Nguyên nhân phổ biến nhất gây tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính là sỏi thận. Sỏi thận là những khối rắn hình thành do sự tích tụ khoáng chất. Sỏi hình thành trong thận nhưng có thể di chuyển và gây tắc nghẽn ở bất cứ đâu dọc theo đường tiết niệu, từ thận cho đến niệu đạo.
Tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính
Tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính là gì?
Tắc nghẽn đường tiết niệu là tình trạng nước tiểu không thể chảy bình thường qua đường tiết niệu. Khi tình trạng này xảy ra đột ngột và chỉ ảnh hưởng đến một quả thận thì được gọi là tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính.
Sự tắc nghẽn thường xảy ra ở một niệu quản, ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang. Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH), tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính là vấn đề khá hiếm gặp, với tỷ lệ mắc là 1 trên 1.000 người.
Nguyên nhân gây tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính
Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là sỏi thận. Sỏi thận là những khối rắn hình thành do sự tích tụ khoáng chất. Sỏi hình thành trong thận nhưng có thể di chuyển và gây tắc nghẽn ở bất cứ đâu dọc theo đường tiết niệu, từ thận cho đến niệu đạo.
Điều này gây ứ nước tiểu tại quả thận bị ảnh hưởng, từ đó làm tăng áp lực và có thể làm hỏng thận.
Các nguyên nhân ít phổ biến gây tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính gồm có:
- Chấn thương
- Một số bệnh ung thư xảy ra ở niệu quản hoặc các bộ phận gần niệu quản, chẳng hạn như bàng quang, đại tràng, cổ tử cung hoặc tử cung
- Mô sẹo bên trong niệu quản
Triệu chứng tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính
Rối loạn tiểu tiện
Triệu chứng phổ biến nhất của tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính là rối loạn tiểu tiện. Đôi khi, người bệnh vẫn đi tiểu bình thường vì chỉ có một quả thận bị ảnh hưởng nhưng nước tiểu sẽ có màu bất thường, ví dụ như màu hồng, đỏ do có lẫn màu hoặc hơi nâu. Nước tiểu cũng có thể có mùi hôi hoặc khai nồng.
Đau
Tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính có thể gây đau ở một số bộ phận trên cơ thể. Điều này thường chỉ xảy ra khi nguyên nhân gây tắc nghẽn là do sỏi thận và được gọi là cơn đau quặn thận.
Người bệnh có thể bị đau ở lưng hoặc bụng ở bên bị tắc nghẽn. Triệu chứng đau ở những khu vực này thường xảy ra thành từng đợt dữ dội rồi sau đó giảm dần. Cơn đau cũng có thể lan xuống vùng đùi và bẹn.
Các triệu chứng khác
Các triệu chứng khác của tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính còn có:
- Buồn nôn
- Nôn mửa
- Sốt
- Tăng huyết áp
Chẩn đoán tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính
Quá trình chẩn đoán gồm có bước thăm khám lâm sàng và khám cận lâm sàng.
Khám lâm sàng
Khám lâm sàng có nghĩa là bác sĩ sẽ kiểm tra các triệu chứng như tăng huyết áp và đau ở khu vực thận.
Chẩn đoán hình ảnh
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh giúp bác sĩ đưa ra chẩn đoán chính xác hơn. Các phương pháp này sẽ cho thấy sự tắc nghẽn trong niệu quản hoặc tình trạng sưng thận. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh thường được sử dụng gồm có:
- Chụp CT ổ bụng: sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh các cấu trúc trong ổ bụng
- Siêu âm ổ bụng: sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh các cơ quan vùng bụng
- Chụp X quang hệ tiết niệu bằng đường tĩnh mạch: sử dụng thuốc cản quang và tia X để tạo ra hình ảnh bàng quang cũng như thận và niệu quản. Thuốc cản quang sẽ làm cho các cơ quan này hiển thị rõ trên ảnh chụp, qua đó giúp đánh giá khả năng lọc máu của thận cũng như phát hiện những bất thường trong đường tiết niệu.
Các phương pháp chẩn đoán khác
Các bước kiểm tra khác để chẩn đoán tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính còn có:
- Xạ hình thận: tiêm một lượng nhỏ chất phóng xạ vào tĩnh mạch ở cánh tay, sau đó chất phóng xạ sẽ theo máu đến thận và giúp đánh giá chức năng của từng quả thận.
- Tổng phân tích nước tiểu: đo nồng độ một số chất trong nước tiểu, qua đó giúp phát hiện các vấn đề về thận và nhiễm trùng đường tiết niệu
- Bảng trao đổi chất cơ bản: gồm các xét nghiệm máu giúp đánh giá chức năng thận.
Điều trị tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính
Việc điều trị tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính gồm có giải quyết tình trạng tắc nghẽn và giảm các triệu chứng.
Điều trị triệu chứng
Người bệnh có thể phải đặt stent trong niệu quản để giữ cho niệu quản mở rộng và nước tiểu có thể chảy qua. Điều này giúp giảm đau tạm thời.
Nếu người bệnh bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để điều trị.
Điều trị tắc nghẽn
Mặc dù có thể làm giảm các triệu chứng nhưng điều quan trọng là phải giải quyết nguyên nhân gốc rễ gây tắc nghẽn để tránh xảy ra vấn đề nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể phải phẫu thuật để loại bỏ hoặc phá vỡ sỏi thận hoặc sỏi bàng quang hoặc để giảm sẹo trong niệu quản. Nếu nguyên nhân gây tắc nghẽn là do phì đại tuyến tiền liệt thì có thể điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật.
Nếu đường tiết niệu bị tắc nghẽn do khối u ung thư, các phương pháp điều trị gồm có phẫu thuật, xạ trị, hóa trị, liệu pháp nhắm trúng đích, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp áp lạnh… Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể dựa trên giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Trong một số trường hợp tắc nghẽn đường tiết niệu một bên, người bệnh cần phải cắt bỏ quả thận bị ảnh hưởng. Điều này thường được chỉ định khi bị nhiễm trùng nghiêm trọng hoặc chức năng thận bị suy giảm nghiêm trọng.
Tiên lượng
Các trường hợp tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính nhẹ thường sẽ khỏi sau khi nguyên nhân gốc rễ gây tắc nghẽn được giải quyết.
Những trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương thận vĩnh viễn. Nhưng vì tình trạng tắc nghẽn thường chỉ ảnh hưởng đến một quả thận nên đa phần không dẫn đến suy thận. Suy thận là tình trạng cả hai quả thận đều không còn hoạt động hiệu quả.
Các biến chứng khác của tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính gồm có:
- Tắc nghẽn đường tiết niệu một bên mạn tính, tình trạng đường tiết niệu bị tắc nghẽn kéo dài
- Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát hoặc mạn tính
- Cao huyết áp
Phòng ngừa tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính
Vì sỏi thận là nguyên nhân chính gây tắc nghẽn đường tiết niệu một bên cấp tính nên phòng ngừa sỏi thận sẽ giúp giảm nguy cơ tắc nghẽn đường tiết niệu. Các cách phòng ngừa sỏi thận:
- Uống đủ nước mỗi ngày. Người trưởng thành nên uống từ 6 đến 8 ly (1,8 – 2l) nước mỗi ngày. Những người có tiền sử sỏi thận có thể cần uống nhiều hơn.
- Hạn chế ăn muối. Thành phần chính của muối ăn là natri và ăn quá nhiều natri sẽ làm tăng nguy cơ sỏi thận.
- Ăn ít thực phẩm giàu oxalat. Oxalat là một loại axit hữu cơ có trong một số loại thực phẩm như củ dền, cải bó xôi, quả mâm xôi, các sản phẩm từ đậu nành,… Những người có nguy cơ cao bị sỏi thận canxi oxalat nên giảm lượng oxalat trong chế độ ăn.