràn dịch màng tim có thể gây ra suy tim.
– Theo dõi phương pháp điều trị các bệnh lý về tim: Đánh giá được mức độ đáp ứng của tim đối với các phương pháp điều trị khác nhau (thuốc điều trị suy tim, van nhân tạo và máy tạo nhịp).
– Cục máu đông trong buồng tim.
3. Kỹ thuật siêu âm tim được thực hiện như thế nào?
3.1. Khi nào thì cần siêu âm tim?
Bạn nên chủ động đến gặp bác sĩ để được siêu âm tim khi có một trong những triệu chứng bất thường sau:
– Nhịp tim đập loạn, lúc nhanh lúc chậm
– Hoa mắt, chóng mặt, đau đầu
– Tức ngực, khó thở, đau thắt vùng ngực
– Đang ngồi bỗng dưng thấy hụt hơi, đau tim và nôn ói
– Nghi ngờ mắc bệnh về tim do gia đình có tiền sử bệnh tim
Bên cạnh đó, kỹ thuật siêu âm này thường được bác sĩ chỉ định thực hiện khi:
– Phát hiện dị tật cho thai nhi
– Thăm khám định kỳ tình trạng hoạt động của tim
– Nắm bắt độ rộng của lỗ van tim, van đóng kín hay hở, có tổn thương gì không
– Kiểm tra các thông số trước khi tiến hành phẫu thuật tim
– Tái đánh giá tình trạng bệnh nhân sau cơn đau tim hoặc đột quỵ
– Theo dõi biến chứng của bệnh mạch vành
3.2. Quy trình thực hiện
Siêu âm tim thường được tiến hành trong vòng 15-30 phút, tùy vào tình trạng của bạn.
Trước khi bắt đầu, bạn sẽ được yêu cầu nằm lên giường và kéo áo từ eo lên để bác sĩ đính các miếng dán là các điện cực vào cơ thể đồng thời theo dõi điện tim chạy trên màn hình.
Bác sĩ sẽ giảm ánh sáng trong phòng rồi bôi một loại gel lên phần cần siêu âm nhằm tăng khả năng dẫn truyền sóng.
Lúc này, bác sĩ sẽ di chuyển đầu dò qua lại trên ngực, hình ảnh siêu âm hiển thị trên màn hình sẽ được chụp lại nếu bác sĩ nhận thấy bất cứ dấu hiệu bất thường nào ở tim bạn.
Sau khi siêu âm xong, bạn có thể sử dụng giấy hoặc khăn bác sĩ chuẩn bị trước để lau sạch gel rồi chờ kết quả và ra về.
>>>>>Xem thêm: Giúp bạn hiểu rõ về kỹ thuật chụp CT sọ não
Bác sĩ đính các miếng dán là các điện cực vào cơ thể để theo dõi điện tim và siêu âm tim
4. Những điều cần lưu ý khi siêu âm tim
4.1. Chuẩn bị trước khi siêu âm
Trước khi siêu âm tim theo phương pháp thông thường, bạn vẫn được ăn uống và uống thuốc bình thường.
Khi siêu âm qua thực quản hoặc siêu âm tim gắng sức, bạn có thể sẽ được yêu cầu nhịn ăn trong vài giờ.
Trong trường hợp siêu âm qua thực quản, bạn sẽ được chỉ định uống thuốc an thần hoặc gây tê cổ họng ống xịt hay gel để việc siêu âm diễn ra thuận lợi hơn.
4.2. Tác dụng phụ và biến chứng
Như đã đề cập ở trên, siêu âm tim là kỹ thuật chẩn đoán không gây đau, không gây hại và không để lại biến chứng cho cơ thể.
Tuy nhiên bạn vẫn có thể gặp phải một số tác dụng phụ như sau:
– Có cảm giác khó chịu khi bác sĩ tháo bỏ băng dính dán các điện cực trên ngực.
– Nếu siêu âm qua thực quản: cổ họng có thể bị đau trong vài tiếng, hiếm khi cổ họng bị xước bên trong do ống siêu âm va chạm; có thể gặp phải vấn đề về hô hấp do tác dụng của thuốc an thần và lượng oxy hít thở được.
– Việc gắng sức hoặc dùng thuốc khi siêu âm tim gắng sức có thể gây loạn nhịp tim tạm thời, hoàn toàn không phải do thao tác siêu âm.
Tóm lại, siêu âm tim thật sự là một phương pháp chẩn đoán phổ biến và an toàn giúp thăm khám và theo dõi tình trạng hoạt động của tim cũng như xác định được nhiều loại bệnh lý tim mạch.
Khi có nhu cầu thực hiện kỹ thuật này, bạn nên tìm đến một địa chỉ y tế đáng tin cậy và tuân thủ đúng theo chỉ định của các bác sĩ để có được kết quả chính xác nhất, tạo thuận lợi cho việc điều trị về sau nếu cần thiết.