Ở Việt Nam, sỏi túi mật là một loại bệnh lý gan mật thường gặp nhất, chiếm khoảng 8-10% dân số. Khi phát hiện sỏi trong túi mật, người bệnh cần đến bệnh viện để kiểm tra để được xây dựng phác đồ điều trị sỏi túi mật hiệu quả nhất.
Bạn đang đọc: Sỏi túi mật và phác đồ điều trị sỏi túi mật hiệu quả nhất
1. Sỏi túi mật là gì?
Sỏi túi mật là một thể rắn dạng viên hoặc dạng bùn xuất hiện trong túi mật. Sỏi được hình thành do tình trạng quá bão hòa của một trong ba thành phần của dịch mật gồm cholesterol, sắc túi mật và muối canxi. Số lượng và kích thước sỏi là khác nhau tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe của người bệnh. Có những viên sỏi từ vài mm đến vài cm hoặc có thể có một đến hàng trăm viên.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, sỏi túi mật có thể làm tắc nghẽn dòng chảy của dịch mật và làm ứ trệ dịch mật trong túi mật. Khi túi mật co bóp sẽ làm gia tăng áp lực bên trong gây phù nề, viêm nhiễm cuối cùng làm hoại tử túi mật.
-
Tùy vào tình trạng bệnh mà có phác đồ điều trị sỏi túi mật khác nhau.
2. Triệu chứng của bệnh sỏi túi mật
Những triệu chứng ban đầu của sỏi túi mật thường diễn ra âm thầm và chưa rõ ràng. Phần lớn người bệnh chỉ được phát hiện khi khám sức khỏe định kỳ hoặc sỏi đã gây ra những triệu chứng bất thường. Đó là:
- Những cơn đau quặn mật: Cơn đau khởi phát từ vùng thượng vị hay dưới sườn phải. Sau đó đau xuyên qua lưng rồi lan ra vùng xương bả vai phải. Những cơn đau xuất hiện đột ngột và gia tăng kéo dài đến đến vài giờ.
- Đau quặn dữ dội vùng dưới sườn phải khi sỏi làm tắc ống túi mật, viêm túi mật cấp.
- Rối loạn tiêu hóa: người bệnh bị ợ chua, đầy bụng, ăn không tiêu, buồn nôn và nôn.
- Vàng da, vàng mắt: Trong trường hợp sỏi lọt xuống ống mật chủ sẽ làm tắc nghẽn đường mật gây nên hiện tượng vàng da, vàng mắt ở người bệnh.
- Sốt: hiện tượng này xuất hiện khi sỏi làm nhiễm trùng đường mật hoặc viêm túi mật.
3. Biến chứng của sỏi túi mật
Trên thực tế, nếu là sỏi “lặng im” không có triệu chứng, người bệnh hoàn toàn có thể sống chung với nó nhiều năm mà không cần phải can thiệp. Tuy nhiên trong một số trường hợp sỏi túi mật có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Bao gồm:
- Viêm túi mật cấp: đây là biến chứng dễ mắc phải nhất. Sỏi mắc kẹt trong trong cổ túi mật hoặc ống dẫn mật làm dịch mật bị ứ đọng. Lâu ngày sẽ bị viêm túi mật cấp.
- Thấm mật phúc mạc, viêm phúc mạc mật: xảy ra khi mật bị ứ đọng lây ngày làm túi mật hoại tử hoặc thủng túi mật
- Viêm túi mật mạn tính: là tình trạng viêm túi mật tái diễn lại nhiều lần. Thành túi mật dày lên và bị xơ hóa làm mất hoàn toàn chức năng cô đặc và dự trữ dịch mật.
- Nhiễm trùng đường mật và viêm đường mật cấp: trường hợp này xảy ra khi sỏi làm tắc nghẽn ống dẫn mật.
- Viêm tụy cấp: sỏi ở túi mật di chuyển theo đường mật và lọt vào ngã ba mật tụy gây ứ tắc dịch tụy dẫn đến viêm tụy cấp.
- Tắc ruột: do sỏi gây rò túi mật – tá tràng. Sau đó sỏi theo đường rò này xuống ruột non và bị mắc kẹt ở đoạn cuối hồi tràng gây tắc ruột.
- Ung thư túi mật: Đây là một biến chứng hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Nếu người bệnh có thêm các yếu tố nguy cơ thì có thể đề nghị phẫu thuật cắt bỏ túi mật để ngăn chặn mọi rủi ro.
Tìm hiểu thêm: Phòng ngừa bệnh sỏi mật bằng cách nào?
Phác đồ điều trị sỏi túi mật hiệu quả giúp ngăn chặn kịp thời các biến chứng nguy hiểm.
4. Phác đồ điều trị sỏi túi mật
Phác đồ điều trị sỏi túi mật như thế nào là mối quan tâm của nhiều người bệnh. Căn cứ vào kích thước, triệu chứng của bệnh cùng với chức năng túi mật và tình trạng sức khỏe của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp.
4.1. Phác đồ điều trị sỏi túi mật khi chưa có triệu chứng:
Có khoảng đến 80% trường hợp sỏi túi mật không có triệu chứng hoặc chỉ có một vài biểu hiện thoáng qua trên đường tiêu hóa. Các trường hợp đó bao gồm:
- Sỏi có kích thước nhỏ dưới 1 cm.
- Chức năng túi mật còn hoạt động tốt. Thành túi mật mỏng, đều và co bóp nhịp nhàng.
- Túi mật bình thường, không có nốt vôi hóa hoặc nốt vôi hóa không đáng kể.
Khi này, phác đồ điều trị sỏi túi mật thường được chỉ định là theo dõi thêm. Người bệnh tái khám 3 tháng/lần, thay đổi chế độ ăn uống và sinh hoạt kết hợp với điều trị bằng thuốc làm tan sỏi.
- Thuốc tan sỏi dùng đường uống: Bản chất của các loại thuốc này là acid mật. Nó có tác dụng làm giảm sự bão hòa của cholesterol trong dịch mật. Thuốc uống chỉ có tác dụng đối với những loại sỏi có kích thước dưới 2cm chưa bị canxi hóa. Thời gian sử dụng thuốc kéo dài từ 6 đến 24 tháng nhưng thường bị gián đoạn bởi các tác dụng phụ trên đường tiêu hóa. Sau khi ngưng điều trị từ 5-10 năm, phần lớn người bệnh đều bị tái phát lại sỏi mật. Lý do là uống thuốc tán sỏi không giải quyết được tận gốc nguyên nhân gây bệnh.
- Thuốc tán sỏi dùng đường tiêm: Dùng thuốc tiêm trực tiếp vào túi mật để hòa tan sỏi trong 5-12 giờ. Tuy nhiên nó gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng. Thủ tục thực hiện khó khăn đòi hỏi bác sĩ chuyên môn cao. Do vậy phương pháp này ít được thực hiện
4.2. Phác đồ điều trị sỏi túi mật có triệu chứng:
Trong trường hợp khi chưa có những biến chứng nguy hiểm, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh dùng thêm một số loại thuốc. Các loại thuốc sử dụng để điều trị triệu chứng như giảm đau, hạ sốt, kháng sinh, chống viêm…. Khi sỏi túi mật gây biến chứng, người bệnh cần nhập viện ngay để được can thiệp bằng ngoại khoa. Tùy theo tình trạng và sức khỏe người bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định một số phương pháp sau:
4.2.1.Cắt túi mật nội soi:
Đây được xem là giải pháp điều trị tối ưu cho sỏi túi mật đã gây biến chứng vì sự an toàn và tỷ lệ thành công cao. Bác sĩ sẽ luồn ống nội soi đi qua 1 đường rạch nhỏ khoảng 1cm ở trên bụng. Sau đó tiến hành bóc tách và cắt bỏ túi mật ra khỏi cơ thể. Đây là một cuộc phẫu thuật tương đối nhẹ nhàng. Thời gian phẫu thuật ngắn khoảng trên 60 phút. Người bệnh có thể xuất viện ngay sau ngày đầu phẫu thuật và ổn định sau khoảng 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, phương pháp này không áp dụng được trong trường hợp người bệnh có sức đề kháng kém, người cao tuổi, người béo phì hay mắc các bệnh gan mật phức tạp.
-
>>>>>Xem thêm: Sỏi hệ tiết niệu gây đau như thế nào?
Phẫu thuật nội soi cắt túi mật được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” trong điều trị sỏi túi mật vì ít đau, hầu như không để lại sẹo và rất an toàn.
4.2.2.Cắt túi mật bằng phương pháp mổ mở:
Phương pháp được áp dụng trong trường hợp người bệnh được chỉ định cắt bỏ túi mật nhưng không thích hợp mổ nội soi hoặc mổ nội soi thất bại. Bác sĩ sẽ tiến hành rạch một đường lớn ở trên bụng để lộ túi mật rồi cắt bỏ và đưa túi mật ra ngoài. Thực hiện phương pháp này, người bệnh phải nằm viện từ 5 đến 7. Và mất khoảng 4 đến 6 tuần để người bệnh trở lại bình thường.
5. Những lưu ý khi áp dụng phác đồ điều trị sỏi túi mật.
Để rút ngắn thời gian điều trị và giúp người bệnh nhanh hồi phục, một số lưu ý cần kết hợp thực hiện cùng với phác đồ điều trị sỏi túi mật là:
- Tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị. Không được tự ý mua và sử dụng các loại thuốc chưa có ý kiến của bác sĩ điều trị.
- Có một chế độ ăn uống khoa học. Tăng cường bổ sung các loại rau, củ, quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể. Cần tránh nhóm thực phẩm có hàm lượng cholesterol cao. Không ăn mặn, đồ cay nóng…
- Uống đủ nước để giảm kích thước sỏi, thanh lọc và loại bỏ các chất có hại ra ngoài.
- Tránh các loại đồ uống có cồn, đồ uống có ga và sử dụng các loại chất kích thích khác…
- Duy trì tốt cân nặng và không thực hiện giảm cân đột ngột.
- Tập thể dục thể thao thiểu 30-45 phút mỗi ngày giúp nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng.
- Tái khám và kiểm tra tình trạng sỏi định kỳ. Mục đích nhằm phát sớm hiện những biến chứng có thể xảy ra để đưa ra phương án điều trị hiệu quả.
Như vậy kiên trì thực hiện đúng theo phác đồ điều trị sỏi túi mật của bác sĩ là phương án tối ưu giúp cải thiện, ngăn chặn và đẩy lùi được các biến chứng của bệnh. Ngoài ra người bệnh cũng nên kết hợp với chế độ ăn uống, sinh hoạt và nghỉ ngơi khoa học để góp phần hỗ trợ điều trị đạt kết quả cao, ngăn chặn tái phát.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.