Nhiều người “khiếp sợ” khi nhắc đến tác hại của sốt xuất huyết. Đặc biệt là khi họ nhận ra những tai hại này lại đến từ những hiểu lầm mà họ thường mắc phải. Cùng tìm hiểu bài viết dưới đây để hiểu rõ hơn về căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm này.
Bạn đang đọc: Tác hại của sốt xuất huyết và những hiểu lầm thường gặp
1. Những tác hại “ghê gớm” của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết để lại nhiều hậu quả từ nhẹ đến nặng, trong đó có những tác hại của sốt xuất huyết khiến nhiều người phải “khiếp sợ”. Hãy cùng chúng tôi điểm danh những biến chứng nguy hiểm ngay dưới đây:
1.1 Sốc – tác hại của sốt xuất huyết dễ gây tử vong
Sốc do mất máu là một trong những biến chứng đặc biệt nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết. Nguyên nhân là do tình trạng tăng tính thấm mao quản, thoát huyết tương và cô đặc máu, khiến máu bị đẩy ra ngoài. Khi lượng máu bị mất quá nhiều qua hình thức như chảy máu cam (chảy máu mũi), chảy máu chân răng, vết thương hở,… sẽ khiến cơ thể người bệnh trở nên đuối sức, kiệt quệ, vã mồ hôi, nôn nhiều, nếu kéo dài có thể dẫn tới tử vong.
Sốc sốt xuất huyết có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, hiệu quả.
1.2 Giảm tiểu cầu nhiều
Sốt xuất huyết dễ gây hạ tiểu cầu, biểu hiện là cơ thể dễ mệt mỏi, li bì. Nhiều người khỏe mạnh thường có tâm lý chủ quan, cho đến khi tiểu cầu giảm quá nhiều không được truyền tiểu cầu kịp thời dẫn đến biến chứng chảy ồ ạt, có thể gây xuất huyết não và tử vong nhanh chóng.
1.3 Đông máu
Đông máu hay cô đặc máu khiến người bệnh mệt mỏi, đau tức vùng gan, nôn, buồn nôn, lơ mơ, li bì, có thể kéo dài từ 24-48 giờ. Nếu người bệnh không được xử trí kịp thời có thể gây tụt huyết áp, sốc,.. Biến chứng này thường xuất hiện ở giai đoạn sốt và thường đi kèm với hạ tiểu cầu và thiếu thể tích tuần hoàn.
1.4 Suy tim, suy thận
Xuất huyết liên tục khiến tim không đủ sức để bơm máu, dịch huyết tương thoát liên tục khiến màng tim bị tràn dịch, gây ứ đọng, điều này khiến tim và hệ thống tuần hoàn bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nếu không được xử trí kịp thời hiệu quả chức năng tim mạch dễ bị rối loạn, tim dễ bị phù, xuất huyết cơ tim và gây suy tim.
Tương tự như tim thì thận cũng phải chịu ảnh hưởng do phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương qua đường nước tiểu, điều này dễ gây suy thận cấp.
Đây là hai biến chứng rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người bệnh và để lại di chứng nặng nề sau này.
1.5 Suy đa tạng
Suy đa tạng là tình trạng rối loạn chức năng ít nhất 2 hệ thống cơ quan, thường gặp nhất là suy gan tối cấp, suy thận, tụt huyết áp, suy tim,… Đây là biến chứng cực kỳ nguy hiểm, người bệnh cần phải được cấp cứu và lọc máu liên tục càng sớm càng tốt.
1.6 Xuất huyết não – tác hại của sốt xuất huyết gây tử vong nhanh chóng
Là tình trạng máu chảy lan nhiều chỗ trong nào. Do sự rối loạn đông máu xảy ra như chảy máu cam dữ dội, rong kinh, xuất huyết đường tiêu hóa hay xuất huyết nội tạng ồ ạt gây xuất huyết não. Tỷ lệ xuất huyết não ở người bệnh bị sốt xuất huyết chỉ chiếm tỷ lệ ít khoảng 1% nhưng tỷ lệ tử vong cao.
Tìm hiểu thêm: Chữa sốt xuất huyết tại nhà đúng cách và an toàn
Xuất huyết não là một trong những biến chứng nguy hiểm của sốt xuất huyết dễ gây tử vong nhanh chóng.
1.7 Tràn dịch màng phổi
Việc tự ý truyền dịch hay truyền dịch không đúng, dịch không được thoát ra bên ngoài có thể gây ứ lượng dịch bên trong cơ thể dẫn tới viêm đường hô hấp, tràn dịch màng phổi, viêm phổi, phù phổi cấp.
Trong trường hợp này mà người bệnh không được cấp cứu kịp thời sẽ gây suy hô hấp, nguy hiểm đến tính mạng.
1.8 Hôn mê
Tình trạng xuất huyết não, dịch huyết tương ứ trệ trong não gây phù não và các hội chứng thần kinh dễ đẩy người bệnh vào trạng thái hôn mê. Đây là một trong những biến chứng nặng nhất của sốt xuất huyết.
1.9 Sinh non, sảy thai
Ngoài ra, sẽ rất nguy hiểm nếu người bị sốt xuất huyết đang trong quá trình mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn đầu của thai kỳ. Các biến chứng mà mẹ bầu khi mang thai bị sốt xuất huyết có thể phải đối mặt như tiền sản giật, suy thai, sinh non, thai lưu, thậm chí tử vong. Do đó, người mẹ khi mang thai bị sốt xuất huyết cần phải được nhập viện ngay để bác sĩ theo dõi sức khỏe của cả mẹ và bé, có biện pháp điều trị kịp thời hiệu quả để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con.
1.10 Mù lòa là một trong những tác hại của sốt xuất huyết
Sốt xuất huyết có thể gây xuất huyết võng mạc, xuất huyết dịch kính làm giảm thị lực của người bệnh, thậm chí nặng có thể gây mù lòa.
2. Những hiểu lầm thường gặp về bệnh sốt xuất huyết
2.1 Sốt xuất huyết chỉ bị một lần và sẽ không bị lại
Trên thực tế, sốt xuất huyết Dengue có 4 chủng là DEN 1, DEN 2, DEN 3, DEN 4. Các chuyên gia đã chỉ ra rằng, một người khi bị nhiễm chủng virus sốt xuất huyết nào thì chỉ có miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Do đó, một người hoàn toàn có thể mắc 3 chủng virus còn lại. Tức là có thể mắc sốt xuất huyết 4 lần trong đời, nếu đó là 4 chủng virus sốt xuất huyết khác nhau.
2.2 Giảm sốt/hết sốt là khỏi bệnh
Giảm sốt, hết sốt chưa phải là đã khỏi sốt xuất huyết. Đây là giai đoạn mà đáng ra bạn cần lưu tâm hơn do dễ xuất hiện biến chứng (chảy máu). Biến chứng này có thể không biểu hiện ra bên ngoài do đó nhiều người có tâm lý chủ quan tưởng rằng bệnh đã khỏi. Các chuyên gia khuyến cáo, người bệnh cần kiên trì tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, không vì thấy hết sốt mà nghĩ rằng bệnh đã khỏi và tự ý bỏ dở không điều trị.
2.3 Bệnh truyền nhiễm nên dễ lây qua đường tiếp xúc
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm nhưng phải thông qua vật trung gian truyền bệnh đó chính là muỗi vằn (muỗi Aedes aegypti). Sốt xuất huyết không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc giữa người bệnh với người lành mà chỉ lây khi muỗi vằn đốt người bệnh sau đó chúng mang virus gây bệnh và đốt người lành (truyền bệnh qua vết đốt đó).
>>>>>Xem thêm: Phát hiện các biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết ở người lớn
Sốt xuất huyết không lây qua không khí mà lây qua vật thể trung gian truyền bệnh đó là muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn).
2.4 Chỉ những nơi có ao, hồ mới có dịch
Không chỉ những nơi có ao tù, nước đọng mới có muỗi vằn bởi muỗi sốt xuất huyết có thể di chuyển từ nơi này qua nơi khác. Có một điểm lưu ý là bản thân muỗi sốt xuất huyết không thể tự bay được xa, do đó chúng thường “mượn” các công cụ khác để di chuyển ví dụ như ẩn nấp trên các thanh gỗ, phương tiện giao thông sau đó được di chuyển. Điều này lý giải cho việc vì sao bạn không ở trong vùng dịch mà vẫn có nguy cơ bị bệnh.
2.5 Phun thuốc diệt muỗi một lần sẽ diệt được muỗi vĩnh viễn
Nhiều người nghĩ rằng phun thuốc diệt muỗi thì trong thời gian 6 tháng là yên tâm muỗi không xuất hiện trở lại. Nhưng bạn nên biết rằng, điều kiện thời tiết khí hậu và môi trường có thể ảnh hưởng đến thời gian và tác dụng của thuốc, có thể khiến thuốc mất tác dụng nhanh hơn khuyến cáo. Do đó, kể cả khi bạn đã phun thuốc diệt muỗi ở nơi bạn sinh sống thì bạn vẫn nên chủ động kiểm tra và vệ sinh sạch sẽ môi trường sống hàng ngày.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.