Sưng lợi hàm trên răng cửa có thể báo động nhiều vấn đề về sức khỏe răng miệng mà bạn không ngờ đến. Do vậy, nếu bắt gặp tình trạng này, bạn cần chú ý để điều trị đúng bệnh lý, tránh những ảnh hưởng lâu dài. Đồng thời, cần cập nhật cho mình những phương pháp phòng ngừa sưng lợi khu vực phía trên răng cửa phù hợp, hiệu quả.
Bạn đang đọc: Sưng lợi hàm trên răng cửa và những cảnh báo răng miệng
1. Sưng lợi hàm trên răng cửa tiềm ẩn nhiều vấn đề
Sưng khu vực lợi trên răng cửa là một trong những tình trạng phổ biến dễ bắt gặp trong đời sống. Đồng thời, hiện tượng này cũng gây ra những khó chịu và ảnh hưởng nhất định đến sinh hoạt, ăn uống của chúng ta.
1.1. Nguyên nhân sưng lợi hàm trên răng cửa
1.1.1. Nguyên nhân chủ quan
Thông thường, tình trạng sưng nướu này có thể xuất phát từ một số tai nạn như va đập khu vực lợi, dị vật ăn uống mắc phải, hoặc đôi khi, sự tác động của bàn chải đánh răng với khu vực này cũng có thể gây sưng nướu lợi.
Nhưng nguyên nhân chủ yếu hơn cả khi sưng vùng lợi này thường là do vấn đề vệ sinh răng miệng kém khiến cho mảng bám và cao răng có điều kiện hình thành, gây viêm nướu và sưng tấy. Hút thuốc lá cũng là một trong những tác nhân gây nên vấn đề này.
Việc vùng lợi răng cửa bị sưng có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
1.1.2. Nguyên nhân bệnh lý
Bên cạnh đó, sưng lợi trên vùng răng cửa cũng có thể báo hiệu nhiều vấn đề bệnh lý:
– Viêm nướu: Bắt nguồn từ vấn đề vệ sinh răng miệng, viêm nướu có thể tiến triển thành viêm nha chu và gây tổn hại nghiêm trọng đến mô nâng đỡ răng và dẫn đến mất răng.
– Sâu răng: Vi khuẩn từ ổ sâu có thể lây lan sang nướu, khiến nướu bị viêm nhiễm và sưng tấy.
– Viêm nha chu: Bệnh lý này tấn công nướu và mô nâng đỡ răng, dẫn đến sưng nướu, chảy máu chân răng, tụt nướu và nguy hiểm hơn là mất răng.
– Nhiễm trùng: Vi khuẩn xâm nhập vào nướu có thể gây ra các ổ mủ, khiến nướu sưng tấy, đau nhức và chảy mủ.
– Thiếu hụt vitamin: Việc thiếu hụt vitamin C hoặc B12 có thể làm suy yếu nướu, khiến nướu dễ bị sưng viêm.
Ngoài ra, việc sử dụng một số loại thuốc, như thuốc chống co giật hoặc thuốc ức chế miễn dịch, có thể gây tác dụng phụ khiến nướu lợi sưng tấy.
1.2. Một số triệu chứng thường kèm theo sưng lợi hàm trên răng cửa
Bên cạnh tình trạng sưng lợi, chúng ta dễ gặp phải những dấu hiệu như:
– Đau nhức: Lợi có thể đau nhức khi chạm vào, khi nhai hoặc khi ăn thức ăn nóng, lạnh hoặc cay.
– Chảy máu chân răng: Lợi có thể chảy máu khi đánh răng, dùng chỉ nha khoa hoặc tự nhiên chảy máu.
– Hơi thở có mùi hôi: Vi khuẩn trong mảng bám và cao răng tích tụ trên nướu và răng có thể gây ra mùi hôi miệng.
– Nướu đổi màu: Nướu khỏe mạnh có màu hồng nhạt. Khi bị sưng, nướu có thể chuyển sang màu đỏ tươi, đỏ sẫm hoặc tím.
– Tụt nướu: Nướu có thể tụt xuống, lộ chân răng. Đây là dấu hiệu của bệnh viêm nha chu nặng.
– Răng lung lay: Trong trường hợp viêm nha chu nặng, răng có thể bị lung lay hoặc rụng.
– Xuất hiện mủ: Nếu sưng lợi do nhiễm trùng, nướu có thể chảy mủ.
– Loét nướu: Loét nướu có thể xuất hiện do thiếu hụt vitamin C hoặc B12, hoặc do sử dụng một số loại thuốc.
– Khô miệng: Miệng khô có thể khiến nướu dễ bị kích ứng và sưng tấy.
– Kích ứng: Nướu có thể bị kích ứng bởi một số yếu tố như niềng răng, mão răng giả, cọ xát do răng khôn mọc lệch hoặc do sử dụng các sản phẩm nha khoa không phù hợp.
Ngoài những triệu chứng trên, sưng lợi tuy từng nguyên nhân bệnh lý cũng có thể đi kèm với các triệu chứng toàn thân như sốt, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức cơ thể,…
Các dấu hiệu kèm theo này là một phần quan trọng trong việc giúp các bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân sưng lợi của người bệnh.
2. Xử lý và phòng ngừa sưng lợi
2.1 Xử lý đúng nguyên nhân
Việc điều trị sưng vùng lợi răng cửa hàm trên được các bác sĩ Nha khoa chỉ định dựa trên nguyên nhân của hiện tượng này. Chính vì thế, khi có hiện tượng sưng lợi, bạn không nên tự ý dùng thuốc, mà cần sớm đến các cơ sở nha khoa uy tín để được thăm khám, chẩn đoán bệnh lý và điều trị phù hợp.
Trong một số trường hợp, hiện tượng sưng lợi có thể là phản ứng nhanh của cơ thể sau va chạm và có thể tự lành. Một số trường hợp khác, bệnh lý nguyên nhân có thể làm sưng lợi nghiêm trọng kèm nhiều triệu chứng khác. Do đó, nên chủ động trong công tác phòng và khám bệnh. Tránh để tình trạng bệnh nặng, để lại những di chứng và hậu quả nghiêm trọng mới nghĩ đến việc điều trị.
Tìm hiểu thêm: Những lưu ý khi bị sâu răng giai đoạn đầu
Điều trị sưng lợi vùng răng cửa cần thực hiện đúng nguyên nhân và tình trạng bệnh lý
Việc điều trị sưng lợi thường được thực hiện qua các biện pháp sau:
2.1.1. Vệ sinh răng miệng
Dù bất cứ nguyên nhân nào, các bác sĩ cùng cần bạn thực hiện vệ sinh răng miệng để phòng ngừa và giảm bớt các vấn đề bệnh răng miệng. Chúng ta cần đảm bảo việc đánh răng tối thiểu mỗi ngày 2 lần, dùng chỉ nha khoa, nước muối sinh lý trong quá trình vệ sinh răng miệng.
2.1.2. Điều trị nguyên nhân
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây sưng lợi, nha sĩ sẽ có phương pháp điều trị phù hợp. Ví dụ, nếu sưng lợi do viêm nướu, nha sĩ sẽ cạo vôi răng và đánh bóng chân răng. Nếu sưng lợi do sâu răng, nha sĩ sẽ trám hoặc nhổ răng khi bắt buộc cần thiết.
2.1.3. Sử dụng thuốc
Thuốc thường chỉ được các bác sĩ kê đơn trong một số trường hợp liên quan đến viêm nhiễm hoặc tình trạng sưng đặc biệt. Khi đó, các thuốc giảm đau, kháng viêm hoặc thuốc kháng sinh được cân nhắc sử dụng căn cứ thể trạng và nguyên nhân sưng lợi của người bệnh.
2.1.4. Giảm đau tại nhà
Một số người có thể dùng cách chườm đá giảm đau. Hoặc, một số trường hợp, các thuốc, gel bôi được bác sĩ chỉ định sẽ giúp người bệnh giảm bớt tình trạng sưng đau lợi.
>>>>>Xem thêm: Khoa Răng Hàm Mặt – Hệ thống Y tế Thu Cúc TCI
Thực hiện vệ sinh răng miệng đúng cách là điều cần thiết trong phòng và chữa sưng lợi vùng cửa miệng
2.2. Phòng ngừa sưng lợi
Để tránh tình trạng lợi hàm trên răng cửa bị sưng, bạn nên chú ý:
– Tránh tình trạng va đập với lợi hoặc các tai nạn có thể ảnh hưởng đến khu vực này.
– Đảm bảo khâu vệ sinh răng miệng hằng ngày khoa học, hợp lý.
– Chế độ ăn uống chú ý dinh dưỡng, nên ăn nhiều rau xanh.
– Tránh chất kích thích
– Điều trị bệnh lý nền
– Thăm khám định kỳ 3-6 tháng một lần tại nha khoa để vệ sinh chuyên sâu và nắm bắt sức khỏe răng miệng.
Nhìn chung, tình trạng sưng lợi hàm trên răng cửa tùy theo từng tình trạng và nguyên nhân hình thành mà cần có những cách xử lý khác nhau. Khi gặp tình trạng này, bạn nên chủ động sớm đến thăm khám tại các nha khoa uy tín để được kiểm tra và điều trị phù hợp theo bệnh lý, thể trạng của mình. Đồng thời, cần chú ý các vấn đề về sinh hoạt, lối sống và khám nha định kỳ để kiểm soát sưng lợi cũng như các bệnh lý răng miệng của mình hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.