Sốt xuất huyết ở trẻ: Cận trọng biến chứng suy đa tạng

Sốt xuất huyết diễn biến nhanh, có thể khiến trẻ xuất huyết não, suy đa tạng, hôn mê,… thậm chí là tử vong chỉ trong 3 – 7 ngày. Vậy, sốt xuất huyết ở trẻ nhận biết thế nào và điều trị ra sao? Trong bài viết này, Thu Cúc TCI xin chia sẻ với bố mẹ câu trả lời cho câu hỏi đó, đừng bỏ lỡ bố mẹ nhé!

1. Nguyên nhân

Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do virus Dengue gây ra. Dengue bao gồm 4 chủng là: DEN-1, DEN-2, DEN-3, DEN-4. Trẻ nhiễm Dengue chủng nào, chỉ có kháng thể kháng virus Dengue chủng đấy. Điều đó đồng nghĩa với việc, trong đời một trẻ, sốt xuất huyết có thể xuất hiện nhiều hơn một lần.

Virus Dengue không lây trực tiếp từ người sang người mà lây từ vật chủ trung gian là muỗi vằn (chi Aedes) sang người. Muỗi vằn thường hoạt động ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt và truyền bệnh. Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm, có khoảng 50.000.000 – 100.000.000 cư dân toàn cầu bị sốt xuất huyết. Số ca sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng mạnh mẽ qua từng năm. Trước 1970, virus Dengue chỉ lưu hành ở 9 quốc gia. Đến 1995, con số này đã tăng lên 4 lần.

Sốt xuất huyết ở trẻ: Cận trọng biến chứng suy đa tạng

Muỗi vằn thường hoạt động ban ngày và chỉ có muỗi cái mới đốt và truyền bệnh

2. Triệu chứng

Giống người trưởng thành, sốt xuất huyết ở trẻ thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn phục hồi.

2.1. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ giai đoạn sốt

Trong giai đoạn này, trẻ sốt xuất huyết sốt cao đột ngột liên tục, từ 38 – 39 độ C. Đồng thời, trẻ nhức đầu, nhức 2 hốc mắt, đau cơ xương khớp, phát ban, buồn nôn, nôn, nôn ra máu, xuất huyết tiêu hóa,…

2.2. Triệu chứng sốt xuất huyết ở trẻ giai đoạn nguy hiểm

Giai đoạn nguy hiểm thường rơi vào ngày thứ 3 – 7 của sốt xuất huyết. Biểu hiện trẻ có thể có là: Phù nề mi mắt, tràn dịch màng phổi, tràn dịch màng bụng, gan to, thoát huyết tương,… Nếu thoát huyết tương nhiều sẽ dẫn đến sốc với các biểu hiện: Chảy máu mũi, chảy máu lợi, vật vã, bứt rứt, ngủ li bì mê man, da và đầu chi lạnh, tiểu ít, tiểu ra máu, xuất hiện các mảng bầm tím trên da, mạch nhanh, tụt huyết áp hoặc không đo được huyết áp. Ngay cả khi không có dấu hiệu xuất huyết, trẻ vẫn có thể tử vong nếu bị sốc với những biểu hiện: Giảm huyết áp, giảm nhiệt độ, giảm tri giác. Trường hợp nặng có thể bị rối loạn đông máu.

2.3. Giai đoạn phục hồi

Sau giai đoạn nguy hiểm 48 – 72 giờ, trẻ cắt sốt, thèm ăn, huyết áp ổn định và tiểu nhiều.

3. Biến chứng

Sốt xuất huyết có thể tiến triển đến nhiều biến chứng nguy hiểm đe dọa tính mạng trẻ, như: Thoát huyết tương trầm trọng dẫn đến giảm khối lượng tuần hoàn, sốc sốt xuất huyết; xuất huyết tạng; đông máu rải rác lòng mạch; suy đa tạng (suy tim, suy gan, suy thận); rối loạn tri giác (ở sốt xuất huyết thể não);…

Sốt xuất huyết ở trẻ: Cận trọng biến chứng suy đa tạng

Trẻ rối loạn tri giác do sốt xuất huyết

4. Điều trị

Ở thời điểm hiện tại, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh biến chứng hay không, phụ thuộc nhiều vào hệ miễn dịch của chính bệnh nhân. Bởi thế, đối tượng chưa hoàn thiện hệ miễn dịch như trẻ em, phải được thăm khám và điều trị với chuyên gia, nếu có dấu hiệu sốt xuất huyết.

Sau thăm khám, nếu sốt xuất huyết được chẩn đoán xác định là nhẹ, chuyên gia sẽ chỉ định trẻ điều trị ngoại trú. Ngược lại, nếu sốt xuất huyết được chẩn đoán xác định là nặng, trẻ sẽ được chuyên gia chỉ định điều trị nội trú.

Trường hợp điều trị ngoại trú, bố mẹ phải tuân thủ một số hướng dẫn chăm sóc trẻ như sau:

– Cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt Paracetamol đơn chất, nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C. Nếu trẻ không cắt sốt, bên cạnh dùng thuốc, bố mẹ tiến hành chườm ấm trán, nách, bẹn cho trẻ. Nhiệt độ cơ thể cần được theo dõi sát sao.

– Bù nước và chất điện giải bằng Oresol, nước cháo, nước trái cây,…

– Cho trẻ ăn thực phẩm được chế biến theo nguyên tắc 3 chữ L: Lỏng – lạt – lạnh, thành nhiều bữa nhỏ thay vì ít bữa lớn

– Cho trẻ tái khám ngay nếu trẻ xuất hiện các dấu hiệu bất thường.

– Không tùy tiện cho trẻ sử dụng Aspirin hay Ibuprofen khi chưa có chỉ định của chuyên gia, vì những thuốc này có thể gây xuất huyết dạ dày và không tùy tiện truyền dịch cho trẻ tại nhà.

– Không cạo gió cho trẻ

– Không cho trẻ ăn thực phẩm có màu đen hoặc đỏ, để có thể kịp thời phát hiện trẻ xuất huyết tiêu hóa.

Sốt xuất huyết ở trẻ: Cận trọng biến chứng suy đa tạng

Trẻ sốt xuất huyết nên được điều trị với chuyên gia

5. Dự phòng

Để dự phòng sốt xuất huyết, bố mẹ cần thực hiện nghiêm túc các khuyến cáo sau:

– Diệt lăng quăng và muỗi: Đậy kín các dụng cụ chứa nước để hạn chế nguy cơ muỗi đẻ trứng. Thả cá vào các dụng cụ chứa nước lớn để diệt lăng quăng. Vệ sinh dụng cụ chứa nước hàng tuần. Đóng các dụng cụ chứa nước khi không dùng đến. Thu gom và thiêu hủy phế thải trong và xung quanh nhà. Dọn dẹp sạch sẽ không gian sinh hoạt của trẻ và gia đình. Sử dụng vợt muỗi, xịt muỗi để diệt muỗi.

– Ngăn ngừa muỗi đốt: Bôi kem chống muỗi. Mặc quần áo dài cho trẻ. Ngủ trong màn, kể cả ban ngày,…

Phía trên là những thông tin cơ bản và hữu ích về sốt xuất huyết. Hy vọng rằng với chúng, bố mẹ có thể bảo vệ trẻ an toàn trước bệnh truyền nhiễm cấp tính vô cùng nguy hiểm này. Liên hệ Thu Cúc TCI ngay, nếu bố mẹ còn băn khoăn cần giải đáp chi tiết một cách nhanh chóng, bố mẹ nhé!

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *