Bệnh trĩ là căn bệnh phổ biến, được nhận thức từ xa xưa. Do vậy, có không ít bài thuốc từ các loại cây được dân gian truyền miệng nhau để điều trị bệnh trĩ. Bài viết này sẽ tìm hiểu về trĩ, cũng như giúp bạn hiểu tại sao không nên áp dụng các bài thuốc cây chữa bệnh trĩ.
Bạn đang đọc: Tại sao không nên dùng cây chữa bệnh trĩ?
1. Những điều cần biết về bệnh trĩ: Giải thích bệnh, phân loại và nguyên nhân
1.1. Giải thích: Bệnh trĩ là loại bệnh như thế nào?
Bệnh trĩ là căn bệnh có tỷ lệ mắc trong cộng đồng rất cao. Từ lâu, bệnh trĩ đã được nhận thức và cũng vì vậy, nhiều bài thuốc từ các loại cây chữa bệnh trĩ đã ra đời.
Trĩ xảy ra do tình trạng giãn nở các tĩnh mạch ở vùng hậu môn – trực tràng quá mức. Do vậy hình thành nên các búi trĩ. Các chuyên gia đưa ra hai giả thuyết lý giải cơ chế bệnh sinh của trĩ. Về mặt cơ học, búi trĩ là hệ quả sau khi chịu quá nhiều áp lực ở hậu môn. Điều này khiến tĩnh mạch và dây chằng cố định đệm hậu môn bị giãn ra. Dưới góc nhìn mạch máu, bệnh trĩ diễn ra sau một thời gian tuần hoàn ở hậu môn không ổn định. Búi trĩ hình thành khi máu không quay trở về tim mà ứ đọng lại tĩnh mạch, gây ra giãn nở và phồng to lên.
Hình ảnh búi trĩ qua minh họa
1.2. Phân loại bệnh trĩ như thế nào?
Theo vị trí của búi trĩ, có thể chia bệnh thành trĩ nội, trĩ ngoại và trĩ hỗn hợp.
Trĩ nội: Vị trí xuất hiện của các búi trĩ là trên đường lược của hậu môn và trực tràng. Trĩ nội nằm trong ống hậu môn. Việc quan sát và nhận biết trĩ nội sẽ khó khăn hơn.
Trĩ ngoại: Vị trí xuất hiện là bên ngoài ống hậu môn, nằm dưới đường lược. Bệnh dễ phát hiện hơn trĩ nội, tuy nhiên, mức độ đau đớn của trĩ ngoại là cao hơn. Búi trĩ khi sa ra ngoài sẽ cọ xát vào trang phục, ghế ngồi,.. Điều này gây khó chịu và phiền toái cho người bệnh.
Ngoài ra, khi người bệnh có búi trĩ ở cả trong và ngoài ống hậu môn, tình trạng này là trĩ hỗn hợp.
Bệnh trĩ thông thường được chia thành 4 cấp độ. Đối với trĩ nội, các cấp độ dựa theo mức độ sa của búi trĩ. Ở độ 1,2, mức độ sa còn nhẹ, các búi trĩ vẫn có thể tự co lên, có thể điều trị bằng thuốc. Đến cấp độ 3,4, bệnh trĩ không thể điều trị bằng nội khoa mà bắt buộc phải can thiệp ngoại khoa để xử lý triệt để do các búi trĩ không thể tự co lên.
Đối với trĩ ngoại, bệnh trĩ cũng được chia thành 4 cấp: Hình thành – tăng kích cỡ – sa nghẹt hậu môn – hoại tử, viêm nhiễm búi trĩ.
1.3. Các nguyên nhân tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ ở người
Bệnh trĩ có thể xuất phát từ rất nhiều lý do ngoại cảnh. Trong đó, những yếu tố phổ biến thúc đẩy nguy cơ mắc bệnh trĩ có thể kể đến như:
– Táo bón kéo dài dẫn đến việc rặn đại tiện quá mạnh trong thời gian dài, điều này dẫn đến tình trạng tăng áp lực lên tĩnh mạch, rối loạn tuần hoàn hậu môn, dần gây ra bệnh trĩ.
– Đa phần táo bón bắt nguồn từ việc ăn ít rau xanh, không cung cấp đủ chất xơ cho cơ thể. Ngoài ra, uống ít nước và ăn nhiều đồ cay nóng cũng gây ra táo bón dẫn đến bệnh trĩ.
– Không thường xuyên vận động, ngồi hoặc đứng quá lâu một tư thế.
– Phụ nữ mang thai và sau sinh. Sản phụ sinh thường do rặn đẻ không đúng cách, rặn đẻ quá mạnh
– Đi đại tiện lâu, rặn nhiều khi đại tiện, rặn không đúng cách khi đại tiện.
Tìm hiểu thêm: [Cẩm nang sức khỏe] Bệnh trĩ có nên tập thể dục?
Táo bón gây ra bệnh trĩ: Nguyên nhân phổ biến hơn cả
2. Điều trị bệnh trĩ: tại sao không nên tự ý áp dụng bài thuốc từ các loại cây
Xoay quanh bệnh trĩ, có hàng trăm bài thuốc lưu lại về cách điều trị căn bệnh ám ảnh này bằng các loại cây, loại lá. Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo việc điều trị bệnh trĩ nhất định phải có tham vấn y khoa. Không nên tự ý điều trị bệnh trĩ tại nhà bằng các loại cây.
2.1. Cây chữa bệnh trĩ không thể thay thế cho điều trị chuyên khoa
Bệnh nhân trĩ nhất định phải điều trị chuyên khoa. Lý do của điều này như sau:
– Các loại “cây chữa bệnh trĩ” thực chất chỉ không thể điều trị hoàn toàn bệnh mà chỉ có một số công dụng nhất định ảnh hưởng lên búi trĩ. Hiệu quả của các bài thuốc, các loại cây, lá, dược liệu là tương đối thấp, có tác dụng với búi trĩ là không nhiều. Đôi khi chúng chỉ có tác dụng trong những trường hợp bệnh rất nhẹ. Các đặc tính của chúng khá chung chung, không hoàn toàn làm teo nhỏ búi trĩ hoặc loại bỏ hoàn toàn búi trĩ được. Do vậy, coi các loại cây như một loại thuốc chữa bệnh triệt để dựa vào những đặc tính này là điều không nên thực hiện.
– Tình trạng bệnh trĩ của mỗi người là khác nhau. Do vậy, nhất định không thể áp dụng cùng một bài thuốc chữa bệnh vào tất cả mọi trường hợp.
– Việc điều trị bệnh theo mẹo bằng các loại cây chữa bệnh trĩ dân gian không đảm bảo vệ sinh có thể gây nhiễm trùng, hoại tử búi trĩ.
2.2. Điều trị chuyên khoa an toàn và hiệu quả cho bệnh nhân trĩ
Một số biện pháp điều trị khoa học, an toàn và hiệu quả được các chuyên gia về hậu môn – trực tràng đưa ra như sau:
– Điều trị nội khoa (bằng thuốc) đối với các trường hợp bệnh nhân trĩ đang ở tình trạng nhẹ. Các loại thuốc sẽ nhằm mục đích làm giảm triệu chứng, giảm đau, hỗ trợ nhuận tràng và tăng độ bền tĩnh mạch. Ngoài ra, một số loại thuốc bổ máu có thể sẽ được kê cho bệnh nhân trong trường hợp mất máu quá nhiều do trĩ.
– Điều trị ngoại khoa (can thiệp phẫu thuật, thủ thuật) giúp loại bỏ búi trĩ hoàn toàn và triệt để. Các phương pháp này thường áp dụng khi bệnh trĩ đã nặng hơn. Hiện nay có một số công nghệ giúp loại bỏ búi trĩ an toàn, hiệu quả như phương pháp Laser Diode – tiêu trĩ không dùng đến dao kéo, mổ trĩ Longo ít xâm lấn, khâu treo – thắt mạch trĩ,…
>>>>>Xem thêm: Kiểm chứng: Lá cúc tần chữa bệnh trĩ được không?
Điều trị chuyên khoa thay vì sử dụng cây chữa bệnh trĩ
Thay vì dùng các loại cây chữa bệnh trĩ, điều cần làm khi phát hiện bị trĩ là đến cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám. Bác sĩ sẽ thăm khám, xác định tình trạng bệnh của bạn đang ở giai đoạn nào. Sau đó sẽ chỉ định phương pháp phù hợp, đảm bảo loại bỏ trĩ triệt để và hiệu quả.
Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.