Nếu các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn kéo dài sau khi điều trị thì có thể phải điều trị bằng một loại thuốc khác hoặc cũng có thể các triệu chứng là do một bệnh lý khác gây ra.
Tại sao đã điều trị bằng kháng sinh mà nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn không khỏi?
Nhiễm trùng đường tiết niệu thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đa phần thì bệnh sẽ khỏi sau một đợt kháng sinh nhưng đôi khi, các triệu chứng vẫn tiếp diễn sau điều trị và thậm chí còn có thể trở nên nặng hơn. Điều này có thể là do một số nguyên nhân.
Bài viết dưới đây sẽ nêu ra một số lý do tại sao các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn không khỏi dù đã điều trị bằng thuốc kháng sinh và giải pháp trong những trường hợp như vậy.
Tại sao nhiễm trùng đường tiết niệu không khỏi dù đã điều trị bằng kháng sinh?
Nhiễm trùng đường tiết niệu là tình trạng nhiễm trùng và viêm xảy ra ở các cơ quan trong đường tiết niệu, gồm có thận, niệu quản, bàng quang và niệu đạo. Đây là một trong những bệnh nhiễm trùng phổ biến nhất. Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị bước đầu cho hầu hết các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các bác sĩ thường kê thuốc kháng sinh mà không yêu cầu làm xét nghiệm cấy nước tiểu. Lý do là vì gần 90% số ca nhiễm trùng đường tiết niệu là do vi khuẩn E. coli gây ra.
Tuy nhiên, không phải lúc nào nhiễm trùng đường tiết niệu cũng đáp ứng loại thuốc kháng sinh mà bác sĩ kê. Điều này đa phần là do một trong các lý do sau đây:
- Nhiễm trùng đường tiết niệu là do một chủng vi khuẩn kháng kháng sinh gây ra
- Một loại vi khuẩn khác hoặc nấm, virus gây nhiễm trùng chứ không phải e. Coli
- Các triệu chứng là của một tình trạng bệnh lý khác không phải nhiễm trùng đường tiết niệu
Vi khuẩn kháng kháng sinh
Nhiễm trùng đường tiết niệu kháng kháng sinh có nghĩa là vi khuẩn gây nhiễm trùng không đáp ứng với thuốc kháng sinh. Điều này xảy ra khi vi khuẩn tiến hóa và có khả năng chống lại tác dụng của thuốc kháng sinh. Nguyên nhân thường là do sử dụng kháng sinh thường xuyên hoặc liên tục trong thời gian dài.
Những người có bệnh lý nền hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính có nguy cơ kháng kháng sinh cao nhất.
Dùng không đúng loại kháng sinh
Xét nghiệm cấy nước tiểu giúp xác định chính xác loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và từ đó bác sĩ có thể kê đúng loại thuốc vì mỗi loại kháng sinh chỉ tác dụng đối với một số loại vi khuẩn nhất định. Nếu kê thuốc chỉ dựa trên kết quả phân tích nước tiểu mà không thực hiện xét nghiệm cấy nước tiểu thì sẽ có khả năng sử dụng loại kháng sinh không phù hợp.
Nếu các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn tiếp diễn sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh thì rất có thể bệnh là do một chủng vi khuẩn ít phổ biến hơn hoặc thậm chí là nấm hoặc virus gây ra.
Nghiên cứu cho thấy rằng việc dùng không đúng loại thuốc kháng sinh cũng là một nguyên nhân gây ra tình trạng kháng kháng sinh.
Mắc bệnh lý khác không phải nhiễm trùng đường tiết niệu
Trong một số trường hợp, các triệu chứng vẫn không khỏi dù đã dùng thuốc kháng sinh là do đó vốn không phải là triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu mà là của một tình trạng bệnh lý khác. Có khá nhiều bệnh lý có triệu chứng tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu, ví dụ như:
- Viêm bàng quang cấp tính
- Viêm bàng quang kẽ
- Bàng quang tăng hoạt
- Nhiễm trùng thận
- Sỏi thận
- Viêm âm đạo
- Chlamydia
- Bệnh lậu
- Trichomonas
- Mụn rộp sinh dục
- Ung thư bàng quang
- Ung thư tuyến tiền liệt
Viêm bàng quang và nhiễm trùng thận
Cả viêm bàng quang và nhiễm trùng thận đều có thể là do vi khuẩn gây nhiễm trùng đường tiết niệu lan đến bàng quang hoặc thận.
Giống như nhiễm trùng đường tiết niệu, viêm bàng quang và nhiễm trùng thận cũng thường được điều trị bằng một đợt kháng sinh. Tuy nhiên, đôi khi, các triệu chứng viêm bàng quang và nhiễm trùng thận vẫn kéo dài dù đã dùng hết đợt kháng sinh. Điều này cũng có thể là do vi khuẩn kháng thuốc hoặc dùng không đúng loại kháng sinh.
Bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI)
Các bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến, chẳng hạn như chlamydia và bệnh lậu cũng có một số triệu chứng tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu.
Các loại thuốc kháng sinh được dùng để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu thường không có tác dụng đối với các bệnh lây truyền qua đường tình dục này.
Nếu như đã điều trị bằng thuốc kháng sinh mà các triệu chứng vẫn không hết thì nên đi khám để làm xét nghiệm xác định nguyên nhân chính xác.
Giải pháp điều trị
Nếu tình trạng nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn tiếp tục kéo dài dù đã điều trị bằng thuốc kháng sinh thì cần làm xét nghiệm cấy nước tiểu để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng.
Nếu nhiễm trùng đường tiết niệu là do một loại vi khuẩn khác hoặc nấm, virus gây ra thì bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác để điều trị.
Ngoài ra, người bệnh nên thực hiện các thay đổi lối sống sau đây để làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát và giảm mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.
- Thay đổi thói quen đi vệ sinh: Chỉ một vài thay đổi nhỏ trong thói quen đi vệ sinh hàng ngày cũng có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu, chẳng hạn như đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn, không nhịn tiểu, lau từ trước ra sau và đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục.
- Uống nhiều nước hơn: Uống đủ nước là điều rất cần thiết để có hệ tiết niệu khỏe mạnh. Uống nhiều nước có thể giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi đường tiết niệu và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Uống nước ép nam việt quất: Đây là một trong những phương pháp điều trị tự nhiên cho bệnh nhiễm trùng đường tiết niệu. Uống nước ép nam việt quất giúp ngăn vi khuẩn bám vào đường tiết niệu và nhờ đó làm giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Ăn nhiều trái cây và rau củ: Trái cây và rau củ chứa hàm lượng vitamin và khoáng chất cao, đây là những chất dinh dưỡng cần thiết cho hệ miễn dịch. Hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp phòng ngừa nhiều bệnh tật, bao gồm cả nhiễm trùng đường tiết niệu. Đặc biệt, hãy ăn nhiều thực phẩm giàu vitamin C vì loại vitamin này có thể làm giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu.
- Bổ sung men vi sinh: Một số loại lợi khuẩn, chẳng hạn như Lactobacillus, có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiết niệu. Ngoài ra, bổ sung men vi sinh sẽ giúp tăng số lượng lợi khuẩn và khôi phục sự cân bằng hệ vi sinh vật trong cơ thể sau một đợt dùng thuốc kháng sinh.
- Sử dụng thực phẩm chức năng: Một số loại thực phẩm chức năng, ví dụ như chiết xuất nam việt quất và chiết xuất tỏi hiện đang được nghiên cứu làm phương pháp điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu. Sử dụng các sản phẩm này có thể giúp giảm nguy cơ tái phát và mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Những cách này có hiệu quả nhất đối với nhiễm trùng đường tiết niệu, nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng thận vì ba tình trạng này có cách điều trị tương tự nhau.
Nếu các triệu chứng là do một bệnh lý khác gây ra chứ không phải nhiễm trùng đường tiết niệu thì sẽ phải điều trị bằng cách khác.
Nhiễm trùng đường tiết niệu và ung thư
Mặc dù số lượng nghiên cứu còn hạn chế nhưng một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiết niệu có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. (1)
Ngoài ra, ung thư bàng quang và ung thư tuyến tiền liệt cũng có các triệu chứng tương tự như nhiễm trùng đường tiết niệu..
Nếu bạn đang gặp bất kỳ triệu chứng nào dưới đây, hãy đi khám ngay để được chẩn đoán chính xác.
Ung thư bàng quang
Các triệu chứng ung thư bàng quang rất giống với các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu.
Tuy nhiên, những triệu chứng này sẽ không biến mất sau khi điều trị bằng thuốc kháng sinh mà sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian.
Những triệu chứng này gồm có:
- Đau khi đi tiểu
- Đi tiểu nhiều lần
- Máu trong nước tiểu
- Tiểu không tự chủ (són tiểu)
- Đau bụng hoặc thắt lưng
Ung thư tuyến tiền liệt
Giống như ung thư bàng quang, ung thư tuyến tiền liệt cũng có một số triệu chứng giống với nhiễm trùng đường tiết niệu. Ung thư tuyến tiền liệt cũng không đáp ứng với thuốc kháng sinh và theo thời gian, những triệu chứng này sẽ dần trở nên nặng hơn.
Các triệu chứng của ung thư tuyến tiền liệt gồm có:
- Đi tiểu nhiều lần
- Dòng nước tiểu yếu
- Tiểu ra máu
- Rối loạn cương dương
- Đau ở vùng chậu, lưng hoặc ngực
Tóm tắt bài viết
Đa phần nhiễm trùng đường tiết niệu đều khỏi sau một đợt kháng sinh và hầu hết các triệu chứng thuyên giảm hoặc biến mất chỉ sau vài ngày dùng thuốc.
Nhưng đôi khi, các triệu chứng vẫn kéo dài sau điều trị. Có 3 lý do chính dẫn đến điều này: vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh, sử dụng không đúng loại kháng sinh hoặc mắc một bệnh lý khác không phải nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nếu các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu không thuyên giảm khi điều trị bằng kháng sinh thì nên đi khám lại để xác định nguyên nhân và có giải pháp điều trị.