Tắc nghẽn mạch máu não có thể xảy ra với nhiều mức độ khác nhau, trong đó cao nhất là đột quỵ nhồi máu não. Đột quỵ xảy ra gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh và tiềm ẩn nguy cơ biến chứng. Cùng tìm hiểu về tình trạng tắc nghẽn các mạch máu não qua bài viết dưới đây.
Bạn đang đọc: Tắc nghẽn mạch máu não: Đột quỵ chực chờ
1. Tắc nghẽn mạch máu não là gì?
Tắc nghẽn mạch máu não là tình trạng lòng các mạch máu nuôi não bị thu hẹp. Điều này khiến lưu lượng máu chảy qua mạch đến nuôi não giảm đi. Mức độ thu hẹp của mạch máu càng lớn thì nguy cơ não bị tổn thương và đột quỵ càng cao.
Trong y khoa, tắc mạch máu não hay nhồi máu não là một dạng đột quỵ. Bệnh lý này xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho não bị chặn đột ngột do sự xuất hiện của cục máu đông, hoặc là kết quả của quá trình phát triển của các mảng xơ vữa trong một thời gian dài.
Các dấu hiệu của đột quỵ tắc mạch máu não thường gặp gồm:
– Rối loạn khả năng ngôn ngữ: nói đớ, khó diễn đạt, nói người khác không hiểu
– Méo mặt, khuôn mặt buồn rầu, lệch nhân trung, yếu nửa người
– Choáng váng, chóng mặt, có thể đau đầu dữ dội hoặc âm ỉ
– Đi loạng choạng không vững
Tỷ lệ tử vong do bệnh tắc mạch máu não rất cao. Bên cạnh đó những biến chứng của bệnh cũng thường rất nặng nề và nghiêm trọng. Do vậy cần phòng tránh hoặc xử trí kịp thời để giúp người bệnh thoát khỏi nguy hiểm.
2. Nguyên nhân gây tắc hẹp mạch máu não
Tình trạng tắc hẹp mạch máu não có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó phổ biến nhất là:
– Xơ vữa động mạch: Nguyên nhân phổ biến nhất, chiếm tỷ lệ 50% các trường hợp mắc bệnh. Trong đó, nguyên nhân liên quan đến các vấn đề của mạch máu lớn ngoài sọ chiếm 45%, vấn đề mạch máu lớn trong sọ chiếm 5%.
– Các bệnh lý liên quan đến mạch máu chỉ chiếm khoảng 5% bệnh nhân nhưng thực tế vẫn có không ít trường hợp mắc bệnh do nguyên nhân này.
– Cục máu đông (huyết khối): Theo thống kê, nhóm nguyên nhân này chiếm khoảng 20% tổng số ca đột quỵ. Tắc mạch do cục máu đông phần lớn có liên quan đến bệnh rung nhĩ hoặc van tim.
– Khoảng 25% bệnh nhân tắc mạch máu não do sự tắc hẹp của các mạch máu nhỏ trong não.
3. Các yếu tố làm nguy cơ tắc mạch máu não
3.1 Các bệnh lý gây tắc nghẽn mạch máu não
Một số bệnh lý có thể làm tăng nguy cơ tắc nghẽn mạch não, bao gồm:
– Tiểu đường: Những người mắc bệnh tiểu đường có khả năng gặp các vấn đề về mạch máu não cao hơn gấp 4 lần so với những đối tượng khác.
– Rung nhĩ: Khoảng 15% bệnh nhân bị rung nhĩ gặp phải tình trạng tắc mạch máu não.
– Rối loạn mỡ máu: Sự suy giảm nồng độ cholesterol tốt (HDL) và gia tăng nồng độ cholesterol xấu (LDL) là tác nhân làm tăng nguy cơ hình thành các mảng xơ vữa và dẫn đến tình trạng huyết khối động mạch, khiến cho mạch não bị tắc nghẽn.
– Tăng huyết áp: Đây là nguyên nhân gây tổn thương thành mạch, dễ gây xơ vữa mạch máu, huyết khối, dẫn đến mạch máu bị tắc nghẽn.
– Bệnh động mạch vành, động mạch cảnh: Các mảng xơ vữa hoặc huyết khối di chuyển từ động mạch vành và động mạch cảnh lên não có thể gây tắc mạch máu não.
Tìm hiểu thêm: Triệu chứng của bệnh đột quỵ: Chớ nên chủ quan!
3.2 Tắc nghẽn mạch máu não do các thói quen thiếu lành mạnh
– Ăn uống thiếu chọn lọc: Chế độ ăn uống nhiều đường, nhiều chất béo, nhiều muối,… dễ làm tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu, tiểu đường, tăng huyết áp, dẫn tới tắc mạch máu não.
– Hút thuốc lá: Hút thuốc lá thường xuyên là một trong những yếu tố làm tế bào nội mạc mạch máu bị tổn thương, làm tăng nguy cơ xơ vữa động mạch, làm hẹp lòng mạch, gây ra cục máu đông, tăng cholesterol máu. Những yếu tố trên đều làm tăng nguy cơ tắc mạch máu não.
– Béo phì, thừa cân: Những người bị béo phì, thừa cân rất dễ gặp phải tình trạng tắc nghẽn mạch não.
4. Di chứng thường gặp do bệnh tắc mạch máu não
Bệnh tắc mạch máu não không chỉ gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh mà còn để lại nhiều di chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.
– Rối loạn ngôn ngữ: Tắc mạch máu não có thể khiến người bệnh không nói được mất khả năng hiểu từ ngữ. Biến chứng này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, khiến cuộc sống bệnh nhân bị ảnh hưởng rất nhiều.
– Liệt nửa người: Di chứng này không chỉ gây ảnh hưởng tới sức khỏe mà còn tác động tiêu cực đến tinh thần của bệnh nhân do họ không thể cử động, hoạt động như bình thường. Đối với những người gặp di chứng này, việc đi lại cũng gặp nhiều khó khăn, người bệnh thường cần đến sự hỗ trợ của người thân.
– Đi tiểu khó khăn, mất kiểm soát: Đây là hậu quả của sự rối loạn cơ tròn và tình trạng yếu, liệt vận động.
5. Biện pháp phòng ngừa tắc nghẽn mạch não
Ngăn ngừa và cải thiện tình trạng tắc hẹp mạch máu não là rất quan trọng để phòng tránh đột quỵ. Các biện pháp phòng tránh tắc nghẽn mạch não gồm có:
– Xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, nên ăn nhiều rau củ, trái cây, thực phẩm tươi, hạn chế ăn quá nhiều đường, chất béo và muối
– Xây dựng thói quen tập luyện thể dục đều đặn
– Từ bỏ hoặc hạn chế hút thuốc lá
– Ngủ đủ giấc để duy trì nhịp thức – ngủ
– Hạn chế đối diện với căng thẳng, lo âu, dành thời gian để nghỉ ngơi hợp lý
– Điều trị tích cực để kiểm soát các bệnh lý có sẵn nhằm hạn chế nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và những biến chứng về sau
– Tầm soát sớm nguy cơ đột quỵ để phát hiện và điều trị sớm các vấn đề bất thường của sức khỏe có thể dẫn tới đột quỵ. Đặc biệt, những đối tượng có người thân từng mắc bệnh hoặc có một số bệnh lý nền nguy cơ cao như: máu nhiễm mỡ, tiểu đường, cao huyết áp, tim mạch…
>>>>>Xem thêm: Bệnh đau đầu sau gáy là gì?
Hi vọng những thông tin trên đã giúp bạn có thêm hiểu biết về bệnh tắc nghẽn mạch máu não, những nguy cơ và cách phòng tránh hiệu quả để tránh những nguy hiểm cho bản thân và những người xung quanh. Khi thấy các dấu hiệu nghi ngờ, hãy chủ động thăm khám chuyên khoa Nội thần kinh để được chẩn đoán và điều trị chính xác, ngăn ngừa đột quỵ xảy ra.