Tai biến mạch máu não là một trong những cấp cứu y khoa. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể cướp đi sinh mạng của người bệnh. Phần lớn cơn đột quỵ (tai biến mạch máu não) diễn ra đột ngột trong khi người bệnh có thể đang làm việc, đang tắm, đang chơi thể thao,… Nếu biết cách sơ cứu tai biến mạch máu não, bạn có thể giúp người bệnh thoát khỏi bàn tay tử thần hay hạn chế được tối đa các di chứng nặng nề do tai biến mạch máu não để lại cho người bệnh sau này. Cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích ngay trong bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Sơ cứu tai biến mạch máu não vô cùng quan trọng
1. Dấu hiệu nhận biết tai biến mạch máu não
Nếu thấy một người có những dấu hiệu sau, bạn hãy nghĩ ngay đến việc người đó có khả năng bị tai biến mạch máu não (hay còn gọi là đột quỵ):
– Để người bệnh ngồi ngay ngắn và quan sát xem gương mặt có bị mất cân đối, méo hoặc xệ một bên miệng hay không.
– Yêu cầu bệnh nhân nói, lặp lại một cụm từ đơn giản xem bệnh nhân có nói lưu loát không, có bị nói lắp, giọng nói “méo” không.
– Bảo bệnh nhân giơ đều hai tay, hai chân lên để kiểm tra tình trạng yếu liệt của tay, chân (nếu bên nào yếu hơn hoặc rơi xuống trước cho thấy bị liệt).
Các triệu chứng tai biến mạch máu não thường diễn biến rầm rộ và rất nhanh chóng. Việc nhận biết các dấu hiệu tai biến mạch máu não sớm và sơ cứu tai biến mạch máu não đúng cách sẽ góp phần quyết định sự tồn tại và hạn chế di chứng cho người bệnh.
2. Sơ cứu tai biến mạch máu não
Khi thấy người bị tai biến mạch máu não bạn cần phải bình tĩnh và thực hiện cách sơ cứu tai biến mạch máu não sau:
– Phân công một người xung quanh đi tìm phương tiện để chuẩn bị sẵn sàng vận chuyển người bệnh và phân công một người gọi điện liên hệ tới cơ sở y tế để được hỗ trợ hoặc gọi điện cứu thương 115 để được hướng dẫn và cấp cứu người bệnh kịp thời.
– Trong thời gian chờ cán bộ nhân viên y tế đến hoặc khi có xe vận chuyển người bệnh thì bạn nên đặt người bệnh nằm ngay ngắn và thoải mái xuống đất, đầu nghiêng sang 1 bên để giúp những đờm, rãi trong cổ họng (nếu có) chảy ra ngoài, không chảy vào phổi gây bít tắc phổi.
– Nới lỏng quần áo giúp người bệnh thông thoáng, khuyên người xung quanh không đứng sát hay gây hoảng loạn cho bệnh nhân.
– Cố gắng hỏi và trấn an người bệnh cũng như người xung quanh để xem tình trạng người bệnh được mình mẫn đến đâu, các cử động và phản xạ của cơ thể như thế nào.
Khi xe cấp cứu đến hãy nhanh chóng dọn đường để các cán bộ y tế vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Nếu bạn tự vận chuyển người bệnh tuyệt đối lưu ý là không nên bế xốc, vác người bệnh mà nên vận chuyển bằng cáng hoặc trên 1 mặt phẳng, khi lên xe cần cho người bệnh nằm thắng tránh để người bệnh ngồi và di chuyển nhanh nhưng không chạy xe làm xóc bệnh nhân.
Hãy đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ cấp cứu hoặc vận chuyển người bệnh đúng cách đến nơi cấp cứu an toàn.
Tìm hiểu thêm: Phác đồ điều trị rối loạn giấc ngủ hiệu quả nhất
Khi sơ cứu tai biến mạch máu não cho người bệnh, không nên làm những việc sau:
– Tự ý bế xốc hay vác, vận chuyển mạnh người bệnh, vì nếu di chuyển không đúng cách sẽ khiến các tia huyết quản trong não bộ vỡ ra rất nguy hiểm.
– Cho bệnh nhân ăn hoặc uống bất cứ thứ gì kể cả các loại thuốc vì khi người bệnh đang trong tình trạng khó nuốt rất dễ sặc dẫn đến tắc nghẽn đường thở hoặc viêm phổi. Nhiều người cho người đang bị đột quỵ uống an cung ngưu hoàng hoàn hoặc aspirin nhưng điều này không nên. Vì việc này chỉ làm trì hoãn “thời gian vàng” – thời gian tốt nhất để cấp cứu người bệnh tai biến mạch máu não, mà còn dễ khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn bởi aspirin có thể làm giảm cục máu đông trong trường hợp tai biến tắc động mạch, nhưng cũng có thể gây chảy máu trong nếu là tai biến vỡ mạch máu. Nếu xử trí sai sẽ rất nguy hiểm, người bệnh đã uống aspirin trong ngày thì gia đình cần báo với bác sĩ cấp cứu.
Có lòng nhiệt tình cứu giúp người bệnh nhưng sơ cứu tai biến mạch máu não sai cách có thể vô tình đẩy người bệnh rơi vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại di chứng nặng nề về sau. Vì vậy nếu không biết, bạn hãy bình tĩnh và kết nối với cán bộ nhân viên y tế càng sớm càng tốt.
>>>>>Xem thêm: Các giai đoạn phục hồi chức năng sau đột quỵ não
3. Cơ sở y tế cấp cứu người bệnh đột quỵ như thế nào?
Khi tiếp nhận người bệnh đột quỵ, các nhân viên y tế nhanh chóng thực hiện các thao tác đo để kiểm tra nhịp tim, nhịp thở, mạch đập của người bệnh, khả năng nhận thức, ngôn ngữ, cử động của người bệnh dựa vào tình trạng thực tế của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cung cấp.
Tiếp theo đó là một số chỉ định cận lâm sàng để đánh giá đúng thực trạng, phân loại đột quỵ chính xác, nguyên nhân, từ đó giúp đưa ra cách xử trí đúng.
Một số cận lâm sàng hay được thực hiện khi cấp cứu người bị tai biến mạch máu não như:
Xét nghiệm máu (công thức máu, tốc độ lắng máu, đường máu, ure máu và điện giải đồ, cholesterol huyết tương, phân tích nước tiểu).
Chụp cắt lớp vi tính CT scan não hoặc chụp cộng hưởng từ MRI sọ não – mạch não
Chọc dò dịch não tủy (trong trường hợp cần thiết).
Thời gian là não, 4-6 giờ sau khi khởi phát cơn đột quỵ là “thời gian vàng” cứu người bị đột quỵ khỏi sự nguy hiểm về tính mạng và giảm thiểu di chứng để lại sau này. Vì vậy, khi có biểu hiện nghi ngờ đột quỵ hãy đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế uy tín để được cấp cứu kịp thời.