Tai biến mạch máu não bệnh học cung cấp các thông tin cơ bản liên quan đến các vấn đề như định nghĩa tai biến mạch máu não là gì, phân loại, yếu tố nguy cơ, cơ chế bệnh sinh, các triệu chứng tai biến mạch máu não bệnh học trên lâm sàng và cận lâm sàng. Cùng tham khảo bài viết để có những cái nhìn tổng quan nhất về căn bệnh này.
Bạn đang đọc: Tai biến mạch máu não bệnh học và triệu chứng
1. Định nghĩa, phân loại, yếu tố nguy cơ tai biến mạch máu não
1.1 Tai biến mạch máu não bệnh học là gì?
Tai biến mạch máu não là những thiếu sót thần kinh với các triệu chứng khu trú, xảy ra đột ngột do mạch máu não (gồm động mạch não, mao mạch và tĩnh mạch) bị vỡ hoặc hoặc tắc (do thiếu máu lên não) mà không do chấn thương sọ não.
Có hai loại tai biến mạch máu não bệnh học là tắc mạch máu não (chiếm tỷ lệ lớn nhất) và vỡ mạch máu não (xuất huyết mạch máu não).
– Tắc mạch máu não: xảy ra khi mạch máu não bị nghẽn hoặc lấp.
– Vỡ mạch máu não: là tình trạng mạch máu bị vỡ, khiến máu thoát ra khỏi mạch và tràn vào nhu mô não (gọi là xuất huyết nội não), nếu tràn vào khoang dưới nhện thì gọi là xuất huyết dưới nhện; còn phối hợp cả hai loại trên gọi là xuất huyết não màng não.
1.2 Nguyên nhân gây hai loại tai biến mạch máu não
– Tắc mạch máu não (nhồi máu não, thiếu máu não cục bộ): do cục máu đông tại chỗ, do xơ vữa động mạch, huyết khối do bệnh lý tim mạch.
– Vỡ mạch máu não (xuất huyết mạch não): do tăng huyết áp, chấn thương, vỡ phình động mạch não.
Ngoài ra, còn một số nguyên nhân ít gặp như viêm động mạch, viêm tắc tĩnh mạch, thuyên tắc xoang tĩnh mạch có thể gây tắc mạch máu não hoặc xuất huyết mạch máu não.
1.3 Các yếu tố nguy cơ gây tai biến mạch máu não bệnh học
Yếu tố nguy cơ không thể can thiệp: tuổi cao (trên 55 tuổi), giới tính (tỷ lệ tai biến mạch máu não bệnh học ở nam cao hơn nữ gấp 4 lần), chủng tộc (người da đen có nguy cơ đột quỵ cao gấp khoảng 2 lần người da trắng), di truyền (trong gia đình có người bị đột quỵ thì nguy cơ bị bệnh cũng sẽ cao hơn).
Yếu tố nguy cơ có thể can thiệp: tăng huyết áp (chiếm khoảng 63,5% các trường hợp đột quỵ xảy ra. Nếu giảm 10mmHg sẽ giảm nguy cơ còn 35-40%), hút thuốc lá (chiếm từ 10,4 đến 58,9% tùy theo từng nước), cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA – khoảng 5% người có xuất hiện cơn thiếu máu não thoáng qua sẽ bị đột quỵ thực sự sau 1 tháng), thiếu máu cơ tim (chiếm 16,1%), bệnh van tim (chiếm 3,4%), người có tiền sử bị tai biến mạch máu não trước đó (chiếm 27,4%), đái tháo đường, bệnh tăng đông máu, đa hồng cầu,…
Tai biến mạch máu não gồm hai loại là nhồi máu não (thiếu máu não) và xuất huyết não (vỡ mạch máu não).
2. Cơ chế bệnh sinh của tai biến mạch máu não bệnh học
2.1 Cơ chế tổn thương do thiếu máu não cục bộ
Não chỉ chiếm 2% trọng lượng cơ thể nhưng cần tới 15% cung lượng tim, 20% lượng oxy và 25% glucose. Nếu ngừng tuần hoàn não (thiếu máu não) trong khoảng 15 giây sẽ gây hôn mê và nếu trong 5 phút sẽ gây tổn thương cấu trúc tế bào não.
Khi có sự gián đoạn dòng máu chảy đến não, các chất cần cho chuyển hóa đặc biệt là oxy, glucose sẽ bị mất đi (thiếu hụt), dẫn đến sự tràn vào ion calci qua kênh calci và phóng thích các chất vận chuyển thần kinh như glutamat từ các đầu tận cùng thần kinh tiền synap.
Glutamat được gắn kết với các thụ thể trên màng thần kinh hậu synap làm hoạt hóa và tràn vào ion calci và natri. Quá trình này làm phát động một loạt phản ứng sinh hóa gây phù tế bào, tổn thương ty lạp thể, phát sinh gốc oxy tự do, hoạt hóa protease, nuclease và các men khác.
Tùy thuộc vào mức độ trầm trọng và thời gian thiếu máu kéo dài bao lâu mà các tế bào thần kinh có thể chết nhanh chóng do hoại tử hoặc chết một cách từ từ.
Thiếu máu não có thể chia làm hai vùng là: vùng trung tâm và vùng bao quanh (còn gọi là vùng tranh tối tranh sáng). Vùng trung tâm bị thiếu máu não sẽ nhanh chóng bị hoại tử, còn vùng tranh tối tranh sáng (trung giãn giữa lõi nhồi máu và vùng mô não) nếu được tái tưới máu có thể hồi phục được, mức độ tổn thương phụ thuộc vào thời gian “cửa sổ điều trị” đột quỵ thiếu máu não.
2.2 Cơ chế tổn thương do xuất huyết não
Xuất huyết (chảy máu) vào nhu mô não gây phù độc tế bào và phù mạch máu. Tiếp theo sẽ ảnh hưởng tới đáp ứng viêm nhiễm và các chất thoái hóa của máu. Tăng áp lực nội sọ xảy ra do khối máu tụ, phù xung quanh khối máu tụ hoặc xuất huyết lan vào não thất và tràn dịch não thất. Hậu quả là làm giảm tưới máu khu trú và thoát vị não. Phù phát triển quan khối máu tụ xảy ra sau xuất huyết, cao điểm trong vài ngày và giảm dần trong 2 tuần. Nếu phù nặng kích thước có thể lớn hơn khối máu tụ.
Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây ra tình trạng mất ngủ ở người trẻ
Người có dấu hiệu bị tai biến mạch máu não cần đến viện ngay lập tức để cứu sống các tế bào não, càng đến muộn tế bào não chết sẽ không thể phục hồi.
3. Triệu chứng lâm sàng tai biến mạch máu não bệnh học
3.1 Triệu chứng lâm sàng của đột quỵ thiếu máu não
Nếu là cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) các triệu chứng lâm sàng thường diễn ra đột ngột và trong thời gian ngắn (khoảng vài phút đến dưới 24 giờ) và sau đó biến mất hoàn toàn. Cụ thể như:
Cảm giác nặng hoặc yếu tay, chân
Mất đồng bộ phối hợp trong vận động
Thay đổi về cảm giác: tê rần, kiến bò, …
Rối loạn giọng nói: nói khó, lộn xộn, sai lệch, không nói được
Mất thăng bằng, chóng mặt, ngất xỉu
Đau đầu nhẹ
Nôn, buồn nôn,…
Nếu là nhồi máu não các triệu chứng xuất hiện đột ngột, tiến triển trong vài giờ (hoặc vài ngày). Các triệu chứng cụ thể này phụ thuộc vào vị trí nhồi máu não (tổn thương trong bán cầu đại não hay gặp, tổn thương thân não, tổn thương khiến khuyết,…)
– Liệt chi, liệt nửa người
– Giảm cảm giác
– Giảm thị lực
– Nói khó
>>>>>Xem thêm: Đau nửa đầu sau gáy nguy hiểm đến đâu, chữa trị thế nào?
Đau đầu âm ỉ hoặc dữ dội, kèm mắt nhìn mờ, nói khó, ù tai có thể là dấu hiệu của tai biến mạch máu não, người bệnh cần được nhập viện ngay.
3.2 Triệu chứng lâm sàng của xuất huyết não
Các dấu hiệu diễn ra đột ngột từ vài phút đến vài giờ, với các biểu hiện cụ thể như:
– Thay đổi ý thức
– Liệt nửa người
– Đau đầu và nôn
– Co giật
– Thất điều
– Hôn mê
– Đồng tử co nhỏ.
Trong trường hợp chảy máu dưới nhện (một dạng xuất huyết não) thường có các dấu hiệu như: đau đầu đột ngột dữ dội nhanh chóng lan tỏa khắp đầu khiến bệnh nhân khó chịu nổi; hội chứng kích thích màng não (nôn, cứng gáy, đau lưng thấp, đau chân hai bên); rối loạn ý thức, động kinh, liệt nửa người, tăng thân nhiệt; tăng huyết áp; sốt,…
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.