Sốt virus ở trẻ nhỏ hay còn gọi là sốt siêu vi, dễ dàng lây truyền qua đường hô hấp hoặc tiêu hóa. Bệnh sốt virus ảnh hưởng lớn tới sức khỏe của trẻ và có thể dẫn tới nhiều biến chứng nếu trẻ không được phát hiện sớm, điều trị đúng cách. Tìm hiểu ngay!
Bạn đang đọc: Sốt virus ở trẻ nhỏ và những điều cha mẹ cần biết
1. Dấu hiệu sốt virus ở trẻ?
Sốt virus là bệnh lý phổ biến ở trẻ em do đây là đối tượng có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Bệnh có thể lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa và dễ dàng lan rộng thành dịch. Hiện có khoảng 200 loại virus khác nhau gây sốt virus ở trẻ nhỏ như Myxo virus, Coxackie, Entero virus, virus sởi, thủy đậu và virus viêm não Nhật Bản…
Các triệu chứng của sốt virus mà cha mẹ có thể nhận biết ở trẻ như:
– Sốt cao: Trẻ sốt cao hơn 39 độ C, thậm chí có thể lên đến 41 độ C là triệu chứng chủ yếu của sốt virus. Sốt cao thường xuất hiện sau 3-5 ngày từ khi bệnh khởi phát và thuyên giảm dần. Trong thời gian sốt, trẻ thường mệt mỏi và ít phản ứng với các loại thuốc hạ sốt thông thường.
– Đau khắp người: Ngoài sốt cao, trẻ có thể bị đau cơ, đau đầu, nhức mỏi toàn thân khi bị sốt virus.
– Phát ban: Phát ban thường xuất hiện sau 2-3 ngày từ khi trẻ bắt đầu sốt và tự biến mất mà không để lại sẹo trên da trẻ.
– Rối loạn tiêu hóa: Trong một số trường hợp, sốt virus có thể khiến đường tiêu hóa của trẻ bị ảnh hưởng và dẫn tới đi ngoài phân lỏng, có dịch nhầy…
– Viêm đường hô hấp: Sốt virus cũng có thể khiến trẻ có các triệu chứng của bệnh lý đường hô hấp như: ho, sổ mũi, hắt hơi, xuất hiện hạch ở cổ…
Nếu thấy trẻ có các triệu chứng này, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám kịp thời để được bác sĩ xác định đúng và điều trị bệnh với phương pháp phù hợp.
Nhận biết sốt virus ở trẻ nhỏ thông qua các triệu chứng sốt cao, đau người, phát ban…
2. Biến chứng nguy hiểm của bệnh
Sốt virus có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, tuy nhiên, trẻ em là đối tượng dễ mắc bệnh nhất do hệ miễn dịch còn non nớt, sức đề kháng kém. Mặc dù bệnh thường không quá nguy hiểm và trẻ có thể tự phục hồi. Tuy nhiên, sốt virus ở trẻ em có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị đúng cách và kịp thời:
– Viêm phổi
– Viêm tiểu phế quản
– Viêm thanh quản
– Viêm cơ tim…
Những biến chứng này đe dọa tới sức khỏe của trẻ một cách nghiêm trọng, thậm chí có thể dẫn tới tử vong. Do đó, việc đưa trẻ đi khám sớm là vô cùng cần thiết để trẻ được điều trị nhanh chóng, đúng phác đồ.
3. Điều trị sốt virus ở trẻ nhỏ
Đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh lý sốt virus. Do đó, khi trẻ em mắc sốt virus, bác sĩ thường chỉ định điều trị theo nguyên tắc điều trị triệu chứng và tăng cường sức đề kháng cho trẻ để nhanh chóng khỏi bệnh.
3.1. Nguyên tắc điều trị
– Theo dõi nhiệt độ của trẻ: Đo nhiệt độ của trẻ thường xuyên và ghi lại để theo dõi sự thay đổi nhiệt độ. Khi sử dụng nhiệt kế, cha mẹ nên cộng thêm khoảng 0,3-0,4 độ C thì sẽ xác định được nhiệt độ cơ thể thực tế của trẻ.
– Hạ sốt: Cha mẹ nên để trẻ nằm ở nơi thoáng đãng, không có gió lùa, nhiệt độ phòng không quá lạnh so với nhiệt độ cơ thể. Sử dụng khăn mát hoặc lau mồ hôi để làm hạ sốt cho trẻ. Tránh chườm nước lạnh cho trẻ vì điều này có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể. Sử dụng thuốc hạ sốt cho trẻ khi có khuyến cáo của bác sĩ và chỉ sử dụng khi nhiệt độ trẻ trên 38.5 độ C, không quá 4 lần/ngày.
– Bù nước và điện giải: Đảm bảo trẻ uống đủ nước và điện giải bằng các dung dịch như oresol. Nếu trẻ còn bú, hãy cho trẻ bú như bình thường, đủ lượng sữa khuyến cáo mỗi ngày.
– Phòng ngừa bội nhiễm: Hạn chế để trẻ gãi các vết phát ban để tránh trầy xước da. Vệ sinh thân thể nhẹ nhàng, sạch sẽ cho trẻ để ngăn ngừa bội nhiễm.
– Dinh dưỡng: Trong quá trình sốt virus, trẻ thường mệt mỏi, lười ăn… Cha mẹ nên chế biến thức ăn thành các món mềm, lỏng, dễ tiêu hóa và tăng cường rau củ tươi xanh. Nếu trẻ chán ăn, hãy chia thành nhiều bữa để trẻ vẫn có đủ năng lượng, tránh tình trạng kiệt sức.
– Nghỉ ngơi đầy đủ: Đảm bảo cho trẻ có thời gian nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc để cơ thể hồi phục. Nếu trẻ đang đi học, hãy cho trẻ nghỉ học ít nhất một tuần để đảm bảo sức khỏe hồi phục hoàn toàn và tránh lây bệnh cho những trẻ khác.
Nếu trẻ không có dấu hiệu thuyên giảm bệnh, cha mẹ hãy thông báo ngay cho bác sĩ để được can thiệp điều trị chuyên sâu hơn.
Tìm hiểu thêm: Trẻ em sốt cao bị co giật: cách xử lý hiệu quả
Cho trẻ uống oresol để bù nước và điện giải khi mắc sốt virus
3.2. Biện pháp phòng ngừa
Để ngăn ngừa trẻ mắc sốt virus, cha mẹ nên xây dựng một lối sống khoa học cho trẻ nhằm nâng cao đề kháng, giúp trẻ có hệ miễn dịch tốt để chống lại tác nhân gây bệnh.
– Dinh dưỡng hợp lý: Đảm bảo cung cấp chế độ ăn uống đầy đủ và cân đối cho trẻ, bao gồm các loại thực phẩm giàu dinh dưỡng và vitamin, khoáng chất để tăng cường sức đề kháng cho con.
– Vệ sinh sạch sẽ: Thường xuyên lau dọn nhà cửa và môi trường xung quanh, ngăn ngừa tác nhân có hại trú ngụ và gây bệnh ở trẻ.
– Vệ sinh cá nhân: Dạy trẻ rửa tay sạch trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh và sau khi tới nơi công cộng, tiếp xúc với người khác. Tránh cho trẻ đưa đồ chơi vào miệng để hạn chế tiếp xúc với vi khuẩn và virus.
– Tiêm phòng: Tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo và tiêm phòng đúng lịch để đạt hiệu quả miễn dịch tốt hơn.
– Hạn chế tiếp xúc: Tránh để trẻ tiếp xúc với những trẻ đang mắc bệnh hoặc đến những nơi có nhiều người, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh đang bùng phát.
>>>>>Xem thêm: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả khi trẻ sơ sinh bị vàng da
Đưa trẻ đi khám ngay khi thấy trẻ có các dấu hiệu mắc sốt virus để được bác sĩ điều trị kịp thời
Sốt virus ở trẻ nhỏ cần được phát hiện sớm, điều trị đúng cách để trẻ có thể nhanh chóng hồi phục, tránh biến chứng. Cha mẹ nên chủ động nhận biết các triệu chứng bất thường ở trẻ và đưa trẻ đi khám kịp thời, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.