Tại sao lại bị nhiễm nấm âm đạo khi dùng kháng sinh?

Thuốc kháng sinh phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật trong âm đạo, tạo môi trường thuận lợi cho nấm men phát triển.

Tại sao lại bị nhiễm nấm âm đạo khi dùng kháng sinh?
Tại sao lại bị nhiễm nấm âm đạo khi dùng kháng sinh?

Nội dung chính của bài viết

  • Thuốc kháng sinh có thể gây nhiễm trùng nấm men, trong đó có nhiễm nấm âm đạo vì thuốc tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi vốn có vai trò kiểm soát sự phát triển quá mức của nấm men trong âm đạo.
  • Tuy nhiên, có một số biện pháp để ngăn ngừa những tác động tiêu cực của thuốc kháng sinh và giảm nguy cơ bị bệnh phụ khoa này như sử dụng thuốc chống nấm, bổ sung lợi khuẩn, ăn sữa chua…
  • Không mặc đồ lót ướt, tránh ngâm mình trong nước nóng, mặt quần lót cotton, không thụt rửa, tránh các sản phẩm có mùi là những biện pháp để giảm nguy cơ nhiễm trùng nấm men, bất kể là có đang dùng thuốc hay không.
  • Nếu như đã dùng thuốc kê đơn mà các triệu chứng vẫn không hết thì có thể là do một vấn đề khác, cần thay đổi phương pháp điều trị.

Thuốc kháng sinh có thể gây nhiễm nấm âm đạo?

Thuốc kháng sinh được sử dụng để tiêu diệt vi khuẩn có hại trong cơ thể và điều trị nhiều bệnh khác nhau. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi và điều này có thể dẫn đến nhiễm nấm âm đạo. Nhiễm nấm âm đạo là một dạng nhiễm trùng nấm men.

Vấn đề này xảy ra khi nấm Candida – một loại nấm men tồn tại tự nhiên trong âm đạo – bắt đầu phát triển quá mức, vượt tầm kiểm soát. Nhiễm nấm âm đạo gây ngứa ngáy dữ dội, kích ứng ở âm đạo và âm hộ (vùng bên ngoài âm đạo).

Cùng đọc tiếp để hiểu rõ hơn tại sao thuốc kháng sinh lại có thể gây nhiễm nấm âm đạo và làm thế nào để tránh bị vấn đề này trong thời gian dùng kháng sinh.

Nguyên nhân

Bình thường, các loại nấm và vi khuẩn trong âm đạo tồn tại ở thế cân bằng. Vi khuẩn Lactobacillus có vai trò giữ cho âm đạo có tính axit nhẹ và điều này giúp kiểm soát sự sinh sôi của nấm.

Thuốc kháng sinh phổ rộng, ví dụ như những loại được dùng để điều trị bệnh viêm phế quản hoặc viêm xoang, có thể phá vỡ sự cân bằng tự nhiên của hệ vi sinh vật trong âm đạo. Những loại thuốc này tiêu diệt vi khuẩn gây bệnh nhưng đồng thời cũng loại bỏ cả vi khuẩn có lợi, trong đó có Lactobacillus. Khi không có đủ số lượng lợi khuẩn Lactobacillus, âm đạo sẽ giảm tính axit và trở thành một môi trường lý tưởng cho sự phát triển của nấm men.

Làm thế nào để giảm nguy cơ?

Có thể giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm nấm âm đạo trong thời gian dùng thuốc kháng sinh bằng những biện pháp dưới đây.

Nói chuyện với bác sĩ

Nếu bị nhiễm trùng nấm men mãn tính hoặc từng bị vấn đề này vào những lần dùng kháng sinh trước đây thì hãy nói với bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc chống nấm đường uống ví dụ như fluconazole (Diflucan) để dùng kèm với thuốc kháng sinh.

Với thuốc fluconazole, người dùng sẽ uống một viên vào ngày đầu tiên dùng kháng sinh và sau đó cứ cách 7 ngày lại uống một viên cho đến khi kết thúc đợt kháng sinh. Điều này sẽ giúp ngăn chặn sự phát triển quá mức của nấm men trong thời gian điều trị.

Sử dụng thuốc chống nấm không kê đơn

Sử dụng các loại thuốc bôi chống nấm không kê đơn có thể giúp ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men do kháng sinh. Các loại thuốc này làm thay vai trò của lợi khuẩn, giúp kiểm soát sự phát triển của nấm men.

Cần sử dụng thuốc đúng theo hướng dẫn đi kèm. Người dùng sẽ bắt đầu sử dụng thuốc chống nấm cùng lúc với thuốc kháng sinh để ngăn ngừa nhiễm trùng nấm men và có thể sử dụng vào bất kỳ thời điểm nào trong suốt quá trình uống kháng sinh.

Bổ sung lợi khuẩn

Thuốc kháng sinh tiêu diệt cả những vi khuẩn có lợi trên khắp cơ thể. Có thể ngăn ngừa và khắc phục những vấn đề xảy ra do sự mất cân bằng hệ vi sinh vật bằng cách bổ sung thêm số lượng lợi khuẩn trong cơ thể.

Nên ăn sữa chua chứa men sống hoặc dùng các loại viên uống bổ sung men vi sinh.

Sữa chua

Ăn sữa chua giúp bổ sung vi khuẩn có lợi cho toàn cơ thể và phụ nữ cũng có thể bôi một ít sữa chua ở gần âm đạo để bổ sung lợi khuẩn trực tiếp cho khu vực này. Nhưng cần lưu ý chọn loại không có đường và có chứa men sống.

Cách này giúp giảm ngứa ở vùng âm đạo và âm hộ.

Không sử dụng kháng sinh khi không cần thiết

Không nên lạm dụng kháng sinh để điều trị những bệnh nhiễm trùng nhẹ. Trong những trường hợp này, việc dùng kháng sinh sẽ chỉ rút ngắn thời gian khỏi bệnh xuống từ 1 – 2 ngày nhưng lại gây ra nhiều hậu quả về sau.

Nếu bắt buộc phải dùng kháng sinh thì cần hỏi bác sĩ về biện pháp ngăn ngừa các vấn đề không mong muốn trong thời gian dùng thuốc.

Một điều rất quan trọng khi uống thuốc kháng sinh là phải dùng đủ liều. Nhiều người thường dừng giữa chừng khi thấy không còn triệu chứng. Điều này sẽ dẫn đến kháng kháng sinh, có nghĩa là thuốc kháng sinh sẽ không thể chống lại vi khuẩn có hại một cách hiệu quả.

Biện pháp khác để ngăn ngừa nhiễm nấm âm đạo

Dưới đây là một số biện pháp để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng nấm men, bất kể là có đang dùng thuốc kháng sinh hay không:

  • Thay đồ lót ướt càng sớm càng tốt: sau khi đi bơi hoặc tập thể dục thì cần vệ sinh sạch sẽ vùng kín và thay đồ ngay khi có thể. Nấm men có thể phát triển mạnh trong môi trường ẩm ướt.
  • Tránh ngâm mình trong nước nóng: môi trường ấm áp cũng là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của nấm men.
  • Mặc quần rộng rãi: việc thường xuyên mặc quần bó sát sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm nấm âm đạo. Quần bó sẽ làm tăng nhiệt độ và độ ẩm ở vùng kín.
  • Mặc quần lót cotton: chất liệu cotton thoáng khí, giúp thoát hơi ẩm và giữ cho vùng kín luôn khô ráo. Điều này giúp hạn chế sự phát triển của nấm men.
  • Không được thụt rửa: việc thụt rửa sẽ loại bỏ vi khuẩn có lợi ra khỏi âm đạo.
  • Tránh các sản phẩm có mùi: ví dụ như xịt thơm vùng kín, dung dịch thụt rửa, tampon hay băng vệ sinh có mùi thơm.
  • Kiểm soát lượng đường trong máu khi bị tiểu đường: lượng đường trong máu cao sẽ tạo điều kiện cho nấm men sinh sôi, phát triển.

Dấu hiệu cần đi khám bác sĩ

Có thể phải dùng các loại thuốc bôi trị nấm không kê đơn trong thời gian lên đến 10 ngày mới có thể điều trị khỏi tình trạng nhiễm nấm. Nếu các triệu chứng vẫn không cải thiện sau thời gian này thì nên đi khám ​​bác sĩ. Nếu vấn đề tái đi tái lại từ 4 – 5 lần trở lên trong một năm thì cũng cần phải đi khám. Bác sĩ sẽ chỉ định dùng các loại thuốc kê đơn vì trong những ttrường hợp này, thuốc không kê đơn thường không có hiệu quả.

Nếu như đã dùng thuốc kê đơn mà các triệu chứng vẫn không hết thì rất có thể không phải nhiễm trùng nấm men mà là một vấn đề khác, chẳng hạn như nhiễm khuẩn âm đạo. Đây là một dạng viêm âm đạo với các triệu chứng rất giống nhiễm nấm âm đạo. Tuy nhiên, vì không phải do nấm gây ra nên vấn đề này sẽ không đáp ứng với các loại thuốc trị nấm. Nhiễm khuẩn âm đạo thường phải điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *