Tai biến mạch não hay tai biến mạch máu não là biến cố thần kinh nguy hiểm với nguy cơ tử vong cao và những di chứng nặng nề gây ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống của người bệnh. Cùng tìm hiểu các yếu tố nguy cơ và cách điều trị tai biến qua bài viết sau đây.
Bạn đang đọc: Tai biến mạch não: Các yếu tố nguy cơ và cách điều trị
1. Tai biến mạch não là gì, có những dạng nào?
Tai biến mạch não hay tai biến mạch máu não là tình trạng các chức năng của não đột ngọt mất đi, khiến vùng não đó bị thiếu oxy và dinh dưỡng.
Khi não thiếu oxy chỉ trong vòng vài phút, các tế bào não sẽ chết đi. Nếu vùng tế bào não bị tổn thương rộng hoặc nặng, bệnh nhân có thể tử vong hoặc gặp những di chứng nặng nề về vận động, nhận thức, ngôn ngữ, thị giác.
Tình trạng này tồn tại quá 24 giờ hoặc có thể gây tử vong trước 24 giờ.
Tai biến được chia làm 2 loại cơ bản là:
– Nhồi máu não (thiếu máu não cục bộ): Chiếm 80% các ca bị đột quỵ, xảy ra do sự xuất hiện của các cục máu đông (huyết khối), xơ vữa động mạch khiến mạch máu cung cấp cho não bị tắc nghẽn, gây hoại tử và thiếu máu não.
– Xuất huyết não – màng não: Chiếm 20% các ca bệnh, có thể xảy ra do rách thành động mạch, tăng huyết áp, bệnh lý tinh bột, dị dạng mạch máu não, bệnh MoyaMoya…
Tai biến là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Hiện nay, đối tượng bị đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa liên quan đến sự thay đổi về lối sống như ít vận động, căng thẳng… Cùng với đó là sự xuất hiện và trẻ hóa của các bệnh lý.
Tai biến mạch máu não là tình trạng não bị tổn thương do ngừng cung cấp máu đột ngột.
2. Các yếu tố làm tăng nguy cơ tai biến mạch não
Tai biến có thể xảy ra với bất kỳ ai nhưng những nhóm đối tượng có nguy cơ cao bị nhồi máu não và xuất huyết não, khoang dưới nhện gồm:
– Tăng huyết áp: Khi huyết áp tăng cao, thành mạch máu bị tổn thương. Điều này làm tăng tính thấm của thành mạch đối với các lipoprotein máu, khiến các mảng vữa xơ động mạch hình thành gây các tai biến.
– Đái tháo đường: Đái tháo đường thường liên quan đến thiếu máu não cục bộ.
– Các bệnh lý về tim: Bao gồm rung nhĩ, hẹp van hai lá, nhồi máu cơ tim , viêm màng trong tim, bệnh cơ tim, thông liên nhĩ, phình thành nhĩ trái và phải.
– Tăng lipid máu: Tăng lipid máu liên quan đến sự dư thừa chất béo trong cơ thể, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, làm tăng nguy cơ thiếu máu não do bệnh tim. Vì vậy đây cũng là yếu tố hàng đầu tai biến.
– Hẹp động mạch cảnh: Xơ vữa động mạch cảnh là một trong những tác nhân chính gây nhồi máu não trên lâm sàng. Thành của động mạch máu cảnh bị tổn thương tạo điều kiện thuận lợi cho sự tập kết tiểu cầu, tạo nên các huyết khối gây tắc mạch dần dần.
2.2 Các thói quen xấu
– Hút thuốc lá: Thành phần trong thuốc lá làm giảm nồng độ HDL (cholesterol tốt) trong máu, gây tổn thương thành động mạch, tạo điều kiện cho vữa xơ động mạch và cục máu đông hình thành, phát triển.
– Nghiện rượu: Nghiện rượu, ngộ độc rượu cấp hoặc mạn tính là các yếu tố nguy cơ quan trọng gây ra đột quỵ não.
2.3 Tai biến thiếu máu não thoáng qua và tiền sử bị đột quỵ
Nếu đã từng bị thiếu máu não thoáng, bạn rất dễ bị đột quỵ thiếu máu não thực sự. Đột quỵ não thoáng qua càng xuất hiện nhiều lần khả năng đột quỵ loại thiếu máu não càng cao. Ngoài ra, các bệnh nhân đã từng bị đột quỵ vẫn có khả năng tái phát trở lại và khả năng đó cao hơn sự xuất hiện của thiếu máu não thoáng qua.
Tìm hiểu thêm: Nguy cơ đột quỵ xảy ra và biện pháp góp phần hạn chế
Những người từng bị thiếu máu não thoáng qua rất dễ bị tai biến mạch máu não thực sự.
3. Cách điều trị tai biến mạch máu não
3.1 Cần làm gì khi bệnh nhân bị tai biến mạch não?
Khi đã chẩn đoán xác định bệnh nhân bị tai biến mạch máu não, cùng với thăm khám lầm sàng triệu chứng và tiền sử bệnh, cần thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như :
– Xét nghiệm dịch não tủy
– Chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ sọ não, mạch não
– Đo điện tim
– Siêu âm tim, Doppler tim…
Sau đó bệnh nhân được điều trị theo phác đồ điều trị tai biến mạch máu não Bộ Y tế.
3.2 Nguyên tắc trong điều trị tai biến mạch não
Một số nguyên tắc điều trị tai biến cần lưu ý đó là:
– Xử trí tai biến bằng cách thực hiện cấp cứu theo quy trình
– Chống phù não tích cực
– Xác định và áp dụng phác đồ điều trị thích hợp đối từng trường hợp chảy máu não hay nhồi máu não.
– Điều trị triệu chứng, giúp giảm co giật, ổn định đường máu, thân nhiệt…
– Thực hiện điều chỉnh cân bằng nước và điện giải trong cơ thể, cân bằng kiềm toan
– Thực hiện các biện pháp chống bội nhiễm các cơ quan hô hấp và tiết niệu, đặc biệt là phổi
– Áp dụng chế độ dinh dưỡng, phù hợp, đủ chất mỗi ngày
– Thực hiện phục hồi chức năng cho bệnh nhân, chống tình trạng lở loét, teo cơ, cứng khớp…
– Thực hiện phẫu thuật và phục hồi nhu mô não nếu cần thiết
>>>>>Xem thêm: Thực phẩm giúp kiểm soát huyết áp, phòng bệnh tim
Chụp cộng hưởng từ là một trong những phương pháp quan trọng chẩn đoán tai biến.
3.3 Phương pháp điều trị cụ thể
Đối với từng loại đột quỵ não thì sẽ có những cách điều trị như sau:
– Đối với chảy máu não, chảy máu dưới màng nhện:
Các loại thuốc tiêm có tác dụng đông hay cầm máu được ưu tiên sử dụng trong điều trị tai biến mạch máu não trong trường hợp này. Có thể dùng Transamin 0.25g/ 2- 4 ống, tiêm đường tĩnh mạch.
Nếu chảy máu dưới nhện và chảy máu não lớn kèm theo tràn máu não thất thì có thể tiêm Nimotop 10mg/ 50ml đường tĩnh mạch, dùng bơm điện. Thuốc có tác dụng chống co mạch, ngăn nhồi máu não thứ phát.
Nếu có ổ máu tụ có kích thước lớn hơn 60ml gây rối loạn ý thức, có thể tiến hành phẫu thuật để lấy ổ máu tụ bán cầu.
Lưu ý phải tìm ra nguyên nhân của việc chảy máu não là do phình mạc, dị dạng mạch máu hay do nguyên nhân khác để điều trị triệt để.
– Đối với nhồi máu não:
Phương pháp điều trị là tiến hành làm tiêu cục máu đông bằng cách chuyển Plasminogen thành Plasmin, sau đó phân hủy thành Fibrin và Protein đông huyết tương.
Bên cạnh đó, bệnh nhân được dùng các loại thuốc chống tình trạng tập kết tiểu cầu như Aspirin 100- 325mg, Ticlopidin 200mg, Aggrenox, Clopidogrel 75mg… Để chống đông máu, có thể dùng Heparin, dự phòng bằng thuốc Warfarin, Lovenox… Ngoài ra, có thể cho bệnh nhân dùng thuốc nuôi dưỡng tế bào thần kinh vùng bán ảnh như Duxil, Nootropyl, Tanakan…
Trong một số trường hợp, các bác sĩ có thể chỉ định thực hiện can thiệp nội mạch để lấy cục máu đông ra.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.