Sốt xuất huyết ở trẻ em: Tổng hợp những điều cần biết từ A-Z

Sốt xuất huyết ở trẻ em là một bệnh thường gặp, dễ bùng phát thành dịch vào mùa mưa, khoảng tháng 7 – 10. Thời gian gần đây, dịch sốt xuất huyết lại tăng cao trên cả nước khiến nhiều phụ huynh rất lo lắng. Vậy nên, bài viết dưới đây sẽ giải đáp từ A-Z những điều cần biết về sốt xuất huyết ở trẻ, nhằm giúp phụ huynh hiểu, có kiến thức phòng và điều trị sốt xuất huyết cho bé.

1. Nguyên nhân gây nên bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em

Nguyên nhân gây sốt xuất huyết ở trẻ em chính là do virus Dengue gây ra. Virus này bám lấy và tồn tại trong vật chủ là muỗi vằn (muỗi Aedes). Khi muỗi vằn chứa virus Dengue đốt trẻ, chúng sẽ theo nốt muỗi đốt xâm nhập vào máu của bé và bắt đầu gây bệnh sốt xuất huyết.

Sốt xuất huyết ở trẻ em: Tổng hợp những điều cần biết từ A-Z

Trẻ bị sốt xuất huyết do bị muỗi vằn chứa virus Dengue đốt

 Thực tế, một con muỗi vằn khỏe mạnh nếu đốt phải trẻ đang mắc sốt xuất huyết thì con muỗi này sẽ lập tức nhiễm virus Dengue. Chúng có khả năng lây truyền virus Dengue gây bệnh sốt xuất huyết cho người trong suốt quãng thời gian còn lại của cuộc đời (khoảng 3 – 4 tuần). Chính cách thức truyền nhiễm virus đơn giản và nhanh chóng này khiến cho bệnh sốt xuất huyết rất dễ bùng thành dịch.

Các nghiên cứu cho thấy muỗi vằn là loài kiếm ăn vào ban ngày, thời gian cao điểm chúng hay đốt người là vào lúc sáng sớm và chiều tối. Vết cắn của muỗi vằn gây ngứa, vài phút say sẽ sưng tấy, chuyển màu trắng và hơi đỏ. Song chỉ có muỗi cái mới đốt người, bởi chúng cần protein từ máu người để sản xuất trừng. Phụ huynh nên nắm rõ đặc điểm này để bảo vệ con tốt hơn trong thời điểm dịch sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

2. Những triệu chứng thường gặp ở trẻ mắc sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết ở trẻ em: Tổng hợp những điều cần biết từ A-Z

Trẻ sốt xuất huyết có biểu hiện sốt cao kéo dài 2-3 ngày liền

Trẻ những ngày đầu mới bị nhiễm virus sốt xuất huyết sẽ không có triệu chứng gì bất thường. Khoảng 4 – 6 ngày sau, các triệu chứng của bệnh sẽ dần xuất hiện:

– Sốt cao đột ngột và liên tục trong 2-3 ngày, nhiệt độ hay tăng cao ở mức 39 – 40 độ C;

– Bé có biểu hiện đau nhức sau mắt và đau ở các khớp, cơ và xương;

– Bé đau đầu nhiều, có lúc còn đau dữ dội;

– Bé có thể xuất hiện nốt phát ban trên cơ thể, tập trung một vùng hoặc khắp cơ thể;

– Cơ thể bé dễ bị bầm tím, có thể xuất hiện thêm triệu chứng chảy máu nhẹ ở mũi hoặc ở nướu răng.

Trẻ mắc sốt xuất huyết có thể rơi vào một trong 3 mức độ là: sốt và xuất huyết dưới da, sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo và sốt xuất huyết ở mức độ nặng. Trường hợp trẻ sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh bảo hoặc ở mức độ nặng thì cần sớm nhập viện điều trị để để bác sĩ hỗ trợ điều trị, tránh biến chứng nặng.

Dưới đây là những triệu chứng thường gặp ở trẻ sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo:

– Bé mệt mỏi nhiều, đau bụng dữ dội;

– Bé buồn nôn và nôn nhiều lần chỉ trong 24 giờ;

– Bé có triệu chứng chảy máu mũi, chảy máu nướu;

– Bé có thể bị đi cầu phân lẫn máu;

– Bé có biểu hiện có thở hoặc gặp các vấn đề liên quan đến hô hấp.

Khi thấy bé sốt xuất huyết có các dấu hiệu cảnh báo trên, bố mẹ cần nhanh chóng đưa bé tới cơ sở y tế uy tín để được hỗ trợ kịp thời.

3. Các biến chứng nguy hiểm trẻ sốt xuất huyết có thể gặp phải

Trẻ sốt xuất huyết xuất hiện hiện dấu hiệu cảnh báo hay nguy cơ trở nặng nếu không được cấp cứu, hỗ trợ kịp thời có thể dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm:

– Biến chứng gây suy tim, suy thận ở trẻ sốt xuất huyết;

– Biến chứng dẫn tới suy đa tạng;

– Biến chứng gây xuất huyết não ở trẻ;

– Biến chứng khiến trẻ sốt xuất huyết bị sốc do mất máu;

– Biến chứng trẻ bị tràn dịch màng phổi;

– Biến chứng dẫn khiến trẻ sốt xuất huyết rơi vào hôn mê;

– Các biến chứng về mắt.

4. Cách xác định bệnh sốt xuất huyết cho trẻ em

Sốt xuất huyết ở trẻ em: Tổng hợp những điều cần biết từ A-Z

Trẻ xuất hiện triệu chứng bất thường nên được đi khám bác sĩ để xác định bệnh

Trẻ khi bị sốt xuất huyết sẽ dần xuất hiện các triệu chứng bất thường về sức khỏe. Phụ huynh và người chăm sóc có thể dựa vào các triệu chứng trẻ gặp phải để nghi ngờ, phát hiện con có thể đã mắc sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, để xác định chính xác bé có bị mắc sốt xuất huyết hay không, bố mẹ nên đưa con đi khám bác sĩ tại cơ sở y tế uy tín. Tại Thu Cúc TCI, trẻ nghi mắc sốt xuất huyết sẽ được bác sĩ giỏi trực tiếp thăm khám, chẩn đoán bệnh dựa trên kết quả khám lâm sàng và các triệu chứng bé gặp phải. Tiếp đó, bé sẽ được tiến hành các kiểm tra, xét nghiệm cần thiết để cho ra kết quả dựa trên các chỉ số rõ ràng. Ngoài xác định bệnh cho trẻ, bác sĩ TCI còn lên phác đồ điều trị phù hợp cho bé và tư vấn bố mẹ cách chăm sóc trẻ tại nhà đảm bảo an toàn, hiệu quả.

5. Cách điều trị sốt xuất huyết cho trẻ hiệu quả, an toàn

Trẻ sốt xuất huyết thông thường hoàn toàn có thể điều trị tại nhà theo chỉ định của bác sĩ. Việc bố mẹ cần làm là cho con uống thuốc đúng liều lượng và thời gian như bác sĩ hướng dẫn:

– Khi trẻ sốt cao trên 38,5 độ, bố mẹ cần cho bé uống thuốc hạ sốt. Đồng thời, bố mẹ hãy lau người cho con bằng nước ấm, nhất là các vùng trán, bẹn và nách để cơ thể con sớm hạ nhiệt hơn.

– Cho bé uống dung dịch Oresol hay cháo pha loãng với muối để bù nước và bổ sung chất điện giải cho trẻ. Nếu trẻ không chịu uống, bố mẹ có thể khuyến khích con uống nhiều nước lọc và bổ sung thêm nước trái cây với trẻ từ 1 tuổi trở lên.

– Chia nhỏ bữa ăn của trẻ thành nhiều cữ để bé dễ ăn hơn;

– Cho trẻ sốt xuất huyết được nghỉ ngơi nhiều hơn để bé sớm hồi phục sức khỏe.

Trường hợp trẻ sốt xuất huyết có dấu hiệu cảnh báo hay ở mức độ nặng, bé cần được nhập viện điều trị. Bất cứ khi nào trẻ có dấu hiệu bất thường, nguy hiểm, bố mẹ hãy gọi bác sĩ để con được hỗ trợ kịp thời.

6. Cách phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho đối tượng trẻ nhỏ

Virus sốt xuất huyết hiện có 4 chủng: DEN1, DEN2, DEN3 và DEN4. Trẻ mắc chủng nào thì cơ thể chỉ có kháng thể chống lại chúng đó. Vì thế, trẻ em hay người lớn đều có nguy cơ bị sốt xuất huyết nhiều hơn 1 lần trong đời.

Bố mẹ cần nâng cao các biện pháp bảo vệ để bảo vệ trẻ khỏi bệnh sốt xuất huyết hoặc tái mắc sốt xuất huyết. Phụ huynh có thể tham khảo một số biện pháp giúp trẻ phòng tránh sốt xuất huyết sau:

– Cho trẻ em ngủ màn kể cả vào lúc ban ngày;

– Chú ý đậy kín các dụng cụ có chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng;

– Thường xuyên vệ sinh các dụng cụ chứa nước, khu vực có nước đọng, thay nước bình hoa;

– Vệ sinh không gian sống hàng tuần ngăn nắp, gọn gàng;

– Có thể dùng bình xịt diệt muỗi, vợt điện diệt muỗi;

– Nếu đi đến nơi nghi có nhiều muỗi bố mẹ nên thoa kem chống muỗi cho bé.

Trên đây, bài viết đã tổng hợp chi tiết những điều cần biết từ bệnh sốt xuất huyết ở trẻ em. Hy vọng bài viết đã mang đến cho quý phụ huynh nhiều thông tin hữu ích.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Nguồn bài viết: Benhvienthucuc.vn

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *