Tầm quan trọng của việc cho trẻ uống thuốc tẩy giun

Nhiều cha mẹ chưa ý thức được tầm quan trọng của việc cho trẻ uống thuốc tẩy giun nên còn xem nhẹ, lơ là vấn đề này. Trẻ bị nhiễm giun sẽ phải đối mặt với rất nhiều rủi ro sức khỏe, ảnh hưởng đến quá trình phát triển cả về thể chất, tinh thần sau này.

Bạn đang đọc: Tầm quan trọng của việc cho trẻ uống thuốc tẩy giun

1. Trẻ bị nhiễm giun – Sức khỏe bị ảnh hưởng

1.1. Tác hại

Giun là loại ký sinh trùng sống bên trong cơ thể, chúng tấn công và hủy hoại sức khỏe một cách âm thầm. Khi bị nhiễm giun có thể mới đầu không gặp nguy hiểm. Tuy nhiên, sau một thời gian mà không được điều trị thì có thể tạo ra các u nang trong phổi và gan. Từ đó dẫn đến viêm phổi và các rối loạn thần kinh khác.

Trẻ em là đối tượng rất dễ bị nhiễm giun, nhất là ở nhóm tuổi mầm non, tiểu học. Trẻ bị nhiễm giun là do:

– Ăn phải trứng giun trong thức ăn.

– Sử dụng nước uống bị ô nhiễm.

– Ấu trùng giun xâm nhập qua da khi tiếp xúc với đất bẩn, đưa tay bẩn lên miệng.

– Người lớn không rửa sạch tay khi chuẩn bị thức ăn cho trẻ.

Giun xâm nhập vào trong cơ thể sẽ khiến trẻ bị tổn hại về mặt sức khỏe. Những tác hại có thể gặp khi trẻ bị nhiễm giun như là:

– Suy dinh dưỡng.

– Thiếu máu.

– Rối loạn tiêu hóa.

– Bệnh gan mật.

Nhiễm giun lâu dài còn ảnh hưởng đến sự phát triển cả về thể chất và tinh thần của trẻ:

– Cơ thể còi cọc và nhẹ cân hơn so với bạn bè đồng trang lứa.

– Chậm phát triển trí tuệ.

– Thiếu tập trung, thường xuyên phải nghỉ học do không đủ sức khỏe.

1.2. Biểu hiện nhận biết

Trẻ bị nhiễm giun thường khó để phát hiện ra. Cha mẹ cần để ý tới một số biểu hiện lạ ở trẻ và theo dõi sát sao để có căn cứ nghi ngờ:

– Đầy hơi, đau bụng.

– Tiêu chảy.

– Ngứa ngáy, hay gãi.

– Bỏ bữa, không thích ăn kể cả món con thích.

– Sụt cân.

– Ho không rõ nguyên nhân.

Tầm quan trọng của việc cho trẻ uống thuốc tẩy giun

Nếu cha mẹ thấy con có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, bỏ ăn,… thì rất có thể đã bị nhiễm giun

2. Khi nào cần cho trẻ uống thuốc tẩy giun?

Kể cả không có triệu chứng thì cha mẹ vẫn cần cho trẻ uống thuốc tẩy giun định kỳ. Việc tẩy giun được khuyến cáo ở tất cả trẻ nhỏ. Cha mẹ nên tẩy giun cho trẻ hàng năm hoặc 2 năm một lần. Nhất là càng cần thực hiện ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém và khi trẻ có biểu hiện nhiễm giun.

Trẻ em từ 12 tháng tuổi có thể bắt đầu thực hiện tẩy giun bởi đây là thời điểm trẻ nhiễm giun đường ruột phổ biến nhất. Trẻ em mẫu giáo, trẻ trong độ tuổi đi học không nên bỏ lỡ lịch tẩy giun định kỳ.

3. Các loại thuốc dùng cho trẻ để tẩy giun

3.1. Thuốc tẩy giun cho trẻ em tốt và hiệu quả hiện nay

Hiện nay, có 4 loại thuốc tẩy giun được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo dùng cho trẻ em là:

– Albendazol

– Mebendazol

– Pyrantel embonate

– Levamisole.

Trong đó, Mebendazol và Albendazol là 2 loại được sử dụng phổ biến ở Việt Nam. Mebendazol là loại thuốc hoạt động bằng cách ức chế, ngăn cản sự tiêu thụ chất dinh dưỡng của các loại giun. Mục đích nhằm để điều trị nhiễm giun như giun đũa, giun kim, giun móc… Trong khi đó Albendazol hoạt động bằng cách ngăn chặn giun hấp thụ đường (glucose). Dần dần giun mất năng lượng và chết. Albendazol được dùng bằng đường uống ở dạng viên nén (Ví dụ: Zentel, azoltel, pyme Abz…)

Cha mẹ yên tâm khi tẩy giun cho trẻ vì các loại thuốc này đã được nghiên cứu an toàn. Khả năng gây tác dụng phụ chỉ khoảng 0,09%, thường là đau bụng, buồn nôn, đau đầu thoáng qua… Các biểu hiện này thường không cần sự can thiệp y tế.

3.2. Liều dùng của từng loại thuốc tẩy giun

Liều lượng thuốc phụ thuộc vào từng độ tuổi sử dụng:

– Trẻ em từ 12 tháng tuổi đến dưới 24 tháng tuổi: Dùng 1 liều duy nhất Albendazole 200mg hoặc mebendazole 500mg

– Trẻ từ 24 tháng tuổi trở lên: Dùng 1 liều duy nhất Albendazole 400mg hoặc mebendazole 500mg.

Cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc tẩy giun vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày. Việc uống thuốc không phụ thuộc vào thời điểm ăn. Với những trẻ quá bé, khó nuốt trọn viên thuốc thì cha mẹ có thể nghiền nhỏ viên thuốc, cho trẻ uống với một ít nước đun sôi để nguội.

Tìm hiểu thêm: Ridlor 75mg điều trị bệnh lý gì, lưu ý ra sao khi sử dụng?

Tầm quan trọng của việc cho trẻ uống thuốc tẩy giun

Trẻ em cần được tẩy giun định kỳ để loại bỏ nguy cơ nhiễm giun trong quá trình vui chơi, học tập, sinh hoạt

3.3. Chống chỉ định

Những trẻ có một trong các yếu tố dưới đây chống chỉ định dùng thuốc:

– Trẻ đang mắc bệnh cấp tính, trẻ đang trong tình trạng sốt cao >38,5° C.

– Trẻ đang trong đợt hen cấp .

– Trẻ có tiền sử dị ứng với thành phần của thuốc.

– Trẻ em dưới 12 tháng tuổi.

4. Một số giải pháp ngăn ngừa nhiễm giun

Để phòng ngừa nhiễm giun ở trẻ, cha mẹ có thể áp dụng một số phương pháp sau:

– Hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên, tạo thành một thói quen hàng ngày (sau khi đi vệ sinh, trước bữa ăn, sau khi đi chơi về,…). Cha mẹ, người lớn trong gia đình cũng cần chủ động rửa tay với xà phòng để diệt khuẩn trước khi chuẩn bị bữa ăn cho trẻ, chơi với trẻ,…

– Rửa sạch các loại trái cây và rau quả trước khi ăn, thịt cần được nấu kỹ.

– Bát đũa của trẻ nói riêng, của các thành viên trong gia đình cần được rửa sạch bằng nước nóng, để ở nơi khô ráo.

– Các thành viên trong gia đình cần tẩy giun đầy đủ và thực hiện tẩy giun định kỳ hàng năm, kể cả vật nuôi.

Tầm quan trọng của việc cho trẻ uống thuốc tẩy giun

>>>>>Xem thêm: Liều dùng và lưu ý khi sử dụng Vitamin AD

Cha mẹ nên hướng dẫn và tạo thói quen cho con rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn sau mỗi lần đi ra ngoài về, sau klhi đi vệ sinh hay trước khi ăn

Có thể thấy, việc tẩy giun cho trẻ là vô cùng cần thiết bên cạnh kết hợp các biện pháp giữ gìn vệ sinh, phòng ngừa khác. Kể cả khi cha mẹ có giữ cho nhà ở sạch sẽ, vệ sinh sạch sẽ cho con thì không thể loại bỏ hoàn toàn khả năng nhiễm giun. Vì trẻ là đối tượng thường xuyên tiếp xúc với môi trường ô nhiễm khác nhau như: trường học, sân chơi, nhà hàng, xe cộ,… Tẩy giun là một biện pháp phòng bệnh, cha mẹ không nên đợi con bộc lộ các triệu chứng rồi mới thực hiện. Thay vào đó, lên lịch cho con uống thuốc tẩy giun định kỳ giúp tăng khả năng phòng ngừa nhiễm giun một cách hiệu quả hơn.

Lưu ý, các thông tin trên chỉ dành cho mục đích tham khảo và tra cứu, không thay thế cho việc thăm khám, chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Người bệnh cần tuân theo hướng dẫn của bác sĩ, không tự ý thực hiện theo nội dung bài viết để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *