Sốt siêu vi ở trẻ em và những điều cha mẹ nên biết 

Sốt siêu vi ở trẻ là bệnh phổ biến trong thời điểm giao mùa. Nhiều cha mẹ chưa có kinh nghiệm không biết cách chăm sóc khi con bị sốt siêu vi như thế nào? Mặt khác, nhiều cha mẹ lại chủ quan không điều trị dứt điểm hẳn gây ra nhiều hệ lụy đến sức khỏe của con. Bài viết dưới đây là “cẩm nang” dành cho phụ huynh khi con bị sốt siêu vi.

1. Sốt siêu vi là bệnh gì?

Siêu vi là cách gọi của loại sinh vật rất nhỏ là virus, phát triển và gây bệnh trong môi trường cơ thể động vật và con người. Sốt siêu vi hay còn gọi là sốt virus là hiện tượng thân nhiệt cơ thể tăng bất thường do virus tấn công các tế bào trong cơ thể. Đây là bệnh phổ biến ở mọi đối tượng, đặc biệt là người có sức đề kháng yếu như trẻ em. 

Có nhiều loại virus khác nhau gây nên sốt siêu vi, trong đó có thể kể đến các loại virus như Enterovirus, Coronavirus, Rhinovirus, Adenovirus. 

Sốt siêu vi ở trẻ em và những điều cha mẹ nên biết 

Có nhiều loại virus khác nhau gây nên sốt siêu vi như Enterovirus, Coronavirus, Rhinovirus, Adenovirus.

Giao mùa là thời điểm trẻ dễ mắc bệnh nhất, bệnh kéo dài từ 7 đến 10 ngày và có thể điều trị khỏi nếu cha mẹ biết cách. Ngược lại, bệnh có xu hướng diễn biến khá nhanh, dẫn đến những hệ lụy nghiêm trọng trong trường hợp phụ huynh chủ quan trong việc chăm sóc con.

2. Nguồn lây và dấu hiệu khi trẻ bị sốt siêu vi

2.1 Sốt siêu vi ở trẻ lây từ đâu? 

Sốt siêu vi là một trong những bệnh dễ lây lan trong thời gian ngắn. Trẻ em hay bị nhiễm sốt siêu vi do từ các nguồn lây sau: 

– Tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh: hầu hết virus gây sốt, cảm cúm đều lây nhiễm qua dịch tiết bắn ra từ người mắc bệnh trong quá trình nói, ăn uống, ho, hắt hơi,… Theo phương thức virus rất dễ lây lan và có khả năng bùng phát thành dịch. 

– Trẻ có thể bị lây nhiễm qua việc cầm nắm đồ chơi, vật dụng có chứa virus gây bệnh hoặc tiếp xúc nhiều trong môi trường công cộng như tay nắm cửa, vịn cầu thang ở trường học, siêu thị,…

– Trong những năm đầu đời do sức đề kháng còn yếu, hệ miễn dịch của con chưa hoàn thiện nên số lần sốt siêu vi có thể lên đến 6-10 lần một năm. 

– Ngoài ra côn trùng cắn là một trong tác nhân lây truyền virus sang cơ thể của con gây ra hiện tượng sốt siêu vi. 

2.2 Triệu chứng phổ biến của sốt siêu vi ở trẻ

Các triệu chứng trẻ em khi bị sốt siêu vi thường dễ nhầm lẫn với nhiều bệnh khác, do vậy, ba mẹ cần chú ý cẩn thận để con điều trị sớm khi mắc bệnh. 

Ở giai đoạn ủ bệnh, dù loại virus nào gây ra thì con cũng có những biểu hiện tương đối giống nhau như mệt mỏi, chán ăn, đau người, sốt. Tùy vào mức độ nhiễm mà tình trạng sốt mỗi trẻ sẽ khác nhau, có trẻ sốt cao liên tục trong vài ngày, có trẻ bị sốt nhẹ, diễn ra ngắt quãng. Bên cạnh đó, đau họng, ho, nghẹt mũi, chảy nước mũi, chảy nước mắt, đỏ mắt là triệu chứng hay gặp kèm theo biểu hiện sốt khi trẻ nhiễm bệnh. Một số trẻ do cơ địa dễ kích ứng còn có thể bị nổi ban khắp người. 

Cha mẹ không điều trị kịp thời cho con, bệnh diễn biến nhanh chuyển đến giai đoạn toàn phát với những biểu hiện đáng lo ngại như: nôn trớ, sốt cao từng cơn, co giật, hay ngủ thiếp đi,… 

Đặc biệt lưu ý khi con có những triệu chứng sau thì cần đưa con đến bệnh viện gấp: sốt cao kéo dài quá 48h không có dấu hiệu hạ sốt dù đã dùng thuốc; kèm theo chân tay run, ngồi không vững, lười đi lại, vận động, ngủ hay giật mình, trẻ hay bị nôn ói, đau bụng dữ dội, đi vệ sinh ra máu.

Sốt siêu vi ở trẻ em và những điều cha mẹ nên biết 

Triệu chứng sốt siêu vi trẻ hay gặp là: sốt, ho, phát ban trên da, đỏ mắt,…

3. Hệ lụy của sốt siêu vi ở trẻ

Trong trường hợp cha mẹ không có phương pháp can thiệp kịp thời khi trẻ bị sốt siêu vi, có thể phát sinh những hệ lụy nguy hiểm liên quan đến đường hô hấp, cụ thể: 

– Viêm phổi: đây là biến chứng hay gặp nhất vì phổi là cơ quan dễ bị nhiễm trùng nhất khi virus tấn công. Khi đó, mô phổi bị tổn thương, gây rối loạn quá trình trao đổi khí dẫn đến suy hô hấp nếu không phát hiện sớm. 

– Viêm tiểu phế quản: thường phổ biến ở trẻ nhỏ hơn 1 tuổi. Đây là hệ quả do tình trạng nhiễm trùng phổi gây ra đồng thời do yếu tố khách quan bên ngoài như thời tiết làm dịch tắc nghẽn ở đường hô hấp nhỏ, gây khó khăn quá trình thở của con.

– Viêm thanh quản: trong một số trường hợp, virus gây bệnh có thể xâm nhập vào thanh quản của con, con bị ho nhiều, đờm tích tụ nhiều ở mũi và họng do đường hô hấp bị phù nề. 

Ngoài những biến chứng về đường hô hấp, khi bị sốt siêu vi một số trẻ em bị gặp biến chứng các bộ phận khác như: 

– Viêm cơ tim: thường xảy ra khi bị sốt siêu vi do adenovirus. Khi bị viêm cơ tim, trẻ rất hay khó thể, dễ lịm đi nên phụ huynh cần chú ý. 

– Ảnh hưởng đến não bộ và hệ thần kinh: khi sốt siêu vi có diễn biến trầm trọng hơn sẽ dẫn đến cơ co giật, hôn mê. Việc này để lại di chứng ở não và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của con sau này.

4. Cách chăm sóc sốt siêu vi ở trẻ

4.1 Chăm sóc khi trẻ sốt

– Cho con uống thuốc hạ sốt theo đơn của bác sĩ chuyên khoa để tránh tác dụng phụ. 

– Cởi bỏ bớt quần áo, chỉ nên để con mặc quần áo mỏng, thoáng khí để hỗ trợ cơ thể tỏa nhiệt hiệu quả, giảm sốt nhanh chóng. 

– Khi trẻ sốt cao đến 39-40 độ C cha mẹ có thể lau người cho con bằng nước âm ấm (không nên dùng nước quá nóng hoặc quá lạnh). Nước ấm giúp các mạch máu dưới da con giãn ra và tỏa nhiệt tốt hơn. Phương pháp này thường dành cho trẻ trên 6 tháng tuổi, trẻ sơ sinh không nên áp dụng. Mẹ sử dụng khăn mềm, lau hoặc đắp cho con đặc biệt ở vị trí trán, nách, bẹn. Khi nhiệt độ cơ thể của con hạ dần xuống 38 độ, mẹ hãy ngưng lau mát. 

– Tuyệt đối không được thực hiện cạo gió cho con để hạ sốt. 

– Nếu con bị lên cơn co giật, mẹ nên đặt trẻ nằm nghiêng để con không hít đờm, dịch nhớt vào phổi và đưa con đến ngay cơ sở y tế gần nhất. 

4.2 Bù nước cho con 

Khi bị sốt siêu vi, trẻ rất dễ mất nước, việc này gây rối loạn điện giải cơ thể. Do vậy mẹ nên cho con uống nhiều nước để bù nước. Với trẻ sơ sinh thì mẹ bù nước cho con bằng cách tăng cữ bú trong một ngày. 

Sốt siêu vi ở trẻ em và những điều cha mẹ nên biết 

Khi con bị sốt siêu vi, mẹ nên cho con uống nhiều nước để bù nước

4.3 Chống bội nhiễm cho con

Nhiều cha mẹ khi thấy con sốt không tắm cho trẻ để tránh cảm lạnh, tuy nhiên việc này tăng nguy cơ bội nhiễm ở trẻ. Bác sĩ chuyên khoa nhi thường khuyên rằng: 

– Cha mẹ nên vệ sinh bình thường cho trẻ hàng ngày, tắm bằng nước ấm, kín gió và không tắm quá lâu. 

– Giữ ấm cho trẻ nhất sau khi tắm xong. 

– Vệ sinh mũi, mắt cho trẻ hạn chế nguy cơ bội nhiễm. 

4.4 Chế độ ăn của con

– Cho trẻ ăn đồ ăn lỏng, dễ tiêu, đầy đủ chất dinh dưỡng đặc biệt là protein, chất xơ, vitamin. 

– Không nên kiêng đồ ăn quá kĩ, chỉ cho trẻ ăn 1-2 loại thực phẩm chính sẽ làm trẻ khó hồi phục sức khỏe sau khi bệnh. 

– Tránh đồ ăn vặt, nóng cay không tốt cho cơ thể của con. 

Sốt siêu vi ở trẻ không gây nguy hiểm đến tính mạng của con nếu cha mẹ biết cách điều trị kịp thời. Vì vậy, tốt nhất để đảm bảo an toàn, nuôi con khỏe mạnh khi con có bất kỳ triệu chứng bất thường nào, nên đưa con đến bác sĩ để tìm hiểu chính xác nguyên nhân gây bệnh, từ đó mới có hướng điều trị phù hợp, hạn chế tối đa những tình huống không mong muốn xảy ra.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *